Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Khắc Khôi Nguyên – Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Đau đầu gối là triệu chứng thường gặp và cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân khó chịu thường gặp trong cuộc sống. Đau đầu gối hướng đến cho chúng ta một bệnh lý khá phổ biến trong các bệnh về xương khớp đó là thoái hóa khớp gối. Ngoài ra còn các bệnh lý liên quan đến triệu chứng đau đầu gối như: viêm đa khớp dạng thấp, Gout, rách sụn chêm khớp gối, … Vì lý do đó chúng ta nên dành thời gian để tìm hiểu xem đau đầu gối là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu? Có phòng ngừa được không? Và điều trị như thế nào là đúng cách?
1. Thoái hóa khớp gối
Đau đầu gối là triệu chứng thường gặp nhất và cũng là triệu chứng đầu tiên nhất, dai dẳng nhất của bệnh thoái hóa khớp gối. Đau xuất hiện: sau vận động mạnh, sau khi thay đổi thời tiết. Người bệnh có thể đau từng đợt hay liên tục, dai dẳng với cường độ thay đỗi. Ngoài đau đầu gối còn nhiều triệu chứng khác như:
● Cứng khớp buổi sáng: sau khi ngủ dậy khớp gối cứng đờ khó cử động, hoặc có cảm giác có vật lạ làm vướng và dính trong khớp, sau một thời gian mới dễ vận động.
● Tiếng lắc rắc khi cử động khớp gối.
Ở giai đoạn muộn hơn thì đau liên tục, cường độ tăng lên, khớp gối sưng nóng đỏ và có thể nặng nề hơn là biến dạng, vẹo trục khớp gối, giảm khả năng vận động của người bệnh.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối?
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối được hiểu nôm na là sụn khớp bị hư hại và mài mòn, giảm độ nhớt của dịch trong khớp gối, bao hoạt dịch khớp gối bị viêm, do đó 2 đầu xương khi vận động sẽ cọ xát vào nhau dẫn đến đau đớn và hạn chế vận động.
Hiện nay người ta chưa biết nguyên nhân chính xác gây bệnh, tuy nhiên những nghiên cứu trong thời gian qua đã phát hiện một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến thoái hóa khớp gối.
● Giới tính: nữ thường gặp hơn nam giới
● Tuổi: tuổi càng cao khả năng bị thoái hóa khớp gối càng nhiều, gần 80% người trên 75 tuổi bị ảnh hưởng bởi thoái hóa khớp gối.
● Tiền căn: là bệnh có tính di truyền
● Béo phì: (BMI >30kg/m2) có nguy cao bị thoái hóa khớp gối hơn người không bị béo phì.
● Dinh dưỡng: thiếu vitamin D cũng góp phần nguy cơ thoái hóa khớp gối
● Nghề nghiệp: lao động nặng, nông dân, leo cầu thang nhiều
● Hoạt động thể lực: hoạt động càng quá mức là yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp gối
● Yếu tố tại chỗ: chấn thương như rách dây chằng và hư hại sụn chêm, dị dạng khớp gối, các bệnh lý khớp viêm mạn tính như viêm khớp dạng thấp, gout…
Cách phòng ngừa thoái hóa khớp gối?
Thoái hóa khớp nằm trong tiến trình lão hóa của cơ thể nên chúng ta không thể ngăn chặn được quá trình này. Việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ sẽ giúp hạn chế hiện tượng thoái hóa khớp xảy ra nhanh hơn, tuy nhiên yếu tố nguy cơ về giới tính, tuổi là yếu tố không thể thay đổi được. Cách phòng ngừa cụ thể như sau:
● Về béo phì: nếu bị béo phì phải giảm cân bằng cách ăn ít dầu mỡ, tinh bột, tăng cường ăn nhiều chất xơ và tập thể dục hằng ngày
● Về dinh dưỡng: tăng cường ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin D như: rau xanh, nấm, đậu nành, cá, tăng cường phơi nắng để cơ thể tổng hợp Vitamin D.
● Nghề nghiệp: nếu không thể thay đổi công việc thì cũng nên có chế độ làm việc hợp lý, tránh quá sức hạn chế những động tác ảnh hưởng đến khớp gối: ngồi xổm, lên xuống, đi cầu thang, khom người…nên đi xe đạp, đi bộ, bơi lội để tăng cường sức mạnh của cơ bắp giúp bảo vệ khớp.
● Hạn chế tối đa chấn thương vùng khớp.
● Nếu có đau khớp gối nên ngâm vào nước muối ấm pha gừng khoảng 30 phút mỗi ngày hoặc nướng nóng lá ngải cứu trắng kèm chút muối đắp lên vùng gối…các cách này giúp giảm đau giảm viêm vùng gối.
Điều trị thoái hóa khớp gối như thế nào là đúng?
Mục đích điều trị là nhằm để:
● Giảm đau và giảm cứng khớp
● Duy trì và cải thiện khả năng vận động
● Giảm tàn tật
● Cải thiện chất lượng cuộc sống
● Hạn chế phá hủy khớp tiến triển
Điều trị cụ thể:
● Biện pháp không dùng thuốc: các cách làm giảm yếu tố nguy cơ đã liệt kê phía trên cũng là cách điều trị đau đầu gối không dùng thuốc.
