Ghe xuồng hàng bông – chợ trôi miệt sông nước miền Tây

Ngày nay, khi đường xá đã được xây dựng. Xe cộ thành phương tiện thay cho xuồng ghe, việc đi chợ không còn quá vất vả, hình ảnh những chiếc ghe, chiếc xuồng bán hàng bông khó có khi bắt gặp… Nhưng đâu đó, hình ảnh ghe xuồng bán hàng bông vẫn trong ký ức mỗi người miền Tây. Là nét đẹp bình dị, êm đềm của dòng sông quê, thong thả trôi như nâng đỡ chiếc ghe chiếc xuồng hàng cập bến.

Ghe xuồng hàng bông chở đầy những món quà ký ức

Mỗi chiếc ghe hàng di động trên sông ấy chở từ nhu yếu phẩm đến thực phẩm, Có khi là bàn ghế giường tủ, có khi là ghe hàng khoai lang, dưa hấu, nước mắm, muối hột từ miệt khác chở về rao bán nhộn nhịp trên sông khiến cho từ người lớn tới trẻ nhỏ đều háo hức chờ ghe tới để sắm đồ.

Tôi nhớ nhất là mấy chiếc ghe nổ bánh ống gạo với nổ cốm gạo. Hồi ấy nghe vang vọng tiếng rao “nổ bánh ống hôn” “ nổ cốm hôn” ở đầu xóm là đám con nít đã nhốn nháo đòi ông bà đòi cha mẹ kêu ghe lại nổ bánh ăn. Bởi ngày ấy có quà vặt chi cao sang, chỉ quanh quẩn với những món trái mọc đồng nào trâm dại, nào bình bát, cà na… Lâu lâu có ghe hàng bánh tới chỉ nghe hương thơm lừng từ phía nhà hàng xóm là đã cuồng chân chạy sang ngó, rồi theo ghe chạy về nhà mình coi tiếp.

Vậy là bánh trái, hàng bông, quà vặt, tủ giường, đặc sản vùng khác đều trên những chiếc ghe chiếc xuồng hàng di động ấy đến từng con kinh con rạch nhỏ vùng quê. Người ta có khi gọi là ghe hàng bông khi gọi vui nó là những cái chợ trôi.

Những cái “chợ trôi” ấy đâu chỉ mang những đặc sản, vật dụng mới lạ về vùng quê xa xôi cho bà con. Những cái chợ trôi di động trên sông ấy còn đem những thức hết sức bình thường dân dã nào là nước mắm, nào là muối hột, nào là những tàu lá lợp nhà…

Cuộc sống trên sông của người chủ ghe hàng bông

Ngày trước nhà tôi có mua nước mắm của một ghe bán nước mắm ở miệt trên xuống. Tôi khi ấy còn nhỏ, chỉ nhớ vợ chồng bác bán nước mắm độ hơn bốn mươi, nét mặt hiền lành. Nhiệt tình đến độ cho nhà tôi và nhiều bà con lối xóm mua chịu nhiều nhiều nước mắm ăn cho lâu, rồi đợt sau bác xuống lấy tiền. Riết rồi thành quen thân, hôm nào tối trời, không đi kịp là ghe của bác đậu trước bến nhà tôi ngủ lại đến sáng hôm sau.

Mỗi chiếc ghe chiếc xuồng hàng bông neo lại nơi nào đó trên khúc sông trông như một ngôi nhà trên mặt nước. Nhỏ bé, chật hẹp là vậy, nhưng khách thương hồ lại có tâm hồn hiếu khách, hào sảng, rộng rãi. Bạn đến, họ sẽ chẳng hẹp lòng gì mà không mời bạn nếm thử miếng dưa gang thanh thao, cái thơm ngọt lạ lùng của trái dừa nước, hay chỉ là vị chua chua của trái khế quê nhà.

Những ngày xưa, chợ búa không thuận tiện như bây giờ. Rau cá đồng quê có gì dùng nấy, dịp nào có ghe hàng vào thì mua sắm thêm nhiều món mới lạ hơn.

Những chiếc ghe, chiếc xuồng di động ấy, lúc nào cũng mang vẻ tất bật trên sông, nhưng đâu đó không phải sự mệt nhọc vì tất bật mà luôn là những nụ cười hiền luôn nở trên môi. Bởi cuộc sống bồng bềnh ấy – vậy mà thân thuộc lắm, phóng khoáng và thoải mái. Chứ nhiều khi lên bờ, lại nhớ xuồng ghe, nhớ sông nước, chịu hổng nổi đâu!

Bởi vậy mà họ chọn cái nghề buôn bán trên sông.

Phan Thùy Linh 

Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây

XEM THÊM:

Rate this post

Viết một bình luận