Đây là bài review mới về kinh nghiệm du lịch Hà Giang của mình. Mình đã đi Hà Giang quá nhiều rồi, nên mọi người cứ yên tâm rằng đây là những kinh nghiệm “chuẩn chỉ” của mình đó ạ. Chỉ cần làm theo những hướng dẫn này là mọi người sẽ có một chuyến đi cực kỳ mĩ mãn tới vùng cao nguyên đá đang được coi là “đẹp nhất Việt Nam hiện nay”.
Tóm lược hướng dẫn cách đi Hà Giang:
TP Hà Giang cách Hà Nội: 300km, nên đi xe khách đêm lên cho tiết kiệm thời gian
Sau khi lên tới TP Hà Giang, nên thuê xe máy để đi lên cao nguyên đá Đồng Văn + Mèo Vạc: 140-167km
Lịch trình nên đi 2 ngày ăn chơi + 3 đêm ngủ (trong đó có 2 đêm trên xe khách) là vừa đủ cho nhiều người
Nếu thích thì ngủ 2 đêm ở Hà Giang (có review riêng cuối bài)
Nên đi vào gần cuối tuần để: gặp được phiên chợ vùng cao vào sáng chủ nhật tại Đồng Văn + trở về nhà vào sáng thứ Hai, vẫn kịp đi làm nếu muốn
Dù lịch trình kiểu gì cũng không được bỏ qua đèo Mã Pì Lèng + sông Nho Quế
Để không làm mất thời gian đọc của mọi người, mình xin review tóm tắt toàn bộ kinh nghiệm ăn chơi Hà Giang một cách đơn giản + ngắn gọn + dễ hiểu cho mọi người “note” lại trước khi lên đường…
Cách đi du lịch Hà Giang từ Hà Nội
Khoảng cách Hà Nội Hà Giang: 300km ( xem bản đồ
Sau khi đặt chân tới TP Hà Giang, mọi người cần đi thêm 140-167km nữa mới tới địa điểm cần ăn chơi + nhiều cảnh đẹp
Từ Hà Giang lên cột cờ Lũng Cú + Đồng Văn: 167km ( xem bản đồ
Từ Đồng Văn đi ra đèo Mã Pì Lèng khoảng 36km ( xem bản đồ ), đi tiếp 10km nữa là sang Mèo Vạc
Sau khi ra khỏi TP Hà Giang là cảnh đẹp lắm rồi, song đẹp nhất là đoạn từ huyện Yên Minh lên Đồng Văn và từ Đồng Văn đi sang Mèo Vạc.
Từ Hà Nội hoặc TPHCM, mọi người cứ nghĩ đi Hà Giang xa lắm, khó lắm nhưng thực ra đi rất dễ mọi người ơi. Mà lại rẻ nữa (chứ không đắt như khi mình đi du lịch Sapa, đi du lịch Nha Trang, đi du lịch Phú Quốc… đâu ạ).
Chỉ cần chọn được thời điểm có thời tiết tốt, không mưa gió + lên lịch trình chi tiết (không biết thì làm theo lịch trình hướng dẫn của mình bên dưới) là xách mông lên để đi thôi.
Do Hà Giang chưa có sân bay + cũng chẳng có tàu hỏa luôn, nên cách đi chủ yếu là bằng đường bộ: ô tô hoặc xe máy ạ.
Cách đi Hà Giang bằng ô tô + xe khách
Nếu có xe ô tô riêng thì cứ theo bản đồ Google Map, rời Hà Nội vào một buổi sáng đẹp trời, thẳng tiến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tới TX Đoan Hùng thì rẽ xuống quốc lộ 2 – đường đi Tuyên Quang. Từ Tuyên Quang đi thẳng lên TP Hà Giang ạ.
Nếu đi bằng xe khách chất lượng cao thì cứ ra bến xe Mỹ Đình hoặc bến xe Gia Lâm ở Hà Nội là có rất nhiều xe khách Hà Nội đi Hà Giang (xe chạy ban đêm + xe chạy ban ngày đều có nha).
