Đường bờ biển nước ta kéo dài từ

Câu hỏi: Đường bờ biển nước ta kéo dài từ:

A. Móng Cái đến Bạc Liêu.

B. Hải Phòng đến Cà Mau.

C. Móng Cái đến Hà Tiên.

D. Móng Cái đến Cà Mau.

Chọn đáp án: C.

Giải thích

Đường bờ biển nước ta cong như hình chữ S, dài 3260 km, chạy từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang).

Cùng Top tài liệu tìm hiểu chi tiết hơn về vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ và biển của Việt Nam nhé !

1. Phạm vi lãnh thổ

Lãnh thổ Việt nam là một khối thống nhất và toàn vẹn, bao gồm vùng đất, vùng biển và vùng trời.

a) Vùng đất

Vùng đất Việt Nam gồm toàn bộ phần đất liền và các hải đảo, có tổng diện tích là 331.212 km2

Nước ta có đường biên giới trên đất liềndàihơn 4600km, trong đó đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc dài hơn 1400 km, đường biên giới Việt Nam – Lào dài gần 2100 km và đường biên giới Việt Nam – Campuchia dài hơn 1100 km.

b) Vùng biển

Vùng biển Việt Nam tiếp giáp với vùng biển của các nước: Trung Quốc, Campuchia, Philippin, Malaysia, Brunây, Inđônêxia, Xingapo, Thái Lan.

Đường bờ biển nước ta kéo dài từ

Đường bờ biển nước ta kéo dài từ

Việt Nam có vùng thềm lục địa rộng khoảng 1,0 triệu km2 cùng hệ thống các đảo – quần đảo; các đảo ven bờ (cách bờ ~100 km) có 2.773 đảo, diện tích 1720 km2; các đảo xa bờ gồm 2 quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) và Trường Sa (Khánh Hòa).

Vùng biển của nước ta bao gồm: nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

c) Vùng trời

Vùng trời Việt Nam là khoảng không gian bao trùm lên trên lãnh thổ nước ta; trên đất liền được xác định bằng các đường biên giới, trên biển là ranh giới bên ngoài của lãnh hải và không gian của các đảo.

2. Vị trí địa lí

Nước Việt Nam nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương, gần trung tâm của khu vực Đông Nam Á.

Phần trên đất liền nằm trong khung của hệ toạ độ địa lí sau: điểm cực Bắc ở vĩ độ 23o23’B tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; điểm cực Nam ở vĩ độ 8o34’B tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau; điểm cực Tây ở kinh độ 102o09’Đ tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và điểm cực Đông nằm ở kinh độ 109o24’Đ tại xã Vạn Thành, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà.

Trên vùng biển, hệ toạ độ địa lí của nước ta còn kéo dài tới khoảng vĩ độ 6o50’B và từ khoảng kinh độ 101oĐ đến trên 117o20’Đ tại Biển Đông.

Như vậy Việt Nam vừa gắn liền với lục địa Á – Âu, vừa tiếp giáp với Biển Đông và thông ra Thái Bình Dương rộng lớn.

3. Biển Việt Nam

Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có.

Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển). đứng đầu các nước Đông Dương, trên Thái Lan và xấp xỉ Malaysia.

Dải đất hình chữ S hiện có 28 tỉnh thành giáp biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc, gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Đoạn bờ biển từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Đồ Sơn (Hải Phòng) là cánh cung núi đá vôi Đông Triều lún xuống bị nước biển phủ lên biến các ngọn núi thành hàng nghìn hòn đảo muôn hình, muôn vẻ, tạo nên vùng thắng cảnh Hạ Long được UNESCO xếp vào danh sách các thắng cảnh thiên nhiên đẹp nhất thế giới.

Đoạn bờ biển Trung bộ kể từ Sầm Sơn (Thanh Hóa) đến ven biển Duyên hải miền Trung bờ biển trải dài và uốn lượn đan xen nhiều dạng hình cồn cát cao hoặc cát bồi do phù sa của các con sông đổ ra biển. Trên nhiều chặng có những dãy núi nhỏ ngang ra biển tạo nên những bán đảo nhỏ, những vũng vịnh, bến cảng, những bãi tắm, nghỉ mát, du lịch nổi tiếng như dãy Hoành Sơn với đèo Ngang, dãy Hải Vân có đèo cao gần 500m; các cảng Cửa Lò (Nghệ An), Đà Nẵng, Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn, vịnh và cảng Cam Ranh; các bãi biển du lịch, nghỉ mát Sầm Sơn, Mũi Né, Hòn Rơm …

Bờ biển phía Nam có một vùng núi nhỏ nhô ra, đó là Vũng Tàu – một khu du lịch, nghỉ mát nổi tiếng, còn lại là những bãi bồi ở các cửa sông Cửu Long, những rừng được ngập mặn ở Cà Mau và cuối cùng là một nhóm núi đá vôi ở Hà Tiên (Kiên Giang) phần ở trên bờ, phần nằm dưới biển tạo ra một cảnh thiên nhiên gần giống như Hạ Long của phía bắc.

Ven biển Đông và trên thềm lục địa Việt Nam có khoảng gần 4.000 hòn đảo.Ở giữa biển Đông có quần đảo Hoàng Sa gồm hơn 30 đảo đá, đảo san hô trên một vùng rộng khoảng 15.000km2. Cách Hoàng Sa 240 hải lý về phía Nam là quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo lớn, nhỏ trên một vùng biển rộng 180.000km2. Cách Vũng Tàu gần 100 hải lý có 12 đảo lớn, nhỏ đó là Côn Đảo.

Trên vùng vịnh Thái Lan có 195 đảo, tổng diện tích 693 km2, gồm các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, …Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất cả nước, rộng 593km2 (gần bằng diện tích Singapore – 648km2).

Vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông – một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bờ biển mở ra cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế biển.

Rate this post

Viết một bình luận