Du lịch tâm linh ở Việt Nam – Thực trạng và định hướng phát triển – Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR)

    Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã và đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Tuy vậy, nhận thức về du lịch tâm linh vẫn chưa thực sự đầy đủ và thống nhất. Những năm qua, Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó du lịch tâm linh có đóng góp to lớn và bền vững vào sự tăng trưởng đó. Những lợi ích của du lịch tâm linh không chỉ về kinh tế mà hơn bao giờ hết là những giá trị tinh thần cho đời sống xã hội. Với ý nghĩa đó, Hội nghị này tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh nhằm hướng tới phát triển bền vững đối với Du lịch Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Tham luận này đề cập đến tình hình và định hướng phát triển du lịch tâm linh đóng góp vào quá trình tăng trưởng bền vững cho du lịch Việt Nam.   

   1.Quan niệm về du lịch tâm linh

   Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có những quan niệm khác nhau và đến nay vẫn chưa có một khái niệm chung nhất. Tuy nhiên, xét về nội dung và tính chất hoạt động, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Theo cách nhìn nhận đó, du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Theo đó, du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch.

   Với cách hiểu như vậy, có thể nhận diện những dòng người đi du lịch đến các điểm tâm linh gắn với không gian văn hóa, cảnh quan các khu, điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của mình, trong đó nhu cầu tâm linh được xem là cốt yếu. Khách du lịch tâm linh ở Việt Nam thường hội tụ về các điểm du lịch tâm linh như: đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự, tưởng niệm và những vùng đất linh thiêng gắn với phong cảnh đặc sắc gắn kết với văn hóa truyền thống, lối sống địa phương. Ở đó du khách tiến hành các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, triết giáo, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu, thiền, tham gia lễ hội… Thông qua đó, hoạt động du lịch mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

   Đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh, các hoạt động kinh doanh, tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh trên các tuyến hành trình và tại các khu, điểm du lịch được thực hiện, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân địa phương, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.       

   2. Đặc điểm và xu hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam

  a) Đặc điểm

   Sự đặc thù khác biệt của du lịch tâm linh ở Việt Nam so với các nơi khác trên thế giới có thể nhận thấy đó là:

   – Du lịch tâm linh gắn với tôn giáo và đức tin và ở Việt Nam, trong đó Phật giáo có số lượng lớn nhất (chiếm tới 90%) cùng tồn tại với các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Cao đài, Hòa Hảo… Triết lý phương đông, đức tin, giáo pháp, những giá trị vật thể và phi vật thể gắn với những thiết chế, công trình tôn giáo ở Việt Nam là những ngôi chùa, tòa thánh và những công trình văn hóa tôn giáo gắn với các di tích là đối tượng mục tiêu hướng tới của du lịch tâm linh.

   – Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những vị tiền bối có công với nước, dân tộc (Thành Hoàng) trở thành du lịch về cội nguồn dân tộc với đạo lý uống nước nhớ nguồn. Mới đây, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại.

   – Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân báo hiếu đối với bậc sinh thành. 

   – Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn với những hoạt động thể thao tinh thần như thiền, yoga hướng tới sự cân bằng, thanh tao, siêu thoát trong đời sống tinh thần, đặc trưng và tiêu biểu ở Việt Nam mà không nơi nào có đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

   – Ngoài ra du lịch tâm linh ở Việt Nam còn có những hoạt động gắn với yếu tố linh thiêng và những điều huyền bí.

   b) Xu hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam 

   Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Sự đa dạng và phong phú của các thắng tích tôn giáo và với số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước. Nhu cầu du lịch tâm linh của người Việt Nam đang trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển. Ngày nay du lịch tâm linh ở Việt Nam đang trở thành xu hướng phổ biến:

   – Số lượng khách du lịch tâm linh ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa. Số khách du lịch đến các điểm tâm linh tăng cho thấy du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.

