Da mặt bị ngứa nên ăn gì? Kiêng gì? Tránh làm gì?
Da mặt bị ngứa thường xuyên không chỉ khiến người bệnh khó chịu, mất thẩm mỹ, thiếu tự tin, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý nguy hiểm. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, tình trạng này có thể tiến nặng, gây ra sẹo, vết thâm và các biến chứng nguy hiểm khác. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các nguyên nhân khiến bạn bị ngứa da mặt và cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả.
Nguyên nhân gây ngứa da mặt do đâu?
Da mặt là vùng da rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng bởi các tác nhân và yếu tố bên ngoài. Do vậy, hầu hết mọi người đều có thể gặp hiện tượng ngứa da ở vùng mặt ít nhất một vài lần trong đời.
Có rất nhiều nguyên nhân gây tình trạng ngứa da mặt. Có thể do tác động từ bên ngoài hoặc khởi phát do những thay đổi từ bên trong cơ thể. Nhận biết các nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp quá trình điều trị và phòng ngừa hiệu quả hơn. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến da mặt bị ngứa như:
- Da mặt bị ngứa do dị ứng thời tiết: Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại có thể khiến da không thích nghi kịp. Điều này dễ dẫn tới hiện tượng kích ứng, ửng đỏ, nổi mẩn và ngứa da.
- Ngứa do dị ứng mỹ phẩm: Các sản phẩm chăm sóc và làm đẹp cho da không phù hợp với làn da hoặc chứa những chất độc hại, có thể là nguyên nhân khiến da mặt trở nên ngứa dữ dội.
- Dị ứng thực phẩm: Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như thịt đỏ, lạc, đậu phộng, hải sản, sữa… có thể kích thích cơ thể sản sinh ra các chất dị ứng như Histamin, Prostaglandin… Đây là nguyên nhân khiến da mặt bị ngứa, nổi mẩn đỏ kèm theo chóng mặt, buồn nôn và nôn.
- Dị ứng thuốc: Dị ứng với các thành phần hoạt chất, tá dược trong thuốc thường xảy ra ở những người có cơ địa mẫn cảm hoặc có tiền sử dị ứng trước đó. Tình trạng này có thể xảy ra ở mặt hoặc toàn thân với mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
- Da mặt bị ngứa do vệ sinh không đúng cách: Vệ sinh không đúng cách là nguyên nhân gây ngứa ở bất kỳ vùng da nào, đặc biệt là vùng mặt. Ngứa da có thể là biểu hiện đầu tiên. Lâu dần mặt sẽ xuất hiện mụn, mẩn đỏ, sần sùi, nám sạm…
- Ngứa da mặt do thay đổi nội tiết: Dậy thì, mang thai, sinh nở, nuôi con bú… là những thời điểm nội tiết bị thay đổi dễ gây ngứa da mặt. Ngoài ngứa, người bệnh có thể xuất hiện mụn đỏ, mụn mủ, khô sần, sạm màu…
- Ngứa do da mặt thiếu nước: Nước là thành phần quan trọng để duy trì sự cân bằng độ ẩm trên da. Thiếu nước sẽ khiến làn da bị khô, kém đàn hồi, dễ tổn thương. Đặc điểm cho thấy da bị tổn thương là trên da xuất hiện tình trạng bong tróc, ngứa, sần sùi, nứt nẻ, mọc nhiều nốt…
- Da mặt bị ngứa do dị ứng: Tình trạng này thường xuất hiện ở những người có làn da nhạy cảm. Các yếu tố như phấn hoa, lông động vật, bụi bẩn, nấm mốc, nước bẩn… là những tác nhân dị ứng phổ biến.
- Ngứa da mặt do lão hóa: Làn da bị lão hóa sẽ khiến quá trình tổng hợp lipid và duy trì độ ẩm cân bằng bị ảnh hưởng. Da trở nên mỏng, chảy xệ, có nhiều nếp nhăn và kém đề kháng hơn. Lúc này, bất kỳ yếu tố nào tác động cũng khiến da dễ bị ngứa và nổi mụn, sần.
