Đặc điểm văn hóa truyền thống vùng Bắc Ninh từ kho tàng phương ngôn xứ Bắc

20170915091109-5

Khổng Đức Thiêm  

  1. BẮC NINH – CÁI NÔI KINH THI CỦA TRỜI NAM

Khi bắt tay vào sưu tầm, ghi chép Nam phong giải trào (Thơ dân gian của người Nam theo kiểu Kinh thi) và Nam phong nữ ngạn thi (Ngạn ngữ bằng thơ về phụ nữ nước Nam), Trần Danh Án (Liễu Am), Ngô Đình Thái (Ngô Hạo Phu) và Trần Doãn Giác[1] đã ngầm khẳng định, thơ ca dân gian của người Việt không hề thua kém Kinh thi của Trung Quốc. Và, nhờ có những công trình trên, khi bắt tay biên soạn bộ Quốc chí đồ sộ mang tên Đại Nam nhất thống chí, Cao Xuân Dục và các sử quan trong Quốc sử quán triều Nguyên đã không ngần ngại xác quyết rằng, tại vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc xưa “đến như những câu ca dao nơi xóm làng có liên quan đến phong hóa cũng có thể gần các câu trong Kinh thi”[2].

Nam phong giải trào và Nam phong nữ ngạn thi ra đời vào khoảng cuối Lê, đầu Nguyễn. Theo lời bạt đầu sách do Trần Doãn Giác viết thì:

“Tiên sinh Liễu Am gặp thời buổi gian nan, tăm tối thường hay mượn lời trào lộng, hài hước để ghi lại lời trung phẫn của mình. Tiên sinh Ngô Hạo Phú thì cùng sống trong cảnh hoạn nạn không kém nên cũng mượn lời ngâm để tiêu khiển nỗi sầu muộn. Giác tôi, sau đường quê từng trải, lòng hằng yêu mến những câu phong dao nơi xóm ngõ, những khúc hát cửa đình, bèn thu nhặt mà dịch ra Hán văn”.

Theo Đại Nam nhất thống chí, những câu ca dao nơi xóm ngõ của vùng Bắc Ninh có thể ví với những thiên trong Kinh thi là:

“- Anh đà để vợ anh rồi

Con anh thơ dại mặc trời với anh

– Vợ anh như ngọc như ngà

Anh còn tình phụ nữa là thân em”

(Đây là chê người chán vợ cũ, mê vợ mới).

– Em đi đêm em sợ ông thầy

Em đi ban ngày sợ mẹ mấy cha

Yêu em anh mở cửa anh ra

– Ở nhà sợ mẹ cùng cha

Lẽ đâu tôi dám nguyệt hoa cùng người

(Đấy là lời trai gái ước hẹn với nhau)[3]”.

Hiện chúng tôi còn có trong tay bài tiểu dẫn của Trần Doãn Giác nói về sự  chuyển đổi tài hoa  của một câu phong dao của người Việt sang thể Kinh thi mà tác giả cho rằng, bài ca dao đó thuộc thể phú nói về chuyện những ngươpì phụ nữ đã cảnh báo cho nhau chớ lấy chồng là người Kẻ La bởi những lý do rất đời thường ở nơi quanh năm chân lấm tay bùn.Kẻ La ở đây đại diện cho nhiều làng quê nghèo ở Việt Nam.Câu chuyện như sau:

“Tập này do Hoàng giáp khoa Đinh Mùi (1787) triều Lê cũ hiệu Liễu Trai tiên sinh khởi đầu vậy.Tiên sinh trong buổi cuối Lê đầu Tây Sơn cùng các danh công khác mai danh ẩn tích.Các bậc giỏi Quốc ngữ như tiên sinh Liễu Khê,tiên sinh Ôn Như có làm một câu thơ nói về việc người vợ góa tự kêu khổ như sau:”Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng/Khép chồng áo lại để dành hơi”.Tiên sinh diễn giải ra chữ Hán như sau:”Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh/Phong trùng san tử hoach dư hương”.Các ông thán phục,cho là dịch giỏi.Bèn chọn trong lời quê mùa có câu”Vật giá bỉ La”(chớ lấy Kẻ La) yêu cầu hai ông dịch.Hai ông đều lấy hết sở trường ra soạn thành đường luật nhưng đều cho là khó.Tiên sinh ứng khẩu đọc như sau:”Thiên vạn tư niên/Vật giá bỉ La/Ngôn xú kỳ tương/Ngôn hắt kỳ gia”(Ngàn muôn chớ lấy Kẻ La/Cái tương thời thối,cái cà thời thâm). Các ông hỏi:”Vì sao nói như vậy?”.Ông bảo đó là Ba luật.Cử tọa cười nghiêng ngả. Từ đó ,mỗi khi thưởng thức thơ thì lại tìm kiếm những lời quê mùa đưa cho các tiên sinh giải ra chữ Hán,theo thứ tự có đến mấy chục bài,người ta truyền tụng”

        Có lẽ  Phạm Thuận Thành khi công bố các bài viết Hoàng giáp Trần Danh Án – người đầu tiên sưu tầm ca dao Việt Nam (phamthanh.vnweblogs.com) Đưa ca dao sánh với Kinh thi (Báo điện tử Đại biểu nhân dân, 2/10/2012).Đã tham khảo Trần Doãn Giác,nhưng đôi chỗ làm không kỹ nên chữ tác thành chữ tộ,như sau:

