Năm 2017, Cung Ngọc Văn bất ngờ trở thành tâm điểm của truyền thông và mạng xã hội, liên quan đến văn hóa theo đuổi thần tượng của Trung Quốc.
Cung là một cô gái trầm lắng mới 18 tuổi, đã bỏ học và cũng không đi làm. Cô đến Sân bay Quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải, dành nhiều giờ đồng hồ lang thang và chờ đợi để có cơ hội chụp được ảnh với những ngôi sao nổi tiếng của Trung Quốc, thậm chí đuổi theo họ vào tận cổng nhà ga sân bay.
Vấn đề nằm ở chỗ cô không phải là một người hâm mộ bình thường. Cô không dành sự chú ý đặc biệt cho ngôi sao nào cả, mà gọi mình là “fan nhân ái với tất cả”. Cô đuổi theo bất kỳ người nổi tiếng nào mà bản thân có cơ hội tiếp cận.
Chuyện trở nên rắc rối sau khi ca sĩ Viên Thành Kiệt nhầm Cung với một fan bình thường và đăng tải hình chụp chung với cô. Mạng xã hội dậy sóng, chỉ trích Cung là một fan cuồng chuyên đeo bám thần tượng, đồng thời phát tán hàng trăm bức ảnh cô selfie cùng nhiều ngôi sao khác, đuổi theo họ khắp sân bay, chen lấn xô đẩy bất chấp để đến thật gần người nổi tiếng.
Diva Hồng Kiều (áo hồng) – cô gái bị chỉ trích là fan cuồng chuyên đeo bám bất kỳ người nổi tiếng nào có thể tiếp cận
Truyền thông Trung Quốc sau đó đã đặt cho cô một cái tên hết sức châm biếm: Diva Hồng Kiều. Rất nhanh chóng, thông tin cá nhân của cô diva bất đắc dĩ bị phát tán, từ thành tích học tập kém, thất nghiệp cho đến chuyện cô đang sống chung nhà và ăn bám ông bà của mình. Cô trở thành “vật tế” mỗi khi người ta cần một ví dụ cho văn hóa cuồng thần tượng tại Trung Quốc. Sự riêng tư cũng tan biến, cô đối mặt với áp lực khủng hoảng nặng nề.
Trớ trêu thay, sau nhiều năm theo đuổi các ngôi sao không biết mệt mỏi, chính cô lại trở thành cái tên bị người ta săn đuổi, dù theo nghĩa không mấy tích cực.
Văn hóa cuồng thần tượng – khi mọi chuyện đi quá giới hạn
Vài năm sau câu chuyện của Diva Hồng Kiều, văn hóa cuồng thần tượng của Trung Quốc đã bùng nổ mạnh hơn. Trang SCMP nhận định, điều này chủ yếu là vì điện ảnh và phim truyền hình đã trở nên phổ biến với sự tham gia của các tên tuổi nổi tiếng. Cùng với đó, lời kêu gọi dập tắt các fan cuồng đến ám ảnh – hay còn được gọi là “fan tư sinh” – cũng trở nên rõ ràng.
Tháng 7/2021, cảnh sát Trung Quốc thông báo đã bắt giữ 2 fan cuồng theo dõi diễn viên Vương Nhất Bác, bằng cách gắn thiết bị theo dõi lên chiếc xe mà nam diễn viên 23 tuổi đã thuê sử dụng.
Vương Nhất Bác – nam diễn viên bị theo dõi bằng định vị gắn trái phép
Bộ đôi dùng thiết bị này để theo sát từng đường đi nước bước của Vương tại Bắc Kinh, rồi bán lại thông tin cho các fan cuồng khác. Mọi chuyện chỉ vỡ lở sau khi họ khoe khoang chiến tích của mình lên mạng xã hội, khiến người hâm mộ khác của Vương đem sự việc đi trình báo.
Hồi tháng 5/2021, show truyền hình thực tế “Youth with You” của Trung Quốc bị buộc phải ngưng chiếu sau khi phát hiện cố tình lôi kéo người hâm mộ mua sản phẩm của nhà tài trợ. Theo đó, một số người đã đăng tải video về việc họ đã mua hàng thùng sữa chua uống của nhà tài trợ rồi vứt đi mà không hề đụng đến một giọt, vì đó là cách để bình chọn cho các thí sinh tham gia. Câu chuyện đã làm dấy lên làn sóng giận dữ trong công chúng vì quá lãng phí, và một lần nữa câu hỏi về văn hóa cuồng thần tượng đến ám ảnh trong giới trẻ lại được đặt ra.
Và chỉ mới cách đây 1 tuần, band nhạc nhỏ tuổi Trung Quốc gồm 7 học sinh tiểu học đã bị buộc phải giải thể, vì có dấu hiệu lạm dụng bóc lột trẻ em.
Khi “cuồng” trở nên nguy hiểm
Về trường hợp của Vương Nhất Bác – ngôi sao nổi tiếng một thời của nhóm nhạc Uniq trước khi tách ra solo và chuyển hướng diễn xuất, đây chẳng phải là lần đầu tiên anh bị theo dõi. Năm 2020, Vương đã một lần phải lên tiếng trước công chúng về việc bị quấy rối bởi các fan cuồng, và lên án mạnh mẽ văn hóa “ám ảnh thần tượng” xung quanh các ngôi sao tại Trung Quốc.
“Suốt khoảng thời gian dài, tôi bị người lạ đến gõ cửa tận phòng khách sạn. Có người thậm chí còn đặt định vị trong xe tôi. Dù đi đâu cũng có người theo dõi,” – trích trong bài đăng của Vương trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo.
