TÍNH XÁC THỰC VÀ DIỄN GIẢI DI SẢN – MỘT CÁCH TIẾP CẬN TRONG VIỆC PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
Phạm Lan Hương – Nguyễn Thái Hòa
Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, càng ngày công tác phát huy giá trị các di sản nói chung, di tích lịch sử văn hóa nói riêng, càng được chú trọng, đẩy mạnh. Trong quá trình quy hoạch, phát huy giá trị di sản, không thể không nhìn nhận về các giá trị của di sản đó. Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu luận điểm của Peter Howard về các giá trị và 2 vấn đề của di sản – như một tham khảo trong việc quy hoạch và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa ở Việt Nam.
- Di tích lịch sử văn hóa
Di tích là một khái niệm được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực văn hóa cùng với những khái niệm khác như di sản, di vật. Và nghĩa của từ này đã được diễn giải qua một số tài liệu như sau:
Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, Di (遺) có nghĩa là sót lại, rớt lại, để lại [8:683], còn Tích (跡) có nghĩa là tàn tích, dấu vết[1]. Do đó, ghép lại, khái niệm Di tích (遺 跡) chính là tàn tích, dấu vết còn để lại của quá khứ. Từ điển tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam định nghĩa “Di tích là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa”[2].
Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO được thông qua vào ngày 16/11/1972, nhìn nhận di tích là một bộ phận nằm trong Di sản văn hóa, là “Các công trình kiến trúc, điêu khắc hoặc hội hoạ hoành tráng, các yếu tố hay kết cấu có tính chất khảo cổ, các văn bản, các hang động và các nhóm yếu tố có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học”[3].
Luật Di sản văn hóa được ban hành năm 2001, và sửa đổi năm 2009, “Di tích lịch sử, văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”[4]. Đây là định nghĩa chính thức và có tính pháp lý cao nhất được vận dụng làm căn cứ trong các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và quản lý di tích ở Việt Nam hiện hành.
Ngoài những định nghĩa nêu trên, thực tế còn có rất nhiều định nghĩa khác về di tích đã được các cơ quan, tổ chức và cá nhân đưa ra. Tuy nhiên, dù có ít nhiều khác nhau về cách nhìn nhận và diễn đạt, khái niệm di tích về cơ bản đều để chỉ những công trình kiến trúc, địa điểm và những giá trị vật thể, phi vật thể gắn liền trong đó, liên quan đến những thời kỳ, giai đoạn, sự kiện, nhân vật,… trong quá khứ, còn được lưu lại và có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học.
- Luận điểm của Peter Howard về vấn đề của di sản
Peter Howard là một nhà địa lý học tiếp cận với di sản từ các nghiên cứu về cảnh quan. Ông là biên tập viên của tạp chí quốc tế “Nghiên cứu di sản” (Heritage Studies). Ông đã có nhiều năm giảng dạy về di sản tại Trường Đại học Plymouth. Hiện nay, ông đảm nhiệm việc nghiên cứu và giảng dạy tại một số viện nghiên cứu ở Vương quốc Anh. Các công trình đã xuất bản của ông như: The Artists’ Vision (1991), European Heritage Planning and Management (1999), Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity (2003).
Một trong những luận điểm Peter Howard đưa ra là: Di sản rõ ràng là một vấn đề và nó trở nên như vậy ngay khi người ta gắn cho nó những giá trị khác nhau. Những giá trị mà chúng ta có thể được thấy trước như là một loạt các lăng kính đặt trước mắt chúng ta, phù hợp với một vài thuộc tính của chúng ta, làm thay đổi nhận thức của chúng ta về di sản. Những khác biệt về giá trị này chịu trách nhiệm chủ yếu đối với những vấn đề lớn trong lĩnh vực di sản và 2 vấn đề khác biệt được xem xét ở đây là: tính xác thực; sự diễn giải[5].
Theo cách nhìn của Peter Howard, các giá trị của di sản được nhìn nhận thông qua các yếu tố: Dân tộc, Tôn giáo, Sắc tộc, Giai cấp, Cộng đồng, Giới, Thời gian. Điều quan trọng ở đây là 2 vấn đề của di sản. Nghiên cứu, đánh giá và quản lý tốt các vấn đề này, công tác phát huy giá trị của di sản mới thực sự hiệu quả.
