Đánh giá đúng và có cái nhìn khách quan về Thuỷ điện

<!CONTENT_BOXLEFT>

<!ENDCONTENT_BOXLEFT>

Trang chủCác hoạt động chuyên môn của ngành

Đánh giá đúng và có cái nhìn khách quan về Thuỷ điện <!HOTNEW>

 

Gần đây, một số thông tin cho rằng cần phá bỏ thuỷ điện để bảo vệ môi trường là điều không hợp lý trong khi nhiều quốc gia trên thế giới lại coi đây là nguồn điện quan trọng.

 

Thủy điện- “viên pin” năng lượng cho mọi quốc gia

 

Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, sạch và rẻ hơn điện than và điện khí, được coi như là một chìa khóa mấu chốt cho động lực phát triển kinh tế quốc gia. Từ giữa thế kỷ thứ 19 và suốt thế kỷ 20 việc xây dựng các con đập chắn ngang sông từng được tiến hành ồ ạt ở phương Tây. Hơn nữa, khi còn chưa có những mạng lưới ắc-quy điện đủ mạnh thì những con đập chính là các “viên pin” khổng lồ, có thể được sử dụng để lưu trữ lượng điện tái tạo rất lớn.

Tiềm năng về thủy điện đang thực sự được giải phóng và nó đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của nhiều quốc gia

Các chuyên gia cho biết, việc xây dựng các con đập chắn ngang sông từng được tiến hành ồ ạt ở phương Tây trong những thập niên 1920 – 1970, nhằm cung cấp nguồn nước tưới tiêu ổn định cho nông nghiệp, kiểm soát lũ và đặc biệt là khai thác tiềm năng về giao thông cũng như thủy điện dồi dào của các con sông.

 Một ví dụ điển hình cho hệ thống phức hợp thủy điện và thủy lộ quy mô như vậy là tổ hợp công trình trên sông Colombia nằm giữa hai bang Washington và Oregon của Mỹ. Ngoài việc góp phần đáp ứng tới 80% nhu cầu điện năng của vùng đông bắc Mỹ, hệ thống liên hoàn các đập và 8 âu tàu (hệ thống khóa có tác dụng tăng – giảm mực nước để tàu thuyền có thể di chuyển qua các vùng chênh lệch mức nước) trên dòng sông đã được nạo vét này giúp vận chuyển tới hơn 17 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Theo tổ chức Giáo dục về nguồn nước và năng lượng (FWEE), hệ thống cũng tham gia điều tiết dòng lũ và kiểm soát sự di chuyển của các loài cá. Suốt một thời gian dài, các đập thủy điện được coi là nguồn cung cấp năng lượng tái tạo sạch và rẻ hơn các nhà máy sản xuất điện than hay điện khí.

 Xét về tỉ lệ, 99% lượng điện tạo ra ở Na Uy là nhờ sức nước, trong khi các thủy điện tại Iceland đáp ứng tới 83% nhu cầu về điện của người dân. Tỉ lệ này ở Canada là hơn 70% và Áo khoảng 67%.

Trên thực tế, thủy điện thường gây ra tranh cãi nhiều như năng lượng mặt trời. Nhưng thực ra thủy điện là dạng năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, đóng góp tới 15,9% điện năng toàn cầu – nhiều hơn sự đóng góp của tất cả dạng năng lượng tái tạo khác kết hợp lại. Vì các lợi thế trên, thủy điện đã đóng vai trò then chốt cho động lực phát triển kinh tế của nhiều nước. Điều đó cho thấy tầm quan trọng gia tăng của thủy điện đối với mạng lưới điện toàn cầu. Ở Na Uy, 99% tổng sản lượng điện do thủy điện tạo ra. Ở Canada, cứ 10 nhà cung cấp điện thì có 6 là thủy điện và thủy điện tạo ra hàng nghìn việc làm ở nước này. Uruguay đã đạt đến mức gần 100% là năng lượng tái tạo, phần lớn nhờ vào thủy điện.

Châu Á “thức giấc” với thủy điện

Ở châu Á, tiềm năng về thủy điện đang thực sự được giải phóng và nó đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Các quốc gia Châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam cũng được xếp hạng trong số các quốc gia hàng đầu trên thế giới về năng lực thủy điện.

