“Mày còn nhỏ lắm, chưa ra ở riêng được đâu”.
“Có nhà Hà Nội mà đi ở trọ? Rồi hàng xóm người ta đánh giá cho”.
Mẹ mình bật khóc, ngay khi nghe mình bảo sẽ ra riêng.
Mình dọn khỏi nhà lúc mẹ đang đi du lịch. Ba ngày sau trở về, mẹ mới biết.
Đó là loạt phản ứng cùng những tình huống khó xử đã xảy ra khi Gen Z thông báo “con sẽ thuê nhà ở riêng”.
Hiếu, An, Hà, Vinh, Phi – là những bạn trẻ sinh ra, lớn lên ở phố. Họ có những điều kiện mà dân tỉnh nhìn vào sẽ tặc lưỡi: “Sinh ra ở phố thích thế”, “Được bố mẹ nấu cho tối thơm phức, lo lắng từng chút như thế còn muốn thế nào nữa” vân vân và mây mây… Nhưng ở lâu trong sự bao bọc, bạn lại khao khát muốn biết thế nào là tự do định đoạt cuộc sống cá nhân, được quyết định sẽ sống cùng với ai, trang trí nhà cửa như nào. Và có lắm điều vui mừng khi được cho free, nhưng nhận xong rồi bạn mới biết hoá ra mình cần cái khác cơ.
Khi Gen Z ra ở riêng, các bạn cũng mang theo những xáo trộn lo toan không kém với dân tỉnh đi ở trọ. Điều giúp những Gen Z ở phố tìm thấy nhau giữa những tâm sự ở riêng có lẽ là: Tinh thần vượt sướng!
“Thoát ly” để khôn lớn
Cao Mạnh Trung Hiếu (sinh năm 1998, tại Sài Gòn): “Năm cuối ĐH mình quyết định chuyển ra ở riêng. Nhà ba mẹ mình ở quận 7 và trường học của mình cũng ở đó. Còn mình thì cuốn gói chuyển sang quận 4 (cười).
Mình luôn mong muốn có trải nghiệm ở xa nhà để thấy sẽ như thế nào khi ở một nơi mình không biết gì, không quen ai, sẽ phải giải quyết từng vấn đề mới phát sinh. Khoảng đầu nửa năm 2020, chính xác là đợt cách ly xã hội, ở nhà suốt ngày khiến mình hơi ngộp, thế là quyết định mình phải ‘thoát ly’ để khôn lớn.
Thôi được rồi, mình thừa nhận, đúng là mình khó chịu khi phải gặp người thân nhiều quá. Vì khoảng cách thế hệ nên mình không chia sẻ được với bố mẹ nên mình muốn ra ở riêng”.
Trung Hiếu ra ở riêng từ năm cuối đại học
Lưu Hà (sinh năm 1998, tại Hà Nội): “Mình đang sống riêng ở Kim Mã, cách nhà bố mẹ 12km. Lý do khiến mình muốn ra ở riêng à? Hừm… Xem nào, có lẽ đến từ vấn đề giờ giấc sinh hoạt thất thường của đôi bên. Khi cả nhà cần quây quần đoàn tụ bên mâm cơm thì mình thích làm việc hoặc phải làm việc.
Khi mình cần nghỉ ngơi (chiều T7, sáng CN) thì cả nhà lại thích liên hoan. 10h mình mới đi làm và mình muốn ngủ tới 9h nhưng 5h mẹ đã tập thể dục xập xình. 6h cháu khóc. 7h cả nhà hò nhau ăn sáng, đó là chưa kể hàng xóm thật sự ồn ào, mật độ xây dựng khủng khiếp, gần như không có ngày nào trong năm không có tiếng khoan đục cưa cắt. Khi bản thân có một khoản tiền, mình quyết định thực hiện ước mơ từ nhỏ của mình đấy là ra ở riêng. Tại một căn nhà có vị trí do mình chọn, với người ở cùng do mình chọn, với cách bài trí, trang trí do mình quyết định, giờ giấc sinh hoạt theo ý mình luôn”.
Hoài An (sinh năm 1999, tại Hà Nội): “Việc va chạm giữa nề nếp sinh hoạt trong không gian sống của mình với bố mẹ đúng là một trong những lý do khiến mình ra ở riêng. Mình sinh ra sau bố mẹ mấp mé 30 năm, sự khác biệt trong thời đại và quan điểm sống là không thể tránh khỏi. Nhưng dung hoà mấy rồi cũng sẽ có lúc phải tách rời ra. Mình đang thuê nhà ở riêng cách bố mẹ 6km”.
