Dùng hà thủ ô: Cẩn thận biến chứng khó lường

Là một loại thuốc bổ có tiếng trong Đông y, mang lại hiệu quả điều trị cao, nhưng nếu dùng không đúng người đúng bệnh thì hà thủ ô cũng có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường.

Hà thủ ô đã được sử dụng ở Trung Quốc từ lâu đời vì khả năng trẻ hóa và làm chắc da của nó, cũng như để tăng cường chức năng gan thận và để làm thanh lọc máu. Cây hà thủ ô cũng được sử dụng cho chứng mất ngủ, yếu xương, táo bón và xơ vữa động mạch.

Vị thuốc này có thể làm tăng khả năng sinh sản, tăng lượng đường trong máu và làm giảm đau nhức cơ bắp. Ngoài ra, hà thủ ô còn có đặc tính kháng khuẩn đối với mycobacteria và bệnh sốt rét.

Nhìn chung, hiện vẫn chưa có đủ nghiên cứu về hà thủ ô. Hầu hết các thông tin về hà thủ ô đều được thu thập từ ghi chép y học Trung Quốc được công bố vào những năm 1990.

Dung ha thu o: Can than bien chung kho luong

Cây thuốc hà thủ ô

Cây thuốc hà thủ ô được bào chế dưới các dạng như sau:

– Rễ cây thái/cắt nhỏ

– Dùng làm thành phần trong nhiều loại thuốc

– Dùng kết hợp với các loại thảo dược khác.

Từ xa xưa, hà thủ ô thường được dùng để ngâm rượu hay nấu trà. Nhưng nay, bạn có thể tham khảo một số cách dùng hà thủ ô thú vị hơn như sau:

– Bạn chuẩn bị 30g bột hà thủ ô, buộc chặt trong túi vải rồi bỏ vào bụng gà để hầm. Bạn có thể nêm thêm gia vị để làm canh.

– Bạn hãy chuẩn bị 60g hà thủ ô rồi sắc lấy nước. Luộc trứng bằng nước thảo dược này sẽ giúp trứng có nhiều dưỡng chất hơn.

– Bạn hãy ngâm 30g hà thủ ô vào nước trong 2 tiếng rồi lấy nước ngâm nấu với gai và đại táo để làm cháo. Đây là loại cháo bổ dưỡng bạn có thể ăn với đường.

Liều dùng của hà thủ ô có thể khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau. Liều lượng dựa trên tuổi của bạn, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác.

Hà thủ ô có thể không an toàn và có thể có những biến chứng sau. Hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp:

1. Dùng hà thủ ô dễ gây tiêu chảy

Hà thủ ô có tác dụng nhuận tràng rất mạnh nhờ thành phần anthraglucosid. Chất này có khả năng kích thích co bóp đường ruột, tăng tiết chất nhầy tiêu hoá và làm lỏng phân. Do đó mà phân bị tống ra nhanh hơn. Nếu dùng hà thủ ô dạng nguyên liệu, chưa qua bào chế, nó có thể gây ra tiêu chảy mạnh.

Bởi thế, những người thường bị rối loạn tiêu hoá, đang bị viêm đường tiêu hoá như viêm dạ dày thì không nên dùng, nhất là hà thủ ô chưa qua chế biến. Người không gặp vấn đề về đường tiêu hóa, khi dùng hà thủ ô thì cũng nên tránh thực phẩm sống, thực phẩm tanh, để giảm nguy cơ gây tiêu chảy. Không nên uống hà thù ô trước 7h sáng vì lúc này đường ruột dễ bị kích thích nhất.

Nếu bị tiêu chảy, hãy ngừng uống hà thủ ô, rồi uống một viên thuốc chống tiêu chảy loại loperamid để ức chế tác dụng có hại của hà thủ ô.

2. Rối loạn điện giải, tê bì chân tay

Tác dụng nhuận tràng quá mức của hà thủ ô không chỉ gây ra tiêu chảy mà còn làm giảm hấp thu kali, gây rối loạn điện giải. Chính sự thay đổi điện giải sẽ làm cho cơ bị yếu, thần kinh cảm giác bị rối loạn, người bệnh có cảm giác bị tê bì hay như kiến bò, chân tay không thật.

Hiện tượng này tuy không phổ biến nhưng nguy cơ sẽ cao hơn với những người bệnh viêm đa dây thần kinh. Bệnh nhân bị viêm cơ, teo cơ vì rối loạn điện giải nếu dùng hà thủ ô, sẽ khiến cho hoạt động cơ bị rối loạn nghiêm trọng hơn.