“4 năm kể từ khi các Mục tiêu phát triển bền vững được thống nhất tại Liên Hợp Quốc vào năm 2015, các chính phủ ngày càng thừa nhận thủy điện đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược quốc gia về cung cấp năng lượng sạch, giá cả hợp lý, quản lý nguồn nước sạch, chống biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế. Sự phát triển của thủy điện ngày nay đóng góp tích cực nhất cho các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi, với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tiếp theo là Nam Mỹ”, Richard Taylor – Giám đốc điều hành Hiệp hội Thủy điện Quốc tế và Ken Adams – Chủ tịch Hiệp hội Thủy điện Quốc tế, cho hay trong Báo cáo hiện trạng thủy điện 2019.

Nhìn chung, riêng châu Á đã chiếm tới 42% – tương đương 543GW – trong tổng công suất lắp đặt của toàn thế giới vào năm ngoái là 1.295GW.

Trên hết, sự sẵn có của thủy điện là một lợi ích cho châu Á và Thái Bình Dương, nơi có hơn 4,4 tỉ người, chiếm hơn nửa mức tiêu thụ năng lượng của thế giới, mà 85% trong số đó ở dạng nhiên liệu hóa thạch. 

Trong khi công nghiệp hóa và đô thị hóa đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thực tế là hơn 10% lượng dân số khổng lồ của khu vực này vẫn thiếu điện – một trở ngại rõ ràng cho khu vực để có thể cải thiện thu nhập và cuộc sống của người dân. Với khả năng chi trả là mối quan tâm chính yếu thì thủy điện thậm chí còn có ý nghĩa hơn, vì đây là một trong những nguồn năng lượng rẻ nhất hiện nay.

Đánh giá đúng và có cái nhìn khách quan về thủy điện

Mặc dù, thủy điện được coi là động lực phát triển kinh tế quốc gia, nhưng bên cạnh đó, các nhà môi trường đã bày tỏ lo ngại rằng các dự án nhà máy thủy điện có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái xung quanh, sự phát điện của nhà máy điện cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường của dòng sông bên dưới, việc tái định cư cho người dân bản địa sống trong vùng hồ chứa còn nhiều khó khăn, công tác trữ nước và xả lũ có thể chưa hợp lý khiến ngập lụt hoặc hạn hán ở vùng hạ du, các dự án thủy điện ảnh hưởng đáng kể đến sinh kế của người dân…

Đối với một số thông tin cho rằng, hiện nay Mỹ đang cho tháo dỡ hàng nghìn dự án thuỷ điện để tập trung sang các nguồn năng lượng khác.

Liên quan đến thông tin này, ông Nguyễn Tài Sơn – Chuyên gia độc lập về thủy điện sau khi có nghiên cứu đã khẳng định, thông tin này là hoàn toàn sai sự thật. Các dự án được tháo dỡ ở Mỹ hiện nay là do đã hết hạn hoạt động hoặc không thể tiếp tục khai thác.

Quay trở lại vấn đề hiện trạng thủy điện tại Việt Nam, về tác động đến môi trường, cụ thể ảnh hưởng đến rừng tại Việt Nam, ông Sơn nhận định thủy điện góp phần phục hồi độ che phủ rừng từ 28% năm 1995 lên 41,9% vào năm 2019. “Các thủy điện khi xây dựng đã phá đi diện tích rừng nhất định, nhưng họ phải đóng góp chi phí phục hồi rừng hàng năm. Đây là khoản tiền được trả trực tiếp cho người dân giúp họ có sinh kế mới không vào rừng khai thác như trước đây nữa. Tôi thấy việc làm này rất hay và cần được nhân rộng”, ông Sơn nói.