2.1. Tính xác thực
Theo cách giải nghĩa của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, xác thực (Authentication) là “thật hoặc chính cống”[6]. Xác thực là thuật ngữ được “bắt nguồn từ chữ Hy Lạp: authentes, có nghĩa là được làm bởi chính tay một người, đầu tiên, chính cống”[7]. Tính xác thực được sử dụng trong lĩnh vực di sản (cụ thể đối với các di tích) thường được đề cập đến như là tính nguyên gốc. Tiêu chí của UNESCO trong việc xếp hạng di sản thế giới có sự phân biệt giữa di sản thiên nhiên và di sản văn hóa. Các tiêu chí văn hóa, do ICOMOS (Hội đồng Quốc tế các Di tích và Di chỉ) đưa ra, có khẳng định về tính xác thực; còn IUCN (Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên), khi xem xét các di sản thiên nhiên, yêu cầu tính toàn diện hoặc tính nguyên vẹn. Thực tế, quan điểm về tính xác thực của di sản rất đa dạng và được chia thành nhiều loại, với nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Quan điểm của Peter Howard về tính xác thực dựa trên sự tổng hợp các quan điểm của Viollet Le Duc (1814 – 1879) nhà kiến trúc sư, lý thuyết gia Pháp, nổi tiếng với cách diễn giải về việc phục hồi các tòa nhà cổ[8]; John Ruskin (1819 – 1900) nhà phê bình nghệ thuật Anh[9]; William Morris (1834 – 1896) nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội Anh, là một trong những người sáng lập Hiệp hội bảo vệ các tòa nhà cổ[10]; G.J. Ashworth – giáo sư về quản lý di sản và du lịch đô thị, Trường Đại học Groningen, Hà Lan[11].
Nếu như Viollet le duc cho rằng việc phục hồi các tòa nhà, các công trình kiến trúc cổ nên có sự thay đổi và sáng tạo, đặc biệt là nội thất các công trình này thì ngược lại, John Ruskin và William Morris phản đối quan điểm phục hồi như vậy. Quan điểm của Ruskin và Morris là bảo tồn như vốn có, không nên cố tái tạo cái đã từng ở đó và không nên che dấu sự sửa chữa cần thiết. “Giả vờ và mô phỏng là không thể chấp nhận được”[12].
Peter Howard đồng tình với quan điểm của G. J. Ashworth về sự đa dạng của tính xác thực. Dưới đây là nguyên văn cách phân tích của Howard:
Nơi một tượng đài gồm một toà nhà được dựng lên cùng một lúc, có thể sử dụng ngày nó được dựng lên đầu tiên làm mốc thời gian và tất cả mọi nỗ lực để khôi phục hay sửa chữa nó đều được nhìn nhận liên quan đến mốc thời gian đó. Điều này hiếm thấy trong các lĩnh vực di sản khác cũng như với nhiều toà nhà. Đây là tính xác thực của niên đại. Song song chặt chẽ với điều này là tính xác thực của vật liệu. Liệu loại đá được sử dụng để sửa chữa có được lấy từ cùng một mỏ như loại đá gốc không? Trong một chuyến viếng thăm gần đây tới một ngôi nhà được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng năm 1400, nhưng đã được sửa đổi mỗi thế kỷ từ đó đến nay, người hướng dẫn khảo cổ vỗ vào một lò sưởi bằng đá lớn và nói “tất nhiên nó là thật” – có nghĩa là nó tồn tại từ thế kỷ 18 sử dụng nguyên liệu thông dụng thời đó. Những quy định hiện đại dẫn đến lệnh rằng toà không được đâm thủng những bức tường cổ, vì vậy nỗ lực xây một cái bếp và những công trình phụ khác phù hợp với người dân sống trong thế kỷ 20 dẫn đến việc xây những mảng tường vữa không giá đỡ, hoàn toàn không ăn khớp với một toà nhà có chất lượng.
Hầu như tất cả mọi thứ đều thể hiện các yếu tố xác thực. Thế giới Disney (Disney World) hoàn toàn là một công viên chuyên đề xác thực của thế kỷ 20. Tương tự, rất ít thứ xác thực một cách hoàn toàn. Rất ít người bảo tồn xe ô tô, ví dụ, lắp phụ kiện vào. Nếu chúng, trên thực tế, giống hoàn toàn khi rời nhà máy và chưa lái đi một dặm nào, thì đó là loại xác thực nào?
