“Nếu để chọn ra một cây đàn đại diện cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam, có khả năng giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ chọn đàn bầu” – Đó là khẳng định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam khi chia sẻ về cây đàn bầu cũng như xác lập vai trò của đàn bầu trong nền văn hóa Việt Nam, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam với cây đàn độc đáo này.
- Người mang tiếng đàn bầu ra Đảo Ngọc
- NSND Thanh Tâm: Giọt đàn bầu trong vắt
- Có một “Tiếng đàn bầu” hơn mọi đàn bầu
- Đàn bầu gẩy khúc phiêu thanh
Độc đáo nhạc cụ dân tộc Việt
Theo PGS.TS.NGƯT Nguyễn Bình Định, trên thế giới có hơn 10 loại đàn 1 dây, phân bố nhiều nhất là ở châu Á, châu Phi và một số nước ở miền Nam châu Âu. Trong đó, đàn bầu của Việt Nam được đánh giá là rất độc đáo.Bởi lẽ, đàn bầu là đàn duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi.
Đàn chỉ có 1 dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ, kể cả các âm có cao độ tuyệt đối và các âm có cao độ tương đối với các mức độ non, già tùy ý. Đàn có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là dạng luyến láy, tô điểm âm khác nhau nên rất phù hợp với kiểu giai điệu âm nhạc có nhiều âm hoa mỹ, luyến láy của Việt Nam.
Trải qua những bước thăng trầm, chuyển hóa trong suốt quá trình lịch sử, đàn bầu từ thủa ban đầu chỉ đơn giản là làm từ một ống bương hoặc vầu, mai, ngựa đàn là mảnh sành, mảnh sứ hoặc miếng gỗ cứng, vòi đàn là một que tre dài, dây đàn làm bằng dây móc, dây gai, dây tơ, bầu đàn bằng vỏ quả bầu nậm hoặc vỏ gáo dừa khô, cho đến nay, cây đàn bầu Việt Nam đã rất khác. Thân đàn làm bằng gỗ, vòi đàn làm bằng sừng, bầu đàn làm bằng gỗ tiện theo hình quả bầu nậm, dây đàn làm bằng hợp kim.
Từ chỗ do thân đàn nhỏ, quả bầu nậm nhỏ, các nghệ nhân hát xẩm đã nghĩ ra cách để lên mặt đàn ở phía dưới đuôi đàn một thùng sắt tây hoặc một cái chậu đồng tỳ vào dây đàn để tần số rung của dây đàn truyền trực tiếp vào vỏ thùng giúp âm lượng được phóng to hơn…
Cây đàn bầu Việt Nam đã góp phần cùng các nghệ sĩ biểu diễn quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh, đất nước con người Việt Nam với bạn bè thế giới.
Trong số các nhạc cụ dân tộc ở nước ta, đàn bầu là nhạc cụ thu hút được sự chú ý, quan tâm nhiều nhất của các nhạc sĩ sáng tác và những người nghiên cứu, cải tiến nhạc cụ. Điều đó được chứng minh bằng số lượng tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc độc tấu và số lượng cũng như quy mô của các đề tài nghiên cứu, cải tiến nhạc cụ dân tộc thì bao giờ đàn bầu cũng chiếm nhiều nhất.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống Pháp và chống Mỹ, lực lượng văn công quân đội cũng như dân chính đã có mặt trên khắp các nẻo đường, động viên bộ đội, dân công, nhân dân vùng hỏa tuyến.Khi đó, tiết mục đàn bầu và sáo trúc luôn là những tiết mục được ưa thích nhất.
Kể về giai đoạn này, NSND Nguyễn Tiến chia sẻ: Vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, theo chân chiến sĩ lên đường ra mặt trận, các nghệ sĩ đàn bầu đã liên tục cải tiến cách diễn tấu bằng các loại que cho linh hoạt hơn. Cây đàn bầu hộp cũng được cải tiến gọn nhẹ hơn để phù hợp với chiến trường.
Đã xuất hiện những đàn bầu chỉ là một thanh gỗ được cưa đôi dùng bản lề ở giữa để gấp lại cho mang vác… Nhưng, cũng trong khoảng thời gian này, các tác phẩm viết cho đàn bầu đã nở rộ và trở thành những tác phẩm kinh điển như: “Nhớ miền Nam” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, “Dòng kênh trong” của nhạc sĩ Hoàng Đạo, “Vì miền Nam” của nhạc sĩ Huy Thục, “Một dạ sắt son” của nhạc sĩ Văn Thắng, “Cung đàn đất nước” của Xuân Khải…
Một số tác phẩm được chuyển soạn từ ca khúc đã rất nổi tiếng hiện nay, trong đó phải kể đến “Hà Nội, Huế, Sài Gòn” của nhạc sĩ Hoàng Vân, “Trông cây lại nhớ tới Người” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ. Nhiều nghệ sĩ đàn bầu cũng tự viết cho đàn bầu như “Niềm tin tất thắng” của Khắc Chí, “Du thuyền trên sông Hương” của Thao Giang…
Độc huyền cầm không cô độc
Đi tìm cây đàn bầu trong dòng chảy thời gian, NSND Thanh Tâm, nguyên Trưởng khoa Nhạc cụ dân tộc Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), người được coi là nữ nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên thành danh với cây đàn bầu cũng cho biết: Trong những năm 1970, 1980, 1990, tiết mục đàn bầu cùng các nghệ sĩ ca múa nhạc Việt Nam đã đi biểu diễn ở khắp các châu lục trên thế giới và nhiều người ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ đã cho rằng, họ thêm hiểu con người Việt Nam, đất nước Việt Nam qua tiếng đàn bầu.
