Khi ĐBSCL vào mùa nước nổi cũng là mùa bội thu các món đặc sản miền sông nước như cá rô non, cá linh, ốc bươu, cua đồng, bông điên điển, bông súng cơm, hẹ nước… Năm nay, mới vào đầu mùa lũ nhưng các món ăn đặc sản này đã bắt đầu tràn về các chợ TPHCM.
Mỗi năm chỉ có một mùa
Đầu mùa lũ, cá rô non tràn theo con nước lũ xuất hiện rất nhiều. Người dân dùng lưới quây bắt đưa về các chợ TP tiêu thụ. Chị Nhàn, quê ở Mộc Hóa – Long An, chuyên bán thịt heo ở chợ Bình Chánh – TPHCM, cho biết thường ngày chị chỉ bán thịt heo nhưng vài ngày trở lại đây, sẵn dịp mang thịt heo từ dưới tỉnh lên, bạn hàng gom cả cá rô non cho chị bán. Mỗi sáng, chị bán gần 10 kg với giá từ 35.000 đồng – 40.000 đồng/kg. Tại chợ An Lạc, dì Hai (quê ở Rạch Kiến – Long An) mang thau cá linh ra chợ giới thiệu: “Cá linh dưới quê mới mang lên, đầu mùa nên cá hơi nhỏ nhưng rất mềm xương, mua đi dì bán rẻ 20.000 đồng/kg”. Vừa mang ra đã có người mua, chỉ khoảng 20 phút sau cả thau cá đã bán hết sạch. Dì Hai cho biết thêm: “Cá linh lên khỏi mặt nước rất dễ chết, vì thế muốn có cá tươi sống thì phải đợi ngay lúc người ở dưới quê mang lên”.
Dễ vận chuyển hơn cá, nên ốc bươu, cua đồng từ các tỉnh miền Tây về TP nhiều hơn. Khoảng một tuần trở lại đây, hầu hết các chợ TP đều có loại đặc sản dân dã này. Tại chợ Nguyễn Quý Yêm (Q. Bình Tân), dì Hoa, quê ở Cao Lãnh – Đồng Tháp, đổ ra 2 thau ốc bươu đen bóng, mập núc đã có nhiều người đến chọn mua. “Chắc giá, 8.000 đồng/kg” – dì nói. Cua đồng tươi rói, giá chỉ 12.000 đồng/kg. Anh Hai Hậu, bán cua ở chợ An Lạc, vừa làm cua cho khách vừa tiếp thị: “Mua đi bà con, món này nấu canh rau, nấu bún riêu hay luộc chấm muối tiêu chanh… kiểu gì cũng ngon, một năm mới có một mùa thôi”.
Bông súng cơm, điên điển, hẹ nước… sẽ còn rẻ nữa
Nói đến mùa nước nổi ai cũng nghĩ đến bông điên điển nở vàng ven sông. Bông điên điển ăn sống với mắm kho, nấu canh chua… nhưng ngon nhất vẫn là canh chua cá rô đồng. Chị Cẩm bán rau ở chợ An Lạc (Q. Bình Tân) cho biết: Phải ra bến xe lấy hàng từ khuya do bạn hàng ở miền Tây đưa lên mới tươi ngon. “Giá 18.000 đồng/kg – đầu mùa nên chịu ăn đắt một chút, một – hai tuần nữa vô mùa rộ, giá bông điên điển sẽ rẻ hơn nhiều” – chị Cẩm nói.
Có lẽ bông súng cơm là món bình dân nhất và giá cũng rẻ nhất (chỉ 3.000 đồng – 4.000 đồng một cuộn nặng gần cả ký lô) bởi ở bất cứ cánh đồng ngập lũ nào cũng có bông súng cơm. Lũ dâng cao đến đâu thì những bụi bông súng cũng vươn mình vượt lên mặt nước đến đó; cọng bông súng dài, mềm ăn với mắm kho hoặc nấu canh chua hay trộn gỏi đều rất “ấn tượng”.
Lẩu mắm, mắm kho là món thường ngày của người dân miền Tây trong mùa lũ. Đi kèm những loại rau đặc trưng như bông điên điển, bông súng cơm… còn có nhiều loại rau khác như hẹ nước, rau muống sông hoặc kèo nèo… Hẹ nước có lẽ khá lạ với nhiều người Sài Gòn, nhưng nó là món dân dã, đậm chất quê của người miền Tây. Tại chợ An Lạc, hẹ nước được bày bán khá nhiều với giá 6.000 đồng/kg. Những cọng hẹ xanh tươi cuộn tròn, nhìn giống như cọng cỏ, chấm với mắm kho, ban đầu khi ăn có cảm giác như không có mùi vị gì đặc biệt, nhưng rồi vị ngọt rất đặc trưng cứ như thấm dần.
Cá đồng về chợ nhiều, giá giảm mạnh
Tại chợ đầu mối thủy sản Chánh Hưng (Q.8 – TPHCM), lượng cá đồng về chợ trên 77 tấn mỗi đêm, tăng 7 tấn so với tuần trước. Giá cá lóc đồng khoảng 27.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg, cá rô 40.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg (cá rô loại nhỏ giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg)… Nguyên nhân giá giảm chủ yếu là do lượng cá đồng trong vài ngày qua về chợ nhiều nên dội hàng. Đặc biệt, lượng cá lóc đồng loại nhỏ về khá nhiều nên giá bán chỉ 20.000 – 23.000 đồng/kg.