Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết đề văn nghị luận bàn về vai trò của khát vọng trong cuộc sống, suy nghĩ về vai trò của khát vọng sống với mỗi con người.
Dàn ý
đề nghị luận xã hội về khát vọng sống
I. Mở bài
– Những ước mơ và mong muốn của con người là điều cần có và nó thể hiện tầm vóc của con người trong cuộc sống.
– Nhắc đến ước vọng của con người, người ta thường hay nhắc đến từ “khát vọng”.
– Là con người sống trong cuộc đời ai cũng có khát vọng.
2. Thân bài
a) Giải thích khái niệm:
– Khát vọng là mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống.
– Nó thôi thúc con người ta sống, nỗ lực để đạt đến điều đó.
– Khát vọng biểu tượng cho những gì lớn lao tốt đẹp mà con người ta hướng đến cho bản thân mình và cho cộng đồng.
– Giá trị của khát vọng là những điều mà chúng ta nên hướng đến, để chúng ta đạt được giá trị của cuộc sống.
b) Bàn luận giá trị sống có khát vọng:
– Khát vọng là biểu hiện mang tính tích cực của tâm lý, tốt đẹp của con người.
– Khát vọng xuất phát từ những mong ước làm nên cuộc đời hạnh phúc, không chỉ cho bản thân người đó mà cho những người xung quanh.
– Khát vọng thể hiện được giá trị cao đẹp của con người.
– Những con người có khát vọng luôn nhận thức mình là ai và có thể làm gì để giúp đỡ mọi người.
– Những người có khát vọng sống có trái tim say mê, luôn sống hết mình và hơn ai hết họ nhận thức được lợi hại. Và trong thực tế cuộc sống họ luôn tỉnh táo tránh được những rủi ro không đáng có.
– Khát vọng có thể thực hiện được có thể không nhưng chung quy lại nó luôn mang đến cho người ta sự lạc quan nhất định và hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho nhân loại.
III. Kết bài
– Hiểu được ý nghĩa của khát vọng.
– Có ý thức nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, biến những thói xấu thành lối sống có khát vọng cao đẹp.
Trên đây là chi tiết phần dàn ý cho đề nghị luận về vai trò của khát vọng sống, để hình dung rõ hơn cách triển khai các luận điểm luận cứ cho đề bài này các bạn có thể tham khảo bài văn mẫu sau đây do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn:
Bài văn mẫu
bàn về vai trò của khát vọng trong cuộc sống
Có một chân lí mà đôi khi ta không thể hiểu, và đôi khi ta bắt gặp những gương mặt quen thuộc ngoài đường phố, những người tưởng như trẻ lắm, nhưng trong lòng lại mang một sự già cỗi, đơn điệu, và buồn tẻ. Ta nói, trái tim họ không còn trẻ nữa rồi. Nhưng, có những người, khi ta gặp, họ dường như trông đã có tuổi, nhưng thực chất có khi họ lại chính là những con người trẻ, trái tim trẻ, và sức trẻ. Vì vậy, mà có người từng nói: “Cái gì khiến người ta trẻ? Không phải tuổi tác, không phải sức vóc. Mà là khát vọng.”
Câu nói tưởng chừng như vô lí, nhưng lại ẩn chứa một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Tác giả trong câu nói đối lập lại giữa hai thứ, đó chính là hình thức bề ngoài với nội tâm bên trong. Vì sao tác giả lại cho rằng? điều khiến ta trẻ lại không nằm ở tuổi tác, sức vóc mà lại ở khát vọng?
Có lẽ ta chưa từng xa lạ với cụm từ này, với thứ gọi là “khát vọng”. Vậy khát vọng là gì mà lại khiến ta “trẻ” được? Khát vọng, là những ý thức, tư tưởng, có tính chất tích cực. Con người ta có nuôi dưỡng niềm khát vọng, khi vẫn còn yêu đời, không bị những tác nhân bên ngoài tác động vào mình, còn muốn cống hiến, muốn hiến dâng trái tim khối có mình, công sức của mình để xây dựng cuộc sống. Khi ta có khát vọng, lẽ dĩ nhiên ta sẽ cảm nhận cuộc sống bằng con mắt của người trong cuộc, tích cực, và không ngừng nỗ lực để cái tạo cuộc sống, để sống có ý nghĩa và quyết tâm cố gắng nhất có thể.
Chính vì lẽ đó, mà tác giả trong câu nói đã khẳng định, con người ta, sự trẻ không nằm trong sự biểu hiện bề ngoài. Ta có sức khỏe, ấy là một hiện tượng sinh lí tốt và bình thường, một người trẻ tuổi, nhưng lại có lối sống hưởng thụ như một người đã già và không còn sức lao động, người ấy cũng không được coi là trẻ. Trẻ không nằm ở hai điều đó, khi ta dù không đủ sức khỏe, hay khi ta tuổi đã trên 50. Nhưng ta có một lối sống trẻ, một ước mơ lí tưởng, đam mê và cống hiến, lúc nào cũng rạo rực nhiệt huyết, sự năng động tràn trề. Đó là trẻ, và trẻ chính là như vậy. Trẻ nằm trong khát vọng, tuổi trẻ không làm ra khát vọng, nhưng khát vọng làm ra tuổi trẻ. Là lẽ như vậy.
