Nguyễn Đình Đăng
Hôm nay tôi giới thiệu với các bạn hai loại dung dịch pha màu sơn dầu dùng nhựa alkyd và và tempera grassa.
1) Dung dịch alkyd
Alkyd là nhựa tổng hợp (polyester) có pha thêm các acid béo và một số chất khác. Sơn alkyd chứa khoảng 10 – 30% nhựa alkyd – chất kết dính của sơn alkyd. Phần còn lại là dầu tạo màng, như dầu lanh hoặc dầu đỗ tương, và bột màu (pigments). Sơn alkyd khô nhanh hơn sơn dầu, hơn 1 ngày nếu không có chất làm khô (drier hay siccative) nhưng chậm hơn acrylic.
Thêm nhựa alkyd vào dung dịch pha màu để vẽ sơn dầu làm sơn khô nhanh hơn, nhưng tính chất quang học của màng phim cũng thay đổi. Màng phim pha nhựa alkyd bóng khác màng phim của dầu lanh hay dầu hạt óc chó (walnut oil) pha các nhựa cây (resin) như Venetian turpentine, copal hay dammar.
Khác với phát minh của màu sơn dầu, xuất phát điểm của sơn alkyd không dính dáng gì tới hội họa: Sơn alkyd được sáng chế để sơn các bề mặt (ví dụ tường nhà) (Kienle và Feguson đăng ký phát minh năm 1927). Sơn alkyd Dulux được hãng DuPont sản xuất lần đầu tiên vào năm 1931 – 1932. Dần dần khi công nghệ sơn alkyd đã bành trướng rộng, người ta mới nghĩ đến cách làm ra màu sơn alkyd cho hội hoạ đề bán với giá thành cao hơn nhiều so với sơn công nghiệp. Winsor & Newton là hãng đầu tiên bán màu alkyd và dung dịch pha màu từ nhựa alkyd cho hoạ sĩ ra thị trường vào năm 1976.
Trong số các dung dịch pha màu (medium) sơn dầu dùng nhựa alkyd của Winsor & Newton, Liquin là dung dịch khá phổ biến.
Liquin có 3 loại:
(1) Liquin Original
(2) Liquin Fine Detail
(3) Liquin Light Gel.
Liquin Original đặc, dùng để tăng độ bóng, độ trong và độ trơn khi vẽ, cũng như làm mất vệt bút. Cũng có thể dùng Liquin Original để vẽ impasto (vẽ đặc)
Liquin Fine Detail lỏng, và bóng, dùng đề tỉa chi tiết rất tốt.
Liquin Light Gel đặc như thạch, nhưng khi được trộn bằng bút lông thì chảy ra nhờ tính xúc biến (thyxotropy, tức giảm độ nhớt khi bị kéo, lắc, nén v.v.), được dùng để láng.
Ưu điểm của Liquin:
– Giúp vẽ trơn hơn, mất vệt bút;
– Khô khá nhanh, chỉ sau vài giờ.;
– Bóng đều;
– Láng không bị chảy.
Nhược điểm:
– Khô quá nhanh, chỉ sau vài giờ là bám cứng trên palette như một lớp nhựa, phải lấy dao vẽ cạo đi mới sạch. Winsor & Newton quảng cáo Liquin khô nhanh nhờ nhựa alkyd. Nhưng nếu người dùng biết nhựa alkyd chỉ khô sau hơn 24 giờ thì phải hiểu ngay việc màu khô nhanh như vậy là nhờ được thêm siccative. Thực vậy, chỉ cần tra Google tìm safety data sheet of Winsor & Newton Liquin là có thể thấy ngay trong Liquin có pha khoảng dưới 1% siccative (cobalt carboxylate). Nói chung siccative từ cobalt có thể gây hại cho sự trường tồn của màu sắc và màng film;
– Màng phim bóng như nhựa, phẳng nhẵn. Đây là nhược điểm lớn nhất vì, nếu bị lạm dụng, liquin có thể làm giảm hiệu quả mỹ thuật của sơn dầu, khiến mặt tranh trông như tranh sơn mài mỹ nghệ;
Tuy theo quảng cáo của Winsor & Newton thì Liquin không ngả vàng, song một số thí nghiệm trên internet cho thấy nhựa alkyd và stand oil có độ ngả vàng như nhau. Thời gian kiểm nghiệm đối với Liquin đến nay chưa đủ dài để có thể rút ra kết luận cuối cùng.