Kinh nghiệm đi Hà Giang bằng xe khách
Do liên quan đến lịch trình du lịch Hà Giang (được mình hướng dẫn chi li bên dưới) nên thời điểm khởi hành đi Hà Giang rất quan trọng nha mọi người.
Theo kinh nghiệm của mình thì mọi người nên lên xe đi Hà Giang vào ban đêm thì sáng hôm sau là có mặt tại TP Hà Giang rồi.
Đi ban đêm thì được ngủ 2 đêm trên xe, đỡ mất thời gian di chuyển + tiết kiệm được tiền khách sạn hoặc homestay
Nên đặt trước vé để không bị mất chỗ + nên dặn nhà xe giữ cho chỗ đẹp, nằm tầng 1 hoặc 2 tùy theo sở thích, để tránh bị mất chỗ, phải ngủ dưới sàn xe nếu chẳng may đông khách, xe nhồi nhét (mình đã từng gặp).
Để tránh gặp phải những nhà xe nhồi nhét thì nên chọn các hãng xe uy tín, xem thêm bài: Nhận xét các hãng xe khách từ bến Mỹ Đình (Hà Nội) đi Hà Giang của mình.
Nên đi xe nào an toàn + uy tín + lịch sự + sạch sẽ
Giá vé xe khách Hà Nội đi TP Hà Giang hiện nay
Giá vé phổ biến hiện nay là: 200-220K cho một chiều đi từ Hà Nội lên tới TP Hà Giang. Từ đây lên Đồng Văn – cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng… còn xa lắm, nếu đi xe khách thì mất thêm 100K nữa ạ (tiếp tục xem hướng dẫn ở bên dưới nha mọi người)
Loại xe 53 chỗ, giường nằm, máy lạnh
Các hãng xe thường khởi hành ban đêm và dừng nghỉ tại Đoan Hùng hoặc thị xã Phú Thọ để mọi người xuống đi wc vệ sinh, ăn uống
Cách đi phượt Hà Giang bằng xe máy
Từ Hà Nội, có rất nhiều cung đường đi Hà Giang bằng xe máy, nhưng chủ yếu là 2 cung sau đây:
Cung đường 1
: Hà Nội ⇒ Sơn Tây ⇒ cầu Trung Hà ⇒ Đoan Hùng ⇒ Tuyên Quang ⇒ TP Hà Giang
Cung đường 2
: Hà Nội – Vĩnh Yên ⇒ Sơn Dương ⇒ Tuyên Quang ⇒ TP Hà Giang
Tuy nhiên, mình không thích đi xe máy từ Hà Nội lên Hà Giang. Cảnh báo mọi người là không nên đi như thế này, vừa xa vừa mệt, nguy hiểm, không an toàn.
Có nhiều bạn gái theo cánh đàn ông đi kiểu này, cả chuyến đi chỉ có cắm mặt trên đường, tối mịt mới về, mặt trát bụi mà cũng chả nhớ được Hà Giang có gì, hehe!!!
Cảnh báo: mọi người không nên đi bằng cách này, nên mình cũng không nói sâu
Lịch trình du lịch Hà Giang ⇒ Đồng Văn ⇒ Mèo Vạc
Nếu mọi người đã xác định được thời điểm nào đẹp + an toàn, khô ráo, không mưa gió + lại có nhiều loài hoa đua nở (xem thêm bên dưới) để lên đường đi Hà Giang thì kinh nghiệm của mình về lịch trình đi Hà Giang nên như sau:
Nên đi 2 ngày + 3 đêm, tránh cuối tuần
Mọi người nên đi vào gần cuối tuần cho khỏi bị đông, đừng khởi hành vào thứ 7 và chủ nhật vì càng cuối tuần càng đông (nhất là mùa có hoa tam giác mạch + lễ hội hoa tam giác mạch).
