(SGTT) – Vượt qua những khó khăn và thách thức, du lịch Hậu Giang đã có sự chuyển mình, kỳ vọng mở ra nhiều hướng mới để phát triển ngành “công nghiệp không khói” tỉnh này.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, những tháng đầu năm 2022, du lịch Hậu Giang bắt đầu khởi sắc, toàn tỉnh đón 160.775 lượt khách tham quan du lịch (đạt 46% so kế hoạch), trong đó khách quốc tế là 2.235 lượt (đạt 45% kế hoạch); tổng thu từ du lịch đạt 73 tỉ đồng (đạt 49% kế hoạch).
Tiềm năng đa dạng
Về địa lý, Hậu Giang là trung tâm của Tây Nam bộ, kênh rạch chằng chịt, là tỉnh đặc trưng nông nghiệp, bạt ngàn đồng ruộng và vườn cây trái.
Kênh xáng Xà No, con đường lúa gạo của Tây Nam Bộ hoàn thành năm 1903, dài gần 40km, nay là thủy lộ du lịch, như “dải lụa” làm đẹp cho Vị Thanh. Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng – “Vùng đất trũng ngập nước của Trời” có diện tích 2.800 ha, hệ động thực vật phong phú, đa dạng sinh học, được xem là “mỏ vàng” của du lịch Hậu Giang.
Hậu Giang còn có “chợ quê” đúng nghĩa ở Vị Thanh. Chợ họp từ 3:00 sáng, nắng lên là vãn. Giữa khuya, các đường phố đang ngủ, bỗng rộn ràng âm thanh ruộng vườn, í ới gọi nhau. Người dân đổ về “chợ quê” với những sản vật địa phương như trẩy hội.
Dân du lịch gọi chợ quê là ‘chợ chồm hổm’, chợ bệt vì kiểu ngồi của người bán lẫn người mua. Bà con Vị Thanh gọi là chợ đồng quê vì chợ toàn sản vật đồng quê. Chợ cùng tuổi với thành phố Vị Thanh, năm 2010, khi thị xã Vị Thanh được nâng cấp thành thành phố. Chợ như mong ước của người dân vùng kênh Xà No, muốn níu giữ “hương đồng gió nội” cho phố thị quê nhà.
Đi chợ lúc nửa đêm về sáng, khi trời vừa hửng, hay lấp ló bình minh đều có những thú vị riêng. Dân thành thị thích đi chợ để no nê ngắm nhìn, thỏa thuê với âm sắc, mùi vị và “ngụp lặn” trong những hoài niệm xa xưa.
Ẩm thực Hậu Giang lừng danh với khóm Cầu Đúc, cá thác lác và đọt choại. Cầu Đúc, nơi khai sinh đặc sản “củ hủ khóm” đầu tiên ở Việt Nam để làm bánh xèo, nấu lẩu, xào vịt, xào gà, làm dưa…
Cá thác lác và đọt choại nhiều nơi có, nhưng ở Hậu Giang có cách chế biến và hương vị riêng, không lẫn vào đâu được.
Du lịch Hậu Giang còn thu hút du khách bởi chợ nổi Phụng Hiệp, rừng tràm và vườn trầu Vị Thủy, vườn quít Long Trị, công viên Xà No, nhà thờ Vị Hưng, chùa Aranhut, công viên giải trí Kittyd và Minnied; các di tich chiên thăng Tầm Vu, Chương Thiện…
Những chuyển mình sau dịch
“Nét son” đầu tiên là tổ chức thành công giải Marathon Hậu Giang 2022 (lần thứ 3) với hơn 8.500 vận động viên trong nước và quốc tế tham gia cùng nhiều sự kiện hội nghi, hội thảo. Toàn bộ khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, homestay… đều hết phòng.
Cùng với sự kiện Marathon Hậu Giang 2022, các hội thảo, hội nghị liên tiếp được tổ chức với những nội dung thiết thực. Các hội thảo xoay quanh chủ đề “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển” vào từng lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch và công nghệ thông tin.
Vừa qua, Hậu Giang cũng xác lập kỷ lục Việt Nam hơn 100 món ngon từ khóm và cá thác lác.
Tác giả được mời làm diễn giả, tham luận trong hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực du lịch” tại hội trường UBND tỉnh. Thức uống trong hội thảo là trà mãng cầu, một loại thực phẩm chức năng, đặc sản OCOP của Hậu Giang. Tiệc trà và quà tặng các diễn giả cũng toàn sản phẩm OCOP Hậu Giang, một cách quảng bá hiệu quả sản phẩm; mở đầu cho “lương duyên” du lịch và nông nghiệp, vốn lâu nay chỉ “quen mà chưa thân”.
Vượt qua những khó khăn và thách thức, du lịch Hậu Giang đã có sự chuyển mình, kỳ vọng mở ra nhiều hướng mới để phát triển ngành “công nghiệp không khói” này ở tỉnh nhà.
Theo báo Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có 101 cơ sở lưu trú du lịch, 1.307 phòng, trong đó có 8 khách sạn được xếp hạng: 1 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 2 sao, 6 khách sạn 1 sao; 1 homestay đủ điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch; 1 tàu nhà hàng; 21 điểm tham quan du lịch; nhiều điểm kinh doanh, ăn uống nằm trong và ngoài cơ sở lưu trú cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch khi đến tham quan và lưu trú tại Hậu Giang.
Nguyễn Văn Mỹ
Chủ tịch Lửa Việt Tours