Du lịch Lâm Hà – Sao lại không!

Du lịch Lâm Hà – Sao lại không!

Lâm Hà địa danh từng được cả nước biết đến là một vùng kinh tế mới Hà Nội trên cao nguyên Lâm Đồng – nơi một thời hoa lửa các chàng trai cô gái thủ đô rời phố phường hoa lệ đến với núi rừng, để hôm nay những đôi bàn tay chai sần ấy đã xây nên phố xá giữa miền hoang sơ. 

 

Cơ sở ươm tơ dệt lụa truyền thống Cường Hoàn của người Hà Nội trên quê mới Nam Ban - Lâm Hà thu hút đông du khách đến từ các nước phương Tây xa xôi

Cơ sở ươm tơ dệt lụa truyền thống Cường Hoàn của người Hà Nội trên quê mới Nam Ban – Lâm Hà thu hút đông du khách đến từ các nước phương Tây xa xôi

 

Những cái tên làng, tên xã mang theo, những con người đổ mồ hôi làm nên một miền quê trù phú trên cao nguyên. Vùng đất hội tụ của những con người mang bản sắc riêng thì tự thân nó đã làm nên sức hút kỳ lạ. Chẳng thế mà, những năm qua, từng đoàn xe thồ chở du khách đến từ các nước phương Tây xa xôi, từ Đà Lạt qua Cam Ly, Vạn Thành vượt đèo về với Lâm Hà, để được ngắm thác Voi nguyên sơ hùng vĩ đổ nước ngày đêm ầm ào giữa phố thị Nam Ban, để được tận mắt tìm hiểu các công đoạn để làm nên vẻ đẹp mềm mịn của lụa tơ tằm tại cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn (Nam Ban). Ngạc nhiên trước những con tằm cần mẫn ăn lá dâu, rồi nhả tơ, nấu kén, xe tơ, dệt vải, nhuộm vải, may sản phẩm làm đẹp cho con người. Để ngắm hàng ngàn chú dế mèn với “đôi càng mẫm bóng” đen nhánh, nghe tiếng dế đua nhau kêu “ri ri” tạo nên bản hòa tấu không dứt tại trại dế Thiện An (xã Mê Linh); vừa xem cách nuôi dế lại được thưởng thức tại chỗ món dế chiên giòn béo ngậy. Để được đắm mình trong hương thơm nồng lan tỏa, chỉ ngửi đã say của cơ sở nấu rượu gạo Kiết Tường (xã Mê Linh) và nghe ông chủ Nguyễn Văn Lộc nói về quy trình nấu rượu hoàn toàn thủ công, nguyên liệu từ thiên nhiên và lên men tự nhiên: vo gạo, nấu cơm, ủ men, chưng cất thành rượu… Chỉ bằng những nghề thủ công truyền thống của ông cha truyền lại, nghề nấu rượu, nuôi dế, ươm tơ dệt lụa của những người nông dân một nắng hai sương đã tự “nối tour” thành nên một sản phẩm du lịch nghề độc đáo trên cung đường Đà Lạt – Nam Ban.

 

Bên cạnh đó, nhiều giá trị chưa được đánh thức. Đó là đời sống văn hóa, lao động sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc K’Ho sinh sống lâu đời ở các buôn làng quanh thị trấn Đinh Văn, Phi Tô với những nét đẹp văn hóa tộc người, những cái tên nghệ nhân đầy sức cuốn hút K’Bát, K’Thế, K’Chung… Ở Lâm Đồng, không chỉ riêng Lâm Hà mới có cà phê, nhưng với khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm 21 – 22oC, địa hình đồi không cao, suối không sâu, với bạt ngàn cà phê thoai thoải ở vùng Lán Tranh (Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ…), vùng kinh tế mới Nam Ban, Nam Hà, Mê Linh, Đông Thanh… cũng đủ cho ai đó nghĩ đến một tour vừa uống cà phê đen vừa ngắm điệp trùng những đồi cà phê hoa trắng; hay tận mắt xem những chú chồn hương trong các trang trại nuôi chồn chọn ăn cà phê chín như thế nào mà thành một “công đoạn” đặc biệt làm nên những ly cà phê thơm ngon. Hệ thống hồ đầm giữa vùng cà phê không chỉ là nguồn nước tưới cho những mùa hoa trắng, mà sẽ rất thú vị nếu nơi đây trở thành nơi câu cá giải trí cho những ai có thú ngao du sơn thủy. Du khách sẽ không thể bỏ qua Phú Sơn quê hương của chuối La Ba thơm ngọt đã thành thương hiệu mạnh quốc gia; đất và nguồn nước nơi đây cũng kết tinh thành vị béo ngất ngây của những quả bơ sáp ruột vàng như mỡ gà…

 

Tiềm năng du lịch là vậy, nhưng theo thống kê, trên địa bàn toàn huyện, đến nay chưa có đơn vị kinh doanh vận chuyển lữ hành; chưa tour tuyến nào được kết nối giữa các điểm đến với các điểm du lịch trong huyện và các địa phương khác. Khách du lịch đến Lâm Hà chỉ là “tự phát” vì không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của đất và người. Khách Tây thì du lịch bằng xe thồ, khách ta đa số có người nhà ở Đà Lạt, ở loanh quanh trong huyện chở đi thăm thú cho biết bằng xe máy và về trong ngày; dù hệ thống các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống phục vụ ngày càng tốt bởi những món ăn ngon từ miền Bắc cũng tạo ấn tượng cho du khách. 

 

Toàn huyện, hiện có 11 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch với 125 phòng nghỉ có sức chứa khoảng 330 người; các cơ sở này đã được Sở VH-TT-DL thẩm định đạt tiêu chuẩn nhà nghỉ du lịch. Trong 3 năm qua, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện đã tiếp đón gần 10.000 lượt khách trong và ngoài huyện, trên 1.000 du khách nước ngoài, khách nghỉ tại các cơ sở phần lớn là khách kết hợp công tác, thăm thân nhân và nghỉ lại một ngày. Ông Nguyễn Đức Tài – Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Việc xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn níu chân du khách ở lại với Lâm Hà dài ngày hơn đang là nỗi trăn trở của lãnh đạo huyện. 

 

Thực hiện Nghị quyết 04/NQ – TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch, dịch vụ (2011 – 2015), những năm qua huyện Lâm Hà đã quan tâm đến công tác phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, định hướng phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng đề án quy hoạch làng nghề truyền thống ở một số buôn vùng đồng bào dân tộc, đầu tư cải thiện vệ sinh môi trường ở khu du lịch sinh thái thác Voi; khuyến khích các hộ gia đình làm nghề truyền thống tạo điều kiện cho du khách tham quan kết hợp với quảng bá sản phẩm. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn, cải tạo quốc lộ 27 đã làm nên diện mạo mới cho huyện; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tiếp tục tạo hành lang pháp lý phù hợp thông thoáng, kêu gọi đầu tư tạo điều kiện cho du lịch phát triển. 

 

Với những nỗ lực đánh thức các tiềm năng, để du khách đến Lâm Hà được cảm nhận trọn vẹn một vùng văn hóa, nhân văn, sinh thái; trong tương lai cùng với Lạc Dương, Đơn Dương; Lâm Hà cũng đang dần khẳng định là một vệ tinh của du lịch Đà Lạt.

 

QUỲNH UYỂN 

Rate this post

Viết một bình luận