Da mặt bị ngứa cảnh báo những bệnh gì?
Da mặt bị ngứa có thể là dấu hiệu của những bệnh lý da liễu bên ngoài như mề đay, viêm da dị ứng… Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể khởi phát do những bất thường về sức khỏe bên trong. Do vậy, nếu thường xuyên bị ngứa da mặt, người bệnh không nên chủ quan, mất cảnh giác.
Nhóm bệnh da liễu bên ngoài:
- Ngứa da mặt do bệnh mề đay: Mề đay mẩn ngứa được đặc trưng bởi triệu chứng xuất hiện những nốt đỏ ở một vùng, sau đó lan rộng ra toàn thân, có thể lan tới mặt. Ngứa mặt do mề đay thường rất khó chịu, càng gãi càng ngứa kèm theo cảm giác nóng rát, châm chích.
- Ngứa do bệnh viêm da, chàm: Viêm da có rất nhiều dạng, thể khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các thể bệnh viêm da, chàm da đều gây ngứa ở các mức độ khác nhau. Triệu chứng kèm theo có thể xuất hiện các nốt sần đỏ, mụn nước, mụn mủ hoặc bong tróc, tiết nhờn…
- Nấm da mặt: Nấm da mặt thường xảy ra do chủng vi nấm dermatophytes gây nên. Triệu chứng chung thường là ngứa, tổn thương da dạng ban đỏ, hình tròn, mụn nước… Dạng bệnh này có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với vật dụng cá nhân như quần áo, khăn lau mặt, khăn tắm…
- Vảy nến da mặt: Vảy nến da mặt thường khởi phát do các yếu tố di truyền và miễn dịch, Khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức, vùng da mặt bị tổn thương có thể xuất hiện nhiều vảy sừng bong tróc, ngứa ngáy, ửng đỏ…
Nhóm bệnh lý bên trong
- Bệnh lý về gan, thận: Các bệnh tổn thương chức năng gan, thận là nguyên nhân khiến da mặt bị ngứa dễ gặp nhất. Nguyên nhân do ảnh hưởng của quá trình chuyển hóa và đào thải độc tố bên trong cơ thể ra ngoài khiến da bị ảnh hưởng.
- Bệnh lý về máu: Các bệnh lý về máu như bệnh bạch cầu, bệnh đa u tủy… có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng và lưu lượng máu nuôi dưỡng cho da vùng mặt. Đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên bị ngứa. Nếu gặp những bệnh lý về máu, người bệnh có thẻ xuất hiện các triệu chứng toàn thân đi kèm như da xanh xao, sụt cân, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn…
Những triệu chứng ngứa da mặt
Các triệu chứng ngứa da mặt có thể thay đổi tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh và cơ địa của người mắc phải. Một số triệu chứng dưới đây có thể xuất hiện ở phần đông người bị ngứa da mặt do các nguyên nhân:
- Vùng da 2 bên má ngứa trước. Cơn ngứa có thể dữ dội hoặc châm chích theo đợt
- Xuất hiện các nốt mụn đỏ nhỏ li ti, nằm rải rác hoặc tập trung ở 1 vùng trên mặt
- Các mụn nước xuất hiện, sau đó có thể là mụn bọc hoặc mụn mủ
- Da mặt ửng đỏ, sưng nề kèm cảm giác châm chích, nóng rát
- Da khô, nứt nẻ, sần sùi, bong tróc, đàn hồi kém và thiếu sức sống.
- Các triệu chứng có thể xuất hiện ở một số vùng da khác trên cơ thể.
Bị ngứa da mặt nguy hiểm như thế nào?
Những cơn ngứa da mặt thông thường sẽ không gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người bệnh ngay. Tuy nhiên, nếu chúng xuất hiện thường xuyên, mức độ nặng hoặc kéo dài, bạn có thể phải đối mặt với nhiều nguy hiểm:
- Tổn thương da mặt: Ngứa nhiều, vào gãi liên tục có thể khiến da mặt bị tổn thương, chảy máu, tăng nguy cơ bội nhiễm.
