Em bé mấy tháng ăn sữa chua và những lưu ý khi cho bé ăn sữa chua

ĂN SỮA CHUA HÀNG NGÀY GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đó là kết luận từ các giáo sư, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng tại hội thảo khoa học về “Vai trò của Sữa chua trong Dinh dưỡng và Sức khỏe” tổ chức ngày 13/3/2009, tại Hà Nội. Tại hội thảo, nhiều báo cáo đã nhấn mạnh: Thói quen ăn sữa chua hàng ngày sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật và phát triển toàn diện về mọi mặt.  

BỔ SUNG SỮA CHUA VÀO THỰC ĐƠN HÀNG NGÀY CỦA TRẺ

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan (Trưởng phòng quản lý khoa học của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia) mở đầu bài báo cáo của mình bằng những thông tin hết sức thiết thực: “Sữa chua là nguồn dinh dưỡng quí giá đã được sử dụng từ mấy ngàn năm nay. Vào năm 1910, nhà bác học người Nga Ilya Metchnikoff đã đoạt được giải Nobel cho những khám phá của ông về vai trò của sữa chua đối với sức khỏe của con người, đặc biệt là trẻ em”.

Sữa chua được xếp vào một trong những loại thực phẩm “lành” nhất và tốt nhất, có thể làm món ăn dặm cho trẻ ngay thời điểm ngoài 6 tháng tuổi. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Gia Khánh: Khi trẻ dưới 6 tháng tuổi là lúc đang trong tuổi bú mẹ thì sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất đối với trẻ nhưng trong thời kỳ trẻ ăn dặm (từ 6 tháng trở đi), thì sữa chua là một thức phẩm dinh dưỡng rất là tốt. Sữa chua cung cấp một lượng lớn protein, canxi, Vitamin A, B, khoáng chất và các lợi khuẩn để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nhờ có nhiều các lợi khuẩn này nên sữa chua rất có lợi cho đường ruột, tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, chống lại các bệnh vặt, và tăng hấp thu để giúp trẻ khỏe mạnh.  

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia) cũng đề cập đến tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tại Việt Nam còn cao, vấn đề thiếu vitamin A, sắt, và nhất là canxi là rất lớn. Do đó, cần phải cho trẻ ăn sữa chua để bổ sung các thành phần dinh dưỡng và khoáng chất cho cơ thể trẻ. Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia khuyến khích nên cho trẻ sử dụng 1 – 2 hộp sữa chua mỗi ngày để trẻ phát triển toàn diện nhất.

         
MÓN “QUÀ VẶT” ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH ĂN!

Cho đến lúc này, nhiều bà mẹ vẫn chỉ mới xem sữa chua như món “quà vặt”, có cũng được, không có cũng không sao. Nhưng thực tế, các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, sữa chua chính là loại thực phẩm cần thiết bổ sung hàng ngày cho trẻ.

Đang giai đoạn phát triển, trẻ cần một lượng canxi lớn để phát triển chiều cao. Và đây cũng chính là một trong những lợi thế rất lớn từ sữa chua ăn: Bổ sung canxi cho trẻ! Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan nhấn mạnh: “Một hộp sữa chua ăn 100gr có chứa tới 148mg canxi (so với 120mg canxi trong 100ml sữa tươi). Thêm vào đó, lượng vitamin D dồi dào sẵn có trong sữa chua giúp cơ thể bé dễ hấp thụ canxi hơn. Với lượng canxi cao như thế, chỉ cần 2 hộp sữa chua ăn mỗi ngày là đã có thể cung cấp một lượng lớn canxi cần thiết, giúp trẻ tăng chiều cao một cách tối ưu”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Gia Khánh (Chủ nhiệm bộ môn Tiêu Hóa trường Đại học Y Hà Nội) cũng cho biết thêm: Bình thường trong cơ thể trẻ có nhiều vi khuẩn giúp ích cho việc tiêu hóa. Các vi khuẩn này cũng chính là thành phần chủ yếu có trong sữa chua. Nhưng khi trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài hoặc các bệnh về đường ruột thì các vi khuẩn trong ruột bị tổn hại, dẫn đến thiếu men lactase để tiêu hóa đường lactose. Lúc này cho trẻ dùng sữa chua sẽ giúp chuyển hóa các đường lactose thành axit lactic, giúp trẻ hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.