“Mùa xuân 1789 vua Quang Trung đại phá quân Thanh, Lê Chiêu Thống lại chạy theo quân Thanh định tính kế “phục quốc” tiếp. Trần Danh Án ở lại lẩn trốn trong dân gian. Vua Quang Trung cử Ngô Thời Nhậm nhiều lần đến mời ông ra làm việc nhưng ông kiên quyết cự tuyệt tỏ rõ một lòng trung với nhà Lê qua câu thơ: “Người sau bên mộ giơ tay trỏ/ Tiến sĩ đời Lê cũ họ Trần”. Trong thời gian lánh nạn này, Trần Danh Án đã gặp Nguyễn Gia Thiều một cựu thần nhà Lê cũng kiên quyết cự tuyệt làm quan với Tây Sơn. Hai vị cựu công thần cùng chí khí lại là hai nhà thơ lớn rất ý hợp tâm đầu, đã gặp nhau là bàn chuyện thơ phú. Một lần Nguyễn Gia Thiều đọc cho bạn nghe bài thơ “Khóc Thị Bằng” mới làm có câu: “Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng/ Khép manh áo lại để riêng hơi”. Trần Danh Án thán phục thơ quốc âm cũng bóng bẩy sâu sắc bèn diễn giải ra Hán văn để so sánh: “Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh/ Trùng phong khâm tử hộ dư hương”. Mọi người có mặt đều khen ông diễn dịch hay nhưng vẫn chưa thể vượt được ý tứ câu thơ quốc âm. Nhân câu chuyện vui vẻ có người đọc ra một câu nói cửa miệng của dân gian đề nghị hai nhà thơ dịch ra thể thơ Đường là: “Muôn nghìn chớ lấy Kẻ La/ Cái tương thì thối, cái cà thì thâm”. Cả hai nhà thơ đều kêu khó. Mãi sau Trần Danh Án dựa theo Kinh Thi mà dịch ra như sau: “Vạn thiên tư niên/ Vật thử bỉ La/ Ngôn xú kỳ tương/ Ngôn hắc kỳ cà”. Mọi người ngỡ ngàng câu nói cửa miệng trong dân gian mà dịch sang Hán văn lại hay thế, chẳng kém gì Kinh thi của người Trung Quốc. Từ đó Trần Danh Án tiếp tục sưu tập ca dao và dịch sang Hán văn được nhiều câu nữa”.

Để hiểu hơn tại sao người xưa lại lấy Kinh thi là đỉnh cao của chuẩn mực khi đem những vần thơ dân gian hay nhất, đẹp nhất của người Việt ra so đọ, xin có vài dòng nói thêm về tuyệt phẩm này.

Trước hết, Kinh thi trong thời cổ đại luôn được coi như một Giáo khoa thư, nói như Khổng Tử thì không học Kinh thi thì ăn nói không thông (Bất học Thi vô dĩ ngôn) bởi đọc nó, người ta có thể phấn hưng ý chí, xem xét được việc hay dở, hòa hợp được với mọi người, giãi bày nỗi sầu muộn, gần thì học được thờ cha kính mẹ.

Vậy Kinh thi là gì mà được người Trung Quốc đề cao đến vậy. Đơn giản, đó chỉ là một bộ sách tập hợp những ca dao, ngạn ngữ rất cổ của người Trung Hoa. Qua đó, người ta có thể biết được phong tục, tập quán, tình trạng xã hội và chế độ chính trị. Ngoài những ca dao mô tả về tình luyến ái, sự chung thủy vợ chồng, cảnh sinh hoạt của nhà nông còn có những bài về chứng phẩm của nghề nông.

Khi tập hợp thi ca dân gian vào Nam phong giải trào, Nam phong nữ ngạn thi các soạn giả kể trên chắc chắn cũng muốn lưu lại cho đời sau một di sản dân gian quý giá của dân tộc. Tiếc rằng cho đến nay, một cuốn Giáo khoa thư có giá trị như thế vẫn chưa được khai thác và phổ biến sâu rộng trong dân chúng.

Tuân theo những giá trị mà Nam phong giải trào, Nam phong nữ ngạn thi đã làm chúng tôi xin đi sâu vào một vài đặc điểm văn hóa truyền thống vùng Bắc Ninh tìm thấy từ kho tàng ca dao, tục ngữ và phương ngôn của địa phương. Những dẫn chứng được nêu ra trong bài viết này được khai thác từ công trình Phương ngôn xứ Bắc của tác giả, do Sở Văn hóa thông tin và Thể thao Hà Bắc ấn hành năm 1994 và Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 1995.

  1. BẮC NINH CÓ MỘT NỀN VĂN HÓA NỔI TRỘI SUỐT NGÀN NĂM

Sự nổi trội của một nền văn hóa trên phong vực Bắc Ninh trong tiến trình lịch sử đã khẳng định rằng, những con người ở đây không chỉ là chủ nhân của văn hóa ẩm thực (Ăn Bắc, mặc Kinh), cung cách làm ăn (Ăn Nam, làm Bắc), hệ thống chùa chiền uy nghi, lộng lẫy (Cầu Đông, chùa Bắc, đình Đoài) mà còn là những người tạo dựng nên những phong tục, tập quán vô cùng tốt đẹp, nhất là về hội hè, đình đám – nơi xác lập cá tính cho từng làng xã để hội thành một truyền thống tốt đẹp cho cả một khu vực, một địa phương.

– Mồng bốn là hội kéo co[4]

Mồng năm hội Ó chẳng cho nhau về

Mồng sáu đi hội Bồ Đề

Mồng bảy trở về đi hội Đông Cao

– Mồng bốn làng Cả kéo dây

Làng Trung động thổ kéo cây rào đồng[5]

– Mồng bốn cho ăn/ Mồng năm đuổi chạy[6]

– Mồng năm tiến nữ tập quân

Mồng sáu bách nghệ an dân trừ tà[7]

– Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Đến ngày mồng tám cũng về hội Dâu

– Mồng bảy hội Khám/ Mồng tám hội Dâu

Mồng chín đâu đâu cũng về hội Dóng

– Đồn rằng hội Dóng vui thay

Vui thì vui vậy chẳng tày hội Thau[8]

– Thứ nhất là hội Dóng, Dậu

Thứ nhì Vó, Bưởi không đâu vui bằng[9]

– Hội Đồng Kỵ, pháo chị pháo em

Ca dao, tục ngữ và phương ngôn đã giành một lượng lớn các câu để mô tả về các làng nghề và sản phẩm nổi trội của địa phương:

– Làng Mèn làm quạt khéo thay

Xuân Lê lưới vét, Doãn này đi câu

Thanh Bình trồng bí trồng bầu

Đa Tiện kiện cáo bán mầu mà ăn[10]

– Tư thế bút mực làm giầu

Trà Lâm mổ lợn, uốn câu làng Dàn

Đúc chì đã có Văn Quan

Kẻ Tướng đi hát kiếm quan tiền dài

Ép dầu đã có Thanh Hoài

Dâu, Tự buôn muối bán ngoài chợ Dâu

Công Hà trồng bí, trồng bầu

Đông Cốc dậm rủi đâu đâu cũng mò.

