Đá sapphire xanh: Biểu tượng của sự bình yên và trí tuệ

Trong khi hồng ngọc (ruby) được mệnh danh là “vua của các loại đá”, thì lam ngọc (sapphire) lại được gọi là “nữ hoàng của các loại đá”, dù chúng được các Hoàng đế và đức Giáo hoàng châu Âu đeo làm trang sức

Lam ngọc (sapphire) là người anh em xanh lam của hồng ngọc (ruby). Vì cả hai loại đá quý này cùng thuộc họ corundum.

Khi cái tên sapphire được sử dụng mà không có tiền tố chỉ màu sắc, nó hàm ý viên đá mang sắc xanh lam. Màu xanh này đến từ các tạp chất sắt, titan, hoặc kết hợp cả hai, lẫn trong khoáng thể corundum.

Từ lâu, sapphire đã là một trong tứ đại đá quý, cùng với kim cương, hồng ngọc và ngọc lục bảo. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều người hiểu sự quý giá của loại đá này.

Để bắt đầu hành trình đầu tư vào đá quý sapphire xanh, hãy cùng tìm hiểu cặn kẽ về loại đá này cùng Harper’s Bazaar Việt Nam. Chúng tôi đã mời ông Roland Schluessel, một chuyên gia trong ngành đá quý thế giới để chia sẻ những thông tin quan trọng nhất bạn cần biết về đá sapphire xanh.

VỀ TÁC GIẢ, CHUYÊN GIA ROLAND SCHLUESSEL

Roland Schluessel sinh ra ở Thụy Sỹ và trải qua một phần thời thơ ấu ở Milan, Ý. Sau khi tốt nghiệp các trường Kinh doanh, Quản lý và Tiếp thị ở Thụy Sỹ, ông theo học ngành đá quý ở Đức và London, Anh. Tại Anh, ông nhận giải thưởng Rayner năm 1985.

Trong nhiều chuyến đi đến các trung tâm và địa điểm khai thác đá quý ở Nam Mỹ, châu Phi, châu Âu và châu Á, Roland đã chụp được hơn 200.000 bức ảnh về quá trình khai thác đá quý và các quá trình địa chất như núi lửa phun trào. Các bài thuyết trình của ông về đá quý đã được đánh giá cao ở nhiều nước trên thế giới.

Roland cũng là tác giả của một cuốn sách về hồng ngọc và ngọc bích từ Myanmar. Cùng với vợ là Nata, họ sở hữu công ty bán buôn đá quý Pillar & Stone International, chuyên về đá quý màu và ngọc bích. Roland Schluessel hiện cư trú tại San Francisco.

Xanh lam, gam màu quý của nhân loại

Xanh lam là một màu êm dịu, tượng trưng cho sự thanh thản, chung thủy và vĩnh cửu. Sắc xanh này cũng tượng trưng cho sự ổn định, khôn ngoan và chữa lành.

Trong tiếng Hindi và tiếng Myanmar, từ “xanh lam” có nghĩa là đẹp. Trong một số nền văn hóa châu Á, kể cả Trung Quốc, màu xanh lam được coi là một biến thể của màu xanh lá cây. Cả hai màu đều được gộp chung với thuật ngữ “qing” (xanh).

Trong tất cả các màu, màu xanh lam được lòng cả phái đẹp lẫn phái mạnh. Rất có thể bởi vì nó là một màu trung tính và êm dịu, cho dù là xanh ngọc lam hay xanh đen đậm.

Trước khi người ta phát hiện ra màu xanh chàm nhân tạo, xanh lam là màu hiếm nhất và đắt nhất được sử dụng trong hội họa. Lý do vì màu xanh lam hầu như chỉ có trong các nguyên tố không thể chuyển hóa thành sắc tố, ví dụ như đại dương và bầu trời. Màu xanh biển sẫm trong bức tranh cổ được tạo ra bằng cách nghiền nát ngọc lapis-lazuli.

Sự hình thành địa chất của đá quý sapphire

Về mặt hóa học, sapphire là một ô-xit nhôm – thành phần khá phổ biến trong magma nóng chảy bên dưới vỏ trái đất. Tuy nhiên, đá sapphire xanh lam rất hiếm, đặc biệt là những viên có màu sáng, hoặc có màu tinh khiết.

