Đi tìm nguyên nhân khiến bạn “ăn cả thế giới” nhưng mãi vẫn không tăng cân | Prudential Việt Nam

Ai bảo càng ốm càng đẹp? Đối với người khó tăng cân thì những cụm từ “gầy như que củi”, “ốm đói” trở thành nỗi ám ảnh và có lực “sát thương” chẳng kém gì nỗi niềm của hội “hít thở thôi cũng tăng cân”. Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân khiến bạn có cố gắng ăn nhiều nhưng số cân không lên bao nhiêu nhé!

Người gầy cũng khổ…

Nhiều người cho rằng gầy mặc gì cũng đẹp, thế nhưng thực tế lại chẳng phải vậy. Người gầy thường xuyên phải đối mặt với cảnh mặc đồ size nhỏ nhất nhưng… vẫn như đang “bơi” và việc tìm kiếm quần áo kích thước nhỏ nhất cũng hạn chế kiểu dáng, có đôi khi phải lượn qua quầy quần áo… trẻ em để tìm được món đồ mặc vừa.

Ngoài ra, người gầy còn có khả năng chịu lạnh thấp hơn so với bình thường do bị thiếu hụt năng lượng và các dưỡng chất như chất béo, đạm, lysine, sắt, kẽm, vitamin B12,… Vậy nên, để thích ứng với những nơi có nhiệt độ thấp hơn bình thường như chốn công sở thì việc bọc kín mình trong mớ khăn choàng mùa đông là điều cấp thiết hơn so với nhu cầu mặc đẹp.

Bên cạnh đó, tình trạng sức khỏe của người gầy cũng luôn ở trạng thái bị đe dọa bởi nguy cơ mắc hàng loạt các căn bệnh nguy hiểm như sỏi mật, suy giảm trí nhớ, thiếu máu, loãng xương,… Cơ thể ốm yếu, sức đề kháng giảm sút cũng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và ảnh hưởng đến khả năng hồi phục nếu lỡ mắc bệnh hoặc phải phẫu thuật.

Không chỉ vậy, khi quá gầy, thân hình bạn còn thường xuyên trở thành đề tài bàn tán của những người xung quanh với đủ các thể loại ví von có lực “sát thương” cực lớn từ que củi đến cá mắm, bộ xương di động hay thậm chí là “gầy như nghiện”.

Dành cả thanh xuân để ăn nhưng vẫn gầy, do đâu?

Nỗi lòng người gầy thì nhiều, thế nhưng hành trình tăng cân đối với nhiều người không hề dễ dàng dù họ ăn rất nhiều. Hành trình tăng cân có thể bị cản trở bởi vô số các nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân đầu tiên chính là dinh dưỡng. Hãy kiểm tra rằng liệu bạn có đang mắc phải những sai lầm sau trong chế độ ăn uống hằng ngày như: thực đơn giàu số lượng nhưng nghèo hoặc lệch dưỡng chất; hoặc có thể bạn đang duy trì những thói quen ăn uống không tốt như thường xuyên bỏ bữa, ăn uống thất thường.

Nhiều người tin rằng ăn thật nhiều đồ ngọt, đồ béo sẽ giúp tăng cân nhưng đây lại là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm không chỉ khiến bạn không thể tăng cân mà thậm chí còn có nguy cơ mất cân bằng dinh dưỡng nữa đấy.

Nếu thực đơn hằng ngày của bạn đã đầy đủ và cân đối các nhóm chất cần thiết cũng như có chế độ ăn uống hợp lý nhưng mãi vẫn chẳng tăng cân thì hãy kiểm tra đến nguyên nhân tiếp theo: khả năng hấp thụ dưỡng chất của cơ thể.

Có thể hệ tiêu hóa của bạn đang mắc các vấn đề như mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đau dạ dày, thiếu hụt enzym tiêu hóa, ký sinh trùng,… Những chất độc hại tích tụ trong cơ thể làm suy giảm quá trình trao đổi và hấp thụ chất dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến quá trình tăng cân. Hoặc có thể là do cơ thể bạn chuyển hóa năng lượng cao hơn so với người khác nên lượng thức ăn bạn nạp vào dù nhiều nhưng lại bị cơ thể tiêu hết.

Nguyên nhân cuối chính là tâm lý và luyện tập thể thao. Tâm lý căng thẳng, lo âu thường xuyên sẽ khiến bản thân trở nên chán nản, chán ăn và hạn chế quá trình tăng cân của cơ thể. Song song đó, việc lười vận động cũng làm cơ thể uể oải, kém săn chắc, giảm cảm giác thèm ăn.

Giờ thì tăng cân thôi, chuyện nhỏ!

Khi đã tìm hiểu rõ những nguyên nhân có thể gây cản trở đến quá trình tăng cân bạn hoàn toàn có thể khắc phục chúng.

Nếu nguyên nhân xuất phát từ chế độ ăn hàng ngày, bạn cần thay đổi thực đơn đảm bảo đủ dinh dưỡng cả về số lượng lẫn chất lượng ở cả 4 nhóm chất: đạm, béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến chuyên gia về nhu cầu năng lượng của bản thân để lên kế hoạch tăng cân hiệu quả hơn. Theo đó, tùy vào từng độ tuổi, thể trạng, tình trạng sống và làm việc mà mỗi người sẽ có những nhu cầu năng lượng khác nhau. Việc ăn uống cũng nên sắp xếp theo thời gian biểu khoa học, chia nhỏ các bữa trong ngày để cơ thể hấp thụ tuyệt đối.

Còn nếu nguyên nhân xuất phát từ khả năng hấp thụ của cơ thể hãy bắt đầu với việc cải thiện hệ tiêu hóa khỏe mạnh thông qua việc duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ, xổ giun thường xuyên và bổ sung thêm các vi khuẩn có lợi. Hãy nhớ thanh lọc cơ thể thường xuyên nhờ các chất chống oxi hóa phycocyanin, chlorophyll, beta-caroten,… Các chất này có thể dễ dàng tìm thấy trong các loại rau củ nhất là các loại rau có màu xanh đậm như: cần tây, sả, măng tây, cải xoăn,…

Đối với những bạn chuyển hóa năng lượng cao nên tăng cường các thức ăn có tính mát trong thực đơn hàng ngày đồng thời hạn chế các thức uống có ga và chất kích thích như thuốc lá, cà phê, bia,…

Bên cạnh đó, hãy cố gắng ngủ đủ 8 tiếng vào ban đêm. Giấc ngủ tốt cùng tâm lý thoải mái, tích cực giúp tái tạo năng lượng, phục hồi cơ thể và cung cấp dưỡng chất đến toàn bộ các cơ quan. Đồng thời, một giấc ngủ sâu cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cân và tăng trưởng cơ bắp. Đặc biệt, đừng quên tập luyện thể thao thường xuyên giúp giãn nở các cơ bắp, loại trừ các độc tố cơ thể thông qua lỗ chân lông, kích thích khí huyết lưu thông để tạo điều kiện cho các dưỡng chất hấp thụ dễ dàng hơn, dễ tăng cân hơn. Tập luyện còn giúp tăng khẩu vị, kích thích cảm giác thèm ăn và tăng đề kháng cho cơ thể.

Hy vọng với những chia sẻ kể trên sẽ giúp bạn tìm đúng, đủ những nguyên nhân làm gián đoạn mục tiêu tăng cân của bản thân để khắc phục ngay và sở hữu vóc dáng khỏe mạnh, cân đối.

Rate this post

Viết một bình luận