– Nghĩa Lập bánh đúc cháo kê

Tấn Bào nung ngói, Phù Khê chạm rồng

Kim Bảng nấu rượu ngon nồng

Đồng Kỵ giết lợn ăn lòng sớm mai.

Mai Động buôn bán phát tài

Đồng Hương làm ruộng kém ai trên đời

Mẹ Chiền làm cối đan thời

Me Mấc dệt vải bán ngoài chợ phiên

– Xào xáo Xuân Lai/ Tay dài Kẻ Sở.

– Xà Đoài bánh đúc bánh đa

Xà Đông chỉ có những đà cùng răm

Làng Ngọt nấu rượu quanh năm

Vọng Nguyệt chỉ có dâu tằm mà thôi.

Với Lạc Thổ, Đông Hồ, trên sông dưới bến hầu như chiếm trọn niềm thương yêu của bao thế hệ với làng nghề và những tranh gà lợn lung linh ánh điệp:

– Mến yêu Lạc Thổ thì về

Làng em làm mã, có nghề chăn nuôi.

Đất vui nhiều lợi thảnh thơi

Gà nuôi, chim thả chờ thời mỗi niên

Anh mê giật giải liền liền

Gà chim giống tốt chả tiên nào bằng.

– Anh đi khắp bốn phương trời

Trở về Lạc Thổ không nơi nào bằng

Con gái đẹp như sao băng

Con trai cắt tóc ra dòng văn minh

Lạc Thổ cắm được hướng đình

Ở giữa ao rối, tứ linh chạm xà

Đầu làng có một cây đa

Ở giữa Văn chỉ, ngõ ba bán hàng

Cầu Ghen có bốn ngôi hàng

Trâu bò nghỉ mát, cô nàng ra chơi

– Ai về Kẻ Nía – Đông Hồ

Cho tôi nhắn nhủ đôi cô hàng vàng

Tre non lột lạt bó vàng

Tre già tươi lá đan sàng nên chăng

– Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh

– Hỡi anh đi đường cái quan

Dừng chân ngắm cảnh cho tan nỗi sầu

Mua tờ tranh điệp tươi màu

Mua đàn gà, lợn thi nhau đẻ nhiều.

– Đưa cho em tới Đông Hồ

Anh mua trái mít, anh bồ trái cam

– Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về làng Mái với anh thì về

Làng Mái có lịch có lề

Có sông tắm mát có nghề làm tranh.

Rồi tỉnh Bắc với hình ảnh các thôn nữ thắt bao lưng xanh luôn hiện lên trong tâm khảm bầu bạn bốn phương và người trong nội tỉnh:

– Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về tỉnh Bắc với anh thì về

Tỉnh Bắc có gốc bồ đề

Có hoa thiên lý có nghề buôn cau.

– Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về Quế Ổ với anh thì về

Quế Ổ có gốc cây đề

Có sông tắm mát có nghề giã gon.

– Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về làng Chợ với ta thì về

Làng Chợ có gốc cây đề

Có chùa thờ phật có nghề cửi canh

Cùng với hình ảnh xinh tươi đó là những lời chào mời khác đến nao lòng:

– Hỡi cô đội nón không hua

Có về Thụy Mão bắt cua thì về

Đừng về làng Giữa làm chi

Nước giếng thì đục đường đi thì lầy

Cơm ăn  thì những gạo xay

Uống nước đường cày khổ lắm mình ơi.

– Bóng đèn là bóng đèn hoa

Có về Dương Ổ với ta thì về

Dương Ổ có lịch có nề

Có ao tắm mát có nghề seo can.

– Hỡi anh đi cái ô đen

Có về Yên Phụ với em thì về

Yên Phụ có gốc cây đề

Có ao Cổ Ngựa có nghề cửi canh

Em nay dệt vải trong phòng

Nắng mưa chẳng phải má hồng thêm tươi.

Chính những chàng trai, cô gái xinh đẹp nhường bao của đất Bắc Ninh ấy lại là chủ nhân của:

– Thau, Lớ đất bụt người tiên

Cấy chẳng mất tiền, gặt chẳng mất công

– Yên Phụ đất bụt người tiên

Đi cấy không tiền, đi gặt không công

– Trời mưa cho ướt lá bầu

Lấy chồng Ngõ Gạch chẳng giầu cũng vui

– Trai Đáp Cầu đi thầu nuôi vợ

Gái Thị Cầu đi chợ nuôi chồng

– Hoa lý là hoa lý linh

Con gái Đình Bảng vừa xinh vừa giòn

– Em là con gái Tương Tề

Đồng Uốn thì thấp, đồng Lề thì cao

Gánh ba gánh lúa đồng Chao

Giã bốn cối gạo, xuống ao tắm xòm.