Lịch trình chuẩn nhất để lên đường là thứ 5 hoặc thứ 6, nên xuất phát vào ban đêm (đi bằng xe khách như trên hướng dẫn) để khoảng 20-21 giờ đêm khởi hành thì tầm 4-5 giờ sáng hôm sau là có mặt ở TP Hà Giang.
Lịch trình nên đi 3 đêm + 2 ngày (tức là 2N3Đ – trong đó, hai đêm là ngủ trên xe khách chiều đi + về, còn hai ngày là đi chơi tại cao nguyên đá Hà Giang).
Đi kiểu này thì đêm chủ nhật sẽ rời TP Hà Giang trở lại Hà Nội. Ngủ trên xe nên sáng ra vẫn đi làm
bình thường
(còn lịch trình cho những ai ở TPHCM ra thì mình sẽ bổ sung thêm bên dưới)
Lịch trình ăn chơi ở Hà Giang chi tiết
Đây là lịch trình đi của mình và rất nhiều người. Tuy nhiên, mọi người có thể biến tấu sao cho phù hợp địa điểm xuất phát, nhu cầu ăn chơi, tổng quỹ thời gian, sở thích chụp ảnh, ngắm cảnh… của chính mọi người (nếu không tự đưa ra được lịch trình riêng thì gửi comment ở dưới cuối trang, mình sẽ lên lịch trình giúp):
Đêm đầu tiên:
Từ bến xe Mỹ Đình (hoặc Gia Lâm hoặc Yên Nghĩa) đi TP Hà Giang.
Khoảng 20-21 giờ là các xe lăn bánh
Tầm 4-5 giờ sáng là tới bến xe TP Hà Giang – xem thêm: Số điện thoại + địa chỉ bến xe khách Hà Giang (mới)
Chi tiết đi xe khách như thế nào thì mọi người xem lại ở mục bên trên
Ăn chơi tại Hà Giang ngày đầu tiên
Từ TP Hà Giang đi lên cao nguyên đá Đồng Văn: Tổng quãng đường dài 140km. Mọi người nên thuê xe máy tại Hà Giang mà đi hoặc đi xe khách từ TP Hà Giang lên Đồng Văn tại bến xe Hà Giang luôn.
Ai sợ đi xe máy thì đi ô tô sẽ đỡ mệt hơn. Nhưng nếu say xe thì nên đi xe máy. Nếu có ai đó muốn hỏi đi ô tô hay xe máy đẹp hơn thì mình trả lời luôn là đi xe máy đẹp hơn, phê hơn nha nha!!!
Các địa điểm nên check-in & lịch trình (recommend)
Recommend là nên ở các homestay có view đẹp, không nên ở các khách sạn vì giá đắt mà lại chả đẹp gì (ngoại trừ đi kiểu gia đình thì nên ở khách sạn cho riêng tư). Mà đã ở homestay thì nên ở homestay nào xinh + view đẹp đẹp chút cho bõ công đi du lịch Hà Giang nha.
Note: Ở Đồng Văn có rất nhiều homestay đẹp nhưng cũng có rất nhiều homestay xập xệ, giá cũng chẳng rẻ, ở hơi phí tiền, trong khi họ lên facebook review hơi ảo, tụi mình có review trong bài này: Chất lượng homestay ở Đồng Văn rất tệ, không nên ở
Ăn chơi Hà Giang ngày thứ 2
Buổi sáng dậy sớm đi ăn các món ăn ngon ở ngay tt. Đồng Văn (xem thêm: 3 địa chỉ quán ăn sáng và món ăn ở Đồng Văn bạn nên thử ) hoặc tại homestay nơi bạn ở.
Hoặc tranh thủ đi chợ phiên Đồng Văn để ăn sáng (nếu đúng vào hôm chủ nhật). Địa chỉ nằm ngay tại trung tâm tt Đồng Văn, cách phố cổ vài chục mét. Chợ này chỉ họp mỗi tuần 1 lần vào sáng chủ nhật. Do đó, nếu bạn đi lịch trình như mình hướng dẫn: đêm thứ 6 lên xe từ Hà Nội, sáng thứ 7 từ TP Hà Giang lên cột cờ Lũng Cú thì sáng hôm sau là chủ nhật – vừa đúng phiên chợ vùng cao ạ.
