Những người trẻ, đặc biệt trong độ tuổi 20 chính là giai đoạn hoàn hảo nhất để bắt đầu một công việc kinh doanh tự làm chủ. Bởi khi đó họ có thời gian, có sức khỏe, nhiệt huyết và đam mê, mọi yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nên một ý tưởng kinh doanh. Tuy nhiên bên cạnh đó, vì chỉ là những “chú chim” non nớt mới bước ra đời nên những người trẻ cần phải làm việc chăm chỉ gấp 10 lần người khác để chứng minh rằng mình đang nghiêm túc với công việc, rằng đây không phải là sự liều lĩnh, bốc đồng của tuổi trẻ mà chính là đam mê, khao khát của bản thân mình.
Vì vậy, dưới đây là 5 lời khuyên để giúp những người trẻ tuổi có thể tìm thấy được một điểm tựa nào đó trên bước đường khởi nghiệp chập chững của mình.
1. Đừng để tuổi tác cản trở bạn
Tất nhiên những người trẻ tuổi khi khởi nghiệp sẽ vấp phải không ít lời ra tiếng vào từ những người có kinh nghiệm. Đôi khi trong số đó là những lời khuyên thực sự nhưng cũng có không ít các lời “bàn ra” khiến cho bạn thêm nhục chí và chán nản. Thế nhưng hãy nhớ rằng, tuổi tác không làm nên kinh nghiệm và khả năng thành công trong kinh doanh cũng không thể phán đoán bằng độ lớn của tuổi tác được.
Vì vậy hãy cứ tự do làm những việc khiến bạn cảm thấy bản thân mình tự hào và đừng để bị xao động bởi những câu đại loại như rằng bạn sẽ chẳng thể làm gì với ý tưởng kinh doanh đầy non nớt đó. Chúng ta có thời gian để thử thách bản thân, có nhiều năm để học hỏi mọi thứ và thất bại rồi lại thành công là quy luật tất yếu ai cũng phải trải qua khi bước ra với đời.
“Đừng bao giờ để ai đó nói với bạn rằng bạn không thể làm được. Bạn có một giấc mơ, bạn phải bảo vệ nó. Khi mọi người không thực hiện được một điều gì đó họ cũng sẽ nói với bạn rằng bạn cũng không thể làm được. Thế nhưng nếu bạn muốn cái gì thì hãy tự mình bắt lấy nó ngay khi còn có thể” – Will Smith
2. Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để tạo lợi thế cho bản thân
Thế mạnh của giới trẻ ngày nay đó là được tiếp xúc với khoa học, công nghệ từ khi còn rất sớm, và hơn ai hết, những người trẻ chính là những chuyên gia trong lĩnh vực này.
Sự hiểu biết về công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội mang lại cho chúng ta lợi thế kinh doanh vô cùng lớn, đặc biệt là đối với kinh doanh trực tuyến – một loại hình đang rất phát triển và có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.
Ngay cả khi bạn không rành mấy về truyền thông xã hội thì bạn cũng buộc phải biết về chúng và phải thành thạo như một kỹ năng thiết yếu của nghề. Phương tiện truyền thông chính là miếng mồi ngon của thị trường tiếp thị trong thế giới kinh doanh ngày nay. Chính vì thế nên phải đầu tư cho bản thân về lĩnh vực này, muốn bước ra kinh doanh, trước hết đừng để bản thân bị thế giới bỏ lại đằng sau thế giới.
3. Mạng lưới mối quan hệ
Những người bạn gặp trên cuộc hành trình kinh doanh của mình (bao gồm cả gia đình và bạn bè hiện tại) đều sẽ đóng một vai trò rất quan trọng đối với thành công của bạn trong tương lai. Vì vậy, hãy luôn xây dựng mạng lưới quan hệ đó thật tốt, đừng làm nguội lạnh những mối quan hệ xung quanh bằng chính sự thờ ơ của bạn.