Cũng có sự xác thực của địa điểm. Liệu toà nhà, hay bất cứ di sản nào khác, bị đưa ra khỏi vị trí ban đầu của nó và mang cấy vào nơi nào khác, như cây Cầu Luân Đôn, được dựng ở miền Tây nước Mỹ, có xác thực không? Đồng thời có tính xác thực của chức năng và rất nhiều bảo tàng hiện nay có thể công nhận rằng việc trưng bày một cái rìu tay như nó là một tác phẩm nghệ thuật làm giảm đi nhiều giá trị của tính xác thực của hiện vật, giống như trường hợp với nhà thờ thời trung cổ được biến đổi thành văn phòng làm việc hoặc thậm chí thành một bảo tàng.
Cũng có thể có tính xác thực của sự trải nghiệm. Ít nhất có thể tưởng tượng rằng công viên chuyên đề có thể tạo ra một trải nghiệm sống trong một ngôi nhà Viking (của người Xcangđinavi – Bắc Âu) thực tế hơn nhiều là ở trong một ngôi nhà Viking thực sự. Tương tự như vậy, tuy nhiên, dù người ta có nỗ lực đến mấy để tái tạo các nhạc cụ của thế kỷ 15 và phong cách chơi nhạc thời đó, trải nghiệm của việc nghe những nhạc cụ đó rõ ràng là không xác thực vì chúng ta nghe chúng với cái tai của thế kỷ 21[13].
Đồng thời, Peter Howard đưa ra các phiên bản của tính xác thực trên cơ sở chỉnh lý và phát triển từ biểu đồ của G. Ashworth và chính ông:
Các phiên bản
của tính xác thực
Mô tả
Ví dụ của lĩnh vực di sản
Người sáng tạo
Bàn tay của nghệ nhân’
Có thể chứng minh là như vậy bởi một kiến trúc sư cụ thể
Nguyên liệu
Nguyên liệu gốc
Nó được hình thành bởi loại đá gốc,v.v.
Chức năng
Mục đích đầu tiên
Nó vẫn được sử dụng như là, ví dụ, nhà thờ
Khái niệm
Ý tưởng của người sáng tạo
Đó là điều kiến trúc sư chủ định, thậm chí nó có nghĩa là phục hồi
Lịch sử
Lịch sử của hiện vật
Nó thuộc về một thời kỳ đúng và tất cả những thay đổi đối với toà nhà đều được duy trì thích hợp
Ấn tượng chung
Tính toàn vẹn của tổng thể
Nó trọn vẹn với tất cả các toà nhà bên ngoài và vườn v.v.
Bối cảnh
Tính toàn vẹn của địa điểm
Toà nhà vẫn ở nguyên chỗ cũ và xung quanh vẫn như cũ
Trải nghiệm
Tình cảm đầu tiên
Người sử dụng toà nhà vẫn có trải nghiệm tương tự như cũ
Phong cách
Trông nó có vẻ đúng
Nó mô phỏng diện mạo như cũ
(Nguồn: Peter Horward (2003), Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity; Continuum, London – New York, trang 209)
2.2. Diễn giải
“Diễn giải” bao gồm một vài phương tiện truyền tải di sản đến với người dân. Gồm cả diễn giải trực tiếp, sử dụng hướng dẫn viên và một số phương tiện trung gian khác của con người, và diễn giải sử dụng thiết kế. Tuy nhiên, một số di sản có thể tự nói cho mình và một cách lựa chọn là luôn không sử dụng sự diễn giải nào cả. Cũng có nguy cơ lớn của việc diễn giải rơi vào sự truyền bá[14].
Nghĩa sát nhất với cách dùng của thuật ngữ “diễn giải” trong di sản là đưa ra cách giải thích về một điều gì đó, hoặc trình bày các hiện vật, di vật và kiến thức dưới dạng một “ngôn ngữ” mà khách tham quan có thể hiểu được. Có lẽ mấu chốt chính để hiểu được nghĩa của thuật ngữ “diễn giải” trong di sản là tìm hiểu gốc gác của từ này. Trong tiếng Anh, từ “diễn giải” (interpretation) có gốc Latin là interpres, có nghĩa là người thương lượng hay trung gian giữa hai bên[15]. Tương tự, mục đích của các cơ quan, tổ chức quản lý di sản là đóng vai trò trung gian giữa di sản và công chúng.
Vì sao lại cần phải nhấn mạnh vấn đề diễn giải? Nguyên nhân là do sứ mệnh giáo dục của các di sản ngày càng trở nên quan trọng hơn, thể hiện rõ nét qua việc nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục và tiếp cận đối với công chúng.
