Tôi 22 tuổi, đang thưởng thức một cốc Black Tea Macchiato một mình tại quán cà phê quen thuộc cùng vài cuốn sách. Và tôi cảm thấy thoải mái vì những gì mình đang có: một công việc khá phù hợp, một sự tự tin nhất định về bản thân.
Tôi là kẻ dám sai lầm, dám chiến đấu và dám nói lên quan điểm của chính mình. Có thể ở hiện tại, tôi chưa có nhiều tiền, không có một tình yêu đẹp, cũng chẳng có gì hơn người khác, nhưng tôi biết mình thích cái gì, mình có khả năng ở điểm nào và không ngừng cố gắng!
Điều đó khiến tôi tự tin rằng, chỉ cần tôi muốn, mọi thứ tốt đẹp đều có thể xảy ra. Một số người bạn chia sẻ với tôi và tâm sự rằng cái tuổi 22 này thật là mệt mỏi, khi bạn vừa ra trường, chưa có gì trong tay, chẳng biết làm gì và cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu? Vẫn còn ôm những mộng mơ của thời Đại học, bạn e dè bước ra đời như thể bước vào rừng thẳm, và trong lòng đầy ắp những nỗi lo toan về cuộc sống phía trước.
Đây có vẻ đang là giai đoạn mà các bạn bị đau đầu vì những bài tập khó nhằn hay bài luận văn, chuyên đề dài dằng dặc. Cũng tính tới việc đi tìm một công việc nào đấy để kiếm thêm thu nhập và kinh nghiệm. Bố mẹ không thể nào nuôi mình mãi được. Nếu vẫn còn suy nghĩ kệ cứ để bố mẹ nuôi thì tôi nghĩ bạn chẳng cần phải đọc bài viết này đâu.
Tôi có một người bạn rất thích chụp hình và ước mơ trở thành photographer chuyên nghiệp. Nhưng bạn ấy buộc gạt ước mơ qua một bên, kiếm một công việc có thu nhập nào đó để góp tiền mua một chiếc máy ảnh. Thực tế phũ phàng như thế đó, những khát vọng của tuổi trẻ phải tạm thời gác lại. Thay vào đó là công việc thực tế cần làm hằng ngày, để ít nhất giúp bạn tồn tại sau khi ra trường.
Chúng ta đang bước ra trường đời, thứ vốn dĩ khác xa so với trường học. Để thấy được lí do vì sao thời sinh viên được cho là khoảng thời gian tuyệt vời nhất: được bố mẹ chăm sóc, ăn chơi xả láng, vô lo vô nghĩ. Hẳn vậy phải không?
Đây cũng là lứa tuổi chúng ta quyết định mọi thứ theo cảm tính mà không thực sự suy nghĩ thật kỹ càng. Điều này khiến bạn không thể tránh được việc mắc sai lầm. Đừng ngạc nhiên khi nhìn đâu cũng chỉ thấy thất bại. Vì đây là lứa tuổi của những sai lầm và điều đó là hoàn toàn bình thường.
“Tao hoàn toàn không biết tao thích cái gì, không biết tao nên làm gì, hay là chọn đại một công việc theo ngành tao đang học nhưng tao lại không thích? Tao thực sự thấy lạc trôi mày ạ”.
Có lẽ không ít người có cùng cảm giác như vậy. Một sự mơ hồ về tương lai. Bạn hoàn toàn không biết điều mình thực sự đam mê, mình có thể làm tốt việc gì, ba tháng tới, sáu tháng tới, một năm nữa mình sẽ là ai?
Có khi ngày mai ăn gì còn chưa tính chứ đừng bảo những thứ xa vời đến vậy. Thôi cứ nộp đại cái CV vào một vài công ty nào đó rồi hi vọng có một nơi xướng tên mình. Thấy bạn bè đồng lứa có chút thành đạt là người nóng rực cả lên, bồn chồn, lo lắng ngày qua ngày. Ấy vậy mà cứ thế buồn, chán rồi thất vọng về bản thân.
Tuổi 22 đánh dấu một bước ngoặt của cuộc đời. Bạn sẽ được đến một môi trường mới, có nhiều mối quan hệ mới và cũng mất đi không ít những mối quan hệ cũ. Là khoảng thời gian mà bạn bè mỗi đứa đi mỗi nơi: đứa về quê lập nghiệp, kẻ bỏ xứ đi du học, cảm giác chỉ còn mỗi mình ở lại chiến đấu trên mặt trận và không biết liệu có bảo toàn được tính mạng hay không…
Tuổi 22 có cả sự chia ly của những mối tình thời sinh viên. Dường như nỗi lo cơm áo gạo tiền và con đường tương lai phía trước khiến người ta càng ngày càng xa rời nhau hơn.
