Những ngày này, nhiều người lại nghĩ nhiều về doi đất chỏng chơ đẹp đến nao lòng ở hạ lưu Thu Bồn trước khi con nước hòa mình vào Cửa Đại.
Ở đó, sau mỗi mùa lũ, hạt phù sa trôi từ thượng nguồn trên đỉnh Ngọc Linh oằn mình, rồi lắng lại nhẹ nhàng vun đắp cho cồn một màu xanh bạt ngàn bắp. Cồn bắp không có tên riêng nhưng nhắc đến cồn bắp, người Hội An đều rành rọt từng vồng khoai, luống rau.
Người ta bảo bắp Hội An ngon không vùng nào sánh được là nhờ phù sa như sữa mẹ của dòng Thu Bồn nuôi dưỡng. Hạt bắp Hội An dẻo quạnh, luộc chín có màu óng ánh thơm nức mũi.
Toàn cảnh dự án Gami nhìn từ trên cao xuống – Ảnh: CAM HỘI
Bắp luộc đã thơm, nhưng trái bắp Hội An nướng trên lửa đỏ, tưới lên nó một ít mắm cái ớt xanh, nếu ai đã lỡ gặm vào một miếng thì dù cách nửa vòng Trái đất cũng quay quắt tìm về…
Người Hội An không dừng lại ở đó, sự sáng tạo độc đáo nhất từ bắp có lẽ là món chè nấu từ những trái bắp non.
Những đôi quang gánh của các mẹ, các chị trưa chiều tựa lưng vào ngõ phố đầy rêu múc chè bán cho du khách là hình ảnh thân thương về một Hội An gần gũi, nhẹ nhàng và sâu lắng.
Trải qua hàng trăm năm, thứ hương vị đó, đôi quang gánh đó, hình ảnh không biến dạng như tính cách mộc mạc, chân thành của người dân Hội An.
Rồi khi cái tên Tập đoàn Gami lạ hoắc cắm vào cồn đất một dự án, người ta chợt giật mình hỏi rằng Hội An vì sao nên nỗi? Tấm hình bằng không ảnh đăng báo Tuổi Trẻ cách đây vài hôm chẳng một người Hội An nào nhận ra cồn bắp.
Cát, bêtông, nhà cửa lồ lộ trắng xóa giữa dòng sông xanh, hình dáng cồn bắp thân thuộc ngày nào giờ đây y hệt một bàn chân của người khổng lồ đạp giữa dòng sông in hằn bên phố cổ.
Người Hội An không còn xa lạ với lũ, thậm chí đó là một “đặc sản” du lịch cho những du khách thích mạo hiểm. Nhưng mùa lũ vừa qua mọi thứ đã khác, lần đầu tiên chính quyền Quảng Nam phải huy động toàn lực cứu các công nhân mắc kẹt trên cồn bắp này lúc thi công.
Cồn bắp xanh ngút hiền hòa ngày nào giờ đây trở thành một khối bêtông chặn dòng Thu Bồn khi nước lũ rút. Cư dân đôi bờ lại nơm nớp âu lo khi cửa sông bỗng trở mình liên tục, những con nước đổi dòng gặm nhấm những làng mạc quanh nó.
Dấu chân “người khổng lồ” để lại cho Hội An quá nhiều âu lo, không chỉ hiện diện bằng những nét văn hóa sẽ mất đi mà cả những tài sản, tính mạng của cư dân ven bờ.
Hôm qua, trong cuộc họp khẩn về dự án này, ông Nguyễn Văn Dũng – chủ tịch UBND TP Hội An – đề nghị lãnh đạo TP đọc kỹ những nội dung báo Tuổi Trẻ viết về những lời cam kết của chủ đầu tư, về những thay đổi của dự án cho hợp lòng dân.
Thế nhưng dù có thay đổi thế nào thì cồn bắp của Hội An đã là quá khứ và dấu chân “người khổng lồ” giữa lòng sông như một vết thương in hằn lên Hội An đầy nhức nhối.
Chén chè bắp thơm ngọt của Hội An chợt đắng nghẹn lòng…