Biết bao tài sản và vật phẩm nổi tiếng ra đời từ chính những con người ấy, những bàn tay khéo léo và tài hoa ấy:

– Bền chạc Dốt/ tốt chạc Lời/ mua chơi chạc Cháy

– Bừa Rào, Dao Vát, Trống Lát, mõ Vân

– Liềm Kẻ Rào/ Dao Thống Vát/ Bát Cầu Cậy/ Gậy Xuân Lai

– Chiêng Dầm, khoán Sộp, mõ Me

Lệnh Bèo, trống Mấc, còn e dọ Cời

– Chiêng làng Đống/ Trống Hán Đà/ Tù và Quảng Lãm

– Chiêng Chè, trống Trụ, mõ Phù Lưu

– Trống Chờ, chiêng Chõ, mõ Phù Lưu.

Ca dao, tục ngữ và phương ngôn Bắc Ninh, nhiều khi cũng là tấm gương soi hoặc một dấu ấn ghi lại những sự kiện lịch sử được coi là quan trọng, mặc dù nhìn vào đó ta vẫn thấy bóng dáng khá đậm của huyền thoại, truyền thuyết.

Nói về Thánh mẫu trước khi sinh 5 anh em họ Trương, bà phải đi mò cua bắt ốc tại gò Cầu Trông, khi bà mất 4 chàng trai phải đánh nhau với quỷ ở đồng Cửu Cữu rồi về phất cờ khởi nghĩa. Do đó vùng Quế Võ có câu Gò Cầu Trông, đồng Cửu Cữu, đồng Phất Cờ. Nếu điều này được xác thực thì các sự kiện xảy ra từ năm Canh Thân (520) đến nay Quý Hợi (543) đã có một vài đường nét phác họa trong phương ngôn.

Việc Cao Biền được nhà Đường cho làm An Nam Kinh lược chiêu thảo sử rồi Tiết Độ sứ vào năm 864, thường dùng thuyết phong thủy và xảo thuật đánh vào lòng mê tín của dân cũng được phương ngôn vùng Bắc Ninh ghi nhận trong câu Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.

Cũng vào thời Đường đô hộ, Kinh lược sứ Vũ Hồn vô cùng tàn ác. Năm 842, dân vùng Lang Tài, Gia Bình, Thuận Thành nổi dậy khi cho viên quan đô hộ này phải chạy về Quảng Châu (Trung Quốc). Vì thế, nhân dân vùng Lang Tài bao đời nay vẫn ghi nhớ câu ca:

“Bao giờ chùa đổ giếng trong

Cha con họ Vũ bế bồng nhau đi”

Vào thời kỳ Thập nhị sứ quân (965-967), sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp đóng quân ở Tiên Du. Truyền thuyết kể lại rằng, nhờ có bà Ngọ khuyên ông câu Cháo nóng phải húp xung quanh/ Đánh giặc phải đánh ba vành mới tan nên Nguyễn Thủ Tiệp nhiều phen đã thắng được các sứ quân khác ngay trong vùng Phật Tích.

Vào thời Lý, trên đất Bắc Ninh xuất hiện nhiều ca dao, tục ngữ và phương ngôn ghi nhận về những biến động ở địa phương như truyền thuyết vùng Hữu Ái (Giang Sơn, Gia Bình) cho rằng Dân ta xưa gọi dân Ai/ Chỉ vì nhà Lý mới dời về đây; truyền thuyết vùng Xuân Lai (Gia Bình) nói về sự ra đời của nghề nắn tre gậy có từ khi bị nhà Lý đuổi khỏi làng Đình Bảng, họ đã thề Thù này ắt hẳn còn lâu/ Trồng tre nắn gậy gặp đâu đánh què. Đối với xung quanh vùng Bút Tháp (Thuận Thành), nhiều người đều cho rằng câu ca Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Chăm lo việc nước, mở mang cõi bờ là chỉ vào câu chuyện cô gái cắt cỏ trở thành Nguyên phi Ỷ La. Ngoài ra ta còn thấy câu Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng là chỉ về cuộc đối đầu Đại Việt – Tống trên sông Cầu; Câu Đầu Bần, thân Mao, máu đào Thụ Phúc ghi lại cái chết của Đoàn Thượng vào cuối thời Lý…

Như vậy, có một hiện thực là nhờ ca dao, tục ngữ và phương ngôn mà chúng ta có thể dựng lại cả một xã hội vùng Bắc Ninh của một thời vang bóng.

  1. BẮC NINH CÓ MỘT TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC VÀ ĐỘI NGŨ NHÂN TÀI TRÍ TUỆ CAO SIÊU

Người Bắc Ninh luôn giành được vị trí hàng đầuvề sự học, nhận được sự cảm phục đối với giới trí thức của cả nước. Đến nỗi, trong sách Lịch triều hiến chương lại chí, Phan Huy Chú phải suy ra rằng: “(Kinh Bắc) có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, phủ Lạng Giang đẹp hơn. Văn học thì phủ Từ Sơn, phủ Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên cũng nhiều chỗ có dấu tích đẹp. Tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là khí hồn trọng của phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”. Sách Bắc Ninh tỉnh chí cũng có nhận định tương tự: “Hai phủ Từ Sơn và Thuận Thành có nhiều người văn học”.

Văn học dân gian, đặc biệt là kho tàng ca dao, tục ngữ và phương ngôn Bắc Ninh đã phản ánh được thực tại này. Bằng những phương thức biểu đạt riêng, ca dao, tục ngữ và phương ngôn Bắc Kinh đã chỉ ra niềm tự hào chân chính về một cái nôi đào tạo ra nhiều trí thức, cung cấp cho đất nước những nhân tài trác việt. Khái quát nhất và cũng là cụ thể nhất – qua một kiểu đong đếm thường tình của dân gian, phương ngôn đã trình bày rõ về sự nhiều, sự thành đạt của người Bắc Ninh trong câu: Một giỏ Sinh đồ, một bồ ông Cống, một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhỡn. Có lẽ câu phương ngôn này là một minh chứng cho những số liệu mà Phan Huy Ôn dẫn ra trong Liệt huyện đăng khoa bị khảo: từ thời Lý đến hết Lê – Mạc, Kinh Bắc có 593 vị đỗ đại khoa, trong đó có 29 Hoàng giáp (một đống ông Nghè), 418 Đồng Tiến sĩ (một bè Tiến sĩ), 15 Trạng nguyên (một bị Trạng nguyên), 8 Bảng nhỡn (một thuyền Bảng nhỡn). Chắc chắn số Sinh đồ không phải chỉ một giỏ, cũng như ông Cống, Cử nhân cũng sẽ nhiều vô kể vì chỉ riêng thời Nguyễn, các vị đỗ Hương khoa đã lên tới con số 310 người.