   – Nhu cầu và du lịch tâm linh ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn với tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các hoạt động, sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố linh thiêng khác. Hoạt động du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân.  

   – Hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch linh ngày càng đẩy mạnh thể hiện ở quy mô, tính chất hoạt động của các khu, điểm du lịch tâm linh. Ra đời và phát triển ngày càng nhiều các điểm du lịch tâm linh ở hầu hết các địa phương, vùng, miền trên phạm vi cả nước, tiêu biểu như: Đền Hùng (Phú Thọ); Yên Tử (Quảng Ninh); Chùa Hương (Hà Nội); Phát Diệm (Ninh Bình); Núi Bà Đen, Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh); Chùa Bái Đính (Ninh Bình); Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương); Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang); Công Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương); Tây Thiên (Vĩnh Phúc); Đền Trần-Phủ Dầy (Nam Định)…

   – Du lịch tâm linh ngày càng được xã hội tiếp cận và nhìn nhận tích cực cả về khía cạnh kinh tế và xã hội. Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đối với phát triển du lịch tâm linh và coi đó là một trong những giải pháp đáp ứng đời sống tinh thần cho nhân dân đồng thời với việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị truyền thống, suy tôn những giá trị nhân văn cao cả.

   3. Tình hình phát triển và kết quả đóng góp của du lịch tâm linh vào tăng trưởng du lịch Việt Nam

   Trong giai đoạn vừa qua, Du lịch Việt Nam chứng kiến giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ ấn tượng trên 12% mỗi năm (ngoại trừ suy giảm do dịch SARS 2003 và suy thoái kinh tế thế giới 2009). Năm 2012, với 6,8 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2013 số khách quốc tế đạt 6,12 triệu lượt, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2012. Với tốc độ đó, ước tính 2013 Việt Nam sẽ đạt mốc 7,4 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu sẽ đạt 195.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD). Như vậy, chỉ sau 4 năm phục hồi suy thoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần; tổng thu du lịch tăng trên 2,2 lần. Với những chỉ tiêu tổng thể đó thì mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015 đã về đích trước 2 năm. Đạt được kết quả tăng trưởng đó có sự đóng góp tích cực của du lịch tâm linh với những kết quả đáng ghi nhận. 

   a) Số lượng, cơ cấu khách du lịch tâm linh

   Ở Việt Nam, khách du lịch tâm linh chiếm một tỷ trọng khá lớn. Thông thường khách đi du lịch hầu như kết hợp với mục đích tâm linh hoặc mục đích tâm linh được lồng ghép trong nhiều chuyến đi. Vì vậy, khó có thể phân biệt rõ số khách với mục đích du lịch tâm linh thuần túy (ngoại trừ số tăng ni, phật tử, tín đồ, khách hành hương). 

   Trong số 32,5 triệu khách du lịch nội địa năm 2012 chỉ tính riêng số khách đến các điểm tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh) có khoảng 13,5 triệu lượt, tương đương 41,5%. Một số điểm du lịch tâm linh tiêu biểu năm 2012 đón một lượng khách lớn như Miếu Bà Chúa Xứ An Giang (3,6 triệu lượt khách), Chùa Hương (1,5 triệu lượt); Chùa Bái Đính (2,1 triệu lượt), Yên Tử (2,3 triệu lượt), khu du lịch Núi Bà Đen (2,2 triệu lượt); Cô Sơn Kiếp Bạc (1,2 triệu). Đối với khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích tâm linh không nhiều, trong số 6,8 triệu lượt khách đến Việt Nam năm 2012 ước tính có khoảng 12% khách du lịch có đến các điểm du lịch tâm linh.