Ở tuổi 22, người ta không còn muốn yêu đương vồn vã vì nhận thức được một điều rằng thà cứ cô đơn còn hơn ở cạnh sai người. Chúng ta học được cách lựa chọn một người tử tế và xứng đáng để yêu. Có lẽ hoàn thiện bản thân là cách tốt nhất trong lúc người phù hợp xuất hiện. Cô đơn một chút, cũng không sao cả.
Tuổi 22, là đi ăn một mình, cafe một mình, dạo phố một mình…ừ cũng đôi lúc có bè có bạn…nhưng có những câu chuyện chẳng biết chia sẻ cùng ai, cứ im lặng, rồi lại mỉm cười như mọi thứ vẫn rất ổn.
Cuộc sống ở trường đời là ác mộng với nhiều người khi họ chỉ mơ về một màu hồng tươi đẹp. Nhưng không, hãy chấp nhận việc họ coi trọng ngoại hình hơn, việc mỉm cười trước mặt nhưng sau lưng lại không ngớt những lời mỉa mai hay là nỗ lực nhưng không được một chút sự công nhận.
Hãy nhớ trường đời chứ không phải là gia đình, không ai vỗ về, ôm ấp, động viên và yêu thương mình vô điều kiện như bố mẹ cả. Nhiều lúc tủi thân vô cùng chỉ muốn chạy ngay về với mẹ thôi, không đi đâu nữa.
Đó có phải là những gì bạn đang cảm nhận rõ ràng với vị trí hiện tại? Hay những điều trên có thể hiện rõ sự hoang mang trong tâm trí bạn mỗi ngày? Ừ đúng là khó khăn, là khổ sở đấy, nhưng việc của lá là phải xanh, việc của chúng ta là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đừng vội bỏ cuộc và mất niềm tin vào cuộc sống. Hãy tin vào bản thân và lập một kế hoạch cho riêng mình để vững vàng hơn cho con đường sắp tới.
Có một sự thật là việc sợ hãi trước mọi thứ khiến chúng ta quên đi những gì mình đang có. 22 tuổi, chúng ta chưa có nhiều thứ nhưng cũng mang trong mình 22 năm tuổi đời. Nhiều bạn tâm sự rằng sau 4 năm sinh viên vẫn không có một chút gì để viết vào CV để xin việc. Cứ thế rơi vào trạng thái tự ti và lo sợ mọi thứ. “Tôi không biết định hướng cho mình bởi vì tôi thấy mình không có điểm mạnh gì cả”, “Tôi thích công việc đó, nhưng chưa có kinh nghiệm, bắt đầu từ đâu bây giờ?”…
Thất bại đầu tiên của một con người là đánh giá sai bản thân. Vì thế việc đầu tiên cần làm của khủng hoảng tuổi 22 là nhìn lại chính mình. Tất cả mọi thứ xung quanh cuộc sống là do bản thân quyết định. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh: bố mẹ không giàu, trường đại học không tốt, môi trường làm việc quá nghiêm khắc…
Đừng quan trọng hoá cái bằng của bạn. Thay vào đó, hãy xem liệu rằng bản thân mình đang có gì, chưa có gì và cần có những gì. Liệt kê hết những điều đó ra một tờ giấy (hoặc cuốn sổ) rồi từ từ lên kế hoạch phát triển bản thân phù hợp.
Hãy dành cho mình khoảng thời gian tĩnh, để ngẫm nghĩ về quá khứ, hiện tại, tương lai. Để nhận ra đâu mới là mục đích sống, đâu là thứ mình thực sự thấy hứng thú và mỗi ngày mình sẽ làm gì để khiến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thay vì ủ rũ hay ngồi so sánh với những gương mặt thành công khác hãy động viên bản thân thật nhiều, rằng mày chính là mày không phải một ai khác. Hãy hoàn thiện bản thân từng bước một từ cái nhìn đúng đắn. Nếu chỉ đang ở số 0 hãy đi lên từ từ đến 1,2,3.
Phải vấp ngã, mới trưởng thành. Nếu chưa tìm được sở thích hay đam mê thì cứ thử đi, thử bất cứ cái gì. Nắm lấy mọi cơ hội tốt xung quanh bởi vì đây là khoảng thời gian chúng ta được phép sai lầm. Đừng đòi hỏi ngay một công việc tốt với mức lương cao sau khi ra trường trong khi bản thân chưa đủ năng lực.
Hãy bắt đầu từ những cái nhỏ bé trước: một công việc lương thấp nhưng cho mình nhiều trải nhiệm, một thói quen dậy sớm mỗi ngày, đọc sách 30 phút mỗi sáng, ăn uống khoẻ. Đặt mục tiêu giỏi ngoại ngữ từ con số 0 thì hãy bắt đầu bằng việc nghe nhạc và xem phim nước ngoài thường xuyên, tìm tài liệu về những thứ bạn thích bằng ngôn ngữ nước ngoài. Nếu lên kế hoạch thức dậy sớm, hãy bắt đầu từ 8h,7h rồi 5h tuỳ vào thói quen hằng ngày.
