Dây dẫn điện là vật liệu chính và chiếm số lượng lớn trong hệ thống điện dân dụng. Công trình dân dụng không sử dụng các loại dây điện trần, chỉ sử dụng các loại dây điện có bọc cách diện để đảm bảo an toàn. Vỏ bọc cách điện phổ biến là PVC (viết tắt là V) hoặc XLPE (viết tắt là X). Cách điện của dây dẫn có thể gồm một hoặc hai lớp tùy vào loại dây. Phần ruột dẫn của dây dẫn làm từ đồng (ký hiệu là C), rất hiếm khi ruột dẫn làm bằng nhôm (ký hiệu là A).
Dây đơn cứng VC
Dây đơn cứng được ký hiệu là VC loại dây này gồm một ruột dẫn bằng đồng, một lớp vỏ bọc PVC với mức cách điện 250V. Ruột dẫn được cấu tạo từ 1 lõi đồng đặc nên cứng, khó đấu nối chắc chắn nên ít được sử dụng.
Dây đơn mềm VCm
Dây đơn mềm được ký hiệu là VCm loại dây này giống như dây VC nhưng có điểm khác là ruột đồng của nó gồm nhiều sợi đồng nhỏ ghép lại với nhau nên dây mềm hơn, dễ uốn, dễ lắp đặt và đấu nối rất chặt nên dùng nhiều hơn so với dây đơn cứng.
Dây đôi mềm dẹt VCmd
Các loại dây đôi được ký hiệu gồm 4 chữ cái là loại dây gồm 2 ruột dẫn bằng đồng mềm (VCm).Mỗi ruột đều được bọc cách điện PVC riêng nhưng phần vỏ cách điện của chúng được chế tạo dính liền nhau thành dây dẫn 2 ruột. Mức cách điện của VCmd là 250V.
Dây đôi mềm xoắn Vcmx
Dây đôi mềm xoắn ký hiệu là VCmx thực chất loại này là dùng 2 dây đồng mềm VCm xoắn lại với nhau về mặt cơ học.
Dây đôi mềm ôvan VCmo, CVVm
Dây đôi mềm ôvan được ký hiệu là VCmo là dây gồm 2 dây đơn mềm (VCm) riêng biệt đặt song song gần nhau rồi bọc bên ngoài một lớp vỏ bảo vệ bằng PVC tiết diện ô van. Dây này còn được gọi là cáp điện CVVm tròn. Cấp điện áp của dây là 250V.
Dây đôi mềm tròn VCmt, CVVm
Dây đôi mềm tròn được ký hiệu là VCmt là dây gồm 2 dây đơn mềm (VCm) riêng biệt đặt song song gần nhau rồi bọc bên ngoài một lớp vỏ bảo vệ bằng PVC tiết diện tròn. Dây này còn được gọi là cáp điện CVVm. Cấp điện áp của dây là 250V.
Dây điện lực ruột đồng CV, CX
Dây điện lực ruột đồng được ký hiệu là CV, CX là loại dây đơn gồm ruột dẫn tạo nên từ nhiều lõi bằng đồng, bên ngoài bọc lớp cách điện PVC (gọi là loại CV) hoặc XLPE (gọi là loại CX). Đặc điểm của dây điện lực là cấp cách điện của nó cao hơn và tiết diện lớn hơn nhiều so với dây đơn và dây đôi. Cấp cách điện là 450/750V hoặc 600/1000V, trong đó 450V (hoặc 600V) là cách điện giữa ruột đồng so với đất và 750V (hoặc 1000V) là cách điện đo giữa 2 ruột đồng của 2 dây điện lực.
Cáp điện lực ruột đồng CVV, CXV
Cáp điện lực ruột đồng được ký hiệu CVV, CXV giống như dây điện lực nhưng ngoài 1 lớp cách điện PVC còn có 1 lớp vỏ bảo vệ PVC (gọi là loại CVV) hoặc 1 lớp cách điện XLPE và 1 lớp vỏ PVC (gọi là loại CXV). Cấp cách điện là 450/750V hoặc 600/1000V, trong đó 450V (hoặc 600V) là cách điện giữa ruột đồng so với đất và 750V (hoặc 1000V) là cách điện đo giữa ruột đồng của hai dây điện lực.
Cáp điện lực có thể chế tạo 1 lõi, 2 lõi hoặc 4 lõi.
Cáp ngầm
Cáp ngầm được lắp dưới đất chịu tác động mạnh của tải trọng trên mặt đất, sự biến dạng của các lớp đất làm cho lớp cách điện có thể bị phá hủy nên cần có lớp bảo vệ cớ học dưới dạng băng hoặc sợi thép. Loại cáp này rất nặng nên không được sử dụng trong công trình mà chỉ dùng để lắp ngầm dưới đất bên ngoài công trình. Cáp ngầm có cấu tạo giống như cáp điện lực nhưng có thêm một lớp thép hoặc đồng bảo vệ cơ học bọc ở bên ngoài.
Kết luận
Bài biết trên là các loại dây dẩn điện thường thấy tại các công trình, trong thực tế còn nhiều loại dây cáp điện với nhiều ký hiệu khác nhau, chủ yếu là thêm các lớp vỏ cách điện vị dụ như có thêm đai sắt hoặc chậm cháy…
Đọc tiếp: