Dinh dưỡng cho người bệnh ung thư vú

Dinh dưỡng cho người bệnh ung thư vú

“Khi mới phát hiện ra mình bị ung thư vú, tôi đã hỏi bác sĩ của tôi rằng liệu chế độ ăn của tôi có phải là nguyên nhân gây ung thư vú?” Nhiều phụ nữ đã đặt câu hỏi về chế độ ăn của họ khi họ biết mình mắc bệnh ung thư vú. Muốn biết về nguyên nhân gây ung thư là một phản ứng tự nhiên, tuy nhiên ung thư là một bệnh lý có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra chứ không chỉ một yếu tố nào. Nguy cơ ung thư vú có thể liên quan đến chế độ ăn, theo nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư tăng ở những người thừa cân, béo phì, uống rượu.

“Tôi bị ung thư vú, và giờ tôi không biết nên ăn gì? Tôi nhận được rất nhiều lời khuyên khác nhau như uống nước cà rốt, không ăn đường, không ăn đậu phụ. Tôi thực sự rất bối rối.” Đây cũng là những băn khoăn thường thấy khi người bệnh ung thư vú phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn trong chế độ ăn. Bài viết này với hi vọng sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của người bệnh ung thư vú.

Một số điều bệnh nhân ung thư vú cần biết:

Nhiều thói quen ăn uống lành mạnh có thể giảm nguy cơ tái phát ung thư vú và cải thiện sống còn, đồng thời đảm bảo sức khỏe nói chung. Điều quan trọng nhất trong lối sống được khuyến cáo ở bệnh nhân ung thư vú là đạt được và duy trì cân nặng hợp lý bằng cách thay đổi chế độ ăn và hoạt động thể chất.

  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) duy trì trong khoảng 18.5 đến 24.9
  • Chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau xanh, củ quả và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Duy trì hoạt động thể chất, ví dụ đi bộ 3-5 giờ mỗi tuần.

 

Chế độ ăn từ thực vật là chế độ ăn nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt và đậu đỗ. Những thực phẩm này cung cấp chất xơ, vitamin và chất khoáng cũng như những chất chống ung thư tự nhiên có trong thực vật. Hầu hết thức ăn làm từ thực vật có năng lượng thấp, ít chất béo thích hợp cho người cần giảm cân. Khi chọn thực phẩm nên chọn thực phẩm ít qua chế biến nhất có thể. Có thể chọn đậu, đỗ thay thế cho thịt.

Chế độ ăn ít chất béo là chế độ ăn mà chất béo chiếm ít hơn 20% tổng số năng lượng trong mỗi ngày. Những chất béo bão hòa là chất béo có trong mỡ động vật, chế phẩm từ sữa như bơ, kem, phô mai, một số dầu thực vật như dầu dừa, dầu cọ, bơ ca cao cần hạn chế trong chế độ ăn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn ít những chất béo này giúp giảm nguy cơ tim mạch và một số loại ung thư.

Một số câu hỏi thường gặp:

  1. Chất xơ là gì? Tôi nghe nói chất xơ có thể bảo vệ cơ thể khỏi ung thư?

Có một số bằng chứng chỉ ra rằng chất xơ có thể phòng chống một số loại ung thư. Tuy nhiên, liệu chất xơ có thể giảm nguy cơ tái phát ung thư vú thì điều này chưa được khẳng định. Nhưng chất xơ cũng đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe và được khuyến cáo là một phần của chế độ ăn lành mạnh.

  1. Tôi muốn ăn chế độ ăn chay. Vậy làm sao để tôi có thể đảm bảo rằng vẫn ăn đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và làm sao để cung cấp đủ protein?

Sau khi được chẩn đoán ung thư vú, một số phụ nữ đã chuyển sang chế độ ăn chay. Một số chế độ ăn chay vẫn có ăn các thực phẩm từ sữa, trứng do vậy vẫn đảm bảo đủ protein, tuy nhiên cần chú ý bổ xung thêm sắt. Để tăng khả năng hấp thu sắt, nên ăn các thực phẩm chứa nhiều sắt kết hợp với thực phẩm chứa vitamin C. Một số chế độ ăn chay hạn chế cả các thực phẩm từ trứng, sữa thì nên tìm hiểu để bổ sung protein từ các nguồn thức ăn thay thế thịt. Cần chú ý bổ xung các thực phẩm có chứa canxi, kẽm, vitamin B12 như các loại hạt, đậu, đỗ, khoai lang.

3. Tôi có nghe nói về các hóa chất thực vật (phytochemical), vậy chúng là gì?

Đó là những chất tự nhiên có trong thực vật, chúng có khả năng phòng chống ung thư. Các loại quả, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu như xúp-lơ, bắp cải Brucxen, tỏi, hành, chanh là những thực phẩm giàu hóa chất thực vật.