- Mất thẩm mỹ: Đây là tổn thương tiêu cực rất dễ gặp phải ở hầu hết các trường hợp. Những trường hợp nhẹ có thể chỉ gây ra những tổn thương tạm thời, sẽ hồi phục sau khi áp dụng các biện pháp điều trị. Với những trường hợp nặng, da mặt có thể xuất hiện sẹo lồi, sẹo rỗ, vết thâm nám, tàn nhang, lão hóa… rất xấu xí và khó hồi phục.
- Mất tự tin: Mất thẩm mỹ, cào gãi nhiều là những nguyên nhân khiến người bệnh dễ bị mất tự tin, e ngại trong giao tiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và cuộc sống hằng ngày.
- Nguy cơ lão hóa sớm: Các tổn thương trên da mặt do ngứa có thể khiến cấu trúc da bị phá hủy. Người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ ung thư da cao hơn.
Da mặt bị ngứa khi nào cần đi khám bác sĩ?
Tình trạng da mặt bị ngứa ở mức độ nặng, kéo dài, không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn tới các nguy hiểm không hồi phục. Để tránh nguy cơ biến chứng có thể xảy ra, bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi có những triệu chứng như:
- Da mặt bị ngứa kéo dài trên 2 tuần, không có dấu hiệu cải thiện khi thực hiện các biện pháp cải thiện tại nhà và các loại kem không kê đơn.
- Da có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, đau, mụn nước, mụn mủ, chảy dịch…
- Có triệu chứng toàn thân đi kèm như sút cân, sốt cao, mệt mỏi, đau nhức…
- Ngứa kéo dài ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây khó chịu, mất tập trung…
Da mặt bị ngứa phải làm sao? Những cách điều trị ngứa mặt hiệu quả
Có rất nhiều cách để cải thiện tình trạng da mặt bị ngứa. Tùy vào từng nguyên nhân và mức độ ngứa, bạn có thể cân nhắc áp dụng những cách chữa dưới đây:
Chữa ngứa mặt tại nhà bằng mẹo dân gian
Với tình trạng da mặt bị ngứa không nghiêm trọng, ở mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng những cách chữa tại nhà sau:
- Cách dùng nha đam: Lấy 1 – 2 lá nha đam, gọt sạch vỏ, lấy phần thịt trắng bên trong bôi trực tiếp lên da. Thoa đều, massage nhẹ nhàng. Sau khoảng 15 phút, rửa mặt lại bằng nước sạch.
- Cách dùng bột yến mạch: Lấy 1 – 2 thìa cà phê bột yến mạch, thêm nước vừa phải để tạo thành hỗn hợp hơi sệt. Dùng hỗn hợp này đắp lên mặt và massage nhẹ nhàng. Để yên trong khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước sạch. Thực hiện mỗi lần 2 – 3 lần.
- Dùng dầu dừa: Lấy 1 ít dầu dừa thoa lên da mặt sau khi đã rửa sạch và lau khô. Để tăng hiệu quả, bạn có thể trộn dầu dừa với 1 ít bột trà xanh thành hỗn hợp sệt. Thoa lên mặt, để yên khoảng 30 phút rồi rửa lại bằng nước ấm sạch.
- Dùng mật ong: Lấy 1 thìa mật ong, thoa đều lên vùng da mặt bị ngứa sau khi đã làm sạch và lau khô. Để yên trong khoảng 30 phút rồi rửa lại bằng nước ấm sạch.
Ngoài những nguyên liệu trên, nếu da mặt bị ngứa thường xuyên bạn có thể tham khảo các cách dùng sữa chua, khổ qua, bột baking soda, lòng trắng trứng, nước muối loãng… Hiệu quả của những phương pháp này phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Vì vậy, bạn không nên quá lạm dụng nếu sau một vài ngày tình trạng ngứa không được cải thiện.