Hoài An đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc “thoát ly” để khôn lớn
Đoàn Quốc Vinh (sinh năm 1998, tại Sài Gòn): “Thực chất, mình đã suy nghĩ tới việc ra ở riêng từ rất lâu vì bố mình ở quận 7 trong khi 2 mẹ con mình lại ở chung với nhà bác ở Phú Nhuận. Bác thì đã lớn tuổi nên khi mình muốn đi đâu đó chơi rất khó khăn. Luật là buổi tối mình phải về nhà trước 8h, có khi trễ thì 9h. Mình cảm thấy mình không tự chủ và bị xung đột về thời gian với bác mình”.
Vinh dọn ra ở riêng 3 ngày thì mẹ đi du lịch về mới biết
Kim Phi (sinh năm 1997, tại Sài Gòn): “Mình với mẹ không hợp nhau, cứ ở chung là cãi nhau nhiều thứ. Lúc đó, mình thấy mình quá đáng khi cứ bực mình vì cần không gian riêng. Học hết cấp 3, mình bắt đầu đi làm và nhu cầu có không gian sinh hoạt riêng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Mình đã quyết định đi thuê nhà ở cùng một chị ở chỗ làm. Khi đi, mình chỉ nói với mẹ: ‘Con đi thuê chỗ khác ở riêng’. Có lẽ, cách nói gọn lỏn cộc lốc đó của mình đã vô tình làm mẹ tổn thương”.
Phi nghĩ mình đã làm tổn thương mẹ vì thông báo ra ở riêng
Đối thoại với tổn thương
Đúng như Phi nói, đôi lúc những nhu cầu chất chồng từ ngày ngày qua ngày khác đòi hỏi cần được đáp ứng của Gen Z – như việc được có không gian riêng hay muốn trải nghiệm cuộc sống bên ngoài, nhưng một khi nói ra thì tổn thương là điều không tránh khỏi.
Mẹ Trung Hiếu là người tổn thương nhiều nhất khi biết con trai sẽ dọn ra ở riêng. Mẹ cậu bạn luôn lo mất con. Vì nỗi sợ này quá lớn nên mẹ Hiếu cũng không cho cậu đi du học. Suốt những tháng đầu khi Hiếu chuyển ra ở riêng, mẹ không thèm qua nhà thăm. Đến tháng thứ 8, thứ 9 bà mới bắt đầu nguôi ngoai.
Trung Hiếu và chiếc view xịn xò từ căn nhà thuê để ra ở riêng đầu tiên của mình. Mẹ cậu đã giận cậu suốt một quãng thời gian vì quyết định này
Khi một người mẹ rất yêu thương con “bật chế độ” giận hờn không muốn đoái hoài thì phận làm con nghĩ thôi cũng cảm thấy hoang mang, mất hết cả tinh thần chứ nói gì đến chuyện bình tĩnh chứng minh “con sống ổn mà mẹ”.
Đặc biệt, trong quãng thời gian đầu đi thuê nhà, bạn trẻ còn đối diện với ti tỉ những vấn đề phát sinh khác như: gánh nặng tiền bạc, cảm giác cô đơn lạc lõng khi những ham thích ban đầu vơi đi, ốm đau và tự xoay sở cho những vấn đề của riêng mình… thì sự lạnh lùng phản đối của người thân vô hình trung trở thành bàn tay đẩy Gen Z rơi xuống vực thẳm của những hoài nghi về bản thân. Có những Gen Z chưa kịp thích nghi với cuộc sống mới đã phải vội quay đầu vì không chịu nổi áp lực từ gia đình. Họ nghĩ việc ra riêng đã là một quyết định sai trong khi còn chưa đặt chân đến vạch xuất phát để biết đó là trải nghiệm như thế nào.
Mẹ Hoài An bật khóc ngay khi nghe con nói sẽ ra ở riêng. Bố mẹ của An đã phản đối rất mạnh. Dù đã lường trước, nhưng An cũng không ngờ mọi người lại có phản ứng gay gắt đến vậy.
Đối thoại với tổn thương là một phần của hành trình ra riêng
Lần đầu tiên trong suốt hai mấy năm, An đề bạt một cuộc nói chuyện nghiêm túc với bố mẹ. Cả nhà đã trao đổi trong 2 tiếng. Cậu đã nói rõ dự định, những yếu tố cá nhân khiến mình muốn ra ở riêng. Có nước mắt và những tổn thương riêng từ cả hai phía, song bố mẹ vẫn chấp nhận và tôn trọng lựa chọn của An. Nếu nói 2 tiếng đồng hồ nói chuyện ấy là 2 tiếng “sinh tử” chắc cũng chẳng sai.
Đánh úp – đó chính xác là những gì Vinh đã làm để hợp thức hoá việc ra ở riêng của mình với mẹ. Đợi lúc mẹ đi du lịch, ở nhà Vinh dọn ra riêng. 3 ngày sau mẹ Vinh về mới tá hoả đi kiếm thì biết con trai đã quyết định “thoát ly”. Vinh bảo với mẹ mình không thích ở chung với bác nữa, muốn tự chủ, muốn biết thế giới bên ngoài mọi người đang sống thế nào. Mẹ cậu dù rất buồn và lúc nào cũng gọi cậu về nhưng “gạo đã nấu thành cơm”. Vinh bắt đầu cuộc sống ở ngoài với đúng 1 cái bàn, bộ máy tính và một cái ba lô.
