Đối phó bệnh “sùi bọt cua” trên cá tai tượng – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Nguyên nhân

– Do thích bào tử trùng gây ra. Đây là tác nhân đầu tiên gây suy yếu cá, từ đó dẫn đến các tác nhân khác (như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng) tấn công.

– Ao cũ không cải tạo xử lý kỹ.

– Con giống có mang tác nhân gây bệnh, không kiểm dịch cá giống.

– Lây nhiễm mầm bệnh từ ao này sang ao khác.

 

Triệu chứng

– Cá tiết ra nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt hoặc sậm hơn bình thường (đen mình). Mang cá nhợt nhạt, nổi lên mặt nước. Cá thường tập trung đầu cống, bơi lội bất thường, phản xạ không nhanh.

– Sau vài ngày cá bắt đầu chết ít rồi chết tăng dần rất nhanh.

– Hiện tượng “sùi bọt cua”: Thích bào tử trùng ký sinh vào mang cá làm mang phồng lên, gây tổn thương mang khiến cá khó hô hấp, cá phải ngoi lên mặt nước lấy ôxy; khi đó có bọt khí nổi lên giống bọt cua nên gọi là bệnh “sùi bọt cua”.

Phòng bệnh “sùi bọt cua” trên cá tai tượng trong suốt quá trình nuôi

Do bào nang và cả bào tử trùng có lớp vỏ kitin cứng, mặt khác, bào nang sống ở đáy ao nên khi dùng các loại hóa chất để tiêu diệt thì đòi hỏi nồng độ hóa chất phải cao hơn nhiều so với các loại tác nhân gây bệnh khác. Tuy nhiên, nếu ao ương nuôi đang có cá mà dùng hóa chất với liều lượng quá cao thì cá sẽ chết trước khi các tác nhân gây bệnh bị tiêu diệt. Vì vậy, về cơ bản bệnh sùi bọt cua chỉ có thể phòng mà không thể trị.

 

Cách phòng bệnh

– Vệ sinh ao sạch sẽ trước mỗi vụ nuôi, lưu ý phơi đáy ao trên 10 ngày và xử lý nước trước khi thả giống.

– Chọn giống tốt, không mang mầm bệnh, có kiểm dịch. Tắm con giống qua nước muối 2 – 3% (200 – 300g/10 lít nước) trong 5 – 10 phút trước khi thả.

– Mật độ nuôi thích hợp, nên thả ghép để giúp xử lý môi trường nước tốt và ổn định hơn.

– Cho ăn, chăm sóc cá nuôi đúng kỹ thuật.

– Quản lý tốt chất lượng nước ao trong suốt quá trình nuôi, hạn chế thay đổi nước để ổn định môi trường nuôi.

– Định kỳ dùng chế phẩm sinh học hoặc Zeolite xử lý nước và đáy ao.

– Có thể nuôi 2 giai đoạn để dễ vệ sinh đáy ao và phân cỡ cá nuôi riêng. Lưu ý: khi sang ao cho cá nhịn đói trước 1 – 2 ngày; phải thao tác nhanh, nhẹ nhàng và làm lúc trời mát.

– Dùng vôi, muối hột hòa nước tạt xuống ao, liều lượng 1 – 3 kg/100m3 nước. Sử dụng một số cây thuốc nam (như lá giác, lá xoan…) ngâm trong ao nuôi.

Nếu trong quá trình nuôi có cá chết thì phải vớt cá chết đem chôn sâu hoặc đốt để tránh lây lan; đồng thời xử lý nước ao đó, không được xả trực tiếp ra kênh rạch. Nếu cá đạt cỡ thương phẩm phải bán ngay, còn nếu tiếp tục nuôi thì cải thiện chất lượng nước (thay nước, diệt khuẩn) và tăng sức đề kháng cho cá (trộn Vitamin C vào thức ăn) để giúp cá mạnh khỏe vượt qua dịch bệnh. Tuy nhiên, cách làm này chỉ để cứu những con cá còn khỏe, vì hiện chưa có thuốc trị thích bào tử trùng; chủ yếu là phòng bệnh trong suốt quá trình nuôi, đặc biệt là xử lý ao và môi trường nước.

Rate this post

Viết một bình luận