Nếu không ăn ở chợ phiên Đồng Văn (hoặc không vào đúng phiên chợ) thì có thể tranh thủ dậy sớm đi chợ Sà Phìn ăn sáng + check in dinh vua Mèo luôn (chợ họp ngay cổng dinh thự cổ này)
Nếu ai đặt homestay ở cột cờ Lũng Cú thì nên ăn sáng tại homestay hoặc qua chợ phiên Ma Lé, chợ phiên Sà Phìn để ăn + tham quan dinh vua Mèo, rồi lượn thẳng về tt. Đồng Văn check in cà phê phố cổ (nhớ trả phòng luôn vì không quay lại nữa cho tiết kiệm đường)
Từ tt. Đồng Văn hoặc cột cờ Lũng Cú, lên kế hoạch đi check in đèo Mã Pì Lèng + sông Nho Quế. Chỗ này là linh hồn của cả hành trình ăn chơi du lịch Hà Giang ạ, nên là “must do” (ai bỏ qua thì tiếc lắm luôn).
Đầu tiên là rời phố cổ Đồng Văn để đi ra xã Tà Làng trên cung đường Hạnh Phúc. Tại đây có các lối mòn + lối đi xe máy xuống bến thuyền của dòng sông Nho Quế. Từ bến thuyền, mọi người thuê thuyền đi chụp ảnh (nhớ ra hẻm Tu Sản nha, bao phê)
Trở lại đường Hạnh Phúc để đi check in đèo Mã Pì Lèng ngắm sông Nho Quế từ trên cao tại xã Pải Lủng, chụp ảnh tại dốc chữ “M”
Dọc cung đường Hạnh Phúc từ tt. Đồng Văn sang tt. Mèo Vạc (khoảng cách khoảng 30-40km) có rất nhiều quán cafe đẹp để check in sống ảo. Mọi người nên tìm một chỗ view đẹp để uống cafe
Từ đèo Mã Pì Lèng, mọi người có thể đi thẳng sang tt. Mèo Vạc để quay về Hà Giang bằng cung đường mới. Nếu lịch trình đi 2 ngày mà chưa kịp check in cái dinh vua Mèo ở Sà Phìn thì nên chia địa điểm ra để lúc quay về bằng đường cũ thì check in cái dinh vua Mèo ở xã Sà Phìn + Phó Bảng + Lao Xa (tức là chiều hôm trước đừng đi những địa điểm này để dành nhiều thời gian check in cây cô đơn + xã Sủng Là, cột cờ Lũng Cú + các thứ linh tinh trên đường
Trên đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, mọi người nên check in thêm cái thung lũng Pả Vi, chợ tình Mèo Vạc, đặc biệt là Trung tâm văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi (có thể book homestay ở đây, đẹp và vui lắm)
Nếu có nhiều time, lịch trình đi Hà Giang 3 đêm + 3 ngày thì nên check in cả cái làng cổ Thiên Hương nữa ạ. Tuy nhiên, kinh nghiệm của mình là không nên tham đi, không đủ sức. Nhiều chỗ phải du lịch Hà Giang lần thứ 2, thứ 3 mới đi hết được í ạ.
Tính toán thời gian để 14-15 giờ chiều là phải trở về lại TP Hà Giang để kịp lên xe khách trở về Hà Nội vào buổi tối
Đêm cuối cùng (tức là đêm thứ 3): Lên xe khách về Hà Nội, chia tay Hà Giang thương nhớ. Nếu về TP Hà Giang sớm quá thì có thể tranh thủ đi check in cửa khẩu Thanh Thủy hoặc đi ăn các món ngon ở ngay TP Hà Giang, ví dụ như cháo ấu tẩu
Đi du lịch Hà Giang mùa nào đẹp, tháng nào không có mưa lũ bão?
