Xứ Gò Công (Tiền Giang) nổi tiếng là quê hương của nhiều nhan sắc nức tiếng Nam Bộ. Nhưng ít ai biết thị xã ven biển ấy cũng có những danh lam thắng cảnh đẹp níu chân bao du khách.
Hơn 20 năm sống ở Sài Gòn, thế hệ trẻ chúng tôi đam mê dịch chuyển đến những nơi xa xôi, xa rời ánh đèn thị thành. Từ những thửa ruộng bậc thang vùng cao Tây Bắc, những bờ biển dọc miền Trung cho tới hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng có dấu chân người trẻ. Nhưng hỏi về những vùng đất quanh thành phố, tôi chỉ biết lắc đầu.
Ngôi đình cổ và những dấu tích xưa
Sáng chủ nhật ngồi nhâm nhi cà phê, bất chợt bạn tôi hỏi:
“Ông đi Gò Công chưa?”
“Chưa, có gì ở Gò Công mà đi”, tôi đáp gọn gàng.
“Thế đi, đi thử một lần cho biết”.
Sẵn có máy ảnh trong tay, tôi với bạn xách xe máy, 2 đứa rong ruổi từ Sài Gòn xuống Gò Công. Thị xã nhỏ thuộc tỉnh Tiền Giang cách Sài Gòn không xa, chỉ khoảng tầm 60 km. Cứ chạy xuôi theo hướng quốc lộ 50, hướng Cần Được – Long An, qua cây cầu Mỹ Lợi là gần tới rồi.
Cảnh sắc 2 bên cũng chuyển dần từ thành thị sang khung cảnh nông thôn Nam Bộ. Từ trên cầu Mỹ Lợi, nhìn thấy ngút ngàn con sông Vàm Cỏ, bỗng dưng tôi nhớ dấu ấn của những bến phà xưa nay không còn nhiều.
Khung cảnh đình Tân Đông nhìn từ xa.
Điểm đến đầu tiên mà chúng tôi quyết định ghé qua không phải chốn lui tới phổ biển mà là ngôi đình Tân Đông tại ấp Gò Táo, xã Tân Đông, nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 4-5 km. Ngày cuối tuần, cũng có vài du khách tranh thủ tới đây tham quan, chụp ảnh.
Ấn tượng đầu tiên về ngôi đình là những tán cây cổ thụ xòe rợp bóng, xếp tầng trên những bức tường úa màu thời gian, bong tróc từng mảng để lộ ra hàng gạch đỏ tươi. Vẻ hoang sơ, cổ kính bao trùm lên bóng dáng của cả ngôi đình có lịch sử hơn trăm tuổi.
Các cụ cao niên trong làng kể, ngôi đình xây từ đầu thế kỷ 20, như hàng chữ còn ghi lại trên tường là năm 1907. Trải qua bao thăng trầm lịch sử của vùng đất Gò Công, ngôi đình vẫn đứng vững chứng kiến sự thay đổi của mảnh đất này.
Ngôi đình có tuổi đời 111 năm.
Tranh thủ chụp vài kiểu ảnh, tôi nhìn quanh ngôi đình không khỏi xót xa. Chẳng còn bóng dáng một ngôi đình được gìn giữ, làm nơi hội họp của dân làng như trước nữa. Giờ đây, chỉ còn gạch ngói hoang tàn đổ vỡ, cỏ dại mọc chen tán cổ thụ. Chỉ sợ có lúc, dấu ấn thời gian kia cũng sẽ biến mất nếu không được trùng tu, bảo tồn.
Ngôi đình cổ kính nay cũng trở thành địa điểm nhiều bạn trẻ quan tâm, lui tới chụp hình.
Gò Công – Thiên đường của những món ăn bình dị đượm nghĩa tình
Rời đình Tân Đông, chúng tôi chạy xe lại vào phía trong thị trấn Gò Công. Nghe ai đi về cũng nói hải sản Gò Công hấp dẫn thơm ngon lắm, lại rẻ nên chúng tôi quyết định ra biển Tân Thành hóng gió rồi dừng chân dùng bữa trưa.
Nam Bộ vào mùa mưa, trời xầm xì nhưng mưa chưa tới, thích hợp để đi dạo bãi biển. Gò Công không nổi tiếng với những bãi biển cát trắng trải dài mà chủ yếu, người dân nơi đây dựng các bãi nuôi nghêu bên bờ biển Tân Thành.
Cây cầu dẫn ra biển Tân Thành, Gò Công
.