  1. Tôi được biết rằng đậu nành rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên đậu nành lại chứa estrogen, vậy liệu có an toàn khi tôi sử dụng thực phẩm làm từ đậu nành?

Các thực phẩm từ đậu nành như hạt đậu tương, đậu phụ, các đồ uống làm từ đậu nành là những thực phẩm tốt cho sức khỏe và có chứa nguồn estrogen từ thực vật. Ăn các chế phẩm từ đậu nành ngay từ bé có thể giúp giảm nguy cơ ưng thư vú. Trong nhiều năm, có sự tranh cãi về việc liệu phụ nữ ung thư vú có nên sử dụng các thực phẩm từ đậu nành. Những nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc sử dụng một lượng vừa phải chế phẩm đậu nành trong bữa ăn (một hoặc hai bữa ăn chế biến từ đậu nành mỗi ngày) là an toàn với bệnh nhân ung thư vú. Vì vậy, không khuyến cáo kiêng các thực phẩm làm từ đậu nành. Chế độ ăn điều độ, phong phú là tốt nhất cho người bệnh. Tuy nhiên với các thực phẩm chức năng có thành phần từ đậu nành thì bệnh nhân ung thư vú nên tránh.

  1. Tôi nghe nói rằng phụ nữ bị ung thư vú nên tránh sử dụng các chế phẩm từ sữa do có chứa estrogen?

Việc chú ý đến lượng hormone có trong thực phẩm là cần thiết bởi estrogen có thể kích thích sự phát triển của một số loại ung thư vú. Nếu hormone không được sử dụng cho bò sữa, thì sữa sẽ không chứa lượng hormone đáng kể.

  1. Tôi có cần uống bổ xung thêm vitamin và chất khoáng?

Phụ nữ ung thư vú thường cần bổ sung thêm canxi và vitamin D do nguy cơ loãng xương là tác dụng phụ của điều trị hóa chất và nội tiết.


Nguồn : Internet

  1. Tôi có nên sử dụng các chất chống oxy hóa để ngăn chặn ung thư quay trở lại?

Các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, selenium, beta-carotene. Các thực phẩm chức năng có chứa lượng lớn chất chống oxy hóa chưa chứng minh được vai trò giảm nguy cơ tái phát ung thư, hơn nữa có thể gây tác dụng phụ. Vì vậy khi chưa có bằng chứng khoa học về vai trò của các chất này thì chúng ta nên sử dụng những thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa tự nhiên như rau, hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt.

  1. Tôi có triệu chứng bốc hỏa khi sử dụng tamoxifen. Liệu uống vitamin E có giúp giảm các triệu chứng trên?

Nhiều phụ nữ cho rằng sử dụng vitamin E giúp giảm các triệu chứng tiền mãn kinh do điều trị hóa chất hoặc nội tiết. Vitamin E chưa được chứng minh có hiệu quả trong điều trị bốc hỏa. Hơn nữa, việc sử dụng vitamin E có thể có tác dụng phụ vì vậy không được khuyến cáo dùng.

  1. Tôi có nên uống trà và cà phê?

Trà và cà phê có chứa caffein có thể ảnh hưởng tới sự thư giãn và giấc ngủ nếu sử dụng nhiều. Hơn nữa nếu dùng cùng với bữa ăn có thể làm giảm sự hấp thu sắt. Vì vậy, nên sử dụng với số lượng vừa phải và điều độ (có thể từ 1 đến 4 cốc mỗi ngày) để hạn chế những yếu tố bất lợi trên.

  1. Tôi đọc được rằng “đường” không tốt cho hệ miễn dịch. Tôi cũng nghe nói rằng “đường” nuôi ung thư. Vậy tôi có nên tránh sử dụng các loại “đường” không?

Ăn đường là không tốt cho hệ miễn dịch là một sự hiểu nhầm. Trong điều kiện bình thường, khi cơ thể sử dụng đường sẽ không làm tăng đường huyết do cơ thể tiết insulin để điều hòa lượng đường trong máu do vậy nó không gây tổn hại cho hệ miễn dịch. Cả tế bào bình thường và tế bào ung thư đều sử dụng đường là nguồn năng lượng. Tuy nhiên, loại bỏ đường ra khỏi chế độ ăn để chống ung thư là điều không thể. Chế độ ăn khỏe mạnh là chế độ ăn sử dụng nguồn đường tự nhiên có trong hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt được khuyên dùng.

Dịch từ: “A nutrition guide for women with breast cancer”, 2012, BC Cancer Agency.

Ths.BS Đặng Thị Vân Anh, Khoa Xạ 2,  Bệnh viện K

BSCKII. Trần Thị Anh Tường, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

 

Rate this post

Viết một bình luận