Tiến sĩ Phạm Gia Khánh dẫn chứng: Tổ chức nghiên cứu về dinh dưỡng (Phần Lan) và trường Đại học Y khoa Tuff (Mỹ) đã cùng tiến hành thí nghiệm cho 500 trẻ nhỏ và khám phá ra rằng nếu hàng ngày trẻ được dùng 200ml sữa chua ăn có lợi khuẩn thì nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp như ho, cảm cúm… sẽ giảm xuống 2 lần. Lý do vì những lợi khuẩn này kích thích hệ miễn dịch, sản sinh kháng thể chống lại các độc tố. 

Điều đáng nói là hiện nay, do chưa ý thức hết những công dụng quan trọng này của sữa chua ăn với trẻ em nên lượng sữa chua ăn tiêu thụ trung bình mỗi ngày của trẻ em Việt Nam vẫn hãy còn rất thấp. Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Bạch Mai (Phó Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia Việt Nam) cho biết: Mức tiêu thụ sữa chua tại châu Âu và Mỹ, trung bình mỗi người ăn đến 210gr sữa chua/ngày (hơn 2 hộp) trong khi ở Việt Nam chỉ  là 10gr/ngày. Tiến sỹ Mai cũng nói thêm: Nhiều người cứ lo lắng sữa chua sẽ kỵ với thực phẩm nào đó nên ngại cho trẻ ăn vì sợ tiêu chảy, nhưng chúng tôi có thể khẳng định là sữa chua không kỵ với bất kỳ một loại thực phẩm nào.
 

Lưu ý đặc biệt khi cho trẻ ăn sữa chua

  Sữa chua tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, nhưng nếu mẹ cho trẻ dùng tùy tiện thì dễ ‘lợi bất cập hại’.

 

 

Lợi ích của sữa chua với trẻ

Trong sữa chua chứa nhiều các vi khuẩn có ích từ quá trình lên men, đường lactose tạo môi trường an toàn trong ruột, tránh được tình trạng rối loạn tiêu hoá do thiếu men lactaza tạm thời hoặc bẩm sinh, nên khi trẻ được ăn sữa chua hằng ngày có thể hạn chế các vi khuẩn có hại gây bệnh đường ruột giúp trẻ có một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, giảm thiểu các bệnh táo bón, tiêu chảy, chướng bụng đầy hơi, khó tiêu…

– Đối với trẻ nhỏ bị tiêu chảy hoặc biếng ăn, sữa chua giúp lập lại cân bằng hệ vi khuẩn ở ruột và chất kháng sinh lactocidine có trong sữa chua giúp cho việc điều trị tiêu chảy.

– Khi trẻ dùng thuốc kháng sinh, thuốc có thể giết chiết các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Để tránh tình trạng này, bạn nên cho trẻ ăn sữa chua nhiều hơn vì sữa chua cung cấp các vi khuẩn có lợi sẽ ức chế chỗ bám của các vi khuẩn có hại làm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, tránh tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón do sử dụng kháng sinh.

– Cơ thể trẻ hấp thụ sữa chua nhiều gấp ba lần so với sữa tươi nên rất cần thiết với trẻ suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hoá kéo dài.

– Nếu trẻ được ăn sữa chua đều đặn hằng ngày sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như ho, cảm cúm… xuống 2 lần. Những vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ kích thích hệ miễn dịch, sản sinh kháng thể chống lại các độc tố.