Phòng trọ thứ 2 của Vinh sau khi ở riêng là một phòng thu nhỏ
Nỗi tủi thân của tự do
Cuộc sống nào cũng vậy, đều không hề màu hồng 100%. Ở với gia đình thì ngột ngạt, khác biệt thế hệ không thể chia sẻ nhưng khi Gen Z đi ở riêng thì cũng hãy lên tinh thần đối diện với những điều không như ý khác. Điển hình như cảm giác chông chênh với hàng loạt câu hỏi: “Tại sao tôi có nhà mà lại phải chịu khổ như thế này?”, “Tháng tới làm gì để có tiền đóng tiền trọ, rồi còn bao nhiêu sinh hoạt phí phải chi ra?”, “Có nên quay về nhà lại không?”…
“Thực sự sau 3 tháng mình mới cân bằng với cuộc sống riêng. Quá trình diễn biến tâm lý sẽ diễn ra như này, tháng đầu – mình vui vẻ vì được ở riêng, rủ bạn bè sang chơi banh chành. Đến tháng thứ 2 sẽ là cảm giác siêu cô đơn, xong nghĩ là tại sao mà mình phải chịu áp lực vậy, tại sao không được sướng như ngày xưa. Ở riêng rồi, đi học hay đi làm về có đói và mệt mấy cũng phải tự chuẩn bị đồ ăn, trong khi ngày xưa toàn bố mẹ lo”, Hiếu tâm sự thật.
Share phòng với bạn là cách giúp Hiếu đỡ cô đơn khi sống riêng
Mặc dù đã lên plan cho việc sống riêng khá tỉ mỉ từ việc tiền nong cho đến nhà cửa song chỉ mới 2 tuần thôi An đã thấy lo lắng chuyện kinh tế rồi, thậm chí còn stress. Sau này, cậu bạn mới dần ổn định lại.
“Mình nhận ra dù đã lên kế hoạch kỹ đến cỡ nào thì bản thân vẫn phải đối mặt với vô số việc không tên và không như mình từng hình dung khi ra ở riêng. Có tủi thân, có mệt mỏi, có ức chế… nhưng cũng sẽ có hào hứng, tự hào và những biến chuyển mới làm bạn rắn rỏi và lạc quan hơn”, An chia sẻ.
An và những bữa cơm mà cậu tự nấu khi xa gia đình
Thì ra ở một mình không dễ dàng như vẫn nghĩ. Chuyện cân đối tài chính và các khoản sinh hoạt phí hàng ngày khi có một cuộc sống độc lập vốn là thử thách cân não với bố mẹ bao năm qua, nay đã chuyển sang Gen Z. Mới nếm trải một tí mà đã xỉu ngang rồi!
Thế mới thấy, ở riêng đâu chỉ là tận hưởng những đặc quyền của cuộc sống tự do, mà đây còn là dịp để Gen Z học cách hoạch định tài chính, tổ chức và quản lý mọi thứ liên quan đến nếp sống của mình.
Phi cũng thấm thía điều này ở độ tuổi còn rất trẻ. Cứ một quãng thời gian là phải thay đổi chỗ ở một lần, phải cân đối giữa thu nhập hàng tháng, tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền gửi về phụ gia đình… khiến cô luôn cảm thấy bản thân “chạy đua” với cuộc sống. Trong khi đó, bạn bè đồng trang lứa của Phi đang sống cùng gia đình lại được lo lắng từ li từng tí một.
Một góc nhỏ xinh xắn trong căn phòng hiện tại Phi đang sống
“Sau nhiều lần chuyển trọ, mình cũng tìm được một công việc bao luôn chỗ ở. Lúc này, mình để dành được một khoảng nhỏ gửi cho mẹ và em. Mình thấy vui vì làm được điều này mỗi tháng. Tuy nhiên, điều kiện tốt đó cũng chẳng kéo dài lâu. Mình đổi việc và đồng nghĩa là phải đổi luôn chỗ ở. Liên tục trong gần 3 năm sau đó, mình phải đi làm 2 job một lúc để có thể lo cho gia đình. Hiện tại, mình tìm được một công việc tốt và sống tại quận 2. Đôi khi cũng suy nghĩ sẽ trở về ở với mẹ và hai em nhưng đó là điều ở tương lai. Khi nào mình cảm thấy có thể đủ điều kiện lo cho gia đình, mình sẽ quay về”, Phi trải lòng.
Ở riêng, cần bao nhiêu tiền thì đủ?
