Khi con người ngày càng hối hả chạy theo nền kinh tế thị trường, các môn Toán, Lý, Hóa ngày càng được đề cao thì người ta lại đặt ra câu hỏi Học Văn để làm gì? Mọi người cho rằng, việc học văn trở nên vô bổ, không mang lại lợi ích gì ngoài việc tốn thời gian của học sinh. Nghi vấn của họ thực chất cũng hợp lý, khi việc dạy và học môn Văn hiện nay có nhiều bất cập, khiến lợi ích của việc học văn không còn được hiện hữu.
Tuy nhiên, không vì lẽ đó mà chúng ta phủ nhận những điều mà khi học văn có thể mang lại cho con người. Cho nên, trước khi chờ đợi sự thay đổi từ cách giáo dục, chúng ta nên tìm hiểu những lợi ích từ việc học văn, để không làm mất đi những giá trị của văn học.
Thời phong kiến, văn học luôn là thước đo giá trị, học vấn của một con người. Các cuộc thi tuyển chọn người tài hiện giờ luôn lựa chọn văn làm môn thi chính thức. Không vì thế mà sĩ tử luôn nhận được sự ái mộ của người dân. Cho đến ngày nay, văn học vẫn giữ được giá trị cao quý của riêng nó. Một người nho nhã, biết cách cư xử lịch sự, có đạo đức luôn là người có văn hay chữ tốt. Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của việc học văn.
Học văn để làm gì?
- Học văn tốt chính là chìa khóa của thành công
Học văn tốt không nhất thiết phải là người có thể làm thơ hay, viết văn giỏi, nhưng nó sẽ giúp bạn sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình. Là cơ sở giúp bạn giao tiếp bằng tiếng nói lẫn chữ viết đi vào lòng người. Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần sử dụng đến năng lực viết từ bài thi, bài báo cáo, dự án, đơn thư đến các văn bản, thủ tục hành chính đều cần thiết. Nếu không học văn, bạn sẽ không thể biết cách sắp xếp câu từ, ý nghĩa sao cho phù hợp, thì một bài viết được viết ra chắc chắn không thể khiến đối phương đánh giá cao, thậm chí ý nghĩa cũng sẽ bị hiểu sai lệch. Học văn còn là cơ sở để bạn học, tiếp thu những môn học khác mà bạn yêu thích.
- Học văn là phương pháp giáo dục đạo đức, nhân cách và tư tưởng thông qua các hình tượng văn học giàu cảm xúc, hình ảnh
Có phải ngay từ nhỏ bạn thường được nghe kể các sự tích, điển tích về các anh hùng giàu lòng nhân ái, anh dũng cả trong nước lẫn trên thế giới. Cũng như những câu chuyện về người hiền gặp lành, người ác gặp quả báo,… Đó chính là cách giáo dục đạo đức, nhân cách con người thông qua văn học.
Và khi lớn lên, thông qua các bài học trong giờ ngữ văn từ văn học dân gian, văn học hiện thực phê phán, văn học hiện đại của các tác giả, đại thi hào nổi tiếng, chúng ta được nghe phân tích, giảng giải cũng như đưa ra ý kiến của bản thân, từ đó hiểu hơn, thấm nhuần lối sống giàu lòng nhân ái, dũng cảm, tránh xa cái ác.
Do vậy, chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của học văn trong việc hình thành đạo đức, nhân cách và tư tưởng của một con người.
- Học văn để biết làm người
Mặc dù không thể bảo rằng những người không học văn thì sẽ không biết cách làm người. Thế nhưng, liệu không học văn, một đứa trẻ có thể cảm nhận được tình thương mà đứa cháu dành cho ông của mình trong bài thơ Thương Ông, cảm nhận được sức mạnh của sự đoàn kết khi đọc bài thơ bó đũa,…
Học văn chính là cách để trau dồi cảm xúc con người, để biết yêu thương, biết ngưỡng mộ cái thiện và ghét cái ác, cái xấu xa. Học văn còn là cách giúp chúng ta diễn đạt được cảm xúc, suy nghĩ của bản thân mình.
Những bất cập trong việc dạy và học văn hiện nay
Với những lợi ích trên, vậy tại sao vẫn có người đặt ra câu hỏi Học văn để làm gì? Điều này có lẽ xuất phát từ những bất cập trong cách giáo dục hiện nay. Trong những năm trở lại đây, cách ra đề thi và chấm điểm môn Ngữ văn đã dấy lên không ít ý kiến trong dư luận khi được đánh giá là cứng nhắc, không phát huy được sự sáng tạo, cảm nhận riêng của mỗi người.
Nếu như đúng nghĩa, giáo viên giảng dạy là người hướng dẫn giúp học sinh hiểu được ý nghĩa các tác phẩm văn học và gợi mở để học sinh có thể đưa ra ý kiến riêng của mình. Thì lối dạy Văn hiện nay lại trở thành môn học thuộc lòng, học sinh học Văn phải học thuộc cách phân tích, lối diễn đạt của người dạy thì mới có thể đạt được điểm cao cả kiểm tra trong lớp đến các đợt thi cử lớn hơn.
Và với cách dạy đó, mục đích chính của học văn là để cảm thụ cái đẹp, học cách làm người cũng như để nâng cao văn hóa, đạo đức và nhân cách con người đã không thể được thực hiện.
Vậy nên, nếu chúng ta không thay đổi cách dạy và học thì có lẽ những giá trị cao đẹp của môn Ngữ văn sẽ tiếp tục bị lu mờ và dần dần, người ta không biết liệu học Văn để làm gì?