Trong các huyện của Bắc Ninh thời cổ, Đông Ngàn chiếm số lượng cao nhất. Theo thống kê sơ bộ của sử sách, huyện này có từ 130-138 vị đỗ đại khoa (chưa kể thời Nguyễn), gần ngang với số người đỗ đạt của Nghệ An và Thanh Hóa, gấp hơn 2 lần Bắc Giang. Vì vậy, sách Bắc Ninh tỉnh chí đã phải viết: “Nền văn hiến ở phủ Từ sơn, từ xưa có huyện Đông Ngàn là hơn cả”. Tục ngữ và phương ngôn Bắc Ninh đã từng khẳng định qua tổng kết của mình: Dốt Đông Ngàn hơn người ngoan thiên hạ; Tương Vân Cầu, bầu Đông Lữ, chữ Đông Ngàn. Để minh chứng cho các nhận định trên đây, chúng tôi xin đưa ra một vài số liệu:

Cả huyện Đông Ngàn xưa có chừng 90 làng thì có tới 34 làng có người đỗ đạt. Làng Tam Sơn đứng đầu với 17 vị đỗ đại khoa rồi tiếp đến Hương Mạc (11 vị), Vĩnh Kiều (10 vị), Trang Liệt (9 vị), Phù Khê (9 vị), Phù chẩn (9 vị), Hoa Thiều (7 vị), Vân Điềm (7 vị), Hà Lỗ (7 vị), Phù Lưu (6 vị), Cẩm Giang (6 vị), Cối Giang (5 vị), Phù Ninh (5 vị), Hoa Lâm (4 vị), Du Lâm (3 vị), Đông Xuất 93 vị), Hà Vĩ (3 vị), Hội Phụ (2 vị), Thiết Úng (2 vị), Nghĩa Lập (2 vị), Lễ Xuyên (2 vị) và 11 làng có 1 vị đỗ đạt (Châu Tháp, Cổ Loa, Danh Lâm, Dục Tú, Dương Sơn, Đại Đình, Mẫn Xá, Ninh Giang, Ngô Khê, Quan Đình, Xuân Canh). Như vậy là cứ 3 làng có một làng đại khoa.

Trong danh sách mà tác giả liệt kê ở trên, làng Tam Sơn đứng đầu cả huyện Đông Ngàn. Sách Đại Nam nhất thống chí đã viết: “Nơi đây nối đời có người đỗ đạt cao. Xét trong khoa bảng huyện Đông Ngàn chỉ có xã này đủ tam khôi”. Đây là một nhận định xác đáng vì làng có tới 2 Trạng nguyên: Nguyễn Quán Quang (1246), Ngô Miễn Thiệu ((1518); Bảng nhãn Ngô Thầm (1413) và Thám hoa Ngô Sách Tố. Ngoài 4 tam khôi, Tam Sơn còn có 12 Tiến sĩ và 1 Phó bảng, đó là Ngô Luân (1475), Nguyễn Húc (1487), Nguyễn Khiết Tú (1496), Nguyễn Hy Tái (1511), Nguyễn Tự Cường (1514), Nguyễn Hòa Chung (1517), Nguyễn Tảo (1517), Ngô Diễn (1550), Ngô Dịch (1556), Ngô Sách Thí (1659), Ngô Sách Dụ (1664), Ngô Sách Tuân (1676), và Phó bảng Nguyễn Thiện Kế (1898). Có lẽ vì vậy mà phương ngôn Bắc Ninh đã đúc kết lại rằng:

Tam Sơn là đất ba gò

Của trời vô tận, mà kho nhân tài

Cái kho nhân tài của Tam Sơn hầu hết đều đảm nhiệm nhiều trọng trách của nhà nước. Ngô Luân, Ngô Thầm hoạt động trong lĩnh vực văn học có chân trong hội Tao đàn, tạo ra niềm thán phục “về mặt văn chương danh giá, người ta thường suy tôn họ Ngô xã Tam Sơn” (Đại Nam nhất thống chí). Nguyễn Quán Quang được dân gian suy tôn làm Thành hoàng làng, có đền thời trên núi Vường. Ngô Sách Tuân, văn võ toàn tài đã có nhiều công lao trong việc giữ gìn biên cương. Ông được dân làng Quỳnh Lôi (Hà Nội) tôn làm hậu thần, thờ ở đình và được ghi tạc công lao: “Văn thần Ngô Sách Tuân từ khi đến ấp Quỳnh Lôi được dân tin yêu, không vì quyền cao chức trọng mà tự buông thả, không vì quyền thế mà kiêu căng. Ông răn dạy hàng ngũ quan lại không được làm điều sai trái, tham nhũng xâm chiếm của dân. Ông đem bổng lộc cấp phát cho những người túng thiếu. Người nghèo cho ăn, người ốm cho thuốc. Từ cụ già đến trẻ em đều đội ơn sâu, đàn ông đàn bà đều mang nghĩa lớn”.

