Du lịch Huế có gì đặc biệt? Thưởng thức món ăn đặc trưng
Huế là điểm đến được rất nhiều du khách chọn để nghỉ dưỡng, vui chơi và tham quan. Nơi đây, chứa đựng cả không gian văn hóa lịch sử của đất nước cùng không gian nhẹ nhàng và lãng mạn.
Du lịch Huế sẽ mang lại những trải nghiệm gì hấp dẫn mà TripHunter gợi ý cho du khách.
1. Huế đặc biệt như thế nào?
Huế là thành phố miền Trung nằm giữa Hà Nội và Sài Gòn, giáp với Quảng Trị và Đà Nẵng. Cố đô Huế là một vùng đất chứa đựng nhiều di sản văn hóa. Là thành phố duy nhất trong nước ta còn giữ được dáng vẻ và kiến trúc của một thành phố thời phong kiến, Huế đã trở thành một bảo tàng lớn và vô giá. Tháng 12 năm 1993, Huế được UNESCO xếp hạng là di tích văn hóa thế giới. Ðến nay, dọc chiều dài đất nước hẳn không còn một nơi nào có số lượng lớn các di tích vẫn giữ được hình dạng vốn có như nơi đây. Ở bờ phía bắc của sông Hương là cụm di tích gồm những lâu đài được xây dựng theo kiểu phòng thủ tạo thành một đường vòng cung dài 11 km.
Công trình quý giá này gồm hơn một 100 tác phẩm kiến trúc, là nét phác họa về cuộc sống của vua quan nhà Nguyễn. Giữa những quả đồi ở bờ nam sông Hương là những lăng tẩm rất đẹp của các vua Nguyễn. Không chỉ có thế, Huế mộng mơ còn là một trung tâm Phật giáo quan trọng với hàng chục đình chùa đã được xây dựng cách đây trên 300 năm.
Nhắc đến Huế là nhắc đến sự trầm mặc, cổ kính, nguy nga, tráng lệ của những lăng tẩm, đền đài; vẻ đẹp mộng mơ đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa của sông Hương, núi Ngự; giá trị văn hóa của kiệt tác nhân loại – Nhã nhạc; ẩm thực cung đình đậm đà bản sắc. Chẳng dừng lại, cố đô yên bình này còn níu chân những tâm hồn lãng mạn bởi chiếc nón bài thơ, tà áo dài thướt tha, chút diết da trong câu hát Huế. Chẳng quá lời khi ví Huế như cô gái. Huế vừa đằm thắm, vừa có chút kiêu kỳ, khiến người ta say đắm khi ở lại và lúc rời xa lại vấn vương thương nhớ.
Bạn nên xem: Những thông tin khác về Huế tại trang của TripHunter
2. Huế vào thời điểm nào là lí tưởng?
Thời điểm nào thích hợp để du khách du lịch Huế? Mỗi thời điểm đều có những điều đặc biệt khác nhau để du khách trải nghiệm nhưng du khách nên chú ý thời tiết để chuyến du lịch thêm trọn vẹn.
- Tháng 3 – 8: Mùa khô, thời tiết khá nóng và oi bức, nhiệt độ có khi lên tới 35 – 40 độ C.
- Tháng 8 – 10: Mùa mưa nhiều, thời tiết không thuận lợi. Nếu du lịch vào thời điểm này, bạn sẽ không khám phá được hết vẻ đẹp của Huế.
- Tháng 11: Thời điểm lý tưởng nhất để đi du lịch Huế.
3. Thưởng thức những món ăn nào khi đến Huế?
3.1. Cơm hến
Cơm hến là món ăn dân dã nổi tiếng của xứ Huế mộng mơ. Món ăn được làm từ cơm trắng để nguội, cho thêm hến cám, các phụ gia, tóp mỡ chiên giòn, hành phi rồi trộn đều cùng rau sống. Khi ăn cơm hến là bạn đang thưởng thức hương vị đậm đà, vừa bùi vừa cay vừa hăng – một trong những nét ẩm thực độc đáo của xứ Huế.
3.2. Bún bò Huế
Bún bò được xem như món ăn tượng trưng của ẩm thực Huế. Không ai đến Huế mà không thử qua món bún bò một lần. Nguyên liệu chính của món ăn là bún, thịt bắp bò, giò heo dùng kèm với rau sống. Ngoài ra, tô bún còn có thể có thịt tái hoặc chả cua. Nước dùng của bún bò Huế có màu đỏ đặc trưng, trong đó thường nêm vào một ít mắm ruốc để tạo hương vị riêng của món ăn này.
3.3. Thức ăn chay
Khám phá ẩm thực chay khi đến Huế là một trải nghiệm thú vị bạn không nên bỏ qua. Thực đơn chay ở Huế khá phong phú và hấp dẫn. Bạn có thể tìm được đủ loại món chay từ cơm chay, bún chay cho đến cá chay, giò chay… So với món mặn, đồ chay ở Huế không hề kém cạnh mà còn được yêu mến hơn bởi sự thanh đạm và bổ dưỡng mà nó mang lại.
3.4. Tré
Tré gần giống như nem nhưng có cách chế biến hoàn toàn khác. Tré được làm từ mũi heo, tai heo, mè, riềng,… tất cả trộn lẫn với nhau rồi gói trong lá ổi và lá chuối. Dùng kèm với tré Huế thường phải có một ít tỏi tươi hoặc tỏi muối chua. Tré Huế có thể ăn chơi như nem chua nhưng cũng có thể cuốn bánh tráng cùng với các loại rau sống cũng rất ngon.