Ngoài ra, để mở rộng mạng lưới đó, bạn có thể tham dự các cuộc hội thảo, các hội nghị kinh doanh, các hội nhóm Facebook có liên quan đến ngành nghề bạn đang theo đuổi hoặc làm quen với các doanh nhân khác… cố gắng tận dụng tối đa mọi tình huống để tạo mối quan hệ cho bản thân, đó chính là một trong những yếu tố quan trọng cho đích đến của bạn.
4. Thất bại nhanh, học hỏi nhanh
Chúng ta là những người “có thừa” thời gian, nhưng không đồng nghĩa với việc mình được chậm lại. Khi mọi thứ không hoạt động, việc kinh doanh, ý tưởng bị đình trệ hoặc khi công việc không đi theo chiều hướng bạn mong muốn thì đó là lúc chúng ta cần học cách xoay chuyển tình hình.
Một cách tốt nhất để có thể ứng biến tốt với mọi tình huống xấu khi lập nghiệp đó là hãy thiết lập một tư duy chịu tiếp nhận và chịu học hỏi. Nếu lỡ có thất bại, bạn phải biết cách chấp nhận và rút ra kinh nghiệm cho bản thân một cách mau chóng, tự nhận ra những cơ hội mới từ những vấp ngã đó, đây sẽ là cách nâng cấp doanh nghiệp, kỹ năng và hệ thống của bạn một cách hoàn hảo.
“Bạn đừng nên học cách bước đi theo những nguyên tắc. Mà bạn nên học bằng cách làm và vấp ngã” – Richard Branson
5. Sự hy sinh
Xây dựng một doanh nghiệp đồng nghĩa với việc phải cho đi và hy sinh nhiều thứ. Thay vì mua những đôi giày thể thao đắt nhất, hợp mốt nhất hay theo đuổi những mẫu iPhone vừa mới ra thì bạn sẽ chọn cách đầu tư số tiền đó vào quảng cáo Facebook hoặc mua những khóa học giúp nâng cao kỹ năng cho bản thân.
Mặc dù chúng ta đang sống trong một thời đại không ngừng phát triển, mọi thứ đều có sẵn chỉ bằng một cú chạm tay trên điện thoại nhưng việc bắt đầu một doanh nghiệp không phải đơn giản và bày sẵn ra trước mặt như vậy. Để có được một dịch vụ, một sản phẩm, một công ty vững mạnh ta phải đánh đổi hàng giờ làm việc, những đêm thức trắng, là sức khỏe, thời gian, tiền bạc và cả mồ hôi lẫn nước mắt.
Vì vậy, khi chúng ta còn trẻ mà đã bắt đầu việc kinh doanh thì cũng sẽ có những lúc bạn cần phải lựa chọn giữa thú vui của bản thân hay chọn công việc, lựa chọn giữa tận hưởng tuổi trẻ một cách trọn vẹn hay đầu tư thời gian vào những ý tưởng cho doanh nghiệp của mình.
Tất nhiên, cần phải có một tỷ lệ cân bằng giữa cuộc sống và công việc thế nhưng việc hy sinh một vài thú vui trên con đường lập nghiệp sẽ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng sự đánh đổi nào cũng có cái giá của nó, việc hy sinh của bạn lớn bao nhiêu thì phần thưởng sau những nỗ lực đó cũng sẽ lớn bấy nhiêu.
Bắt đầu công việc kinh doanh khi ở độ tuổi 20 có thể gây nên những khó khăn, trở ngại và nhiều thách thức nhưng đây sẽ là một cuộc phiêu lưu đầy ly kỳ và thú vị trên bước đường đời của bạn. Cho dù bạn đang lên ý tưởng hay đã bắt đầu việc thực hiện công việc thì hãy luôn tự hào về những gì mình đã chọn và đừng bao giờ để bản thân ngả nghiêng theo lời ra tiếng vào thì công việc này là của bạn, đam mê này cũng là của bạn còn tuổi tác đơn giản chỉ là một con số.
Theo Trí Thức Trẻ