 DLTLB1

 

   b) Những hoạt động du lịch tâm linh chủ yếu 

   – Hành hương đến những điểm tâm linh: những ngôi chùa (cả nước có trên cả nước có 465 ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa quốc gia), tòa thánh, đền, đài, lăng, tẩm, phủ, khu tưởng niệm; tiến hành các hoạt động thờ cúng: thờ cúng thành hoàng, thờ mẫu, thờ cúng tổ nghề, thờ tam phủ, tứ phủ, thờ tứ pháp, thờ bốn vị tứ bất tử, thờ danh nhân, anh hùng dân tộc, thờ táo quân, thổ địa… Các hoạt động chiêm bái, cầu nguyện, tụng kinh, thiền, yoga, pháp đàm; thiền trà; tham vấn; pháp thoại; thiền ca; thiền buông thư,…

   – Tham quan, vãn cảnh, thưởng ngoạn không gian cảnh quan và không gian kiến trúc, điêu khắc gắn với điểm tâm linh; tìm hiểu văn hóa gắn với lịch sử tôn giáo và lối sống bản địa, những giá trị di sản văn hóa gắn với điểm tâm linh

   – Tham gia lễ hội tín ngưỡng, dân gian: Quốc giỗ, lễ hội Đến Hùng, Lễ Vu Lan, lễ hội Thánh Gióng (Hà Nội), lễ hội vía Bà Tây Ninh, lễ hội Tế Cá Ông (Bình Thuận), lễ hội vía Bà núi Sam (Châu Đốc) v.v.

   c) Dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh

   Dịch vụ lữ hành phục vụ các chương trình du lịch với mục đích tâm linh kết hợp các mục đích khác; dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm lưu niệm; phục vụ cúng tế, chiêm bái, thiền, yoga; dịch vụ vận chuyển bằng xe điện, cáp treo, lái đò, thuyền; dịch vụ thuyết minh; dịch vụ chụp ảnh; thưởng thức nghệ thuật dân gian, văn nghệ truyền thống, âm nhạc, múa, trò chơi dân gian…

   d) Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch tâm linh

   Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ngắn, có thể chỉ vài giờ trong ngày, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày. Thông thường khách du lịch tâm linh đi trong ngày và ít nghỉ lại qua đêm. Thời gian lưu trú lâu dài nhất là 1.8 ngày như ở Măng Đen gắn với các mục đích khác như nghỉ dưỡng, sinh thái. Thời gian đi du lịch tâm linh thường tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm âm lịch và các thời điểm lễ hội dân gian năm.

DLTL2

   e) Chi tiêu của khách du lịch tâm linh 

   Chi tiêu của phần lớn khách du lịch tại các điểm tâm linh thường là thấp, chủ yếu chi cho các hoạt động phục vụ tế lễ, cầu nguyện, chiêm bái… mà ít phát sinh chi phí. Một số điểm tâm linh thu phí tham quan, còn lại hầu hết các điểm tâm linh gắn với tín ngưỡng không thu phí nhưng đều có các hòm công đức để khách tự nguyện đóng góp. Số tiền đóng góp tự nguyện đó khá lớn và là nguồn thu chính cho việc trùng tu, quản lý vận hành các điểm du lịch tâm linh. Các chi tiêu cơ bản cho các hoạt động di chuyển (cáp treo, thuyền, đò, xe điện…) chiếm một tỷ trọng đáng kể. Chi cho ăn uống và giải khát, chi cho lưu trú qua đêm, lưu niệm, sản vật địa phương… chiếm một tỷ trọng đáng kể nhưng không lớn do khách hầu hết viếng thăm trong thời gian ngắn, ít nghỉ lại qua đêm. Theo báo cáo của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, doanh thu từ các địa điểm du lịch tâm linh còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa của chi tiêu tại điểm du lịch tâm linh đến cộng đồng dân cư là rất lớn, có tác động rõ rệt thông qua tạo việc làm, bán hàng lưu niệm, sản vật địa phương.

   f) Du lịch tâm linh đóng góp tích cực vào phát triển bền vững

   – Người dân địa phương được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ khách tại các điểm du lịch tâm linh: chèo đò, xích lô, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, phục vụ ăn uống (Ví dụ ở Tràng An: 1 vụ đò bằng 3 vụ lúa). Du lịch tâm linh tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang kết hợp dịch vụ.