Câu nói: “Hà Giang mùa nào cũng đẹp” là đúng nha mọi người ơi. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang của mình, các tháng sau đây là đẹp nhất nên mình xin recommend:
Đi Hà Giang mùa Thu
Du lịch Hà Giang vào các tháng 8-9-10-11: phong cảnh cực chill, đẹp nhất
Có nhiều loài hoa dại đẹp, trong đó đẹp nhất là hoa tam giác mạch
Tháng 9 sang 10 thì ở Hoàng Su Phì và Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh… còn có mùa lúa chín nữa, nhưng theo đánh giá của mình là không đẹp bằng Mù Cang Chải: 10 địa điểm Mù Cang Chải đang hot hit
Mùa Thu thì ít có mưa lũ bão ở Hà Giang (tuy nhiên vẫn có những đợt mưa lũ bất ngờ đấy ạ)
Đi Hà Giang mùa xuân
Mùa xuân ở Hà Giang vào các tháng 2-3-4 (chậm hơn các nơi khác khoảng 1 tháng do lạnh quá ạ)
Du lịch Hà Giang vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 có nhiều hoa đào, hoa mận (mình đánh giá là hoa đào ở đây đẹp hơn hẳn bên Sapa và Mộc Châu)
Mùa xuân ở Hà Giang còn có hoa lê, hoa ban trắng, hoa cải trắng nữa… Mời mọi người xem review + hướng dẫn kinh nghiệm đi du lịch Hà Giang của tụi mình trong bài này để biết chỗ nào có nhiều hoa đẹp ạ: Chụp “cháy máy” 4 mùa hoa ở Hà Giang
Đi Hà Giang mùa hè
Mùa hè ở Hà Giang là các tháng 5-6-7: hoa lá xanh tươi, cảnh rất đẹp
Tháng 5 thì vẫn có hoa tam giác mạch
Tháng 6-7 thì nắng nóng nên ít người đi Hà Giang ạ (tại vì chạy quãng đường xa sẽ mệt) với hay có mưa lũ nữa. Mọi người xem review của bạn này đi ạ. Kinh nghiệm du lịch Hà Giang mùa hè của bạn í là luôn phải “thủ” thêm 1 đôi dép tổ ong để đi check-in, selfie các chỗ, hài lắm luôn: Đi Hà Giang tháng 6-7 bằng “dép tổ ong” của mình
Bù lại, mùa hè ở Hà Giang có nhiều quả ngon như mận Hà Giang, đào Hà Giang, lê Hà Giang…
Đi Hà Giang vào mùa Đông
Du lịch Hà Giang mùa Đông thì đúng là lạnh teo tờ – rym luôn. Nhiệt độ có thể xuống 10-12 độ C vào tháng 10, còn sang tháng 12 đến tháng 1 thì 4-5 độ C là chuyện hàng ngày
Mùa đông Hà Giang thường bắt đầu từ tháng 10 đến tận tháng 3, nhưng lạnh tê tái là tháng 1 và 2 ạ.
Du lịch Hà Giang mùa Đông cũng đẹp lắm luôn, nhưng tránh các tháng 1 và 2 ra. Còn lại, từ tháng 9-10 (se se lạnh) đến tháng 11 (lạnh) thì có hoa tam giác mạch, hoa cúc tím, hoa cải vàng… Từ tháng 2 đến 3 thì có hoa đào, hoa cải trắng, hoa lê…
Để có thêm bí kíp đi du lịch Hà Giang mùa nào đẹp và kinh nghiệm đi Hà Giang thế nào, mời cả nhà cùng “ngâm cứu” kỹ bài review của bạn Hoàng Minh Thương ạ (đừng bỏ qua bài hướng dẫn rất sâu này: Tại sao [không] nên đi Hà Giang vào mùa Thu + mùa xuân?