● Biện pháp dùng thuốc:
- Tại chỗ: bôi kem Capsaicin ngoài da 0,025 – 0,075% ngày 4 lần hoặc Gel NSAID thoa tại chổ như Diclofenac gel thoa khớp.
- Toàn thân: Acetaminophen như Paracetamol, NSAID như Celecoxib, giảm đau gây nghiện như Codein.
- Nội khớp: tiêm trực tiếp vào khớp gối Methylprednisolon hoặc các thuốc chứa thành phần dịch khớp
● Biện pháp phẫu thuật: thay khớp gối là giải pháp cứu cánh và sau cùng sau khi các biện pháp trên vẫn không hiệu quả
2. Viêm đa khớp dạng thấp
Viêm đa khớp dạng thấp là bệnh mạn tính chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, là bệnh tự miễn và diễn tiến kéo dài có xu hướng tăng dần làm tổn thương sụn khớp gây biến dạng, dính khớp và mất chức năng vận động của khớp. Đây cũng là bệnh quan trọng nhất trong bệnh thấp khớp.
Nguyên nhân
Tuy chưa có nguyên nhân rõ ràng, nhưng qua nhiều năm nghiên cứu thấy bệnh viêm đa khớp dạng thấp có liên quan đến một số yếu tố sau:
● Nhiễm khuẩn:
● Rối loạn nội tiết
● Rối loạn hệ thống miễn dịch
● Yếu tố di truyền
● Yếu tố thuận lợi: chấn thương, stress, chế độ ăn và bất thường về dinh dưỡng
Viêm khớp dạng thấp có triệu chứng gì?
Cứng khớp buổi sáng rõ và kéo dài hơn một giờ.
● Sưng nóng đỏ các khớp, đối xứng 2 bên các xương nhỏ: ngón tay, bàn tay, gối, khuỷu tay…, sưng đau hạn chế vận động, các ngón tay có hình thoi nhất là ngón 2-3-4.
● Toàn thân: sốt nhẹ, ăn uống kém, da niêm mạc nhạt…
● Da khô teo ở các chi
● Các cơ quan khác: viêm mạch máu, cơ – gân – dây chằng- bao khớp, nội tạng, mắt, huyết học…đều bị ảnh hưởng.
Điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp?
Nguyên tắc:
● Chẩn đoán sớm
● Điều trị và theo dõi đúng chuyên khoa
● Sử dụng các thuốc đặc trị sớm ngay khi có chẩn đoán
Điều trị cụ thể:
● Giảm đau: Paracetamol, các thuốc chống viêm không Steroid, Corticoid.
● Điều trị cơ bản: đầu tay là Methotrexate (tìm hiểu kỹ tác dụng phụ và chống chỉ định)
3. Bệnh lý Gout
Bệnh Gout là một bệnh khớp do rối loạn các nhân purin, biểu hiện bằng những cơn Gout cấp, Gout tiến triển hay Gout mạn.
Yếu tố nguy cơ:
● 90% xảy ra ở bệnh nhân nam
● Độ tuổi từ 30 – 40 tuổi
● Cơn Gout cấp thường xảy ra sau khi ăn quá mức, uống rượu, gắng sức, căng thẳng…
Biểu hiện của cơn Gout cấp:
● Khởi phát đột ngột sau ăn quá mức, uống rượu, gắng sức, căng thẳng…ở vị trí ngón 1 bàn chân hoặc khớp gối (80%), khớp sưng tấy, đau dữ dội, sung huyết,..triệu chứng tăng tối đa 12-24 giờ và kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, có thể lui bệnh hẳn.
● Các khớp khác cũng bị ảnh hưởng: mắt cá chân, cổ tay, ngón tay…
● Biểu hiện toàn thân: sốt, rét run, mệt mỏi,…
Một trong những tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh Gout là có tinh thể urat trong dịch khớp. Xét nghiệm acid uric máu giúp gợi ý cho việc chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị.
Cách điều trị hiệu quả bệnh Gout
● Giảm đau: bệnh Gout rất hiệu quả với Colchicine trong 12-24 giờ sau khởi phát triệu chứng
Tóm lại, đau đầu gối là triệu chứng thường gặp của các bệnh lý về khớp như: thoái hóa khớp gối, viêm đa khớp dạng thấp, Gout…nếu không phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống cũng như chi phí và là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều quan trọng nhất vẫn là cách phòng ngừa cũng như tập thể dục, ăn uống khoa học và làm việc hợp lý để tránh được các bênh lý về khớp. Nếu vẫn còn lăn tăn về vấn đề đau đầu gối, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec gần nhất cũng như các bệnh viện uy tín khác để các đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, thiết bị y tế hiện đại để có thể chẩn đoán chính xác bệnh của bạn và điều trị được tận tình nhất.
Để đăng ký thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến trên website để được phục vụ.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!