Đậu nành: lợi ích và những nguy cơ

Đậu nành là một trong số những loại thực phẩm gây nhiều tranh cãi nhất. Bạn có thể nghe thấy rằng đậu nành là một loại siêu thực phẩm có tác dụng thần kỳ nhưng bạn cũng có thể sẽ nghe thấy rằng, đậu nành rất độc và có thể khiến bạn tử vong. Vậy sự thật là gì? Câu trả lời ngắn gọn là: đậu nành có thể là một sự lựa chọn tốt cho sức khỏe, với một lượng vừa phải.

Dưới đây là những gì bạn cần biết về hạt đậu nành.

Đậu nành nguyên hạt và đậu nành đã qua chế biến

Đậu nành có rất nhiều dạng. Một trong số những sự khác biệt lớn nhất giữa các dạng này mà bạn nên biết là sự khác nhau giữa đậu nành nguyên hạt và đậu nành đã qua chế biến.

Cũng như các loại thực phẩm khác, đậu nành nguyên hạt sẽ là sự lựa chọn tốt cho sức khỏe hơn. Lý do là bởi cơ thể bạn có thể hấp thu toàn bộ chất nếu thực phẩm ở dưới dạng nguyên hạt/nguyên cám. Và ở dạng này thì thực phẩm thường sẽ không có các chất bảo quản hay chất độn.

Đậu nành nguyên hạt bao gồm tất cả các loại thực phẩm từ đậu nành ở trạng thái tự nhiên. Ví dụ như:

  • Đậu nành xanh, hạt đã được nấu chín
  • Miso hay sốt đậu nành
  • Hạt đậu nành đã được ngâm nước và rang/nướng chín
  • Đậu phụ

Đậu nành đã qua chế biến lại là một câu chuyện khác. Đậu nành đã qua chế biến thường chứa các chất béo, chất phụ gia không tốt cho sức khỏe. Bạn có thể kiểm tra nhãn thực phẩm để nhận ra thành phần đậu nành đã qua chế biến như:

  • Lecithin đậu nành
  • Protein đậu nành
  • Protein đậu nành thủy phân

Đậu nành: lợi ích và những nguy cơGiá trị của hạt đậu nành

Thực phẩm làm từ đậu nành nguyên hạt thường chứa nhiều protein và chất xơ, cũng như các chất khoáng như kẽm. Ví dụ, 250g đậu nành hạt nấu chín chứa khoảng 18.5 g protein, 8.1 gam chất xơ và 2.1g kẽm. Thêm các thực phẩm làm từ đậu nành nguyên hạt vào chế độ ăn hàng ngày của bạn có thể giúp bạn cảm thấy no hơn mà không tiêu thụ quá nhiều chất béo hay calo. Đậu nành nguyên hạt cũng có thể cải thiện chức năng tiêu hóa của bạn.

Đậu nành hữu cơ nguyên hạt lên men là tốt nhất

Đậu nành là một trong số những loại thực phẩm có lượng thuốc trừ sâu cao nhất khi vào mùa vụ. Và rất nhiều loại đậu nành là thực phẩm biến đổi gien. Do vậy, tốt nhất, bạn nên chọn đậu nành hữu cơ, nguyên hạt.

Kể cả đậu nành hữu cơ nguyên hạt thì vẫn có thể lên men. Quá trình lên men xảy ra khi đồ ăn hoặc đồ uống bị phá hủy bởi vi khuẩn, nấm hoặc các loại vi sinh vật khác. Văn hóa ẩm thực Á Đông đã sử dụng đậu nành lên men từ rất nhiều thế kỷ trước.

Các nhà khoa học tin rằng, việc lên men sẽ làm cho thực phẩm dễ tiêu hóa hơn vì quá trình này sẽ bổ sung các lợi khuẩn probiotic. Những loại lợi khuẩn này tốt cho sức khỏe và có thể cải thiện khả năng hấp thu các loại thực vật (phytonutrients) có tác dụng chống lại bệnh tật có trong đậu nành.