Quá trình diễn giải đòi hỏi khả năng thấu hiểu cách truyền đạt các ý tưởng và thông tin. Theo minh họa, hướng đi của việc diễn giải là từ người gửi đến người nhận, rồi lại quay trở lại người gửi. Một khía cạnh quan trọng của quá trình này là cách lộ trình quay ngược trở về với chính nó. Nếu như không có khía cạnh đặc biệt này, người gửi sẽ không có cách nào để biết được liệu thông điệp đã đi được đến đích hay chưa.
Thông qua việc hiểu rõ quá trình học hỏi của con người và nỗ lực không ngừng để nắm bắt được mối quan tâm của cộng đồng, các cơ quan, tổ chức quản lý di sản có thể tiếp cận có hiệu quả hơn và lưu giữ được nhiều khách tham quan hơn rất nhiều so với trước. Các cơ quan, tổ chức quản lý di sản có trách nhiệm chuyên môn trong việc tìm kiếm và thử nghiệm những phương pháp mới để ngày càng có thể mang lại những trải nghiệm có giá trị và thú vị đến với đông đảo công chúng.
Như đã trình bày ở trên, việc giới thiệu luận điểm của Peter Howard về các giá trị và vấn đề của di sản ở bài viết này, như một tham khảo, gợi ý cho các di tích lịch sử văn hóa trong việc xây dựng chiến lược phát huy giá trị di tích. Chiến lược đó có thể dựa vào cách lý giải của tác giả về tính xác thực cũng như sự diễn giải của di tích. Theo ý kiến cá nhân, phát huy giá trị di tích nên xem xét trước hết trên các khía cạnh của di tích: chức năng, lịch sử, trải nghiệm, ấn tượng và bối cảnh. Đó như là một địa điểm để ghi nhớ về lịch sử, về truyền thống giáo dục của cha ông ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thiều Chửu (1998), Hán Việt tự điển, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
- Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO (1972), Điều 1, Phần I.
- Luật di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung 2009, Nxb. Chính trị Quốc Gia.
- Peter Horward (2003), Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity; Continuum, London – New York.
- Lê Thị Thảo (2016), Tiếp cận lịch sử qua di sản văn hóa, Tạp chí Di sản văn hóa, số 4 (57) – 2016, tr 61 – 66.
- Viện Nghiên cứu Văn hóa (Ngô Đức Thịnh – Frank Proschan chủ biên), (2005), Folklore Một số thuật ngữ đương đại, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[1] Thiều Chửu (1998), Hán Việt tự điển, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, trang 651
[2] Chu Quang Trứ (1996), Di sản văn hóa dân tộc trong tín ngưỡng – tôn giáo dân gian ở Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế, trang 229
[3] Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO (1972), Điều 1, Phần I.
[4] Luật di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung 2009, Nxb. Chính trị Quốc Gia
[5] Peter Horward (2003), Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity; Continuum, London – New York, trang 216
[6] http://vi.wikipedia.org/wiki/X%C3%A1c_th%E1%BB%B1c, truy cập lúc 01g23, ngày 6 tháng 12 năm 2017
[7] Viện Nghiên cứu Văn hóa (Ngô Đức Thịnh – Frank Proschan chủ biên), (2005), Folklore Một số thuật ngữ đương đại, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 295
[8] http://en.wikipedia.org/wiki/Eug%C3%A8ne_Viollet-le-Duc, truy cập lúc 3g20, ngày 6/12/2017
[9] http://en.wikipedia.org/wiki/John_Ruskin, truy cập lúc 3g27, ngày 6/12/2017
[10] http://www.william-morris.co.uk/, truy cập lúc 3g32, ngày 6/12/2017
[11] http://www.goodreads.com/author/show/1052793.G_J_Ashworth, truy cập lúc 3g40, ngày 6/12/2017
[12] Peter Horward (2003), Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity; Continuum, London – New York, trang 206.
[13] Peter Horward (2003), Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity; Continuum, London – New York, trang 207, 208
[14] Peter Horward (2003), Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity; Continuum, London – New York, trang 309
[15] Bài giảng “Khóa Mùa hè Nghiên cứu và Thực hành” (2007), Trung tâm Nghiên cứu, Hỗ trợ và Phát huy giá trị Văn hóa A&C, Hà Nội.