Trước tình trạng nhập lậu ồ ạt loài tôm càng đỏ, những ngày gần đây, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương… đã phải liên tục ra văn bản hỏa tốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh buôn bán loài sinh vật này vì lo ngại gây đại họa cho nông nghiệp.
Thực tế, theo Bộ NN-PTNT, nước ta đang hiện hữu rất nhiều loài sinh vật ngoại lai không có nguồn gốc bản địa, chúng xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường và hình thức khác nhau. Cụ thể, hiện Việt Nam có khoảng 100 sinh vật ngoại lai như cây mai dương, ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cá dọn bể…
Chia sẻ về loài ngoại lai ốc bươu vàng, ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, cho biết: Ốc bươu vàng là một trong những loài sinh vật ngoại lai du nhập vào nước ta gây hại bậc nhất cho sản xuất nông nghiệp.
Loài ốc này du nhập vào Việt Nam từ năm 1975, có sức tàn phá lúa khủng khiếp. Khi gặp điều kiện phù hợp chúng phát tán rất nhanh chóng, gây hại rất nhiều cho sản xuất. Đến nay, các địa phương của Hà Nội vẫn phải định kỳ phát động chiến dịch diệt ốc bươu vàng.
Ốc bươu vàng là một trong những loài sinh vật ngoại lai du nhập vào nước ta gây hại bậc nhất cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ốc bươu vàng, phải kể đến loài rùa tai đỏ. Theo thông tin của ông Nguyễn Hữu Thi, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì loài rùa này có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Rùa tai đỏ du nhập vào nước ta làm vật nuôi phục vụ cho giải trí, nuôi làm cảnh và phụ phẩm cho ngành dược.
Tuy nhiên, khi thoát ra môi trường tự nhiên, với bản tính ăn tạp, chúng ăn tất cả những gì có thể như cá, tôm, cua, cây lương thực…
Điều đặc biệt nguy hiểm là loài rùa này có thể mang vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn cho con người. Rất may mắn là loài này đã và đang bị bao vây, cô lập và tiêu diệt khá tốt nên việc thoát ra môi trường, gây hại cho môi sinh như các loài khác là khiêm tốn.
Rùa tai đỏ có thể mang vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn cho con người.
Cùng với rùa tai đỏ, cá dọn bể (tên khác là cá tỳ bà, cá lau kính) cũng di nhập vào nước ta với mục đích làm kiểng. Chúng có khả năng sinh sản quanh năm, tỉ lệ cá con sống đến 70% và chúng có thể sống mà không cần đến thức ăn suốt 1 tháng.
Hiện nay chúng đã lan tràn khắp cả nước, có mặt ở hầu hết các ao hồ sông suối, từ Bắc chí Nam, nhiều nơi chúng xuất hiện với mật độ dày đặc, lấn chiếm môi trường sinh sống của các loài bản địa, nhiều nơi còn xuất hiện hiện tượng hút nhớt các loài cá nuôi trong ao…
Cho đến nay ngoài biện pháp thủ công là thu gom, đập chết và chôn lấp thì chưa có phương pháp nào tiêu diệt loài này hiệu quả.
Hiện nay cá lau kính đã lan tràn khắp cả nước, có mặt ở hầu hết các ao hồ sông suối, từ Bắc chí Nam.
Trong nhóm thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại phải kể đến cây mai dương (tên gọi khác như trinh nữ đầm lầy, mắt mèo…). Cây có tên khoa học là Mimosa pigra, được nhập vào miền nam nước ta từ Indonesia trong những năm 70 của thế kỷ trước.
Theo đánh giá của các nhà khoa học thì hiện mai dương đã lây lan ở nhiều vùng sinh thái trên phạm vi cả nước. Đây thuộc loại cây bụi, đa niên, thường mọc ở nơi đất trống, ẩm ướt, ven sông suối…
Hạt của mai dương có sức sống rất cao, chúng dễ lây lan theo nguồn nước với tốc độ cấp số nhân, chúng lấn át và làm các loài cây bản địa khác không thể nào phát triển được nơi có mặt chúng.
Hiện mai dương đã lây lan ở nhiều vùng sinh thái trên phạm vi cả nước.
Bộ NN-PTNT đã đặt mục tiêu đến năm 2020, bằng mọi giải pháp cơ học, tuyên truyền, cố gắng giảm một nửa các loài sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại này.