Cúng ông Công ông Táo cần lưu ý mua sắm những gì

Lễ cúng ông Công ông Táo là một nét truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Lễ cũng rất được người dân coi trọng, bởi theo quan niệm đây là dịp để các ngài về tâu Ngọc Hoàng về mỗi gia đình trong một năm qua.

 Những lưu ý khi cúng ông Công ông Táo cho các gia đình

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

Trong buổi cúng tiễn ông Táo về trời, nhiều gia đình thường chuẩn bị cỗ chay hoặc mặn. Lễ vật chuẩn bị bao gồm: Cá chép, gà luộc, xôi trắng (có thể thay bằng xôi gấc, bánh chưng), thịt lợn luộc, tiền vàng, trầu cau, nước, rượu, trà và trái cây… Đặc biệt, trong mâm cúng ông Công ông Táo từ thượng cổ đến bây giờ người ta kiêng không nên cúng thịt chó, thịt trâu, cá mè, vịt, ngan…

Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc. Theo quan niệm dân gian, gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.

Chuẩn bị thêm cá chép sống (đây là linh vật mà Táo quân dùng để cưỡi khi lên trời). Cá chép sẽ được phóng sinh bằng cách thả xuống ao hồ hay sông và tuỳ vào từng nơi mà bạn có thể và cúng từ 1 đến 3 con cá chép sống. Nếu không có thời gian và điều kiện, các gia đình có thể thay cá sống bằng cá giấy đều được, miễn sao khi cúng có đủ sự thành tâm.

Ngoài ra, trong buổi lễ gia chủ phải chuẩn bị 3 bộ mũ áo có hoa văn khác nhau, trong đó có đồ dành cho 2 vị thần nam, 1 vị thần nữ.

Nên cúng ông Công ông Táo ở đâu?

Theo tín ngưỡng cổ truyền, cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp là tập tục lâu đời. Đây là ngày Táo Quân cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian; tất cả những việc tốt, việc xấu, những gì đã làm được và chưa làm được của con người dưới hạ giới một cách khách quan, trung thực, cũng như chuyển tải mong ước của gia chủ trong năm mới.

Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo.

Các gia đình có thể tiến hành lễ cúng Táo quân ở trong nhà, dưới bếp, ngoài vỉa hè, tùy từng phong tục tập quán mỗi vùng miền. Tuy nhiên cần chú ý không được cúng trên bàn thờ chính.

Nên cúng ông Công ông Táo thời gian nào?

Việc cúng ông Công ông Táo là một điều bình thường theo truyền thống văn hóa của dân tộc. Vậy nên sẽ không có chuyện xấu mà không cúng đúng vào ngày 23 tháng Chạp.

Song, các gia đinh cũng có thể cúng trước ngày đấy 1 vài ngày, thậm chí là 5-7 ngày với ngụ ý là mình sẽ báo cáo mọi việc với ông Táo, còn việc ông Táo lên chầu Trời sẽ đúng ngày 23.

Khi cúng ông Công ông Táo người ta thường tránh cúng vào sau 12 giờ trưa, bởi vì, sau 12 giờ trưa đã đóng cửa thiên đình. Vì vậy, ngày 23 có thể cúng trong buổi sáng.

Theo VietQ.vn

Rate this post

Viết một bình luận