Các bậc thầy cổ điển không hề dùng alkyd (vì dó là phát minh của t.k. XX) nhưng họ vẫn làm sơn khô nhanh được bằng dùng dầu lanh đặc (sun-thickened linseed oil). Dầu này vẫn là dầu lanh, nhưng đã được oxy hoá và polymer hóa một phần qua xử lý nhiệt nhờ phơi nắng (dầu lanh đặc) nên khô rất nhanh (nhanh hơn dầu lanh từ 2.5 tới 3 lần. Xem bảng ở cuối mục 1 trong bài “Chất kết dính và dung môi của sơn dầu”). Vì thế tính chất quang học của màng phim giống như dầu lanh, nhưng ít ngả vàng hơn. Dầu lanh đặc còn có nhiều ưu điểm như tăng độ dẻo, độ trơn của mầu sơn dầu, cho phép trải rộng diện tích mặt mầu, kéo dài vệt sơn mà không bị đứt đoạn, làm mất vệt bút. Đây là thứ dầu tốt nhất cho vẽ lót, tỉa chi tiết, cũng như vẽ láng, được dùng từ thời Phục Hưng tới nay. Dầu ngả vàng ít nhất là stand oil, vì thế nó thường được dùng để vẽ láng, tuy khô chậm hơn dầu lanh đặc.
Vì các tính chất như trên, đôi khi tôi dùng Liquin để vẽ lót đơn sắc, nhưng không dùng để vẽ các lớp màu phủ phía trên.
Lưu ý cuối cùng:
Chớ thấy Liquin cho màng phim phẳng, bóng và khô nhanh mà dùng nó làm varnish bảo vệ vì Liquin sẽ liên kết chặt với lớp sơn bên dưới, và khi khô cứng không có cách gì gỡ nó ra được. Vì thế khi lớp liquin ngả vàng, không thể nào gỡ nó ra như final varnish thông thường để quết lớp varnish mới.
2) Tempera grassa
Tempera grassa (tempera béo) là dung dịch nhũ tương gồm lòng đỏ trứng gà trộn với dầu khô như dầu lanh hay dầu hạt óc chó, được dùng làm chất kết dính để nghiền màu tempera grassa từ thời Phục Hưng (Nhũ tương là hợp chất gồm một chất lỏng khuếch tán trong một chất lỏng khác). Tempera grassa thực chất là một dạng mayonnaise.
Tỉ lệ lòng đỏ trứng gà và dầu khô trong công thức chế tempera grassa có thể thay đổi tùy theo ý muốn của người dùng. Nếu nhiều dầu, màu nghiền trong nhũ tương sẽ gần với sơn dầu hơn. Nếu nhiều lòng đỏ trứng gà, màu sẽ gần với tempera hơn. Tỉ lệ thông thường là 2 phần lòng đỏ trứng : 1 phần dầu khô : 1 phần nước, hoặc 5 phần trứng : 2 phần dầu khô : 1.5 phần nước v.v. Có thể thêm vào 1 phần rượu nho trắng (white wine) hoặc dấm chế từ rượu nho trắng làm chất bảo quản. (Xem video clip cách pha chế tại đây).
Hãng Lefranc & Bourgeois của Pháp có bán dung dịch tempera grassa do hoạ sĩ Xavier de Langlais (1906 – 1975) sáng chế tên là Médium à l’oeuf Xavier de Langlais (Dung dịch trứng Xavier de Langlais) dùng cho sơn dầu, rất tốt để vẽ impasto, khô nhanh, cho độ bóng mờ, và mặt impasto xốp, tạo cảm giác dày, tăng độ sáng của lớp impasto.
Ví dụ:
Trong bức “Thánh thể” những chỗ impasto (như khăn, áo) được vẽ dùng dung dịch trứng Xavier de Langlais.
14.06.2015
_____________________
Các chuyên khảo về kỹ thuật vẽ sơn dầu và màu sắc của Nguyễn Đình Đăng:
1. Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu
2. Nền móng của tranh sơn dầu
3. Màu trắng của sơn dầu
4. Bí mật của màu sắc
5. Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?
6. Chất kết dính và dung môi của sơn dầu
7. Một giáo trình dạy nhiều cái sai
8. Hội họa sơn dầu: thịnh và suy
9. Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp
10. Các công thức bí mật
11. Bút vẽ sơn dầu
12. Màu sơn dầu
13. Dung dịch alkyd và tempera grassa
14. Đóng gói tranh sơn dầu
________________
© Nguyễn Đình Đăng – Tác giả giữ bản quyền. Các chuyên khảo này được viết với mục đích phổ biến kiến thức và kinh nghiệm. Bạn đọc có thể lưu giữ để sử dụng cho cá nhân mình. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại các bài viết này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.
Chia sẻ:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…
Có liên quan
Nhãn: kỹ thuật sơn dầu
This entry was posted on 15/06/2015 at 5:00 chiều and is filed under Fine-arts, hội họa. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed.
You can leave a response, or trackback from your own site.