Nguyễn Tự Cường đã từng hy sinh trong cuộc chiến đấu với nhà Mạc bảo vệ nhà Lê. Phó bảng Nguyễn Thiện Kế mở trường dạy học, xóa bỏ lệ tục ở địa phương. Ngày nay, làng Tam Sơn vẫn phát huy được truyền thống tốt đẹp ấy, với hàng trăm người tốt nghiệp đại học và nhiều chục Giáo sư, Tiến sĩ. Có lẽ những điều trên đây đã dẫn tới một nhận định của ca dao, tục ngữ và phương ngôn Bắc Ninh về một thực tế khác:

Tam Sơn là đất ba gò

Cầm cân nẩy mực chẳng cho ai nhờ

Và đôi câu đối:

Trai Tam Sơn đứng núi Tam Sơn, sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt

Gái Vọng Nguyệt chơi trăng Vọng Nguyệt, nguyệt nguyệt hằng sánh với trượng phu

Ở Bắc Ninh, đứng đầu về số lượng người đỗ đạt, trên cả Tam Sơn phải kể đến Kim Đôi. Theo thống kê sơ bộ của tác giả, hai họ Nguyễn và họ Phạm ở đây có tới 24 người đỗ đại khoa, trong đó một gia đình có tới 5 anh em cùng thi đỗ, làm quan trong triều. Vì vậy, dân gian có câu Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều (Gia thế làng Kim Đôi, áo đỏ, áo xanh đầy triều).

Có hai làng nữa – tuy số người đỗ đạt không nhiều nhưng cũng nổi tiếng ở Bắc Ninh đó là Lạc Thổ và Đông Hồ. Lạc Thổ nổi tiếng với thần đồng Dương Như Châu và nhiều con gái đẹp trở thành vợ các ông Nghè tân khoa. Dương Đình Tước ở Đông Hồ nổi tiếng từ thời Trần – được xếp sau Trạng nguyên Nguyễn Hiền (Trạng Cổ Đô), ông Trạng nhỏ tuổi nhất nước ta. Phương ngôn Bắc Ninh đã ghi nhận những sự kiện này trong các câu:

– Dốt Lạc Thố cưỡi cổ thiên hạ

– Con gái họ Dương nằm giường Tiến sĩ

– Thứ nhất quan trạng Cổ Đô

Thứ nhì Đình Tước, Đông Hồ có danh.

Đình Bảng – quê hương của nhà Lý, tuy chỉ có 2 người đỗ Đại khoa nhưng lại là một cái lò cung cấp nhiều người tài cho đất nước, vì vậy cũng được thừa nhận:

– Bao giờ rằng Báng hết cây

Tào Khê hết nước đất này hết quan

– Bao giờ rừng Báng hết cây

Phù Lưu hết chợ, đất này hết quan

Làng Bảo Triện, quê hương của Trần Phù Dục, Trần Danh Ninh, Trần Danh Lâm, Trần Danh Án và Phạm Khiêm Ích cũng có một câu ca dao tương tự:

Bao giờ chùa Địch hết cây

Sông Lai hết nước, đất này hết quan

Ta còn bắt gặp trong ca dao, tục ngữ và phương ngôn vùng Bắc Ninh nhiều câu ca ngợi về truyền thống hiếu học, đỗ đạt nữa kiểu như Quảng Lãm: Thám hoa, Hán Đà: Tiến sĩ. Ngoài việc phản ánh diện mạo cử nghiệp của một huyện (Đông Ngàn) hoặc của một số làng, ca dao, tụ ngữ và phương ngôn Bắc Ninh còn đi sâu vào một số nhân vật.

Trong trường hợp của Lê Văn Thịnh – ông Trạng khai khoa thời Lý truyền thuyết và phương ngôn vùng Mộ Đạo (Quế Võ) nói về ông khá đậm đặc, chủ yếu tập trung ở Trác Nhiệt.

Trác Nhiệt vốn có tên là Yên Giả, còn gọi là Kẻ Rét hoặc Cựu Trang, Tráng Nhiệt hoặc Trại Nhiệt. Ở đây có miếu thờ Lê Văn Thịnh và mộ của phụ thân ông (mới bị phá năm 1949). Truyền thuyết kể rằng, đây chính là quê của Lê Văn Thịnh. Hàng ngày Lê Văn Thịnh sang Đông Cứu (Kẻ Gủ) học, tối lại trở về Trác Nhiệt. Sau sự kiện Hồ Tây, Trác Nhiệt bị triệt hạ bởi lệnh chỉ Quốc gia vô hữu Yên Giả. Để ghi lại hành trạng của Lê Văn Thịnh, nhân dân địa phương vẫn lưu truyền câu: Ăn Kẻ Gủ, ngủ Kẻ Rét.

Nguyễn Thuyên – quê ở Lai Hạ – Thanh Lâm, nay thuộc Lang Tài, đỗ Thái học sinh năm 1246, đồng khoa với Nguyễn Quán Quang ở Tam Sơn. Tương truyền ông đã làm thơ Nôm đuổi cá sấu trên sông Thái Bình. Vì thế mà ông được hưởng ngự lộc trên cả một vùng sông nước như phương ngôn đã phản ánh: Đại giang Đông Giàng, Tiểu giang Lai Hạ. Trong trường hợp này có lẽ phương ngôn xác nhận truyền thuyết về ông là có thật trong lịch sử.

Một nhân vật khác ở thời Trần cũng còn nhiều bí ẩn đó là Lý Đạo Tái. Hầu hết sử sách đều không ghi nhận ông thi đậu Trạng nguyên năm 1274 – đồng khoa với Nguyễn Phi Khanh. Tuy nhiên, phương ngôn lại ghi nhận điều này và còn cho biết ông xuất thân từ một gia cảnh nghèo hèn mà đỗ Trạng:

Lúc khó chẳng có ai nhìn

Đến khi đỗ Trạng, chín nghìn nhân duyên

Điều mà phương ngôn phản ánh lại hoàn toàn phù hợp với lời văn trong tấm bia Đệ tam tổ Lý trạng nguyên hành trạng. Văn bia cho biết năm ông thi đỗ mới vừa 21 tuổi, được Trần Thánh Tông kén làm Phò mã nhưng ông từ chối, chỉ nhận chức Thị nội văn ban, từng đi sứ Trung Quốc. Sau thôi việc từ quan, đi tu ở chùa Đức La (Vĩnh Nghiêm). Ông mất năm 1334 thọ 81 tuổi. Rõ ràng ở đây, phương ngôn đã minh chứng điều còn tồn nghi trong sử sách.