Các địa điểm đẹp nên check in + chụp ảnh tại Hà Giang đây ạ
Dọc cung đường quốc lộ 4C từ TP Hà Giang lên cao nguyên đá Đồng Văn – Mèo Vạc có quá nhiều địa điểm đẹp để check in sống ảo. Tùy theo lịch trình + sở thích mà mọi người chọn các địa điểm check in sau đây:
Thêm những kinh nghiệm du lịch Hà Giang có thể mọi người chưa hề biết
Để chuyến đi chơi Hà Giang thực sự ấn tượng + an toàn + tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc, mọi người nên “note” lại những kinh nghiệm sau của mình:
Kinh nghiệm đi xe
Đừng bao giờ đi Hà Giang bằng xe máy từ Hà Nội nha mọi người. Cả đi cả về, tổng quãng đường gần 1.000km. Mặt trát bụi bẩn, đi như ngựa hoang chó chạy. Nửa đêm gà gáy đã phải mò dậy lên đường. Mà cũng nửa đêm gà gáy mới về tới nhà.
Do đi như ngựa, thời gian chủ yếu là đi nên bị thiếu ngủ trầm trọng, cũng chẳng nhớ được Hà Giang có gì, haha!?
Từ TP Hà Giang lên cao nguyên đá nên đi bằng xe máy
TIPs: Kinh nghiệm của mình là nên đi Hà Giang bằng ô tô hoặc xe khách từ Hà Nội. Lên tới TP Hà Giang thì thuê xe máy để đi là đẹp nhất. Từ Hà Nội lên Hà Giang chả có vẹo gì đẹp sất!!!
Các địa điểm tham quan nằm khá xa nhau nên phải di chuyển khá xa. Tuy đường sá không khó đi nhưng vẫn có những đoạn khá xóc, lên đèo cao. Các bạn nữ hãy chắc tay lái một chút, không cần đi quá nhanh đâu.
Nhớ mang nước uống: Quãng đường chạy xe khá dài & không có nhiều quán sá, nên cần chuẩn bị đủ nước uống & đồ ăn nhẹ nha.
Nhớ đổ xăng ngay: Trên đường đi rất ít trạm xăng nên gặp chỗ nào thì nên đổ ngay + đổ đầy bình là chắc chắn nhất.
Cần mang theo bằng lái để lên TP Hà Giang thuê xe máy (ở đây CSGT họ ít khi tuýt khách du lịch nhưng vẫn phải tuân thủ luật cho văn minh lịch sự)
Khi thuê xe máy cần yêu cầu chủ cơ sở cho thuê xe trang bị đầy đủ dụng cụ bảo vệ – bảo hộ thân thể như giáp chân, giáp tay, dây buộc hành lý, mũ (nón) bảo hiểm, đặc biệt là bộ đồ sửa chữa xe (cứ cầm theo cho chắc)
Tổng quãng đường từ TP Hà Giang lên cột cờ Lũng Cú và tt. Đồng Văn là 140km đến 167km. Nên nghỉ ăn trưa tại tt. Yên Minh, chiều mới đi tiếp.
Đừng về muộn: Đừng về khách sạn – homestay muộn vì ở cao nguyên đá vào buổi tối (thường) có sương mù, đi xe rất nguy hiểm.
Con gái cũng có thể đi xe máy được – đường dễ đi, nên không phải lo. Thậm chí có thể đi 1 mình cũng OK, tha khảo: Trang Phạm chia sẻ kinh nghiệm du lịch Hà Giang 1 mình
Nơi để thuê xe
Ở TP Hà Giang bây giờ có tới hơn 100 chỗ cho thuê xe nhưng nơi uy tín nhất để thuê là Giang Sơn: [Review] thuê xe máy tại cửa hàng Giang Sơn ở TP Hà Giang
Giá thuê xe: mức chung là 100-150K, vài nơi 200K
Nên thuê xe số để đi cho khỏe
Kinh nghiệm ăn uống + chỗ ăn uống
Ăn uống ở Đồng Văn rất đắt (mắc hơn bên Mèo Vạc + dưới TP Hà Giang). Do đó, quán nào đông ở tt. Đồng Văn thì mọi người vào ăn.
