Những món ngon nổi tiếng Hà Giang
Hà Giang không chỉ được biết đến là một tỉnh miền núi với nhiều phong cảnh hùng vĩ, phong tục tập quán, lễ hội phong phú, mà ở Hà Giang còn có rất nhiều đặc sản hấp dẫn, ẩm thực Hà giang luôn hấp dẫn mọi du khách đến với vùng cao nguyên đá này.
Những món ngon nổi tiếng Hà Giang
Cao nguyên núi đá Hà Giang không chỉ có cảnh vật hùng vĩ mê hoặc lòng người mà còn là thiên đường ẩm thực với những món ngon lạ và độc đáo.
Thắng Cố
Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Đàn ông Mông đi chợ Đồng Văn đều mong được ăn một bát thắng cố, uống vài bát rượu với bạn bè. Đồng bào Mông thường mang theo mèn mén, đến chợ mua thêm bát rượu và thắng cố là có thể mời bạn bè vui chung.
Thắng Cố – Đặc sản Hà Giang.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc.
Thịt trâu gác bếp – Đặc sản Hà Giang
Bánh cuốn Đồng Văn
Nơi miền đá lạnh Hà Giang, người ta phải ăn món gì thật nóng, thật cay để chống chọi không khí u ám tỏa ra từ đá núi. Nhưng bánh cuốn trứng, đặc sản của miền địa đầu tổ quốc này, lại là “món lạnh”, dùng cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, ngọt lừ.
Chén nước chấm hoàn thành, bạn chỉ cần khẽ gắp miếng bột ướt mỏng tang, bên trong ẩn hiện màu đỏ lòng đào của trứng, nhận chìm tất cả trong chén nước tự pha chế, rồi cảm nhận khẩu vị lạ mà khoái khẩu của miền đất tận cùng.
Bánh cuốn Đồng Văn.
Cháo Ấu tẩu
Đêm mùa đông lạnh lạnh, lang thang ở thị xã Hà Giang, kiếm một góc quán và gọi món cháo ấu tẩu. Đủ các cung bậc mùi vị trong một bát cháo nhỏ: thơm lôi cuốn của gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm được trồng trên nương nấu nhuyễn, vị bùi của củ ấu được ninh kỹ và nước hầm chân giò béo ngậy, mùi lá thơm, lá gia vị. Bát cháo ấu tẩu nhìn rất hấp dẫn bởi sự kết hợp hài hòa giữa gạo, thịt băm, nước xương, rau thơm…
Món cháo ấu tẩu đặc trưng của Hà Giang
Cơm Lam Bắc Mê
Cơm Lam Bắc Mê là một trong sản vật đặc sản của cùng đất Hà Giang. Món ăn này từ lâu đã đưuọc du khách đặc biệt yêu thích và lựa chọn làm quà về mỗi khi tới cao nguyên đá. Món ăn có hương vị ngon, hấp dẫn khó quên khi thưởng thức chúng chỉ một lần.
Cơm lam Bắc Mê.
Rêu nướng
Lâu nay, rêu đá chỉ được coi là 1 loại thủy sinh không nhiều tác dụng. Nhưng đối với người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang, thì rêu đá được coi là đặc sản trong ẩm thực của họ. Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ.
Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.Theo người dân địa phương, khi đi tìm rêu, họ thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món.
Rêu nướng – Đặc sản Hà Giang
Xôi ngũ sắc
Cộng đồng các dân tộc vùng núi phía Bắc sở hữu một nền văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng và độc đáo. Trong đó, xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Gọi là xôi ngũ sắc vì khác với các loại xôi thông thường, xôi ngũ sắc được tạo nên bởi năm loại xôi với năm màu khác nhau. Đó là màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu tím và màu trắng. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy xôi ngũ sắc tại các phiên chợ ở Hà Giang.
Xôi ngũ sắc – Đặc sản Hà Giang
Thắng dền ở Đồng Văn
Lên Đồng Văn, giữa thị trấn hun hút gió mùa đông mà được ngồi bên bếp lửa ăn bát thắng dền, thật không có gì ấm áp và thú vị bằng. Thắng dền trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, giống bánh cống phù ở Lạng Sơn, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên chủ quán sẽ dùng muôi vớt ra.
Thắng dền ở Đồng Văn – Đặc sản Hà Giang.
Thắng dền thơm ngon hay không là ở bát nước dùng, được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng. Có thể rắc thêm vừng hoặc lạc cho món ăn thêm bùi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào ngậm trong miệng một lúc, ngấm cái vị ngọt béo của nước đường, vị cay se se của gừng tươi, vị bùi ngậy của vừng lạc.
Cam Bắc Quang
Đã từ lâu, cam sành trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi người đi xa về gần nhắc đến đất Bắc Quang, thứ đến mới là chè. Có được điều đó là bởi vùng đất này có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào để tạo nên những trái cam mang hương vị riêng biệt, vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn của miền núi rừng phía nam của tỉnh Hà Giang.
Cam Bắc Quang.
Lạp xưởng gác bếp
Lạp xưởng ở Hà Giang có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Nhấp thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.
Lạp xưởng gác bếp – Đặc sản Hà Giang
Khu vực có nhiều nhà hàng quán ăn ngon ở Hà Giang
Tại Hà Giang rất dễ dàng để tìm được một quán ăn ngon với những món đồ ăn đặc sản của vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Ngay gần các điểm đến nổi tiếng chính là những nơi tập trung nhiều hàng quán nhất. Du khách có thể dừng chân để dùng bữa tại các điểm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.
Thông tin cần biết về các phiên chợ Hà Giang
Huyện Quản Bạ
– Chợ huyện họp tại Thị trấn Tam Sơn vào sáng thứ 7 cuối tuần
– Chợ Cao Tả Tùng là phiên chợ của 3 xã Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài họp vào thứ 6 hàng tuần
– Chợ Tùng Vài – 5 ngày họp một phiên
– Chợ Tráng Kìm (thuộc xã Đông Hà) họp vào ngày Mùi và ngày Sửu
– Chợ Nghĩa Thuận – Họp vào ngày Thìn và ngày Tuất, hôm trước ở Việt Nam thì hôm sau ở Trung Quốc
Huyện Yên Minh
– Chợ Yên Minh – họp vào sáng chủ nhật hàng tuần
– Chợ Bạch Đích – Có 3 phiên chợ mỗi tuần là Chợ Cửa khẩu Bạch Đích hay chợ Mốc 9 hoặc chợ Mốc 358 họp vào sáng chủ nhật. Chợ bản Muồng họp vào thứ 7, cuối cùng trong 3 phiên chợ của xã là chợ Tráng Lệ.
– Chợ Du Già – Họp vào sáng thứ 6 hàng tuần.Chợ họp ngay ở trung tâm xã, địa hình tương đối bằng phẳng. Đây là một trong những phiên chợ khá hoang sơ và đậm nét văn hoá dân tộc, trong buổi chợ thường diễn ra các hoạt động văn hoá văn nghệ.
– Chợ Đường Thượng – Họp vào thứ 6 hàng tuần
– Chợ Mậu Duệ – Họp vào sáng chủ nhật
– Chợ Sủng Tráng – Họp vào sáng chủ nhật
Huyện Đồng Văn
– Chợ Trung tâm – Chợ Đồng Văn -Họp vào sáng chủ nhật hàng tuần
– Chợ Sủng Trái – họp thường xuyên vào các ngày Sửu (ngày con Trâu) và ngày Mùi (ngày con Dê) hằng tháng.
– Chợ Lũng Phìn – Họp vào ngày Dần và ngày Thân
– Chợ Phố Cáo – Họp vào ngày Thìn và ngày Tuất
– Chợ Xà Phìn – Họp vào ngày Tỵ và ngày Hợi )
– Chợ Sủng Là – Họp lùi
– Chợ Ma Lé – Họp vào ngày Tý và ngày Ngọ
– Chợ Lũng Cú – Họp vào ngày Mùi và ngày Sửu
– Chợ Phó Bảng – Họp vào ngày Ngọ và ngày Tý
Huyện Mèo Vạc
– Chợ Trung tâm – Chợ Mèo Vạc họp sáng Chủ nhật hàng tuần
– Chợ Niêm Sơn – Họp 5 ngày một phiên
– Chợ Khau Vai – Họp vào sáng các ngày mùng 2, 7, 12, 17,22, 27 (âm lịch) trong tháng. Chợ tình Khau Vai họp 1 năm 1 lần vào ngày 27/3 âm lịch
– Chợ Sủng Trà – Họp vào ngày thứ 7 hàng tuần
– Chợ Cốc Pài (Chợ Huyện) họp vào sáng chủ nhật
– Chợ Pà Vầy Sủ họp vào thứ 5 hàng tuần
– Chợ Nàn Xỉn họp vào thứ 5 hàng tuần
– Chợ Chí Cà họp vào thứ 6 hàng tuần
– Chợ Xín Mần họp vào thứ 6 hàng tuần
– Chợ Thèn Phàng (Chợ Km 26) họp vào sáng thứ 7 hàng tuần
Nguồn: tổng hợp