Điều sẽ giúp bạn mở rộng cơ hội nghề nghiệp hiện nay chính là ngoại ngữ và khả năng quản lý bản thân. Nói được là làm được. Đừng dậy sớm được một hôm rồi hôm sau lại nằm bẹp dí đến trưa mới dậy rồi tự vỗ ngực rằng phải sống hưởng thụ.
Chúng ta không còn bồng bột như ngày 18. Tuổi 22, hãy trân trọng và vun đắp những mối quan hệ thực sự. Người khiến chúng ta yêu cuộc sống hơn, người có thể tâm sự, giãi bày, người chúng ta có thể học hỏi và phát triển bản thân… Hãy thôi vương vấn hay níu kéo những mối quan hệ không đáng. Ngừng suy nghĩ phải làm hài lòng tất cả mọi người. Xin lỗi, bạn đâu phải pizza? Trân trọng chính mình, giá trị của bản thân đồng thời biết giữ và buông. Rồi sẽ đau và buồn đấy, nhưng có như vậy sau này nhìn lại mới biết cảm ơn chính mình.
Tìm người tốt để kết thân. Người giỏi thì nhiều, nhưng người tốt thì không phải đâu cũng có. Hãy học hỏi từ người giỏi nhưng kết thân nên là người tốt. Ở họ có nhiều điều cần học hơn cả kiến thức hay kĩ năng thường ngày. Việc phát triển về năng lực đừng quên trau dồi nhân cách. Biết cho đi nhiều hơn và mỗi ngày tự nhắc nhở mình làm một ai đó mỉm cười.
Cánh cửa cơ hội luôn ở ngay bên cạnh, vấn đề là bạn có dám gõ cửa hay không mà thôi. Ở lứa tuổi này, phần lớn nói được, nhưng không làm được: Tôi sẽ đi học tiếng Đức để năm tới du học Đức, nhưng rồi năm sau tôi vẫn ngồi ở nhà và nửa chữ tiếng Đức cũng không có; Tôi sẽ tìm một công việc làm thêm trước khi chuẩn bị cho công việc ổn định hơn, 1 tháng sau tôi vẫn ngồi nhà, ăn mỳ tôm qua ngày.
Bạn đừng quên ở ngoài kia công việc đầy rẫy, các công ty đi tìm nhân lực mòn mắt với ưu đãi tốt và mức lương cao. Nhưng nếu bạn không nỗ lực, không nắm lấy, không cố gắng tìm hiểu, không mở rộng phạm vi của chính mình để đến gần hơn với thành công mà thụ động ngồi chờ đợi một điều kỳ diệu sẽ xảy ra, thì rất tiếc, đừng bao giờ nghĩ đến thành công nữa đi.
Tuổi 22 là bước ngoặt của mọi sự thay đổi. Tất cả sự quyết tâm của bạn sẽ xây dựng lên chính bạn trong những năm tới. Nếu bạn vẫn đang tự ti, không dám bắt đầu vì sợ sẽ thất bại thì có lẽ bạn nên biết rằng: ông chủ gà rán KFC, 60 tuổi vẫn khởi nghiệp, đã từng bị từ chối hơn 1009 lần; Steve Jobs đã từng bị sa thải bởi chính công ty mà mình sáng lập; Michael Jordan đã ném hụt hơn 9000 lần trong cả sự nghiệp…
Thông minh chỉ chiếm một phần rất nhỏ, thành công hình thành ở sự chăm chỉ và không ngừng cố gắng. Nếu bây giờ bạn vẫn chưa biết viết gì vào CV hãy bước ra khỏi giường, rời màn hình điện thoại và đi tìm những dòng chữ ấy ngay lập tức.
Khi tin vào chính mình, bạn đã thành công một nửa. Bắt đầu có thể sẽ thất bại hoặc thành công, nhưng nếu không bắt đầu thì chắc chắn thất bại. Mặc kệ tất cả những sự chê bai, dè bỉu hay mỉa mai của thiên hạ. Tìm lấy động lực từ những gì mình yêu thích mỗi ngày. Chắc chắn bạn của tuổi 23, 25 hay bạn của ngày mai sẽ cảm ơn vì bạn của hôm nay đã biết tin vào chính mình và làm nên những điều tốt đẹp.
Bây giờ thì sao? Đọc xong bài này có thấy khí thế hừng hực hơn không? Vậy bạn chọn bắt đầu ngay từ bây giờ hay là “để mai tính”? Còn tuỳ thuộc vào bạn muốn thành công hay không mà thôi. Đừng để tuổi 22 trở nên lãng phí.