(GDVN) – Dù rất tin tưởng vào em nhưng trong thâm tâm tôi không tránh khỏi lo sợ khi em bỏ một tương lai đã định sẵn để dấn thân vào một tương lai mà chưa rõ hình hài.
LTS: Từ câu chuyện của chính người thân trong gia đình mình, với mong muốn đưa ra những chia sẻ để góp phần định hướng giúp các bạn sinh viên có những lựa chọn kĩ càng khi quyết định vào học ở một ngôi trường nào đó, tác giả Thanh An đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Sau kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2016, cậu em trai nhà chú tôi có nhiều lựa chọn để bước vào một giảng đường đại học bởi số điểm thi mà em tôi đạt được tương đối cao ở cả khối A và khối B.
Lúc đó, em trai tôi thì muốn vào học ngành Marketing của Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhưng gia đình lại muốn em vào học ngành Bác sĩ đa khoa của Học viện Quân y sẽ phù hợp với hoàn cảnh gia đình.
Cuối cùng, em đã vào học ở Học viện Quân y theo lựa chọn của gia đình suốt hơn 2 năm qua.
Cứ tưởng mọi chuyện học tập của em trai tôi sẽ yên ổn bởi hơn 2 năm theo học ở đây, em cũng đã cố gắng rất nhiều trong học tập và rèn luyện ở môi trường quân đội.
Nhất là qua 6 tháng được làm lính ở trường lục quân đã giúp cho em tôi có thêm bản lĩnh và cứng rắn hơn rất nhiều.
Gia đình nhà chú tôi cũng như anh em trong nhà luôn lấy kết quả học tập của em làm niềm vui và động viên con cháu mình cố gắng học tập theo em.
Bởi, mấy năm nay, Học viện Quân y luôn có điểm chuẩn đầu vào cao ngất ngưởng so với các trường khác.
Hơn nữa, việc học tập trong một ngôi trường quân đội sẽ có rất nhiều lợi thế trong cả quá trình học tập và cả khi hoàn thành khóa học để ra trường. Nhưng, em trai tôi bây giờ không nghĩ vậy.
Khác với hơn 2 năm về trước, gia đình nhà chú tôi tràn ngập tiếng cười khi em đậu vào một trường mà rất nhiều thí sinh mơ ước.
Chú thím tôi lúc đó vui vô cùng, bởi em vào học trong quân đội không phải lo chi phí cho việc học tập và ngay cả khi ra trường cũng không phải lo công việc như một số ngành nghề khác.
Trong khi, gia đình ở quê thì kinh tế cũng rất khó khăn, chú tôi lại thường xuyên phải nằm viện để chữa trị bệnh nên việc em đậu vào quân y như một liều thuốc thần tiên đối với chú tôi.
Vậy nhưng, những ngày gần đây, em trai tôi cứ nằng nặc xin gia đình cho bỏ học để chọn một ngành nghề khác mà em thích.
Chú thím tôi đã vô cùng sốc và choáng váng trước thông tin này, anh em trong nhà cũng hết lời khuyên lơn nhưng thằng em “cứng đầu” vẫn không thay đổi ý kiến của mình.
Lý do em trai tôi đưa ra là bây giờ bước vào học chuyên ngành mới cảm nhận thấy mình không phù hợp với ngành Y.
Thời gian học tập lại kéo dài những 6 năm trời, ban ngày học trở trường, tối lại phải vào bệnh viện trực nên thấy vất vả.
Rồi, khi ra trường không biết phân công công tác ở đâu, sợ phải đi xa nhà, khó có điều kiện chăm sóc gia đình.
Điều đau đớn nhất là em trai tôi nói rằng ngày trước em vào học ngành Y không phải là em chọn mà bố mẹ em chọn cho em.
Lúc đó, em chỉ là cậu học sinh mới 18 tuổi, chưa đủ chín chắn để suy nghĩ đấu đáo, tường tận. Bây giờ, em đã đủ chín chắn để lựa chọn ngành nghề và lo cho tương lai của mình.
Là người anh trong nhà, lại là người đi trước, tôi dùng tất cả những lời lẽ có thể để khuyên can em đừng bỏ học.
Bởi, gia đình mình khó khăn, học ở trường Quân y thì không phải lo chi phí học tập, ra trường thì được phân công công tác. Bố mẹ em thì già, nếu trong nhà có một Bác sĩ thì cũng yên tâm khi ốm đau.