– Với trẻ béo phì, sữa chua với hàm lượng canxi cao làm chất xúc tác giúp cơ thể thiêu đốt mỡ rất nhanh. Canxi không chỉ giúp tăng chiều cao mà còn giúp chuyển hoá mỡ thừa thành năng lượng và đốt cháy hoàn toàn thay vì đọng lại trong cơ thể. Nhưng nên ăn loại sữa chua không có đường và cũng chỉ ăn 100 – 200ml/ngày.

Lưu ý đặc biệt khi cho trẻ ăn sữa chua - 1
 

Tuổi nào trẻ ăn được sữa chua?

Trẻ sơ sinh có thể ăn được sữa chua được làm từ sữa bột công thức (sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tháng). Khi làm, pha sữa bột theo tỉ lệ giống như pha sữa nước cho trẻ uống. Trẻ từ 6 tháng tuổi là có thể ăn được sữa chua làm từ các loại sữa khác có thể bán trên thị trường, nhưng tốt nhất vẫn là loại sữa được làm từ sữa bột công thức đúng theo tháng tuổi của trẻ, trẻ từ 1 tuổi ăn được các loại sữa chua giống như người lớn. Sữa chua chỉ thực sự an toàn và đầy đủ dinh dưỡng khi được lên men tự nhiên, không chứa bất kì chất phụ gia nào. Tốt nhất, nên sử dụng sữa chua được làm từ sữa bò tươi hoặc sữa bột công thức dành cho trẻ nhỏ, ngoài ra cũng có thể làm từ sữa đậu nành pha với sữa đặc có đường.

Ăn bao nhiêu sữa chua một ngày là đủ?

Lượng sữa chua ăn trong một ngày tuỳ theo tháng tuổi:

– Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi ăn từ 50 – 100ml

– Trẻ 2 – 3 tuổi: 100 – 200ml

– Từ 3 tuổi trở lên: 200 – 300ml

Lưu ý: Nếu trẻ ăn nhiều sữa chua thì giảm bớt sữa nước.

Những lưu ý khi sử dụng sữa chua

– Không nên cho bé ăn sữa chua lúc đói bụng vì các vi khuẩn có lợi trong sữa chua tồn tại ở điều kiện độ pH lớn hơn hoặc bằng 4,5. Khi trẻ đói, pH trong da dày chỉ bằng 2, do đó nếu ăn sữa chua lúc này thì các vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt.

– Nếu ăn sữa chua sau ăn khoảng 15 – 20 phút, lúc này pH của dịch dạ dày vào khoảng 4 – 5, đây là pH lí tưởng cho các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động tốt nhất.

– Tuyệt đối không cho trẻ ăn sữa chua quá lạnh hoặc đun nóng. Nếu đun nóng, các vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ mất khả năng hoạt động, lúc này sữa chua đã bị mất đi các chất dinh dưỡng và khả năng kích thích tiêu hoá cũng giảm đi đáng kể. Còn nếu dùng lạnh quá (để ngăn đá), các chất dinh dưỡng cũng bị mất đi phần nào, thêm nữa, bé rất dễ bị viêm họng.

– Và đặc biệt không nên cho trẻ ăn sữa chua chung với các loại thuốc bởi một số chất có trong thuốc như kháng sinh hay các loại thuốc có thể làm phá vỡ hoặc tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong sữa chua.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Bạch Mai khuyên các bậc phụ huynh nên hình thành sớm cho trẻ thói quen ăn sữa chua mỗi ngày, vì sữa chua chính là thực phẩm tối ưu để giúp bé tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, phát triển chiều cao. Tiến sĩ cũng khuyên mọi người nên bảo quản sữa chua ăn ở nhiệt độ 6 độ C để đảm bảo cho các men vi khuẩn có lợi trong sữa chua được bảo vệ tốt nhất. Tu y nhiên, trong trường hợp bé bị viêm họng hoặc muốn ăn sữa chua ấm thì mẹ cũng có thể hâm sữa chua bằng cách đặt hộp sữa chua ăn vào một tô nước ấm. Cách làm này vẫn giúp giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của món ăn bổ dưỡng này.
 

(St)

Rate this post

Viết một bình luận