“Dư luận hay nói, thủy điện gây lũ, nhưng chúng ta nên cần có cái nhìn toàn diện. Về lợi ích năng lượng, thuỷ điện chiếm 30 đến 40% năng lượng điện, nếu bỏ thì phải tìm năng lượng mới thay thế. Thuỷ điện không tiêu hao nguồn nước và dòng chảy, đó là nguyên lý cơ bản. Các hình thức của thuỷ điện, có liên quan tới tác động môi trường, thuỷ điện có hồ điều tiết dài hạn như Hoà Bình, Sơn La… Trước đây, chúng ta tranh luận gay gắt việc không nên làm thuỷ điện lớn vì tác động đến môi trường quá ghê gớm mà chỉ làm thuỷ điện nhỏ thôi vì tác động môi trường không đáng kể. Nhưng cho đến ngày nay thì chúng ta lại phản đối thuỷ điện nhỏ”, ông Sơn thắc mắc.

Ngoài ra, ông Sơn phân tích thêm, khi đầu tư thuỷ điện thì chủ đầu tư thường chú ý tới lợi nhuận, có hiệu quả tài chính. Nhưng hiệu quả tài chính dù cao đến đâu cũng không được thông qua nếu không có hiệu quả kinh tế, hiệu quả kinh tế được hiểu là tác động tới kinh tế vùng (địa phương), bảo vệ môi trường.

Xung quanh dư luận về thủy điện, PGS-TS Vũ Thanh Ca- Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội dẫn chứng, hiệnViệt Nam đã xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh để đảm bảo vận hành một cách an toàn và hiệu quả các hồ chứa. Tuy vậy, các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp trung ương và địa phương phải nỗ lực tổ chức thực hiện, đảm bảo các đập thủy điện được thiết kế và xây dựng phù hợp, an toàn; các đập và hồ được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên và có quy trình vận hành được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định để đảm bảo an toàn và hiệu quả như các mục tiêu thiết kế đề ra để góp phần giảm thiểu lũ lụt và tác hại của lũ lụt, cũng như ngăn ngừa sự cố môi trường do vỡ đập.

Cần chú ý là việc xây dựng các hồ chứa luôn kèm theo việc xây dựng một hệ thống hạ tầng đính kèm, bao gồm nhà quản lý, biến áp, đường sá cũng như có thể yêu cầu bố trí quỹ đất để tái định cư. Việc này sẽ gây ra phá rừng và do vậy làm gia tăng lũ lụt. Ngoài ra, việc san đồi núi tạo các mặt bằng xây dựng có thể làm gia tăng mức độ bất ổn định của các khối đất đá, làm gia tăng khả năng trượt lở đất và gây những thiệt hại về người và của.

Tuy nhiên PGS-TS Vũ Thanh Ca cũng lưu ý, cần nghiên cứu đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực của việc xây dựng thủy điện và hạ tầng thủy điện để có các biện pháp quản lý phù hợp.

Với những quan điểm cho rằng loại bỏ thủy điện là một điều không hợp lý, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu năng lượng. Phát triển kinh tế mà giảm tiêu thụ điện là một chuyện chỉ có trong tưởng tượng. Hơn nữa, kinh tế càng phát triển thì càng cần nhiều điện hơn nên năng lượng càng ngày càng thiếu. “Do vậy, dù thế nào ta vẫn phải tiếp tục phát triển năng lượng. Vấn đề chỉ là phát triển sao cho hiệu quả và gây ít tác động tới môi trường, kinh tế – xã hội nhất”- PGS-TS Vũ Thanh Ca nói./.

 

Theo: Lan Anh – Báo Công Thương

Nguồn: https://congthuong.vn/danh-gia-dung-va-co-cai-nhin-khach-quan-ve-thuy-dien-147652.html

[Trở về]

Các tin đã đăng

  • Để thương hiệu nước khoáng Bang vươn xa 
  • Ngành điện Quảng Bình: Khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão Vamco 
  • Đóng góp của ngành Công Thương trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế 
  • Chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng đầu tỉnh Quảng Bình tăng 2,19% 
  • Quảng Bình: Sản xuất công nghiệp tháng 10 giảm so với tháng trước 
  • Gỡ khó cho ngành công nghiệp thế mạnh 
  • Ký kết Phụ lục Thỏa thuận hợp tác 2019-2020 số 3 với Tổ chức phát triển Hà Lan SNV 

!ListOtherNewsLink>

Rate this post

Viết một bình luận