   Theo lời kể của người dân chèo đò, trước đây, hơn 10 năm khu vực Bái Đính là một vùng đất chưa được du khách biết đến, đường đi vào rất khó khăn, người dân sống lam lũ, một mùa cấy lúa nước, thu nhập bấp bênh, không có việc làm. Nhưng từ khi dự án xây dựng chùa Bái Đính, bộ mặt ở đây đã đổi thay cuộc sống của người dân đã có sự dịch chuyển từ thuần nông sang làm dịch vụ; nay một vụ đò bằng 3 vụ lúa; hàng chục ngàn người đã có việc làm, thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng, an ninh trật tự được đảm bảo. Có thể nói, cuộc sống của người dân ở đây đã thực sự đổi thay nhờ du lịch tâm linh đến Bái Đính-Tràng An.

   –  Với triết lý đạo Phật cũng như các tôn giáo khác là sống tốt đời đẹp đạo, du lịch tâm linh chủ động và tích cực trong việc bảo vệ môi trường và đóng góp thích đáng vào phát triển bền vững. Ở Việt Nam hầu hết các điểm du lịch tâm linh là những nơi có phong cảnh đẹp, hệ sinh thái độc đáo luôn được giữ gìn bảo vệ môi trường tốt bằng các hành vi có ý thức của con người. Ngoại trừ những nơi do thương mại hóa quá mức không kiểm soát nổi dẫn tới quá tải.

   – Du lịch tâm linh mang lại những giá trị trải nghiệm thanh tao cho du khách, nhận thức và tận hưởng những giá trị về tinh thần giúp cho con người đạt tới sự cân bằng, cực lạc trong tâm hồn như theo triết lý từ-bi-hỷ-xả của đạo Phật… Những giá trị ấy có được nhờ du lịch tâm linh và đóng góp quan trọng vào sự an lạc, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống cho dân sinh.

   – Du lịch tâm linh đạt tới sự phát triển cân bằng về các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. 

   4. Định hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam

   a) Về quan điểm phát triển

   Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước thể hiện trong quan điểm Chiến lược phát triển du lịch theo chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, bền vững, có thương hiệu và sức cạnh tranh, phát triển du lịch tâm linh dựa trên các quan điểm chủ đạo sau:

   – Thứ nhất, Du lịch tâm linh phải được tập trung đầu tư phát triển theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam. 

– Thứ hai, Phát triển du lịch tâm linh trở thành động lực thu hút khách du lịch, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ du lịch khác, tạo sự đa dạng và hấp dẫn cho du lịch Việt Nam và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững; phát triển du lich tâm linh trở thành giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững thông qua tạo việc làm, thu nhập cho cư dân địa phương, tăng cường hiểu biết giao lưu văn hóa, tìm hiểu thế giới và tạo động lực bảo tồn giá trị truyền thống, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.  

   – Thứ ba, Phát triển du lịch tâm linh trở thành mục tiêu phát triển đời sống tinh thần cho nhân dân hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ và nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tiến bộ xã hội; du lịch tâm linh phải phát triển theo hướng chăm lo nuôi dưỡng tinh thần tiến bộ, làm cho tư tưởng, tinh thần trong sáng đồng thời đấu tranh, bài trừ những hủ tục, dị đoan làm sai lệch tư tưởng và u muội tinh thần.

b) Định hướng những giải pháp trọng tâm

   Với quan điểm phát triển du lịch tâm linh nêu trên, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Du lịch cần hướng tới, đó là:

   – Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh, đảm bảo thực hiện đúng các quan điểm phát triển du lịch tâm linh mang lại những giá trị tinh thần tiến bộ cho xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội bền vững; Thực hiện chương trình nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh cho các đối tượng từ cấp hoạch định chính sách cho tới phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho dân cư trong việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với điểm du lịch tâm linh; tạo điều kiện và định hướng hoạt động cho các chức sắc tôn giáo, các tín đồ, tăng ni, phật tử trong việc tổ chức hoạt động du lịch tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

   – Xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh theo quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm du lịch tâm linh đạt tới độ tinh tế đáp ứng đúng các nhu cầu về tâm linh của du khách; kết nối hình thành các tuyến du lịch tâm linh quốc gia. Trước hết tập trung vào khu, điểm du lịch tâm linh trong danh mục 46 khu du lịch quốc gia, 41 điểm du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

   – Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch tâm linh dựa trên quy hoạch các khu, điểm du lịch tâm linh. Đầu tư cho bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tâm linh, đặc biệt về tín ngưỡng, tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với điểm tâm linh trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc Việt Nam để thu hút khách du lịch; đầu tư vào hạ tầng tiếp cận điểm du lịch linh và hệ thống cơ sở dịch vụ đảm bảo chất lượng, tiện nghi, hài hòa với không gian và tính chất khu, điểm du lịch tâm linh.

   – Tổ chức cung cấp dịch vụ tại điểm du lịch tâm linh và tăng cường quản lý điểm đến du lịch tâm linh

   – Tăng cường nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch tâm linh trong mối liên kết phát triển các loại hình du lịch khác đi liền với quản lý điểm đến trở thành thương hiệu du lịch nổi bật như Yên Tử, Hương tích, Bái Đính…

   – Thực hiện các chính sách du lịch có trách nhiệm hướng tới hỗ trợ cộng đồng dân cư tăng cường năng lực tham gia phục vụ du lịch tại khu, điểm du lịch tâm linh; có cơ chế điều tiết, tái đầu tư vào quản lý điểm đến du lịch tâm linh bằng nguồn tài trợ, công đức, đóng góp tự nguyện của du khách.

   – Thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch tâm linh giữa các điểm du lịch tâm linh trong nước: Yên Tử-Côn Sơn Kiếp Bạc-Hương tích-Đền Trần Phủ Dầy-Tam Chúc Ba Sao… và ngoài nước với: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Myanma, Nepal, Bhutan, Trung đông… trong khuôn khổ hợp tác du lịch song phương và đa phương.

   – Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, mang lại sự hưởng lợi tối đa cho cộng đồng dân cư tại điểm du lịch tâm linh.

   5. Kết luận

   Du lịch tâm linh đang trở thành xu hướng phổ biến, gắn kết các nền văn hóa trong thế giới tinh thần. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh bởi nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với nhu cầu hướng tới những giá trị tinh thần cao cả, đức tin, tín ngưỡng và tôn giáo. 

   Những giá trị văn hóa tâm linh trên khắp mọi miền đất nước có sức hấp dẫn du lịch mạnh mẽ. Thời gian qua, số lượng lớn khách du lịch tới điểm tâm linh hàng năm và xu hướng ngày càng đông đảo du khách có nhu cầu du lịch tâm linh; hoạt động du lịch tâm linh ở Việt Nam không chỉ gắn với tôn giáo mà biết kết hợp phát huy triết học phương đông, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc, các vị tiền bối có công với nước. 

   Du lịch tâm linh đã trở thành nhu cầu không thể thiếu, ngày càng sôi động, mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. 

   Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm chăm lo tới đời sống tinh thần cho nhân dân thông qua các chính sách tạo điều kiện cho du lịch tâm linh phát triển theo đúng hướng mang lại những giá trị tinh thần thiết thực, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội và phát triển kinh tế du lịch nói riêng. Trong thời gian tới, theo quan điểm chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh phù hợp với xu hướng chung và vì sự phát triển bền vững./.

    Tham luận của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn tại Hội Nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững (Ninh Bình, 21-22/11/2013)

Rate this post

Viết một bình luận