Không ít tác phẩm của các văn nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài ra đời bằng sự kinh ngạc, cảm xúc từ đàn bầu. Trong đó, những dòng thơ ca ngợi đàn bầu của nữ thi sĩ người Bungari – Blaga Dimitrova đã rất quen thuộc với nhiều người đọc Việt qua bản dịch của nhà thơ Xuân Diệu: “Xúm lại trong bóng chiều/ Chúng tôi nghe, kinh ngạc/ Một cây đàn cổ Việt Nam/ Những ngón tay như củi khô/ Lay bởi cơn gió lạ kỳ/ Gẩy trên một dây đàn duy nhất/ Và bỗng dưng nảy ra suối hát/ Tiếng chim kêu, tiếng người nấc/ Một điệu ru con, một trận bão về/ Rồi dây một mình/ Tự vọng mãi tiếng ngân nga/ Tôi run rẩy như tôi hóa cây ca/ Và tôi hiểu: khi dây căng rất mực/ Căng đến mức/ Sắp đứt – thì đây/ Cả vũ trụ về rung động trên dây…”.
Hầu như không một nhóm hát xẩm nào lại không sử dụng đàn bầu… Trải qua hàng trăm năm ẩn hiện trong chốn nhân gian, với số phận khá long đong, thăng trầm qua các biến cố lịch sử, đàn bầu vẫn có một sức sống mạnh mẽ, phi thường. Biết bao thế hệ nghệ nhân vô danh, trong đó công lao đáng kể thuộc về những người hát xẩm, đã truyền nội lực sống cho cây đàn và đàn bầu vẫn tồn tại như một minh chứng cho biểu hiện sinh động của tinh hoa văn hóa dân tộc.
NSND Nguyễn Tiến tự hào giới thiệu cây đàn bầu Việt Nam với các nhạc sĩ châu Á Thái Bình Dương.
Công trình tìm lại tiếng đàn bầu xưa trong hát xẩm của NSND Xuân Hoạch đã nói lên nhiều sự công phu và tâm huyết của nghệ sĩ, nghệ nhân với cây đàn độc đáo này.NSND Xuân Hoạch cho biết, cơ duyên đưa đẩy ông đến với công trình rất tình cờ.
Đó là vào khoảng năm 1992, khi quyết tâm dành toàn bộ tâm huyết vào trong nghệ thuật xẩm, ông tình cờ thấy một tấm ảnh chụp người nghệ nhân mù chơi đàn bầu hát xẩm tại Viện Âm nhạc. Đó là một đàn bầu tre, dây mắc cao và chếch theo chiều từ trái xuống phải một góc khoảng 45 độ, cách cầm que gẩy cũng rất khác với lối chơi đàn bầu của các nghệ sĩ chuyên nghiệp hiện tại.
Từ chỗ đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc của bản thân, ông bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu và thử chế tác cây đàn bầu xẩm cho riêng mỉnh theo lối của người xưa. Sau rất nhiều thử nghiệm ông mới chế tác được cho mình cây đàn vừa ý.
Cây đàn này dài khoảng 110cm, làm từ thân tre già.Tre được đem vào lò sấy gỗ khô khoảng 2 ngày.Mặt trong lòng tre được bóc hết lớp màng và bào cẩn thận, sao co bên trong nhẵn mịn.Đầu tiên, mặt đàn được giữ bằng tre nhưng vì thấy độ vang của đàn không được tốt, ông lại mày mò, thử khoét ống tre, ghép mặt đàn bằng gỗ de hoặc dổi.Mặt dưới của đàn được khoét lỗ thoát hơi. Cần đàn làm bằng sừng trâu hoặc thanh tre vót mỏng, dài…
Để hoàn thiện cây đàn theo ý mình, năm 2006, ông bắt đầu tìm hiểu trở lại cách se dây tơ và lắp dây tơ vào các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, trong đó có đàn bầu. Để có sợi tơ như ý, ông đặt mua tơ ở tận Hà Nam. Khi mua về, ông lại mày mò se sợi, dùng tay vê các sợi tơ thành dây đàn. Dây tơ dễ đứt. Muốn sợi tơ bền, ông nghiên cứu pha phụ gia là sáp ong vào quá trình vê dây.
Ở điểm mắc dây, ông mắc một quả bầu nhỏ khoét lỗ bên trong. Quả bầu này có tác dụng như một cái suốt để luồn chỗ dựng cuộn dây tơ, phòng khi dây đứt thì có sẵn dây thay thế… Công trình nói gói gọn trong vài phút này, ông đã phải mất cả chục năm để tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm.
Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, đến hôm nay, đàn bầu vẫn luôn là nhạc cụ độc đáo được đội ngũ các nghệ nhân, nghệ sĩ, người giảng dạy nỗ lực tìm tòi nghiên cứu cải tiến lẫn truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Ngoài Học viện Âm nhạc Quốc gia và một số trường đào tạo chính quy, nhiều nghệ sĩ như NSND Xuân Hoạch vẫn đi về với các chương trình biểu diễn trong Nam, ngoài Bắc và các tỉnh. Nghệ sĩ Mai Thủy cũng chia sẻ, chị vẫn đang nỗ lực kết nối với nhiều người khác để hình thành kế hoạch giảng dạy đàn bầu qua mạng Internet.
Với kế hoạch này, những người tâm huyết với cây đàn dân tộc như chị hy vọng đâu đó ở xung quanh mình và xa hơn nữa là nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ có những người bạn trong nước, nước ngoài cảm mến rồi học và truyền bá đàn bầu rộng rãi trong tương lai…