Hơn nữa, sau này ra trường nếu có đi làm xa thì cũng quanh ở các tỉnh phía Bắc chắc cũng không phải xa nhà bao nhiêu đâu. Bây giờ, nếu bỏ học, em sẽ mất đi 3 năm học tập vô nghĩa, chậm mất 3 năm để vào đời.
Điều quan trọng là khi bỏ học ở một trường quân đội thì chắc chắn một điều em phải trả chi phí đào tạo trong hơn 2 năm qua cho nhà trường, số tiền ấy chắc chắn sẽ không ít.
Sang năm thi lại, liệu em có đậu đại học hay không?
Nếu đậu mà nhà mình khó khăn là vậy, mỗi tháng chi phí hết mấy triệu đồng cho tiền học phí, tiền trọ, tiền ăn uống, học hành, làm sao em xoay sở được giữa đất Hà thành.
Vậy nhưng, thằng em vẫn “cứng đầu” bảo vệ quan điểm của mình là sẽ bỏ học ngành Y để “làm lại từ đầu” theo sở thích và nguyện vọng của mình.
Nghĩ cho cùng thì đứa em của tôi dù rất đáng trách nhưng cũng thật đáng thương vô cùng. Đáng trách tại sao dù không thích nhưng mãi khi bước vào gần hết kỳ 1 của năm học thứ 3 mới đưa ra ý định bỏ học của mình.
Hơn hai năm qua, có biết bao nhiêu kỳ vọng của gia đình, biết bao nhiêu thời gian công sức mà em đã bỏ ra lãng phí.
Điều lo ngại nữa là những ý tưởng của em có phần thực dụng khi tuổi đời của em còn quá trẻ…
Nhưng, cũng thấy đáng thương bởi ngành Y là một ngành học rất kén người mà em trai tôi không yêu thích, không thiết tha thì sau này ra trường chắc chắn sẽ khó trở thành một Bác sĩ giỏi, biết đâu lại làm khổ cho những bệnh nhân.
Hơn nữa, bây giờ học tập và sau này đi làm mà phải gắn bó với ngành học, công việc mình không thích thú thì quả một cực hình cho bản thân em.
Từ câu chuyện của em trai mình cũng như mỗi năm thấy các trường đại học thông báo có rất nhiều trường hợp sinh viên bỏ học vì chọn nhầm nghề cho thấy những bất cập hiện nay khi các học sinh lớp 12 chọn ngành nghề cho mình.
Trong số hành chục ngàn thí sinh hăm hở bước vào giảng đường đại học đầu năm thì có vô vàn em không được chọn và học những ngành nghề mà mình yêu thích.
Cũng có thể vì điều kiện kinh tế, vì hoàn cảnh gia đình và thậm chí là ảnh hưởng nghề nghiệp của cha mẹ mà một số em phải học theo sự lựa chọn và định hướng của cha mẹ mình.
Khi vào học, tất nhiên những sở trường, sở đoản sẽ được bộc lộ ra hết. Và, nhiều em đã lựa chọn suy nghĩ cực đoan là bỏ học như cậu em trai mà tôi đã kể ở trên.
Tương lai của em trai mình sau này như thế nào, bản thân tôi và gia đình cũng không thể nào đoán định trước được. Có thể quyết định của em hôm nay sẽ đúng cho tương lai sau này và cũng có thể sẽ sai. Nhưng, đó là quyết định của em, là sở thích của em.
Phía trước đang đợi em chắc chắn sẽ là muôn vàn những khó khăn, thách thức mà em phải vượt qua để chứng minh cho quyết định của mình hôm nay là đúng.
Dù rất tin tưởng vào đứa em trai của mình nhưng trong thâm tâm của tôi không tránh khỏi những lo sợ mơ hồ khi em bỏ một tương lai đã định sẵn tất cả để tự tin dấn thân vào một tương lai mà chưa rõ hình hài nó sẽ như thế nào.
Tôi chỉ hy vọng em trai mình thành công, hy vọng cho những em học sinh lớp 12 cần có những lựa chọn kĩ càng khi quyết định vào học ở một ngôi trường nào đó để không rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như em trai tôi – chàng sinh viên Quân y năm 3 đã phiêu lưu, mạo hiểm chọn lại nghề cho mình.
Thanh An