–
Chủ nhật, 24/01/2021 08:00 (GMT+7)
Mặc dù thức khuya gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhưng không ít người vẫn duy trì thói quen xấu này. Tuy nhiên, nếu bạn thử kiên trì với việc đi ngủ lúc 10 giờ đêm thì cơ thể sẽ có những thay đổi đáng kinh ngạc.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người ngủ ngon sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn so với những người ngủ không ngon hoặc ngủ muộn.
Khoa học cũng chứng minh rằng 22 giờ là thời điểm lý tưởng để bắt đầu giấc ngủ, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Kết quả nhiều cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng, những người ngủ ngon về cơ bản đi ngủ trước 10 giờ và đi ngủ đúng giờ đều đặn mỗi ngày. Ảnh: The Guardian
Duy trì cân nặng ổn định, bảo vệ dạ dày
Theo một nghiên cứu của Úc, những người có thói quen đi ngủ muộn có khả năng bị thừa cân, béo phì cao hơn. Trong khi đó, những người đi ngủ sớm thường có chỉ số cân nặng ổn định hơn.
Điều này là do quá trình tiêu hóa của dạ dày diễn ra thuận lợi ở điều kiện tốt hơn vào ban đêm. Nếu thức khuya, quá trình chuyển hóa thức ăn sẽ bị đình trệ, một số độc tố sẽ tích tụ trong cơ thể và dần chuyển hóa thành chất béo khiến bạn dễ bị tăng cân.
Bảo vệ sức khỏe của gan
Ban đêm là thời điểm tốt nhất để sửa chữa gan và thực hiện các việc chuyển hóa, giải độc. Nếu bạn luôn thức khuya mỗi đêm hoặc không thể ngủ sâu giấc thì gan sẽ không đủ điều kiện tốt để làm việc, gây ra sự thiếu hụt lượng máu trong gan, khiến các tế bào khỏe mạnh bị tổn thương và khó hồi phục, sửa chữa những tế bào hỏng.
Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể
Nếu mỗi ngày bạn đều đi ngủ trước 10 giờ đêm thì chất lượng giấc ngủ sẽ được đảm bảo. Khi ngủ ngon, sâu giấc, hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng các protein gọi là cytokine, giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các loại vi khuẩn hay virus. Ngược lại, nếu thường xuyên ngủ muộn, hệ miễn dịch sẽ dần suy yếu.
Phòng ngừa nhiều bệnh
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đi ngủ trước 10 giờ đêm và dậy lúc 6 giờ sáng có thể ngăn ngừa nhiều căn bệnh như bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, ung thư…
Nguyên nhân là do các cơ quan nội tạng hoạt động tốt hơn vào ban đêm, thức khuya khiến chức năng của các cơ quan này bị suy giảm, từ đó khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh hơn.
Giảm căng thẳng, stress
Những người có thói quen ngủ muộn, ngủ không đủ giấc có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với những người ngủ sớm và đủ giấc. Nguyên nhân là do khi thiếu ngủ hay ngủ muộn, việc sản xuất hormone serotonin (hormone có vai trò điều tiết cảm xúc) bị gián đoạn, khiến bạn khó kiểm soát cảm xúc, dễ bực bội, buồn bã, lo âu,… lâu dần có thể bị trầm cảm.
Để có thể có một giấc ngủ ngon và đúng giờ, bạn nên uống một ly sữa ấm và đi vệ sinh trước khi đi ngủ, không nên sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, không nên ăn trước khi đi ngủ ít nhất 2 giờ.