Dưới thời Lê, ca dao, tục ngữ và phương ngôn Bắc Ninh cũng ghi nhận cho ta một số tấm gương khác về sự hiếu học.

Dương Tử Do, sinh năm 1410, trong một gia đình nông dân nghèo ở Trang Liệt. Năm ông 43 tuổi, vì bị làm nhục ở chốn đình chung do mù chữ, ông đã bỏ làng ra đi, quyết chí học thành tài. Khoa thi năm Mậu Dần (1458) dưới triều Lê Nhân Tông, ông thi đậu Tiến sĩ, làm đến Công bộ Tả thị lang. Tấm gương hiếu học của ông đã được người đời sau truyền tụng trong câu ca dao:

Bốn ba mới học vỡ lòng

Đến năm bốn chín đã ông Nghè rồi

Dụng công có mấy năm trời

Hơn đời cốt ở tính người thông minh

Lại có nhiều phương ngôn ghi lại một sự trắc trở nào đó của vài cặp đôi đồng khoa. Chẳng hạn như Bạch Hồng Nho quê ở Nội Duệ Đông (Tiên Du) lẽ ra cùng thi một khoa với Giáp Hải nhưng vì mẹ mất nên phải đình hoãn. Một câu ca dao đã ghi lại sự oán trách của Bạch Hồng Nho đối với số phận đen đủi của mình và cũng là sự coi thường Giáp Hải (trú tại Dĩnh Kế):

Mẹ ơi! Mẹ đi đằng nào

Để cho thắng Kế nó vào nó cướp Trạng nguyên

Còn ở khoa thi năm Mậu Thìn đời Lê Uy Mục (1508), Nguyễn Giản Thanh – người Hương Mạc, tục gọi là làng Me cùng đi thi với Hứa Tam Tỉnh người Như Nguyệt, tục gọi là làng Ngọt. Hai ông đều đã qua kỳ thi Hội. Đến kỳ thi Đình, các quan biết là Hứa Tam Tỉnh giỏi hơn nên chọn ông đậu Trạng nguyên, còn Nguyễn Giản Thanh chỉ được lấy đậu Bảng nhỡn. Nhưng khi đưa hai người vào yết kiến vua thì Kinh Phi – mẹ nuôi nhà vua lại chấm cho Giản Thanh đậu Trạng. Vì vậy mà học vị của hai ông bị đổi ngôi và chuyện đó cũng được phương ngôn ghi lại một cách ngắn gọn: Trạng Me đè Trạng Ngọt.

Chúng ta cũng có thể kể ra đây hàng loạt những phương ngôn ca ngợi Hoàng giáp Nguyễn Đăng, người Đại Toán, tục gọi là làng Tỏi, Quế Dương (nay thuộc xã Chi Lăng – Quế võ), như các câu:

– Văn trạng Tỏi hỏi gì nữa (hoặc hỏi làm chi)

– Phú ông Tỏi hỏi làm chi

– Bừa mượt như phú ông Tỏi

– Thơ ông Trạch, sách ông Đăng[11]

Theo truyền thuyết, làng Đại Toán giống hình củ tỏi. Củ nằm ở bên kia sông còn lá bên này sông. Làng chi ra làm 4 thôn: Tỏi Đông, Tỏi Mão, Tỏi Thủy, Tỏi Mai. Nguyễn Đăng sinh ở thôn Tỏi Mai, nay ở cánh đồng vẫn còn lăng mộ của ông. Truyền thuyết kể, dù đã 40 tuổi ông vẫn quyết tâm đi học. Thuở hàn vi, khi mang bị cói – một sản phẩm của làng, ra Thăng Long bán, vì không có tiền mua sách để học, ông đã phải vờ vẩy ướt sách của một hiệu rồi xin phơi đền. Trong khi phơi sách, cứ giở đến trang nào là ông thuộc lòng trang ấy.

Năm 1602, Nguyễn Đăng thi đậu Hoàng giáp, là hiện thân của một người có học vấn sâu rộng, có sở trường về lối thơ Đường luật và Phú bát vận.

Năm 1673 ông cùng Lưu Đình Chất, Nguyễn Đình Chính đi sứ nhà Minh, dọc đường cùng ngâm vịnh và họa đáp với các nhà thơ Trung Quốc và Triều Tiên. Khi qua chùa Phi Lai, ông làm bài Phú bát vận hay đến mức mọi người tranh nhau truyền tụng. Tương truyền, khi đến Kinh đô nhà minh, nhà vua ra lệnh ông phải làm xong bài phú khi ngựa chạy được một vòng. Ông trèo lên ngựa rồi lại xuống ngay vì đã làm xong khiến vua và quan lại nhà Minh bái phục. Lại tương truyền rằng, mấy bác nông dân trong lúc cày bừa thấy trâu giả bộ mệt mỏi định phá, liền đọc câu dọa bừa mượt như phú ông Đăng là chúng sợ hãi, hiền lành đi tiếp.

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ và phương ngôn của vùng Bắc Ninh còn một số câu ca ngợi tài thơ văn, võ công của một số nhân vật khác như Văn như Khôi, võ như Quán; Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán. Đặc biệt là tài năng của Nguyễn Công Hãng quê ở Phù Chẩn – tục gọi là làng Cháy, được dân đúc kết trong câu Văn ông Cháy, gậy ông Nền.

Truyền thống hiếu học và cử nghiệp của Bắc Ninh xưa đã tạo nên cho đất nước một đội ngũ những hiền nhân quân tử làm chói lọi cả một trời sao văn hóa Việt Nam. Phương ngôn đã tham gia vào quá trình thừa nhận và đúc kết chung ấy để gửi lại cho chúng ta nhiều khuôn diện vừa tổng thể vừa cá biệt. Đúng là:

Nhân tài như thể bách hoa

Hoa sen thơm ngát, hoa trà đẹp tươi./.