Nên thử các món sau:
Xôi ngũ sắc Đồng Văn
Thắng cố Đồng Văn
Bánh tam giác mạch Đồng Văn
Rượu tam giác mạch Đồng Văn
Cháo ấu tẩu Đồng Văn
Bánh cuốn trứng Đồng Văn
Nộm da trâu Đồng Văn
Mèn mén Hà Giang
Thắng dền Đồng Văn
Kinh nghiệm ăn mặc + mang hành lý khi đi du lịch Hà Giang
Nên mang theo ít hành lý nhất có thể, chỉ mang những thứ thật sự cần thiết & nên sử dụng balo để đeo.
Nên mang theo những bộ quần áo, váy vóc, phụ kiện thời trang đẹp nhất để lên hình cho ảo tung chảo. Chụp thật nhiều ảnh vì chưa chắc đã có lần sau trở lại.
Nên chọn những bộ đồ có màu nổi bật như trắng, cam, đỏ, vàng, tím… để “diễn” nếu không thì bản thân sẽ “lu mờ” trước nhan sắc của thiên nhiên Hà Giang. Cụ thể là những món gì, mời cả nhà xem hướng dẫn nha: Đi Hà Giang nên mặc gì để có 100 bức ảnh “triệu like”?
Nếu đi vào các mùa sau: mùa xuân + mùa Đông + mùa Thu (các tháng: 1-2-3-4 và 10-11-12) thì nhớ mang theo áo khoác đến áo rét vì đêm ở Hà Giang rất lạnh. Riêng các tháng 11-12-1-2-3 thì phải mang cả khăn quàng cổ ấm, mũ len, bịt tai, găng tay, bốt cao gót… nếu không muốn bị lạnh teo lông.
Chuẩn bị sẵn đồ bọc giày + đem theo dép, vì lên đây giày của mình sẽ được “nhuộm” màu nâu đỏ. Mình đã để lại một đôi giày trắng ở Hà Giang để lưu dấu chân kỷ niệm.
Chỗ ở + kinh nghiệm đặt phòng ở Hà Giang
Ở TP Hà Giang thì có rất nhiều nhà nghỉ + khách sạn nhưng trên cao nguyên đá Đồng Văn + Mèo Vạc thì không có nhiều, chủ yếu là homestay thôi ạ.
Như ở trên mình đã đề cập, chất lượng homestay ở trung tâm thị trấn Đồng Văn thì rất tệ, nhưng các homestay ở ngoài khu vực tt. Đồng Văn thì tạm được.
Nên ở đâu, book khách sạn – nhà nghỉ – homestay nào?
Theo kinh nghiệm đi Hà Giang của mình thì hiện nay có 3 khu vực mọi người có thể tìm chỗ để ở qua đêm. Đó là khu vực tt. Đồng Văn – khu vực cột cờ Lũng Cú – khu vực cung đường Hạnh Phúc (Mèo Vạc)
Đặt phòng ở khu tt. Đồng Văn
Nếu đặt phòng tại khu vực trung tâm tt. Đồng Văn (nhất là gần khu phố cổ) thì có rất nhiều nhà nghỉ + khách sạn + homestay
Ưu điểm:
Giá phòng cạnh tranh
Khu vực trung tâm, buổi tối đông vui
Đi ăn uống tiện
Có nhiều chỗ để vui chơi như hát hò karaoke, đi cafe các kiểu
Nhược điểm:
Khách sạn thì không đẹp mà giá lại chát
Homestay thì như kiểu nhà ở của gia đình, không có view đẹp
.
Đặt phòng ở khu vực Lũng Cú
Trước đây rất ít người ở lại khu vực xã Lũng Cú nhưng bây giờ nhiều rồi ạ. Tương lai, ở đây sẽ có thêm nhiều homestay đẹp:
Ưu điểm
Các homestay ở xa phố xá thì view đẹp và chill hơn
Gần cột cờ Lũng Cú – nếu mải chơi + chụp ảnh ở dưới Sủng Là, Phó Bảng, dinh vua Mèo tại Sà Phìn thì khi lên tới cột cờ Lũng Cú thường bị tối muộn, không kịp về tt. Đồng Văn nữa.
