–
Thứ sáu, 15/07/2022 18:38 (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố tỷ giá trung tâm tăng vọt 24 đồng so với hôm qua. Giá USD chợ đen cũng tăng liên tiếp trong những ngày qua trong khi giá vàng SJC trong nước không quá biến động mạnh.
Giá USD liên tục tăng nóng thời gian qua sau khi lạm phát tại Mỹ tăng đạt đỉnh kỷ lục
Tỷ giá trung tâm tăng nóng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15.7 ở mức 23.225 VND/USD, tăng 24 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.921 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.528 VND/USD.
Trên thị trường chợ đen, tỷ giá USD chợ đen hôm nay ở mức 24.450 -24.550 đồng (mua – bán).
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá Vietcombank hôm nay niêm yết ở mức: 23.250 đồng – 23.560 đồng (mua vào – bán ra), tăng 15 đồng ở cả hai chiều so với phiên giao dịch trước đó.
Giá USD trong nước tăng mạnh cùng chiều với giá USD thế giới. Hiện giá USD thế giới đang dao động quanh mức đỉnh cao nhất gần 20 năm tại thị trường Châu Á.
Giới đầu tư tăng niềm tin rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ quy mô siêu lớn tại cuộc họp ngày 26-27.7 sau khi dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập kỷ.
Chỉ số USD Index đang có tuần tăng thứ ba liên tiếp, đẩy giá vàng rơi thẳng đứng thủng đáy 1 năm.
Đồng Yên Nhật rơi gần mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ so với đồng USD do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong khi Fed ngày càng “diều hâu”.
Đồng Euro giảm xuống dưới 1 USD, đây là điều chưa từng có trong 20 năm trở lại đây. Đồng Euro ghi nhận một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử phát triển của đồng tiền chung Châu Âu.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ, ổn định tỷ giá
Mới đây, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) ông Phạm Chí Quang cho biết: “Từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND, qua đó hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Tỷ giá USD/VND hiện nay tăng khoảng 2% so với cuối năm 2021 là phù hợp với điều kiện, diễn biến thị trường trong, ngoài nước, phù hợp với mục tiêu xuyên suốt của điều hành CSTT, là góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) ông Phạm Chí Quang cho biết: “Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường”.
Cuối tháng 6.2022, ông Phạm Chí Quang cho biết: “Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế”.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát.
Dự báo tỷ giá tiếp tục tăng 2% vào cuối năm
Các chuyên gia của KBSV dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên khoảng 2% khi nguồn cung ngoại tệ năm 2022 được dự báo tương đương mức đạt được trong năm trước, nhờ hoạt động xuất khẩu tích cực và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.
Trong ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục được sử dụng đồng thời hai công cụ là dự trữ ngoại hối và phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá trước những cú sốc bên ngoài. Lạm phát neo cao khiến các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là Fed.
Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, duy trì nguồn vốn chi phí thấp tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế khôi phục trở lại.