Gia đình ở Cần Thơ diện quần áo cùng tông màu khi đi du lịch

Cặp vợ chồng và cậu con trai nhỏ thường diện quần áo cùng tông màu mỗi khi cả nhà đi cùng nhau. “Khả năng nhớ, tìm mua đồ của vợ mình rất đáng nể”, anh Khoa chia sẻ.

“Với vợ chồng mình, việc ăn mặc ton-sur-ton không chỉ là để làm điệu, có ảnh đẹp mà còn là cách gắn kết các thành viên, tăng tình cảm cả nhà”, Bùi Mỹ Phụng (1991, Cần Thơ) nói với Zing.

Chị Phụng và anh Nguyễn Nhật Khoa (1990, Cần Thơ) gặp nhau vào cuối năm 2013. Đến năm 2016, cả hai về chung một nhà và chào đón bé trai Nhất Khoa (Kuka) một năm sau đó.

cap vo chong Can Tho co so thich mac do ton sur ton anh 1

Gia đình trong chuyến thăm Sa Pa.

Từ hồi yêu nhau, hai vợ chồng đều đã là những “chân đi”. Trung bình, cả nhà du lịch 3-4 chuyến trong năm.

“Nhiều nhà cũng rất hay mặc đồng phục giống hệt nhau. Vậy nên mình quyết định nâng cấp độ khó lên một chút, không phải trang phục y chang nhau mà là các món cùng sắc thái, tông màu”, chị Phụng chia sẻ về thói quen của gia đình mình.

Sở thích săn đồ sale

Từ món đồ của một thành viên, chị Phụng cho biết sẽ săn mua nốt 2 món còn lại với màu sắc tương tự. Trong mỗi chuyến đi, chị đảm nhận phối đồ cho cả nhà.

“Mình có khả năng nhớ màu sắc của từng bộ rất giỏi. Đến giờ, cả nhà đã mặc gần như không thiếu màu gì. Giờ, bọn mình bắt đầu chuyển sang những món khó kiếm hơn như có họa tiết, hoa lá”.

Những màu sắc rực rỡ, kén người mặc như vàng neon, xanh nõn chuối thường mất nhiều thời gian tìm kiếm. Hay các trang phục màu pastel như xanh mint, hồng phấn lại hầu hết chỉ có đồ con gái.

“Đồ của con gái đa dạng, cùng một màu, không mua chỗ này có thể đặt chỗ khác. Tuy nhiên đồ con trai hay đồ cho trẻ con lại hiếm hơn”.

Sau mỗi lần đi chơi, những món đồ được sử dụng tiếp hàng ngày.

cap vo chong Can Tho co so thich mac do ton sur ton anh 2cap vo chong Can Tho co so thich mac do ton sur ton anh 3

Trong các chuyến đi chơi, cả nhà có sở thích mặc đồ cùng tông màu.

Không chỉ đi du lịch, các dịp gặp mặt, đi chơi cùng bạn bè, gia đình cũng áp dụng theo phong cách ăn mặc cùng tông màu.

“Bọn mình từng nghe rất nhiều cả người lạ và người quen nói nhà phải dư dả tiền bạc, thời gian nên mới đầu tư như vậy. Thực tế, hai đứa quan niệm không phải cứ giàu có mới đi được. Bản thân hai vợ chồng cũng phải trải qua nhiều năm làm lụng, tích cóp”, chị Phụng chia sẻ.

Thời điểm mới quen nhau, cả hai cũng có sở thích mặc đồ cặp như các đôi khác.

“Lúc ấy, hai đứa đều vừa chập chững đi làm. Bọn mình đi săn quần áo giảm giá ngoài chợ đêm. Khi đó cũng chưa chú ý ăn mặc, cứ hai tông đen – trắng dễ kết hợp nhất là mua thôi. Đến khi kinh tế dư dả hơn thì bọn mình mới biết đến mua đồ của các thương hiệu có tên tuổi”.

Thói quen săn đồ sale vẫn duy trì đến hiện tại.

“Các buổi tối, cả nhà thường hay ghé qua trung tâm thương mại, đi vòng vòng dạo chơi. Nhờ đó, mình hay canh được quần áo giảm giá lắm, cứ thế nhặt nhạnh dần đến khi nào đủ màu. Tiêu chí là đồ đẹp nhưng giá không quá mắc”.