Khi có hiện tượng dị cảm như trên, tốt nhất nên tham vấn ý kiến bác sỹ Đông y. Bạn cũng có thể dùng vitamin B liều cao, dạng tiêm; kết hợp massage, xoa bóp để thần kinh cảm giác sớm được phục hồi.

Dung ha thu o: Can than bien chung kho luong

3. Nhiễm độc gan

Cho đến nay, y khoa vẫn chưa tìm được chính xác thành phần nào và cơ chế nào đã khiến hà thủ ô gây ra tình trạng viêm gan ở người. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp viêm gan do hà thủ ô ở nhiều cấp độ (vàng da, men gan tăng…) đã được ghi nhận và báo cáo.

Khi đang dùng hà thủ ô, nếu có dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, vàng da, nhiều khả năng bạn đã bị nhiễm độc gan. Lúc này bạn cần ngừng dùng hà thủ ô. Nếu sau 3-5 ngày các triệu chứng không thuyên giảm, bạn cần đến bệnh viện điều trị. Trong thời gian này, bạn không được dùng thêm bất cứ loại cây thuốc nào cho dù đó là loại cây bổ gan vì tình trạng tổn thương gan vẫn chữa được xác định.

4. Tai biến ở người sắp phẫu thuật

Một trong những tác động khi sử dụng hà thủ ô là gây ra hạ đường huyết. Điều này có thể có lợi với người tiểu đường nhưng lại cực kỳ có hại cho bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật. Nó gây ra tai biến tụt đường huyết trong phẫu thuật, dẫn đến tử vong.

Do đó, vì lý do an toàn, mọi bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật cần dừng sử dụng hà thủ ô tối thiểu 2 tuần trước và sau thời điểm phẫu thuật.

5. Ung thư vú thì không nên dùng

Hà thủ ô có hoạt tính estrogen thực vật khá cao, dễ gây kích thích khối u phát triển và khối ung thư tái phát. Vì thế, những người có tiền sử bị ung thư hay đang điều trị ung thư vú hoặc tử cung không nên dùng vị thuốc này.

Nếu bạn đã trót dùng, bạn cần ngưng sử dụng, uống nhiều nước và hoạt động thể dục để tăng cường thải hà thủ ô ra khỏi cơ thể. Hoạt chất trong hà thủ ô sẽ bị thải ra khỏi cơ thể bạn trong 2-3 ngày.

3 tác dụng của hà thủ ô

Hà thủ ô nổi tiến với 3 tác dụng đặc biệt: làm đen râu tóc, có lợi cho việc sinh con và kéo dài tuổi thọ.

1. Làm đen râu tóc:

Theo quan niệm của Y học cổ truyền, râu tóc có quan hệ mật thiết với tạng thận, thận tàng chứa tinh, tinh sinh huyết. Tóc là phần thừa của huyết cho nên nếu thận hư yếu thì tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ nên sớm bạc và dễ rụng.

Ngược lại nếu thận tinh sung túc thì râu tóc dày khỏe và đen bóng. Hà thủ ô có công dụng bồi bổ can thận, dưỡng huyết tư âm bởi vậy khả năng làm đen râu tóc của vị thuốc này là điều dễ hiểu.

2.  Có lợi cho việc sinh con:

Lý luận của y học cổ truyền cho rằng thận tàng tinh, chủ về việc sinh con đẻ cái. Nếu thận tinh sung túc thì sự sinh trưởng phát dục của cơ thể diễn ra thuận lợi, năng lực tính dục được khôi phục và nâng cao nên rất dễ sinh con.

Trong sách “Bản thảo cương mục”, nhà bác học Lý Thời Trân đã ghi lại chuyện Minh Thế Tông Hoàng Đế chữa khỏi được chứng bất dục bằng phương thuốc Thất bảo mỹ nhiêm đan trứ danh với chủ dược là hà thủ ô.

3. Kéo dài tuổi thọ:

Y học cổ truyền cho rằng sự già yếu của con người cũng do quá trình suy giảm của thận tinh quyết định, bởi vậy việc sử dụng hà thủ ô lâu dài để bổ ích thận tinh cũng có tác dụng kéo dài tuổi thọ.

BS. Cao Hồng Phúc (Bệnh viện Quân y)

Theo tạp chí Sống Khỏe

Rate this post

Viết một bình luận