Năm 2019, ca sĩ từ Hong Kong (Trung Quốc) Vương Gia Nhĩ đã bị lộ địa chỉ nhà lên mạng bởi một fan cuồng. Sau đó đã xuất hiện một đoạn video anh đối mặt cùng một người hâm mộ, chất vấn xem có phải cô là thủ phạm khiến thông tin lộ ra. Người này phủ nhận cáo buộc.
Vương Gia Nhĩ
Các trường hợp như “Diva Hồng Kiều” và hành vi sử dụng thiết bị theo dõi trái phép đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tác động của sự cuồng loạn đầy ám ảnh này đến sức khỏe tâm thần. Các nhà nghiên cứu mô tả việc chuyển đổi từ thích thần tượng sang ám ảnh đến tôn thờ là một dạng bệnh lý, trong đó các ranh giới xã hội thông thường bắt đầu tan biến. Qua một số nghiên cứu, các chuyên gia nhận định thần tượng thường là một phiên bản lý tưởng của cá nhân kẻ theo dõi họ. Ngoài ra còn là vì ảo tưởng về việc mình đã biết quá rõ thần tượng của mình thông qua các phương tiện truyền thông – theo một nghiên cứu tại Anh vào năm 2007.
“Qua việc thường xuyên theo dõi tin tức và các văn hóa phẩm, người xem dần có ảo giác rằng mình đã biết mọi thứ về thần tượng, từ dáng vẻ, cử chỉ, cách nói chuyện… dù chưa từng trực tiếp gặp gỡ,” – trích trong báo cáo nghiên cứu. Ngoài ra, một số nghiên cứu sau này cũng đề xuất phương án điều trị cho những người gặp rắc rối về tâm lý với thần tượng, cùng các quy định cần đặt ra để bảo vệ người nổi tiếng trước fan cuồng nhằm tránh lặp lại thảm kịch của Ena Matsuoka – ngôi sao nhạc Pop người Nhật Bản.
Matsuoka đã bị theo dõi bởi một fan cuồng, rồi bị chính tên này cưỡng hiếp và sát hại vào năm 2020.
Ena Matsuoka – ngôi sao nhạc Pop bị fan cuồng sát hại thương tâm tại Nhật Bản vào năm 2020
“Những hành vi dần trở nên nham hiểm và gây sợ hãi cho người nổi tiếng nên được pháp luật quan tâm. Việc tìm hiểu về các đặc điểm tâm lý liên quan đến những hành vi như vậy sẽ rất hữu dụng trong việc xác định thủ phạm, ước đoán và kiểm soát rủi ro.”
Liệu có thể kiểm soát “fan cuồng”?
Với việc văn hóa cuồng thần tượng không có dấu hiệu hạ nhiệt, nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu tìm cách đưa mọi thứ vào tầm kiểm soát.
Cách đây 1 tuần, cơ quan giám sát an ninh mạng Trung Quốc CAC đã thông báo một bản kế hoạch 10 bước để kiểm soát sự hỗn loạn mà văn hóa fan cuồng mang lại. Trong đó nổi bật là quy định cấm phát tán “thông tin gây hại”, lan truyền tin đồn trong các fandom – hay cộng đồng hâm mộ. Ở Trung Quốc, fandom thực chất là một mảng kinh doanh đầy béo bở của ngành giải trí, dự tính trị giá 140 tỉ NDT vào năm 2022.
Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành lệnh cấm các bảng xếp hạng dành cho người nổi tiếng, nhằm tránh tạo ra những cuộc đua bầu chọn tiêu cực trong cộng đồng fan. Ngoài ra từ đầu tháng 8, CAC cũng cảnh báo các website và nền tảng cần điều chỉnh lại dịch vụ của mình để kiểm soát hành vi của người dùng, giúp họ hâm mộ một cách “có lý trí”.
“Cần có những hạn chế cho fan cuồng, bằng cách hủy bỏ hình thức quảng cáo kích thích họ mua sản phẩm chỉ để ủng hộ thần tượng. Cần thay đổi quy định trong các cuộc thi, và kiểm soát các nhóm fan.”
Bản thông báo của CAC được đưa ra sau khi có lệnh bắt giữ Ngô Diệc Phàm – sao hạng A người Canada gốc Trung Quốc với cáo buộc cưỡng hiếp nhiều phụ nữ bao gồm cả trẻ vị thành niên. Nhưng thực chất, các động thái liên quan đến việc triệt phá fan cuồng đã bắt nguồn từ khá lâu.
Ngô Diệc Phàm – sao hạng A bị bắt giữ sau cáo buộc chấn động cưỡng hiếp nhiều phụ nữ bao gồm cả trẻ vị thành niên
Từ tháng 6/2021, CAC đã nhắm đến việc kiểm soát sự hỗn loạn trong các fandom, nhằm triệt phá văn hóa cuồng thần tượng đến ám ảnh. Đây vốn được xem là một vấn nạn tại Trung Quốc, khi nó dẫn đến những sự việc nghiêm trọng hơn như bắt nạt online, quấy rối, chi tiêu bừa bãi, và theo dõi thần tượng.
Trong tháng 8 vừa qua, nhiều ngôi sao tại Trung Quốc – trong đó có cả sao hạng A như Lôi Gia Lâm, Trương Nhất Sơn, Nhiệt Y Trát… đã tham gia “khóa học đạo đức nghề nghiệp” do NRTA (Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc) tổ chức. Khóa học nhằm khuyến khích các sao phải hành động một cách có trách nhiệm với người hâm mộ, sau trường hợp nghiêm trọng của Ngô Diệc Phàm.
Nguồn: SCMP