Những viên ngọc đẹp nhất được hình thành trong các loại đá biến chất nghèo nguyên tố sắt. Đây là loại đá được biến đổi qua tác động của áp suất và nhiệt độ trong quá trình hình thành núi. Sri Lanka, Madagascar, Kashmir, và Myanmar (Burma trước đây) là những vùng đất danh tiếng nhất sản sinh ra sapphire từ quá trình đá biến chất (metamorphic rock).

Sapphire cũng được tìm thấy trong đá bazan. Những loại đá này ngoi lên bề mặt trái đất thông qua hoạt động của núi lửa, đôi khi có các tinh thể sapphire hiện diện trong dung nham. Thật không may, đá bazan giàu chất sắt làm tối và mờ màu xanh của sapphire. Có rất nhiều nguồn cung đá sapphire bazan, ví dụ như Nigeria, Ethiopia, khu vực Thái Lan – Campuchia – miền Nam Việt Nam, Trung Quốc và Úc.

ĐÔI NÉT VỀ ĐÁ SAPPHIRE XANH VIỆT NAM

Việt Nam có cả hai loại sapphire biến chất và sapphire bazan. Địa chất đã tạo ra sapphire biến chất sáng màu ở miền Bắc Việt Nam và sapphire bazan sẫm màu ở miền Nam Việt Nam.

Lưu ý gì khi chọn mua đá quý sapphire xanh?

Sapphire xanh có thể phù hợp với mọi ngân sách, từ 500 USD/carat đến 100.000 USD/carat và cao hơn nữa. Hãy chọn viên đá phù hợp với túi tiền mà bạn nghĩ là đẹp.

Giá trị của sapphire xanh phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào vẻ đẹp của màu sắc của viên đá. Nhưng vì sapphire không quý hiếm bằng ruby nên chất lượng độ trong và chất lượng cắt được yêu cầu cao hơn.

1. Màu xanh quý hiếm nhất

Dải màu của đá sapphire xanh trải từ màu xanh rất nhạt đến xanh đen sẫm. Trong khi những viên sapphire sáng màu có thể được sử dụng như một loại đá quý rực rỡ, thì những viên đá màu xanh đậm lại ít được ưa chuộng hơn. Lý do là vì chúng gần như màu đen trong ánh sáng đèn sợi đốt. Màu xanh lam có cường độ trung bình, không có bất kỳ màu thứ cấp xanh lục và/hoặc màu xám là màu đẹp nhất.

Sapphire đa sắc, có nghĩa là màu sắc của sapphire là sự pha trộn của hai màu khác nhau. Cụ thể là màu vàng và xanh lam trong đá sapphire xanh.

Từ khoa học màu sắc, chúng ta biết rằng sự pha trộn giữa màu vàng và xanh lam tạo ra màu xanh lá cây. Nếu một viên sapphire cắt facet không có hướng hoàn hảo để hiển thị sắc lam tinh khiết nhất, một số màu xanh lá cây có thể xuất hiện. Màu thứ cấp xanh lục trong viên sapphire xanh lam giống như vết dầu loang trong nước. Nó làm giảm đáng kể vẻ đẹp và giá trị của viên sapphire.

Đá sapphire xanh sở hữu màu xanh “hoa ngô” (cornflower blue). Trên thực tế, nó không chỉ là một màu sắc. Nó là sự kết hợp hiếm hoi của màu xanh lam tinh khiết từ trung bình đến trung bình đậm, với kết cấu mịn như nhung giúp giảm thiểu các vùng tối của một viên đá quý. Độ sáng mới quyết định giá trị của một viên sapphire, nhiều vùng tối được đánh giá là kém hấp dẫn.

Những viên ngọc bích màu xanh “hoa ngô” tốt nhất có nguồn gốc từ các mỏ đã cạn kiệt ở Kashmir, và từ một số nơi được khám phá gần đây ở Madagascar. Sri Lanka thỉnh thoảng sản xuất một số loại sapphire “hoa ngô” có màu xanh lam trung bình. Sapphire Kashmir có thể có giá hơn 200.000 USD mỗi carat khi tất cả các thông số chất lượng đều đạt tiêu chuẩn cao nhất.