Chúng tôi đi dọc cây cầu dài dẫn ra bãi biển. Cảnh vật ở đây đìu hiu, quạnh quẽ, xa xa thấp thoáng bóng những chiếc chòi canh nghêu của người dân địa phương. Gò Công sẽ không phải nơi phù hợp cho các gia đình muốn nghỉ dưỡng hay tắm biển, nhưng với những người thích lang bạt, thích tận hưởng không khí biển trong lành mà yên bình thì đây cũng là một lựa chọn không tồi.
Ngắm nhìn cảnh biển nơi đây, ta thấy lòng mình như lắng lại; một khung cảnh rất khác so với Vũng Tàu, Nha Trang hay biết bao vùng biển tấp nập người khác.
Những nhà hàng bên bờ biển được dựng trên cọc gỗ trông hết sức ấn tượng.
Thong dong ngắm cảnh, ngắm người đi cào nghêu, chúng tôi quay lại một nhà hàng gần đó, gọi một nồi lẩu hải sản thập cẩm. Biển trưa mà mát mẻ, gió thổi lồng lộng, hương vị của những con nghêu, tôm, mực trong nồi lẩu chua cay cũng thơm ngon hơn ngày thường, có lẽ một phần do do hợp khung cảnh. Khu vực này không thu vé vào cửa, giá đồ ăn uống cũng không quá đắt, 2 người với một nồi lẩu hải sản 200.000 đồng là thoải mái.
Một bữa trưa bên bờ biển Gò Công.
Quê hương của những công trình lịch sử
Đến Gò Công, bạn không nên bỏ qua những công trình lịch sử như Lăng Hoàng gia, dinh Tỉnh trưởng và nhà Đốc Phủ Hải. Chúng tôi đến đúng ngày Lăng Hoàng gia đóng cửa nên vòng về nhà Đốc Phủ Hải trước. Căn nhà xây từ những năm 1860, trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng, căn nhà có dáng dấp kiến trúc Pháp như ngày nay. Dù nằm giữa trung tâm thị xã, căn nhà Đốc phủ Nguyễn Văn Hải vẫn có dáng vẻ trầm mặc.
Chúng tôi là 2 người khách hiếm hoi đến thăm căn nhà lúc bấy giờ. Bên trong nơi đây trưng bày nhiều đồ nội thất có giá trị, pha trộn nét văn hóa Đông Tây.
Nhà Đốc Phú Hải Gò Công.
Ngồi trò chuyện với người trông nom ngôi nhà một lúc, chúng tôi xin phép rời đi. Điểm đến tiếp theo là Dinh tỉnh trưởng Gò Công – một công trình mang kiến trúc Pháp nhưng cũng đã xuống cấp trầm trọng. Khuôn viên dinh Tỉnh trưởng rộng rãi, thoáng mát với một căn nhà chính đồ sộ nằm giữa sân. Giờ đây nó giống như một sân chơi cho người dân Gò Công. Khi tôi tới, thấy có vài đám học sinh trung học đang ngồi trò chuyện, chụp ảnh trước dinh Tỉnh trưởng.
Dinh tỉnh trưởng Gò Công.
Công trình rộng hơn 1.000 m2 này cũng được xây từ năm 1885, nghĩa là cũng đã hơn 130 tuổi chứ chẳng đùa. Hóa ra, thị xã ven biển Gò Công này cũng có nhiều công trình lịch sử sánh ngang thành phố hơn 300 năm lịch sử Sài Gòn mà giờ tôi mới hay.
Chạy xe vòng vòng quanh thị xã, kịp chiêm ngưỡng thêm vài nơi như đền Trung, nhà thờ Thánh Tâm thì trời chuyển giông lớn, chúng tôi đành phải tìm đường về lại Sài Gòn trước khi mưa đổ lại mắc kẹt ở đây. Bỏ lại Gò Công đằng sau, tôi vẫn thấy tiếc vì chưa có dịp thử nhiều món ngon địa phương của thị xã này.
Công trình kiến trúc đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Vừa đi vừa ngoái lại, trong đầu vẫn còn văng vẳng câu hát “Từ Long An, Mộc Hóa, Mỹ Tho xuôi về Gò Công…”. Xuôi về cái miền đất này một ngày ngắn ngủi mà cũng thấy nhớ đất, nhớ người làm sao. Sẽ có dịp, tôi trở lại Gò Công để thưởng thức phong vị ẩm thực và nhìn ngắm lại cuộc sống yên bình, tươi đẹp nơi đây.
Một góc kiến trúc Pháp thơ mộng tại dinh tỉnh trưởng Gò Công.