Bị ngứa da mặt nên uống thuốc gì?
Các loại thuốc Tây chỉ có tác dụng cải thiện các triệu chứng bên ngoài, giảm ngứa, sưng đỏ, phù nề và ngăn ngừa nhiễm trùng. Với những trường hợp ngứa do bệnh lý, người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị nguyên nhân triệt để.
Các loại thuốc được dùng để điều trị, cải thiện da mặt bị ngứa là:
- Thuốc kháng Histamin dạng bôi ngoài hoặc uống: Các loại kem bôi Promethazin 2%, Phenergan, Loratadin, Cetirizin… có tác dụng giảm ngứa hiệu quả.
- Thuốc bôi chứa corticoid: Beprosone, Gentrisone, Fucidin – H… có tác dụng giảm ngứa, ức chế miễn dịch. Thuốc không được dùng trong các trường hợp ngứa do nhiễm trùng.
- Thuốc uống chứa corticoid: Được chỉ định dùng kết hợp trong những trường hợp nặng, dùng thuốc bôi không mang lại hiệu quả.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Tacrolimus 1%… Dùng cho các trường hợp ngứa da mặt do rối loạn miễn dịch trong bệnh chàm, vảy nến da mặt…
- Thuốc chống nấm: Có thể dùng dạng bôi ngoài, dạng uống trong những trường hợp da mặt bị ngứa do bệnh nấm da.
- Thuốc kháng sinh: Dạng uống và bôi ngoài khi bị nhiễm trùng, bội nhiễm hoặc dự phòng bội nhiễm trong trường hợp ngứa da ở mức độ nặng.
Một số loại thuốc tây điều trị da mặt bị ngứa thường dễ gây ra các phản ứng phụ tại chỗ và toàn thân như mỏng da, teo da, rậm lông, giãn mạch dưới da, suy gan, suy thận cấp, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường… Do vậy, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc tây tại nhà. Tốt nhất, nên tìm đến các cơ sở y tế chuyên nghiệp để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán xác định, kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách.
Điều trị ngứa da mặt an toàn bằng thuốc Đông y
Theo các tài liệu YHCT, ngứa da mặt khởi phát do các yếu tố bên trong cơ thể như suy giảm chức năng can, thận, miễn dịch suy yếu. Từ đó, tạo điều kiện cho phong hàn, ngoại tà xâm nhập, làm độc tố tích tụ dưới da và gây ngứa ngáy.
Để điều trị các thể da mặt bị ngứa, các bài thuốc Đông y thường chú trọng đi sâu giải quyết căn nguyên bên trong, bồi bổ chức năng can thận, tăng cường khí huyết, nâng cao sức đề kháng. Nhờ đó, đông y giúp giải quyết triệt để các tình trạng ngứa da, nổi mẩn đỏ, nổi mụn an toàn và triệt để hơn.
Một số bài thuốc Đông y được dùng trong điều trị da mặt bị ngứa là:
- Bài thuốc 1: Đương quy, ngải diệp, xà sàng, khổ sâm, phòng phong, bạch tiên bì, kinh giới. Sắc thuốc với khoảng 4 lít nước, đun sôi trong nửa giờ, có thể dùng để xông hoặc rửa mặt nhằm giảm bớt ngứa ngáy, khó chịu trên da.
- Bài thuốc 2: Xà sàng, bạch tật lê, bạch tiên bì, thuyền thoái, dạ giao đằng, thương nhĩ tử. Cách dùng: Sắc với 4 lít nước trong khoảng nửa giờ. Dùng nước thuốc để ngâm rửa hoặc xông mặt hằng ngày. Sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Các bài thuốc Đông y đều sử dụng thảo dược tự nhiên, có độc tính thấp nên khá an toàn cho làn da nhạy cảm. Tuy nhiên, hiệu quả của những bài thuốc này khá chậm và phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Do vậy, người bệnh nên tìm đến các cơ sở khám chữa da liễu bằng YHCT để được thăm khám và bốc thuốc phù hợp.