  1. BẮC NINH TRƯỚC SỰ ĐỔ VỠ CỦA KINH TẾ TIỂU NÔNG

Từ rất sớm, nhiều làng mạc hoặc gia đình Bắc Ninh đã thoát khỏi cảnh thuần nông và chân lấm tay bùn để trở thành những làng chuyên về buôn bán, làm nghề thủ công; những gia đình có cửa hàng cửa hiệu hoặc làm nha lại nơi tỉnh, huyện, tổng, xã. Do vậy, trong quan hệ xóm mạc, họ hàng, thân hữu đã có những biến chuyển, khác với nếp sống tối lửa tắt đèn. Đâu đó, đã xuất hiện những câu trách móc, dè chừng như Bạn với Ô Cách thì cạch đến già/ Bạn với Đông Lâu không chết trâu cũng chết bò/ Chơi với Thanh Lâm như giáo đâm vào ruột/ Làm bạn với Chờ xơ như mướp/ Làm bạn với Đông Khang mất cả quang lẫn gánh hoặc những câu ca:

– Lịch sự là đất Đông Hồ

Bất nhân Bảo Khám, ô đồ Trạm Chai

– Chân Lạc cờ bạc quanh năm

Lạc Trung chỉ có dâu tầm mà thôi

Phù Cầm ăn nói đãi bôi

Ăn no, tắm mát ra cơi bến đò

Phù Yên tiếng nhỏ tiếng to

Chăm chỉ dắt trâu bò người ta

Xuân Cai ăn nói thật thà

Tuy rằng bé nhỏ nhưng là đàn anh

– Đồng Đông là đất quan tư

Đồng Đoài là đất khư khư làm giàu

Đồng Văn là đất cơ cầu

Á Lữ bạc ác như vôi quét nhà.

Cùng với sự xuất hiện của các câu ca dao trên, hệ thống tứ vật (4 không) cũng xuất hiện ở Bắc Ninh:

– Vật dục Thiểm Xuyên trì

Vật giáo Đông Yên nhi

Vật giao Hương La hữu

Vật thú Như Nguyệt thê.

– Vật giao Phù Lưu hữu

Vật thú Đình Bảng thê

Vật ẩm Đồng Kỵ thủy

Vật thực Cẩm Giang kê.

– Xin đừng lấy vợ Thanh Lâm

Xin đừng kết bạn tri âm Thanh Hà

Đất Lai Hạ lắm phù sa

Trung Kênh sẵn nước đuổi gà khó ghê.

Trong tay chúng tôi còn hàng trăm những câu ca dao, tục ngữ và phương ngôn khác nữa. Do khuôn khổ của một bài viết và có lẽ tác giả cũng đã quá dông dài, xin được tạm ngừng ở đây. Hẹn một dịp nào đó sẽ bàn thêm về nhiều khía cạnh khác của kho tàng vô cùng quý giá này.

Hà Nội, tháng 11 năm 2017

 

 

Chú thích:

[1] Trần Danh Án hiệu là Liễu Am (1754-1794), người Bảo Triện – Gia Bình (Bắc Ninh), đỗ Hoàng giáp năm 1787; Ngô Đình Thái hiệu là Ngô Hạo Phu, người Bái Dương – Nam Trân (Nam Định), đậu Cử nhân năm 1817; Trần Doãn Giác, cháu gọi Trần Danh Án bằng ông, đậu Cử nhân năm 1867.

[2] Đại Nam nhất thống chí, tập IV, Nxb KHXH, H.1971, tr.65.

[3] Đoạn trích trên đây được căn cứ vào Đại Nam nhất thống chí, tập IV, Nxb KHXH, H. 1971, tr.68 do Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. Gần đây, Nxb Lao động và TTVHNN Đông Tây cũng xuất bản Đại Nam nhất thống chí do Hoàng Văn Lâu dịch. Khi so sánh đoạn dịch trên, chúng tôi rất thất vọng vì sự thô thiển và sai lạc so với những gì mà dân gian đã sáng tạo ra nó. Nguyên văn đoạn dịch của Hoàng Văn Lâu ở Đại Nam nhất thống chí, tập 2, tr.1349 như sau: “Còn những câu ca dao trong hàng xóm có quan hệ đến phong cũng đều đoan chính. Như những câu sau đây: Sao chàng nỡ đuổi vợ đi/ Con chàng phó mặc trời kia dỗ dành/ Vợ chàng còn bỏ đoạn đành/ Huống chi thân thiếp dám mong đợi gì. Hay như câu: Vì sao lại chẳng đi đêm/ Vì sợ hổ báo sài lang hại người/ Vì sao chẳng dám đi ngày/ Bởi vì em sợ mẹ thày em la/ Ví bằng thực bụng cùng ta/ Thì xin ra cổng để mà gặp nhau. Và: Nhà trong còn mẹ còn thày/ Dám đâu vụng trộm thày lay cùng người. Trên đây đều là những lời của con trai, con gái hẹn hò gặp nhau vậy”.

[4] Hội kéo co ở Hữu Chấp.

[5] Yên Trung, Yên Phong.

[6] Xuân Đài, Vạn Linh (Gia Bình).

[7] Như Nguyệt, Yên Phong.

[8] Lâm Thao, Làng Tài.

[9] Quảng Bố, Đại Bái (Gia Bình).

[10] Hà Mãn, Thuận Thành.

[11] Ông Trạch: Đống Tồn Trạch, đỗ Tiến sĩ năm 1646, quê Triều Dương, Chí Linh (Hải Dương) làm đến Thượng thư bộ Hộ, tước Nghĩa Trạch Hầu.

Chia sẻ:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…

Rate this post

Viết một bình luận