Màu xanh lam “hoàng gia” (royal) là màu xanh lam đậm, đậm hơn màu xanh lam “hoa ngô”, đôi khi có chút sắc màu tía rất tinh tế. Các mẫu đá đẹp nhất thường có nguồn gốc từ Thung lũng Mogok ở Myanmar. Những viên sapphire màu xanh lam “hoàng gia” của Myanmar này được xác định bởi chất lượng tinh thể trong suốt có màu xanh lam đậm, kết hợp với phản xạ sống động của các tia màu khác nhau của màu xanh điện tử và một số tia màu đỏ. Sapphire xanh “hoàng gia” cũng được tìm thấy ở Sri Lanka, Madagascar và Kashmir.

Màu sắc được săn đón của sapphire Sri Lanka là màu xanh lam “cổ chim công” (peacock’s neck blue). Thuật ngữ này không nên nhầm lẫn với cái gọi là “sapphire chim công” (peacock sapphire). Đá “sapphire chim công” có sự pha trộn màu sắc của tông xanh lục và hơi xanh lam giống như màu sắc tô điểm trên đuôi con công, chúng có giá trị thấp hơn nhiều.

LƯU Ý VỀ THUẬT NGỮ MÀU SẮC

Hệ thống màu sắc đã phát triển theo thời gian và bất kỳ thuật ngữ màu nào không dựa trên khoa học màu sắc (ví dụ: hệ màu Munsell) đều mang tính chủ quan.

Các thuật ngữ màu phổ biến như “hoa ngô” và xanh lam “hoàng gia” là các thuật ngữ thương mại và tiếp thị. Các mô tả của chúng không được chuẩn hóa. Do đó, những màu này không được sử dụng nhất quán trong thương mại và trong các phòng thí nghiệm đá quý.

Nhiều người quảng cáo đá quý của họ với các thuật ngữ màu sắc được yêu thích để tăng khả năng tiếp thị. Việc đó cũng tương tự như những đứa trẻ luôn gọi mọi chiếc xe màu đỏ là “Ferrari”!

Thuật ngữ màu sắc không dành riêng cho một nguồn gốc địa lý. Tuy một thuật ngữ màu sắc uy tín thường đẩy giá bán của viên đá quý lên, nó vẫn không nhất thiết làm tăng giá trị của đá. Giá trị đích thực của viên đá phụ thuộc vào vẻ đẹp, độ hiếm và các thông số chất lượng khách quan nhất có thể.

Ngoài ra, việc sử dụng thuật ngữ màu sắc để mô tả đá không đảm bảo mô tả đặc tính tự nhiên của nó. Ví dụ: có rất nhiều viên sapphire nhân tạo màu xanh lam “hoa ngô” và đồ nhái thủy tinh được bán trực tuyến. Tuy nhiên, chúng được miêu tả chung chung như “đá sapphire xanh lam hoa ngô”, “viên đá xanh kiểu hoa ngô”, “đá Kashmir” hoặc “đá giống loại ở Kashmir” – đây là những thuộc tính khá khác nhau mà người mua cần tìm hiểu kỹ.

Hãy chọn lựa đá quý của bạn một cách khôn ngoan với những chứng từ liên quan đến các tiêu chí khắt khe nhất phù hợp với ngân sách của bạn. Nếu một người bán nói với bạn rằng sapphire màu xanh lam “hoa ngô” không khác biệt gì với sapphire màu xanh lam nhạt, bạn biết rằng bạn đang giao dịch với sai người.

2. Quan sát sự đều màu của viên đá

Trước khi mua một viên sapphire xanh lam, hãy quan sát đá dưới ánh sáng ban ngày và dưới ánh đèn sợi đốt. Nếu màu đá quá tối dưới ánh đèn sợi đốt, thì đừng mua, trừ khi bạn thích đá màu tối hoặc đá có giá thành hợp lý.

Hầu hết các viên sapphire phân bổ màu không đều. Những viên đá có sự phân bổ màu bất đồng đều khi nhìn qua mặt phẳng từ trên xuống (table), thay vì nhìn từ mặt bên, sẽ tạo cảm giác khó chịu hơn. Một viên sapphire có màu sắc đồng nhất khi quan sát từ mặt phẳng trên (table) có giá trị hơn.