Da mặt bị ngứa nên ăn gì? Kiêng gì? Tránh làm gì?
Song song với việc áp dụng các cách chữa ngứa da mặt bằng thuốc và không dùng thuốc, các chuyên gia cho rằng, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề trong chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và điều trị hằng ngày như:
Da mặt bị ngứa đỏ nên ăn gì?
- Các loại rau xanh: Mồng tơi, bắp cải, rau má, diếp cá, rau cải, súp lơ…
- Các loại trái cây tươi giàu vitamin C: Cam, bưởi, quýt, dâu…
- Các thực phẩm giàu Omega 3, kẽm: Cá hồi, cá thu, ngao, hạt óc chó, hạt chia, rau chân vịt…
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt
- Các thực phẩm tăng cường sức đề kháng: Trà xanh, gừng, tỏi, sữa chua…
- Uống nhiều nước
Da mặt hay bị ngứa nên kiêng ăn gì?
- Thực phẩm nhiều đường, muối, dầu mỡ..
- Thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp
- Nước ngọt, nước trái cây đóng chai
- Các món ăn lên men như dưa cà muối
- Thực phẩm có nhiều gia vị cay nóng như tiêu, ớt, mù tạt…
- Thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt đỏ, lạc, đậu phộng…
- Đồ uống có cồn, bia rượu, thuốc lá, cà phê, đồ uống có gas, chất kích thích khác
Da mặt bị ngứa đỏ cần làm gì, tránh làm gì?
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu. Không tự ý mua, bôi hoặc uống bất kỳ loại thuốc nào không có trong đơn thuốc.
- Chủ động tránh xa các tác nhân gây ngứa như hóa chất, mỹ phẩm dị ứng, bụi bẩn, lông thú…
- Che chắn da mặt cẩn thận khi đến nơi nhiều bụi bẩn, hóa chất, ánh nắng mặt trời…
- Ngưng sử dụng các loại mỹ phẩm nếu thấy da mặt bị ngứa đỏ, nổi mụn hoặc các dấu hiệu dị ứng khác. Với các sản phẩm làm sạch, skincare hằng ngày, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn phù hợp.
- Vệ sinh da mặt sạch sẽ hằng ngày.
- Không cào gãi, chà xát hoặc chạm tay lên da mặt vì có thể khiến tình trạng ngứa da trở nên nghiêm trọng hơn.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp, có thành phần lành tính cho da nhạy cảm để cải thiện các tổn thương trên da. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia để lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Phòng ngừa
Nếu da mặt hay bị ngứa, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dưới đây:
- Uống đủ nước mỗi ngày, ưu tiên nước khoáng, nước tinh khiết
- Xây dựng thực đơn dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, đủ chất. Tăng các thực phẩm nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất, kẽm, omega 3 để tăng cường khả năng miễn dịch, đề kháng cho da.
- Rèn luyện thân thể, tập thể dục thường xuyên để thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố qua da.
- Không thức khuya, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi để tránh stress quá mức.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm dễ gây dị ứng, đặc biệt là với những người có cơ địa mẫn cảm.
- Sử dụng kem chống nắng và che chắn da khi ra ngoài, di chuyển dưới trời nắng.
- Lưu ý khi lựa chọn các loại mỹ phẩm dành cho da mặt có nguồn gốc rõ ràng, thành phần lành tính, an toàn, không gây hại cho da, không chứa chất bảo quản, hương liệu độc hại
- Sử dụng nước sạch để vệ sinh da mặt hằng ngày
- Thăm khám bác sĩ khi xuất hiện những triệu chứng bất thường trên da mặt.
Da mặt bị ngứa là tình trạng phổ biến có thể gặp ở hầu hết mọi người. Với những trường hợp da mặt hay bị ngứa, mức độ nặng và kéo dài, người bệnh nên cảnh giác với các bệnh lý nguy hiểm. Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này và biết các xử lý, khắc phục hiệu quả.