Các lựa chọn tốt để sử dụng đậu nành lên men bao gồm:

  • Miso
  • Đậu tương lên men
  • Sốt đậu nành
  • Đậu phụ lên men và sữa đậu nành

Đậu nành: lợi ích và những nguy cơCác nhà nghiên cứu nói gì

Các y văn đã khám phá ra rất nhiều ảnh hưởng của đậu nành với sức khỏe. Tuy nhiên, những kết quả này còn đang mâu thuẫn với nhau. Dưới đây là một vài kết quả trong số đó:

Đậu nành chống hoặc điều trị ung thư

Các sản phẩm từ đậu nành có chứa isoflavone. Thành phần này được cho là có tác dụng như hormone estrogen trong cơ thể. Có rất nhiều tranh cãi quanh việc liệu những ảnh hưởng giống với estrogen của isoflavone sẽ làm bệnh ung thư phát triển hay làm bệnh ung thư tệ hơn, đặc biệt là đối với các loại ung thư nhạy cảm với hormone như ung thư vú.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, các sản phẩm từ đậu nành không dẫn đến ung thư vú mà thật ra còn có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư. Một nghiên cứu trên tạp chí Cancer Investigation thậm chí còn chỉ ra rằng, genistein – loại isoflavone phổ biến nhất trong đậu nành là một chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn chặn tế bào ung thư phát triển và lan rộng.

Đậu nành có thể làm giảm cholesterol

Một số nghiên cứu chỉ ra một tác dụng tích cực khác của đậu nành lên lượng cholesterol trong máu và sức khỏe của trái tim. Nhưng một số nghiên cứu khác lại không thấy được tác dụng này. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho rằng, protein đậu nành có thể làm giảm lượng cholesterol xấu LDL khoảng 3%. Hiệp hội cũng khuyên rằng, protein đậu nành là sự thay thế tốt cho những loại thực phẩm giàu protein động vật.

Bệnh mất trí

Có một số lo ngại về mối liên quan giữa đậu nành lên men và các rối loạn liên quan đến não bộ như bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu năm 2014 cảnh báo rằng, không loại trừ khả năng đậu nành là một trong những nguyên nhân gây bệnh Alzheimer và các loại mất trí khác. Hoạt động giống như hormone của isoflavone được cho là có thể làm cản trở chức năng của não bộ.

Sữa công thức cho trẻ em

Các chuyên gia y tế đều đồng ý rằng, sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh vì chứa nhiều chất và các yếu tố miễn dịch. Sữa mẹ có thể bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi nhiều căn bệnh, hỗ trợ sự phát triển về thể chất và tinh thần cũng như ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh về sau này.

Sữa công thức cho trẻ em là loại sữa được sử dụng thay thế cho sữa mẹ nếu trẻ không thế bú sữa mẹ hoặc cai sữa mẹ sớm. Sữa công thức cho trẻ em có nguồn gốc từ đậu nành đã gây ra nhiều mối lo ngại vì trẻ em thường rất nhạy cảm với các hiệu ứng giống estrogen do isoflavone gây ra. Tuy nhiên, chưa có một vấn đề cụ thể nào được ghi nhận lại ở trẻ em dùng sữa công thức có nguồn gốc từ đậu nành.

Đậu nành: lợi ích và những nguy cơDị ứng đậu nành

Đậu nành là một tác nhân gây dị ứng tương đối phổ biến, nghĩa là, rất nhiều người trưởng thành (thậm chí cả trẻ em) nhạy cảm hoặc dị ứng với đậu nành. Bạn nên thử ăn một chút đậu nành trong lần đầu tiên để xem liệu bạn có bị dị ứng với đậu nành hay không. Nếu bạn hoặc trẻ có phản ứng dị ứng, bạn nên tránh ăn đậu nành và gọi cho bác sỹ.

Kết luận

Trao đổi với bác sỹ về tiền sử bệnh tật của bạn và việc liệu đậu nành có tương tác với các vấn đề sức khỏe của bạn hay không. Với đa số mọi người, các loại thực phẩm từ đậu nành nguyên hạt lên men có thể là một sự bổ sung tốt cho sức khỏe trong chế độ ăn hàng ngày và có thể cung cấp thêm nhiều chất quan trọng. Và cũng như tất cả các chất và thói quen sống khác, hãy lắng nghe cơ thể bạn và dùng đậu nành với một lượng vừa phải.

 

Liên Hương – Viện Y học ứng dụng Việt Nam – theo Healthline
Viện y học ứng dụng Việt Nam

Rate this post

Viết một bình luận