Đi chợ Ma Lé + đi chợ Sà Phìn rất là gần (xem thêm bài: Cách tính lịch các phiên chợ lùi ở vùng cao Đồng Văn
Nhược điểm
Nếu ở đây thì xa trung tâm – cách tt. Đồng Văn tới 15-20km
Đêm ít chỗ chơi
Sáng ít điểm ăn uống (thường phải ăn tại homestay nếu có)
Đặt phòng ở cung đèo Mã Pì Lèng – Mèo Vạc
Trên cung đường Hạnh Phúc từ bên tt. Đồng Văn đi sang Mèo Vạc (cùng đường đi chơi đèo Mã Pì Lèng và sông Nho Quế í ạ) hiện nay có rất nhiều khu vực homestay đẹp + chill lắm luôn
Ưu điểm
Nhiều homestay đẹp (khách Tây ở nhiều)
Rất tiện đi chơi sông Nho Quế + check in đèo Mã Pì Lèng + cung đường chữ M
Rất gần chợ tình Khau Vai
Nhược điểm
Hơi trái đường nên thường là đêm thứ 2 trước khi về thì mọi người mới qua đây ở
Vậy chốt lại, nên book homestay ở khu vực nào? Theo mình, mọi người nên book như sau:
1 đêm ngủ tại Lô Lô Chải
1 đêm tại Mèo Vạc – cung đường Hạnh Phúc
Kinh nghiệm xương máu khi đặt phòng + chuyển tiền
Các chủ khách sạn, nhà nghỉ, homestay ở Đồng Văn – Mèo Vạc rất hay “cancel” phòng của khách đặt tiền trước khi thấy có đông người kéo lên đây du lịch. Vì ở đây thường bị “cháy chỗ” nên nhiều người sẵn sàng trả giá cao hơn để book được chỗ ở cho gia đình hoặc nhóm mình.
Rất nhiều người mặc dù đã chuyển tiền cọc cho chủ nhà nghỉ, khách sạn nhưng khi tới nơi lại chẳng có phòng, hoặc bị họ điều chuyển đi nơi khác rất bất tiện.
Do đó, kinh nghiệm của mình là cứ booking qua các bên thứ ba như agoda hoặc booking. Nếu chủ nhà nghỉ, khách sạn, homestay nào làm ăn theo kiểu “nhà quê” chụp giật, “gặt lúa non” thì sẽ bị các hãng đặt phòng quốc tế cho “out” khỏi hệ thống luôn (bị out là bị mất kênh làm ăn, nên cơ sở nào cũng sợ điều này).
Đồng thời, các bên thứ 3 sẽ có trách nhiệm đứng ra giải quyết sự cố cho mình.
Còn nếu đặt phòng trực tiếp, khi bị cancel thì bạn tự lo chứ ai lo giúp. Theo kinh nghiệm đi Hà Giang của mình, thông thường, book phòng qua các trang như agoda hoặc booking là chắc ăn nhất.
Mọi người cần để ý các homestay ở Hà Giang cũng như rất nhiều homestay khác hiện nay bị agoda + booking cho out khỏi kênh đặt phòng trực tuyến (đặt phòng online) khá nhiều vì họ làm ăn chụp giật, khách đã booking qua mạng xong lại kết nối riêng với khách để báo hủy + hướng dẫn khách chuyển sang đặt tiền trực tiếp, rồi đến khi có đông khách thì hủy đặt phòng của khách để cho người khác đặt giá cao hơn.
Từ khóa: kinh nghiệm du lịch hà giang chi tiết nhất, review kinh nghiệm đi hà giang như thế nào, lịch trình du lịch hgiang tự túc, chi phí rẻ