Du lịch tâm linh: Giá trị nhân văn và lợi ích cộng đồng

(HNM) – Trong hai ngày 21 và 22-11, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế du lịch tâm linh “Vì sự phát triển bền vững” tại tỉnh Ninh Bình.

Với số lượng khá lớn di tích văn hóa, lịch sử, Việt Nam đang được thế giới nhìn nhận và đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch tâm linh. Tuy nhiên, để khai thác tiền năng đó một cách có hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích cho địa phương, tăng thu nhập cho người dân, bảo tồn phát huy giá trị di tích… là những vấn đề không đơn giản.
 

Chùa Bái Đính (Ninh Bình) là một địa chỉ du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách. Ảnh: Bảo Lâm

Lợi ích đã rõ…

Sự kiện Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh tổ chức tại Ninh Bình là sáng kiến của Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Taleb Rifai sau khi đến thăm Việt Nam. Theo đánh giá của UNWTO, du lịch tâm linh là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Một trong những ưu điểm lớn của du lịch tâm linh là tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống trong khi vẫn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân bản địa.

Tại Việt Nam, khái niệm du lịch tâm linh vẫn còn khá xa lạ. Hiện cả nước có hơn 44.000 địa danh, danh thắng và di tích lịch sử, trong đó hơn một nửa là nơi có thể khai thác mô hình du lịch tâm linh. Các địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước có thể kể tên như: Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Từ Đàm (Huế)… Nếu như du lịch tâm linh ở các nước trên thế giới gắn liền với hoạt động tôn giáo thì ở Việt Nam, du lịch tâm linh thường có mục đích hướng về cội nguồn, về lịch sử thờ cúng tổ tiên.

Cách đây hơn 10 năm, Bái Đính là một vùng đất chưa được du khách biết đến, cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn, kham khổ. Thế nhưng, từ khi dự án xây dựng chùa Bái Đính đi vào hoạt động, đời sống xã hội từng bước được cải thiện, người dân Ninh Bình đã cùng chính quyền địa phương tích cực hơn trong việc tham gia gìn giữ bảo vệ các giá trị văn hóa tâm linh, công trình kiến trúc tôn giáo, để vừa phục vụ cho đời sống tinh thần của cộng đồng và vừa phát triển du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Hữu Bình chia sẻ, nếu như năm 2005, toàn tỉnh đón 1 triệu lượt khách du lịch với doanh thu 60 tỷ đồng, thì đến năm 2012 địa phương đã đón trên 3,7 triệu lượt khách và doanh thu trên 800 tỷ đồng. Năm 2013, dù kinh tế trong nước và thế giới còn khó khăn nhưng ước tính tỉnh cũng đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó 2/3 là khách tham gia hành trình du lịch tâm linh. Doanh thu từ du lịch của Ninh Bình trong năm 2013 dự kiến đạt khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Mặc dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định là điểm đến du lịch tâm linh được du khách ưa thích và lựa chọn nhiều, nhưng du lịch tâm linh tại Ninh Bình vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Việc xây mới, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử để phát triển du lịch tâm linh đang nhận những luồng dư luận trái chiều, khi nhiều người cho rằng, việc đầu tư, xây mới khiến các di tích mất đi vẻ cổ kính, hoang sơ trước đó. Vấn đề quá tải khách du lịch vào mỗi dịp lễ hội cũng đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của loại hình du lịch tâm linh tại Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Còn nhiều việc phải làm

Điều mà nhiều người tỏ ra quan ngại, đó là song hành với sự phát triển du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng cũng kéo theo những nhân tố gây tác động xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên tại các di tích lịch sử, di sản văn hóa… Do đó, cần có những chính sách bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững cho du lịch tâm linh.

Một đại biểu dẫn chứng, lượng khách tham gia tour du lịch tâm linh tập trung nhiều nhất vào dịp cuối năm, đầu năm âm lịch và các thời điểm diễn ra lễ hội dân gian. Hãy nhìn những hành động của đoàn người tham gia cuộc hành hương vào mùa lễ hội xuân sẽ thấy rất rõ sự ứng xử vô cùng yếu kém của cộng đồng đối với di sản, điểm đến di tích. Đơn cử như tại chùa Hương – một điểm đến luôn trong tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm, vào những ngày chính hội, cảnh tượng du khách chen lấn ở cửa vào cáp treo; rồi tình trạng xả rác, gài tiền lễ bừa bãi, kéo theo đủ kiểu “chặt chém” của các loại hình dịch vụ không còn là chuyện mới mẻ. Còn tại lễ hội đền Trần (Nam Định), hằng năm thường diễn ra cảnh đám đông xô đẩy, đạp lên nhau, trèo lên cây…, tìm mọi cách cướp bằng được lá ấn. “Với kiểu ứng xử như vậy, chắc chắn chuyến hành hương đó không còn mang ý nghĩa tốt đẹp là trải nghiệm quá khứ, hướng tới chân – thiện – mỹ, thậm chí càng không phải một trải nghiệm có tính liên kết cộng đồng” – Ý kiến nêu trên đáng để những nhà quản lý phải suy ngẫm.

Để tạo ra môi trường du lịch tâm linh lành mạnh, ông Trần Hữu Bình cho biết, trước những lo ngại về việc du khách đến với chùa Bái Đính bị hàng rong chèo kéo, làm phiền, chính quyền địa phương đã có sự hỗ trợ tích cực không chỉ về cơ chế chính sách, điều kiện phát triển du lịch mà còn liên tục mở những lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ hướng dẫn viên, bán hàng, xe ôm, chụp ảnh… Bắt đầu từ năm 2013, những người bán hàng lưu niệm đã được quy hoạch ra khu vực đỗ xe riêng rộng 200ha, còn những người hành nghề xe ôm cũng đã được tạo điều kiện tham gia lái xe điện chở du khách… Tình hình an ninh trật tự và môi trường du lịch tại khu vực chùa Bái Đính ngày càng tốt lên. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng không thể “một sớm, một chiều” dẹp bỏ hết tiêu cực mà cần phải có cả một quá trình.

Rõ ràng, để du lịch tâm linh phát triển một cách bền vững, thực sự trở thành một loại hình du lịch văn hóa chuyên đề, một nhân tố quan trọng không chỉ mang lại sự tăng trưởng của nền kinh tế mà còn phát huy giá trị tinh thần, lòng yêu nước… vẫn còn nhiều việc phải làm.
 

Phát triển 3 tuyến du lịch tâm linh phía Bắc

Theo thống kê của ngành du lịch, trong số 6,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2012, ước tính chỉ có khoảng 12% du khách đến các điểm du lịch tâm linh.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, ngành du lịch định hướng sẽ phát triển 3 tuyến du lịch tâm linh phía Bắc, đó là: Hà Nội – Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) – Đông Triều, Yên Tử (Quảng Ninh) – Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình); Hà Nội – Chùa Hương – Tam Trúc, Ba Sao (Hà Nam) – Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình) – Đền Trần (Nam Định); tuyến Kinh đô Việt cổ: Đền Hùng (Phú Thọ) – Hà Nội – Hoa Lư (Ninh Bình) – Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) – Cố đô Huế.

Rate this post

Viết một bình luận