3.5. Nem lụi chất Huế
Nem lụi là món ăn nổi tiếng của Huế. Món ăn này được chế biến khá đơn giản, thịt heo giã nhuyễn trộn với bì thái sợi, bắt vào từng đôi đũa nhỏ rồi nướng trên than. Ấy vậy mà muốn món ăn ngon đúng điệu không phải dễ vì còn phải biết cách chế biến nước chấm. Nước chấm nem lụi không phải là nước mắm chua ngọt mà là chén nước lèo được pha chế theo cách riêng của người Huế. Đừng quên thưởng thức món này khi đến Huế bạn nhé!
3.6. Cháo lòng
Cháo lòng chợ Mai là một đặc sản không thể bỏ qua khi đến Huế. Nghề bán cháo lòng ở đây là nghề gia truyền và chủ quán hầu hết là những mệ già gắn bó với nồi cháo đã mấy chục năm. Cháo chợ Mai khác với những nơi khác từ màu sắc đến mùi vị. Cháo thơm ngon nhờ luôn có nguồn nguyên liệu lòng heo tươi sạch từ các vùng quê quanh thành phố, qua nhiều công đoạn chế biến kĩ càng, cẩn thận: lòng phải sơ chế, vệ sinh kĩ càng, cháo không sền sệt mà lỏng, nước trong và hạt gạo không nát nhuyễn, mùi vị thơm ngon, đậm đà mà vô cùng gần gũi.
3.7. Bánh canh
Từ xưa, nấu bánh canh bán dạo đã trở thành nghề gia truyền của người làng Nam Phổ. Món ăn tuy bình dị nhưng đòi hỏi thời gian, sự tỉ mỉ và công phu của người chế biến.
3.8. Tôm chua
Tôm chua là món ăn dân dã của xứ Huế nhưng được rất nhiều người ưa chuộng. Vị chua thanh, cay nồng của tôm chua và các loại gia vị khiến ai đã từng thưởng thức loại mắm này không thể nào quên. Tôm chua có thể ăn cùng cơm nóng nhưng nổi tiếng nhất vẫn là thịt ba chỉ luộc ăn kèm tôm chua cùng các loại rau sống.
3.9. Các loại mắm
Ở Huế, mắm là món ăn không thể thiếu trong những bữa ăn hằng ngày của người dân từ xưa đến nay, là đặc sản có quanh năm suốt tháng, mỗi mùa mỗi hương vị riêng độc đáo hấp dẫn. Vào tiết đông xuân có mắm cá ngừ, mắm cá nục, mắm cá thu,mắm cá chuồn; thu đông thì có mắm cá cơm, mắm thính; xuân hạ thì có mắm cà, mắm dứa, mắm rò… Còn mắm nêm, ruốc, tôm chua,…thì hầu như đều có quanh năm. Mỗi loại mắm đều có nguyên liệu và cách thức chế biến khác nhau, tạo nên hương vị riêng đặc trưng, đậm nồng, cảm giác mặn, ngọt, chua, cay quyện lẫn trong mỗi miếng ăn đậm đà như thấm tận chân răng.
3.10. Ruốc
Ruốc là một loại mắm được làm từ con khuyết, có màu tím, và là một phụ liệu làm nên hương vị đặc trưng của Huế. Các món ăn nổi tiếng của Huế như bún bò, cơm hến nếu thiếu ruốc thì không thể tròn vị. Ngoài ra, ruốc tươi trộn với chanh, ớt, tỏi còn được dùng để chấm thịt luộc, trái vả, dưa, cà, rau thơm, ăn vô cùng ngon.
3.11. Ốc
Huế hội đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, nồng. Có hai loại ốc là ốc hút và ốc bươu, hoặc ốc to và ốc nhỏ theo cách gọi của người Huế. Ăn kèm với ốc là nước mắm ớt gừng và một dĩa rau sống kèm vài lát vả. Một chút cay nồng của ớt, thêm vị hăng và thơm của gừng sả, vị mặn của nước mắm và vị ngọt từ thịt ốc khiến ốc Huế trở thành món ăn hấp dẫn khó cưỡng lại.
3.12. Xôi thịt hon
Xôi thịt hon không phải là món ăn phổ biến vì đây là món thường được người Huế dùng vào việc lễ tết. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thưởng thức món ăn này tại một quán nhỏ bên đường ở ngã tư Trương Định – Phạm Hồng Thái. Món ăn thể hiện sự kết hợp tài tình khi tiếp nhận gia vị của người Ấn Độ để biến hóa món ăn thành đặc sản của đất cố đô.
3.13. Cháo gạo đỏ cá bống thệ kho khô
Cháo được nấu từ gạo lứt hay gạo rằn có hạt gạo màu đỏ, vị rất béo khi chín. Món cháo này phải ăn cùng cá bống thệ kho khô, loại cá bống chỉ to hơn ngón tay, nhưng thịt thơm và ngọt. Đây là điểm tâm sáng quen thuộc của người dân xứ Huế.
3.14. Bánh khoái
Vì có nhiều nét tương đồng nên có nhiều người tưởng nhầm bánh khoái là bánh xèo. Tuy nhiên, bánh khoái nhỏ hơn, dày hơn và giòn hơn bánh xèo nhờ vào công thức pha bột độc quyền và độ lớn của lửa khi đổ bánh.
3.15. Kẹo mè xửng
Kẹo mè xửng làm từ mạch nha trộn với dầu đậu phộng cho đến khi dẻo thì phủ một lớp mè xung quanh rồi cắt thành từng miếng vuông nhỏ. Kẹo mè xửng là một trong những đặc sản đã trở thành biểu tượng văn hóa của Huế. Kẹo khá ngọt nên thích hợp vừa uống trà vừa nhâm nhi.
Những món ăn ở Huế sẽ mang lại những trải nghiệm về các hương vị đặc trưng tại thành phố cổ xưa nhưng chứa đựng nhiều điều đặc biệt mà mọi người nên khám phá.