Phytonutrient mang lại màu sắc, kết cấu và hương vị cho các loại thực phẩm
TS.BS Anthony Komaroff – Giáo sư y khoa tại Đại học Y Harvard (Mỹ), biên tập viên Bản tin Y tế của Đại học Harvard trả lời:
Chào bạn!
Để hiểu về phytonutrient, bạn có thể chia khái niệm “phytonutrient” thành 2 phần, đầu tiên là “nutrient” (dưỡng chất). Chúng là những hóa chất trong môi trường mà chúng ta cần bổ sung vào cơ thể bằng cách ăn các loại thức ăn và nước uống. Các dưỡng chất là thành phần thiết yếu giúp hỗ trợ các phản ứng hóa học trong cơ thể, cần thiết với sự sống của hầu hết các sinh vật sống. Các chất dinh dưỡng bao gồm carbohydrate, protein và chất béo. Chúng cũng bao gồm các khoáng chất như sắt, đồng, iod và kẽm cũng như các vitamin. “Phyto” là khái niệm xuất phát từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa thực vật. Như vậy, bạn có thể tìm các dưỡng chất thực vật (phytonutrient) trong các loại thức ăn có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu. Các dưỡng chất thực vật này mang lại màu sắc, hương vị và kết cấu cho các loại thực vật.
Thực phẩm chứa màu càng đậm càng chứa nhiều phytonutrient
Dưỡng chất thực vật là những hợp chất lành mạnh và bổ dưỡng có thể bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày của bạn. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vai trò của dưỡng chất thực vật trong việc duy trì sức khỏe con người và ngăn ngừa bệnh tật như thoái hóa điểm vàng và một số căn bệnh ung thư.
Có hơn 2.000 dưỡng chất thực vật được biết đến. Một số dưỡng chất nổi tiếng nhất bao gồm isoflavone (trong đậu nành), lignan (trong hạt lanh và ngũ cốc nguyên hạt), carotenoid như beta-carotene (trong cà rốt và rau lá xanh), lutein và lycopene (trong các loại trái cây và rau xanh có màu sắc sặc sỡ) và flavonoid (trong các loại trái cây có màu đỏ và xanh).
Nên lựa chọn những loại thực phẩm có chứa nhiều màu sắc để đảm bảo bạn nhận được nhiều dưỡng chất này. Thông thường, với những loại thực phẩm chưa qua chế biến, màu sắc càng đậm càng có nhiều phytonutrient. Một số trường hợp ngoại lệ là súp lơ, tỏi, hành tây, ngũ cốc nguyên hạt vì chúng chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
Hiện nay, càng ngày càng có nhiều loại thực phẩm chức năng chứa dưỡng chất từ thực vật. Song, bạn hoàn toàn có thể bổ sung chúng từ các loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật.
Để hấp thụ tối đa các dưỡng chất từ thực vật, bạn nên:
– Ăn những loại thực phẩm giàu dưỡng chất thực vật trong cả ngày. Điều này giúp duy trì các thành phần này trong máu liên tục và phát huy hiệu quả của chúng.
– Ăn khoảng 100 – 150gr trái cây và rau xanh mỗi ngày
– Rửa sạch và ăn cả vỏ một số loại trái cây nếu đảm bảo an toàn vì lớp vỏ thường rất giàu dưỡng chất thực vật.
– Thường xuyên ăn thêm ngũ cốc nguyên hạt
Chúc bạn sức khỏe!
**TS.BS Anthony Komaroff là một Giáo sư y khoa tại Đại học Y Harvard (Mỹ), biên tập viên Bản tin Y tế của Đại học Harvard.
TS.BS. Komaroff là bác sỹ cao cấp tại Bệnh viện Brigham & Women’s (Boston, Anh). Ông đồng thời là nhà biên tập của cuốn sách được bán chạy nhất có tựa “Harvard Medical School Family Health Guide” (Tạm dịch: Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe gia đình của Đại học Y Harvard).
Hiện tại, TS.BS. Komaroff tham gia tư vấn về bệnh, dược phẩm và thực phẩm chức năng trên các website của Đại học Harvard dưới tên “Doctor K”.
**TS.BS Anthony Komaroff là một Giáo sư y khoa tại Đại học Y Harvard (Mỹ), biên tập viên Bản tin Y tế của Đại học Harvard.TS.BS. Komaroff là bác sỹ cao cấp tại Bệnh viện Brigham & Women’s (Boston, Anh). Ông đồng thời là nhà biên tập của cuốn sách được bán chạy nhất có tựa “Harvard Medical School Family Health Guide” (Tạm dịch: Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe gia đình của Đại học Y Harvard).Hiện tại, TS.BS. Komaroff tham gia tư vấn về bệnh, dược phẩm và thực phẩm chức năng trên các website của Đại học Harvard dưới tên “Doctor K”.