Nói đến sự trẻ này, ta không thể không kể đến một ví dụ quan trọng và điển hình. Như phong trào thơ mới, là nơi thi nhân đi tìm tiếng nói và thể hiện khát khao riêng của mình. Và vì thế mà không thể không tưởng rằng, Phan Khôi với bài tình già của mình, tuy đã nhiều tuổi, nhưng ông chính là người dạo bản đàn phong trào thơ mới. Làm nên chất trẻ cho bao thi nhân sau này. Xuân Diệu, khát khao yêu đương, tiếng nói yêu đương là sự trẻ nhất ta cần phải kể đến. Xuân Diệu không phải người nổi tiếng có sức vóc, nhưng đọc thơ Xuân Diệu, ta mặc nhiên nghĩ ông chính là nhà thơ của thế hệ trẻ, và vì sao khi bước vào làng văn thơ, ông đã có vị trí trong lòng giới trẻ. Tuy nhiên ngày nay có những bạn trẻ sống bê tha, có lối sống hưởng thụ an nhàn trong khi chưa tạo ra thành quả, điều đó đáng phê phán, và họ đang tự giết chết cuộc sống của chính mình. Và ta cần học tập những tấm gương như Xuân Diệu, luôn nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng trong trái tim mình.
Nói chung, đây là một nhận định rất thú vị và chính xác. Mục đích nhấn đến tầm quan trọng của khát vọng sống. Và giúp ta hiểu rõ hơn về chính mình, nhờ có câu nói này, ta có thể ngay bây giờ tạo cho mình một trái tim trẻ, là người trẻ trung năng động, và nhiệt huyết, để luôn nuôi dưỡng khát khao của bản thân, để không ngừng sống có ý nghĩa.
Có thể bạn đang quan tâm: Bàn về khát vọng và tham vọng của con người trong cuộc sống
Để bài nghị luận của mình thêm hấp dẫn, có sức thuyết phục, ngoài việc bám sát nội dung phần dàn ý về vai trò của khát vọng sống trên đây, các em có thể tham khảo sử dụng một số mẩu chuyện hay, ý nghĩa về khát vọng sau đây để làm dẫn chứng cho ý kiến bình luận trong bài.
Một số câu chuyện hay và ý nghĩa
về vai trò của khát vọng sống
Câu chuyện thứ nhất: Khát vọng sống và câu chuyện về hai hạt lúa
Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó. Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì- nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…
Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ – đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.
Câu chuyện thứ hai: Khát vọng của nàng Violet
Trong khu vườn nọ, có một bông hoa Violet xinh xắn, luôn tỏa ngát hương thơm. Nàng sống hạnh phúc cùng với những người bạn láng giềng.
Một ngày nọ, ngắm nhìn chị hoa hồng kiêu sa với sắc đẹp rực rỡ làm sáng cả khu vườn, nàng Violet chợt thấy mình thật nhỏ bé. Nàng than thở: ” So với chị hoa hồng may mắn kia, mình chẳng là gì cả. Giá như mình được làm hoa hồng một lần trong đời nhỉ, một lần thôi để không phải nằm sát mặt đất thế này, mình cũng mãn nguyện lắm rồi”.
Có một bà tiên tình cờ biết được sự tình bèn hỏi bông hoa bé nhỏ:
– Chuyện gì xảy ra với con vậy?
Nàng Violet cất giọng tha thiết:
– Con biết bà luôn nhân từ và đầy lòng yêu thương. Con cầu xin bà hãy biến con thành hoa hồng!
Bà tiên chăm chú nhìn bông hoa:
– Con có biết mình đang đòi hỏi điều gì không ? Một ngày nào đó con sẽ hối hận đấy.
Nhưng Violet vẫn một mực nài nỉ. Động lòng trước khát khao của nàng, cuối cùng bà tiên đồng ý. Bà chạm ngón tay thần kỳ của mình vào thân Violet, và ngay lập tức Violet biến thành một cây hoa hồng xinh tươi, kiêu hãnh vươn cao với những bông hoa đỏ rực trên cành.
Một hôm, giông Bão đi qua khu vườn, giật gãy các nhánh cây, làm bật gốc cả những cây cao to. Cả khu vườn bị vùi dập tơi tả trong gió bão, trừ những loài hoa nhỏ bé nằm sát mặt đất như Violet.
Bão tan, bầu trời lại trong xanh. Các nàng Violet vẫy cành hoa tím, vui đùa bên nhau, một nàng nhìn hoa hồng – là Violet ngày nào – thương xót:
– Các bạn nhìn kìa, cô ấy đang phải trả giá cho mong muốn nhất thời của mình đấy!
Nàng hoa hồng nằm quật dưới đất, thân hình gãy nát, hoa lá tả tơi, cố gắng dùng chút hơi thở cuối cùng thều thào:
– Tôi chưa bao giờ biết sợ giông bão. Khi còn là một cành Violet bé nhỏ, đã có những lúc tôi cảm thấy thoải mái và hài lòng với mình. Nhưng khi cứ mãi như vậy tôi chợt thấy mình nhỏ bé, nhàm chán và nhạt nhẽo. Tôi không muốn sống một cuộc đời mà quanh năm chỉ biết bám mình vào đất với vẻ sợ sệt, yếu đuối, và khi mùa đông đến sẽ vùi lấp dưới lớp tuyết trắng xóa. Hôm nay, tuy sắp phải từ giã các bạn nhưng tôi rất vui sướng và mãn nguyện vì đã biết thế nào là thế giới muôn màu trên cao. Tôi đã sống như một hoa hồng đích thực, đã ngẩng cao nhìn ánh mặt trời, nghe được lời thì thầm của chị gió và vui đùa với các chị sương mai. Tôi có thể chạm vào nếp áo của Thần ánh sáng bằng cánh hồng thơm ngát. Tôi sẽ chết nhưng tôi đã được đi đến tận cùng của khát vọng sống. Tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Đó là điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi.
Nói xong, nàng từ từ khép những cánh hồng héo úa lại và trút hơi thở cuối cùng với nụ cười mãn nguyện trên môi.
– Tuyển tập những bài văn hay lớp 9 tham khảo / Đọc Tài Liệu –
Tâm Phương (Tổng hợp)