Các viên sapphire tạo ra từ quá trình hình thành bazan không chỉ có đặc điểm là màu xanh lam đậm hơn, mà còn hiển thị vùng màu rõ hơn. Ngoài ra, bởi vì chúng thường xuất hiện trong các dạng tinh thể tương đối phẳng, sapphire bazan thường được cắt phẳng hơn so với sapphire biến chất. Cách cắt này càng làm giảm độ sáng của viên đá.

3. Hiểu về tạp chất trong sapphire

Khi được cắt giác đúng, một viên sapphire chất lượng cao gần như không thể hiện tạp chất khi nhìn bằng mắt thường. Những viên sapphire tạp chất thấy được bằng mắt thì có giá thành thấp hơn. Tất cả nằm ở lựa chọn của người mua.

Đôi khi yêu cầu về vẻ đẹp của màu sắc, độ trong hoặc kích thước phải phù hợp với túi tiền. Mỗi nền văn hóa, mỗi một cá nhân có những quan điểm khác nhau. Tuy màu sắc có thể thuộc về sở thích, nhưng một viên đá với độ tinh khiết không cao luôn là vấn đề khó bỏ qua.

Sapphire và ruby được cắt như viên cabochon hình vòm để tạo ra đá sao sáu tia được săn lùng đặc biệt ở Đông Á. Chúng có giá cao khi mang màu sắc đẹp và độ trong tốt.

Người mua hãy cẩn thận: Sapphire nhân tạo và đồ nhái cũng có tạp chất. Tạp chất không phải là bằng chứng của một viên đá thật!

4. Giá trị của đá quý sapphire phụ thuộc một phần vào việc xử lý nhiệt

Sapphire trải qua xử lý nhiệt để thay đổi màu sắc và/hoặc độ trong của chúng để dễ bán hơn. Đá quá tối được nung nóng để giảm độ tối. Sapphire có màu trắng đục và các viên có màu thứ cấp được nung nóng để cải thiện độ trong suốt, tạo nên màu xanh lam tinh khiết hơn.

Việc xử lý nhiệt sapphire là một quá trình được thực hiện ở Sri Lanka từ hơn 1.000 năm trước. Đây là phương pháp cải thiện chất lượng đá truyền thống thường xuyên được áp dụng. Ngoài ra, có một phương pháp xử lý mới (xử lý khuếch tán), là thêm các ngoại chất vào đá.

Hãy cẩn thận, đừng để bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài. Sapphire đã qua các phương pháp xử lý trên thị trường đều có một mức giá cụ thể. Một viên đá quý được công nhận là tự nhiên không có nghĩa là nó không qua xử lý. Điều đó chỉ có nghĩa rằng, đó không phải là đá nhân tạo.

ĐỊA CHỈ MUA SẮM: SHREVE & CO

Thành lập vào năm 1852, Shreve & Co. là nhà bán lẻ trang sức lâu đời nhất bang California, Mỹ. Công ty có cửa hàng tại trung tâm San Francisco và Trung tâm mua sắm Stanford tại Palo Alto.

Với tư cách là giám tuyển cho các mặt hàng xa xỉ, Shreve & Co. mang đến những trải nghiệm mua sắm đặc biệt, tạo cơ hội cho quan khách khám phá. Mỗi tuyệt tác trang sức, đồng hồ tại Shreve & Co. đều là hiện thân của nghệ thuật chế tác thủ công đỉnh cao – làm nên vẻ ngoài khác biệt, mới mẻ cho những ai yêu thích các vật phẩm tuyệt đẹp.

Shreve & Co. tự hào là nhà phân phối của nhiều thương hiệu lừng lẫy như Patek Philippe, Panerai, Tudor, IWC, Vacheron Constantin, A. Lange & Sohne, Hearts on Fire, Harry Kotlar, Mikimoto và nhiều tên tuổi khác.

Để khám phá thêm về chúng tôi, bạn có thể truy cập website shreve.com hoặc liên hệ Tony Gross tại địa chỉ e-mail tgross@Shreve.com.

>>> Xem thêm: 7 ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT TRƯỚC KHI MUA ĐÁ QUÝ HỒNG NGỌC

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Rate this post

Viết một bình luận