Ghi nhớ đặc biệt khi dùng melatonin chữa mất ngủ

Cuộc sống hối hả của thời đại kỹ thuật số khiến cho nhiều người bị chứng mất ngủ. Nếu như trước đây, người ta thường tìm đến các loại thuốc ngủ để điều trị mất ngủ thì giờ đây, các thầy thuốc thường khuyên bệnh nhân sử dụng một số dược phẩm giúp điều hòa giấc ngủ một cách tự nhiên hơn, trong đó phải kể đến melatonin. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý đặc biệt một số vấn đề khi dùng thuốc này.

Thuốc hay thực phẩm chức năng?

Melatonin là một loại hormon được sinh ra từ tuyến yên ở hệ thần kinh trung ương. Nó cũng được tìm thấy trong nhiều loại thực vật ăn được nên có thể bổ sung qua đường thức ăn hoặc dược phẩm. Melatonin có tính gây buồn ngủ nên thường được sử dụng trong việc điều hòa giấc ngủ và nhịp sinh học nhưng nó không phải là thuốc ngủ.

Melatonin là một hormon có liên quan tới giấc ngủ và nhịp sinh học.

Một số quốc gia coi melatonin như một thực phẩm chức năng (TPCN) chỉ được sử dụng với sự hướng dẫn của thầy thuốc cho một số đối tượng nhất định. Tác dụng điều hòa giấc ngủ và chữa mất ngủ, giúp điều hòa nhịp sinh học cho những người hay đi xa và hay thay đổi giờ giấc do trái múi giờ khiến cho nhiều người coi nó như một loại thuốc. Một số tác dụng đã ghi nhận được qua các nghiên cứu cho thấy nó giúp giảm mệt mỏi, lo âu, trị nhức đầu, trầm cảm, căng thẳng thần kinh, ù tai, đau trướng bụng, bệnh lý về tim, ung thư và các triệu chứng mãn kinh. Tuy nhiên, chất này không an toàn cho mọi đối tượng và việc sử dụng như TPCN đã khiến cho nhiều người coi nó như một chất không quá nguy hại và sử dụng hàng ngày.

Trong cơ thể con người, loại hormon này giảm dần theo độ tuổi. Tuổi càng cao thì hormon này tiết ra càng ít đi. Các nhà sản xuất dược phẩm bổ sung melatonin so sánh nó giống như nội tiết tố nữ, cần phải được bổ sung để phòng ngừa các bệnh mạn tính ở phụ nữ và duy trì tuổi thanh xuân.

Lạm dụng melatonin và những hệ lụy

Melatonin chỉ an toàn khi sử dụng ngắn hạn, đặc biệt đối với những đối tượng thường xuyên phải đi công tác xa, thay đổi múi giờ khi đi máy bay. Sử dụng melatonin lâu dài sẽ làm giảm khả năng sản xuất melatonin tự nhiên trong cơ thể. Việc thay thế, bổ sung một số nội tiết tố trong cơ thể có thể mang lại tác dụng không mong muốn như làm tăng đường huyết, vú to ở nam, giảm sút số lượng tinh trùng, đau, khó chịu ở đường ruột và tiêu hóa, mộng du, chóng mặt. Melatonin còn tương tác với một số nội tiết tố khác. Vì vậy, phụ nữ đang hay chuẩn bị mang thai không nên dùng melatonin, kể cả trẻ em. Những người mắc bệnh mạn tính như thận, gan, trầm cảm… nên được tư vấn bởi bác sĩ trước khi sử dụng loại dược phẩm này.

Melatonin có thể tạo cảm giác ngầy ngật một cách nhanh chóng ở một số người nhưng không đưa họ vào trạng thái ngủ. Người dùng có thể cảm thấy chóng mặt, buồn nôn vào ngày hôm sau. Vẫn chưa có quy chuẩn về liều dùng, thời gian dùng, cách dùng melatonin trong việc điều trị khó ngủ. Giống như nhiều dược phẩm bổ sung khác, người dùng không thể biết chắc được liều dùng ghi trên nhãn sản phẩm là chính xác.

Dùng melatonin thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?

Để tránh các tác dụng không mong muốn khi sử dụng melatonin, không nên sử dụng thuốc quá 90 ngày. Không nên coi loại dược phẩm này như là một thuốc ngủ vì nó chỉ hỗ trợ đồng hồ sinh học của cơ thể. Tránh dùng nó đồng thời với các loại thuốc ngủ khác. Người dưới 18 tuổi không nên dùng melatonin. Tuyệt đối không nên uống bia, rượu khi sử dụng melatonin. Người dùng melatonin để hỗ trợ, điều hòa giấc ngủ cần tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng và thời gian dùng. Thuận theo nhịp sinh học của cơ thể, nên uống melatonin vào buổi tối trước khi đi ngủ khoảng 1-2 giờ. Melatonin có thể tương tác và thay đổi hiệu quả các thành phần thuốc khác nên không dùng chung với bất cứ một loại thuốc nào.

Để phòng bệnh khó ngủ, bạn nên duy trì sức khỏe và thói quen ngủ đúng giờ và đủ giấc mỗi ngày. Chơi thể thao vừa sức và ăn uống hợp lý. Cần hết sức cẩn trọng khi phải tìm đến sự trợ giúp của thuốc hay TPCN cho giấc ngủ của mình.

DS. Nga Quỳnh Anh

Rate this post

Viết một bình luận