18 triệu, 25 triệu, chưa tới 3 triệu, 1 tháng lương của công việc đầu tiên…
Mỗi người đưa ra một con số khác nhau, song, dù ít hay nhiều thì nó đều giúp họ sống sót qua tháng đầu tiên đi thuê nhà, những tháng tiếp theo cho đến hiện tại.
– Mình có khoảng 25 triệu để đóng trước tiền nhà 3 tháng và sắm sửa chút ít, nhà mình thuê đã có đủ đồ cơ bản nên mình có thể ở luôn. Số tiền này hết ngay trong tháng đầu tiên nên mình phải bắt tay vào việc quản lý chi tiêu.
Đây là căn phòng phải dằn cọc 15 triệu đồng dằn cọc cho 1 tháng và đóng tiếp 3 tháng còn lại
– Mình chuẩn bị một plan, 6 tháng đầu mình sẽ xin ba mẹ tiền nhà và tự lo tiền sinh hoạt phí, 6 tháng tiếp sẽ chỉ xin 50% tiền nhà, và khi ra trường sẽ tự lo hết mọi thứ. May mắn là mình đã tự lo liệu hết được từ tháng thứ 3. Tháng đầu tiên mình có 18 triệu tiền dằn cọc (tiền của ba mẹ cho) nên mình không lo lắng lắm, nhưng tới mấy tháng sau là bắt đầu biết sợ. May mắn mình cũng sớm tìm được công việc nên hiện tại đã tự lo được tất cả.
– Lần đầu tiên ra ngoài, tiền trong người mình khoảng 2 triệu mấy 3 triệu. Mình ở chung với bạn nên khi vào chỉ cần chia tiền phòng. Sau khi đóng tiền nhà thì còn 1 triệu mấy để ăn, nên mình phải đi làm việc ngay. Lúc đó, mình làm lương tháng cũng 3-4 triệu nên khá ổn nhưng không có tiền tiết kiệm, chủ yếu là làm tháng nào xào tháng đó.
– Ra ở riêng, phải nói là rất mạo hiểm, mình chả có bao nhiêu tiền ngoài 1 tháng lương của công việc đầu tiên. Lúc đó thuê nhà còn phải đặt cọc hẳn 2 tháng người ta mới cho ở. Chị ở cùng mới bảo hay bây giờ mình mượn sếp, tháng sau mình đi làm trả lại. Lúc đó may mắn gặp người sếp tốt bụng nên cho mượn, hên gì đâu.
Như vậy, xoay sở chính là kỹ năng cần thiết nhất của việc sống tự lập chứ không phải “bao nhiêu tiền là đủ”. Vì thế, khi bạn thật sự cảm thấy mình cần ra sống riêng thì cứ bước với một plan chắc chắn, tiền bạc có thể kiếm trong những tháng sau đó, quan trọng là bạn đã đủ quyết tâm chưa?!
Tips dọn ra sống riêng do Hoài An chia sẻ:
– Hãy thuyết phục bố mẹ nhẹ nhàng, hợp tình hợp lý. Đừng lên gân cốt làm gì để khó nhìn mặt nhau (còn nếu trong trường hợp bất khả kháng, hãy nói ít nhất có thể).
– Nếu đã thuyết phục được bố mẹ rồi thì nên dự trù mức chi phí bạn muốn chi cho tiền nhà và sinh hoạt cơ bản mỗi tháng. Sau đó x3 lên. Nếu trong tài khoản đang có dư thêm chun chút so với con số vừa rồi thì hẵng chuyển.
– Tìm nhà sau Tết, trong mùa đông hoặc mùa mưa tuy vất vả nhưng dễ thuê được nhà rẻ hơn và deal được giá hơn.
– Xem vị trí nhà phải tính tới cả khu đường, ngõ, cổng, cầu thang… có tiện để chuyển đồ vào không?
– Chọn nhà ngoài vấn đề tiền nong, đẹp xấu thì hãy xem hướng nhà coi có hợp mệnh không, mấy cái đồ trong nhà có kỵ phong thuỷ không, nếu có thì có di chuyển/thay thế được không?
– Hãy để ý tiền điện, nước. Điện trên 3,8k/số, nước trên 28k/khối thì là hơi mắc rồi đó.
– Nếu tự nấu ăn, hãy chọn nhà có khu bếp có vách ngăn riêng (hoặc phòng riêng là tốt nhất). Bếp gần giường ám mùi lắm.
– Thêm nữa, đừng ngại mặc cả các khoản phí khi thuê nhà. Cũng như đừng ngại nhờ người khác giúp đỡ. Nếu sống một mình, đảm bảo là có bạn bè thân thiết để lui tới tâm sự, hỗ trợ mình, hoặc có hàng xóm biết đến mình để phòng trường hợp không mong muốn nha.