“Chuyện du lịch cũng vậy. Trước đó, hai vợ chồng từng có nhiều lần chạy xe từ tỉnh này qua tỉnh khác, đi theo kiểu bình dân, ở nhà nghỉ, khách sạn ven đường trước khi biết tới nghỉ dưỡng ở resort cao cấp”, chị Phụng nói thêm.

cap vo chong Can Tho co so thich mac do ton sur ton anh 4cap vo chong Can Tho co so thich mac do ton sur ton anh 5

“Mình và anh đều là những người muốn dành thời gian vun vén cho gia đình”, chị Phụng nói.

“Miễn vợ, con vui là được”

Về phía anh Khoa, anh bày tỏ sự ủng hộ với chuyện vợ mình thích cho cả nhà mặc đồ ton-sur-ton.

“Phụ nữ đã bỏ thời gian làm đẹp, mình cũng muốn đồng hành cùng vợ để cả hai nhìn càng xứng đôi. Chứ vợ ăn diện, chồng lại xuề xòa, mình thấy không hay lắm. Vẻ bề ngoài cũng quan trọng khi công việc bản thân yêu cầu tiếp xúc nhiều người”.

Trước kia, anh Khoa chỉ quen mặc vài màu cơ bản. Chiều vợ, anh Khoa giờ không ngại diện những trang phục có màu sắc nữ tính như hồng, cam, tím. Trong mắt anh, vợ không chỉ biết phối đồ quần áo nữ mà còn giỏi kết hợp thời trang nam.

“Một số có thể trêu chọc mình mặc những màu nữ tính nhìn không hợp, trông ‘bóng’ quá. Nhưng những khoảnh khắc cả nhà bên nhau mới quan trọng nhất. Mình và vợ con vui là được, miễn người khác nói gì. Việc con trai mặc màu sặc sỡ cũng cho thấy mình hiện đại, dám thử cái lạ”.

cap vo chong Can Tho co so thich mac do ton sur ton anh 6 Muốn mặc đồ hợp với vợ, anh Khoa không ngại những màu sắc nổi bật, điệu đà.

Vốn yêu thích du lịch, chị Phụng và anh Khoa cho con trai đi cùng từ sớm.

Chuyến đi đầu tiên của bé Kuka là đến Phú Quốc. Đến năm 4 tuổi, bé đã cùng bố mẹ đi 15 nơi dọc Việt Nam như Sa Pa, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, TP.HCM.

“Hai vợ chồng hay nhận câu hỏi là sao cho đi khi con còn nhỏ thế. Đơn giản, mình chỉ muốn có con đồng hành cùng. Chưa kể, khi lớn lên, đứa trẻ có thể sẽ thích chơi với bạn bè hơn nên mình tranh thủ dẫn con đi, cho bé cảm nhận tình yêu từ cha mẹ.

Bản thân đi chơi có trẻ nhỏ đi cùng rất cực. Không ít lần cả hai bảo nhau chắc phải bỏ cuộc nhưng thấy con mê khám phá, đều ghi nhớ kỷ niệm ở mỗi nơi nên lần sau, cả nhà lại ‘rồng rắn’ lên đường”.

cap vo chong Can Tho co so thich mac do ton sur ton anh 7

Trung bình, cặp vợ chồng thường mang theo 3-4 vali cho mỗi chuyến.

Theo anh Khoa, những lần đi chơi xa cùng nhau cũng giúp anh hiểu thêm về nỗi vất vả của vợ khi chăm con.

“Đi xa, cô ấy chịu trách nhiệm lo sắp xếp hành lí, ngoài ra còn phải đảm bảo mang đủ tã, sữa, thuốc men cho con. Hàng ngày, có thể mình bận đi làm, vợ chăm con nhiều hơn nên không biết được hết những gì cô ấy phải chu toàn, nhất là con đang trong giai đoạn nghịch ngợm, không chịu hợp tác”.

Trong thời gian dịch Covid-19 khiến các chuyến đi phải tạm hủy, cả ba người thường cùng ngồi xem lại ảnh cũ, ôn lại kỷ niệm.

Tới khi dịch bệnh được kiểm soát, đôi vợ chồng sẽ đưa con đi chơi Hạ Long (Quảng Ninh) để trải nghiệm du thuyền. Xa hơn, khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại, cả nhà dự tính ghé thăm Australia.

Chị Phụng cho biết Kuka rất thích ngắm các bản đồ, kỳ quan trên thế giới. Mong muốn của cặp vợ chồng là dẫn cậu con trai nhỏ đến những địa điểm đó để cậu bé được nhìn tận mắt.

“Muốn đưa con đi khắp nơi, hai vợ chồng lại có thêm động lực cố gắng”.

Rate this post

Viết một bình luận