Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận trẻ bị ngộ độc do ăn thịt cóc, ruốc cóc để chống còi xương. Sự thực thì thịt cóc có phải là siêu thực phẩm để các bà mẹ trông cậy hay không?
Ruốc cóc giàu đạm, canxi?
Thấy con lười ăn, chị Nguyễn Thị Hòa trú tại Gốc Đề, Minh Khai, Hà Nội đã đặt mua ruốc cóc về cho trẻ ăn. Chị Hòa vừa mua về chưa kịp cho con ăn thì bị cả gia đình phản đối vì cho rằng “cóc là cậu Trời”.
Cùng trường hợp với chị Hòa, chị Vũ Bích Phương, Thái Hà, Hà Nội cũng mệt mỏi vì con lười ăn, chậm lớn. Chị Phương đang băn khoăn muốn mua ruốc cóc về cho con ăn thử. Tuy nhiên, điều chị Phương băn khoăn là mua ở đâu được ruốc cóc xịn.
Chị Phương khẳng định ruốc cóc rất tốt. “Con gái chị tôi sinh thiếu tháng, lười ăn lắm. Chị ấy cho ăn ruốc cóc một thời gian cháu bé tăng cân, ăn ngon miệng và cứng cáp hẳn lên. Các cụ trước cũng thường bắt cóc để làm ruốc cho con ăn. Tôi muốn mua nhưng chưa tìm được chỗ mua ruốc cóc xịn”.
Theo số liệu của bệnh viện số trường hợp ngộ độc do ăn cóc đã giảm đáng kể nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ ngộ độc đáng tiếc, có lẽ do tâm lý “thịt cóc là món ăn ngon, bổ, chống suy dinh dưỡng, chống còi xương, giúp tăng chiều cao cho trẻ” của một số bậc cha mẹ.
Các chất độc từ gan cóc, trứng cóc, mủ cóc có thể gây tử vong.
Theo Thạc sĩ đông y Vũ Quốc Trung, thịt cóc, ruốc cóc vẫn thường được nhiều người truyền tai nhau về tác dụng bồi bổ cơ thể, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt những trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng. Tuy nhiên giá trị dinh dưỡng thịt cóc không phải đến mức là siêu thực phẩm.
Trong 100g thịt cóc có chứa 18,6g đạm (protein), ngoài ra còn có một yếu tố vi lượng khác, đặc biệt là kẽm, rất tốt cho sự phát triển và phục hồi dinh dưỡng của trẻ. Khi so sánh lượng đạm trong 100 gram thịt cóc so với thịt bò, thịt dê, thịt heo…thì kết quả tương đương nhưng giá thành của thịt cóc lại đắt hơn nhiều so với các loại thịt còn lại.
Ngộ độc vì cóc
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết khoa Nhi từng tiếp nhận cấp cứu cho hai bố con bị ngộ độc do ăn thịt cóc.
Trước đó, mẹ cháu Nguyễn N.M bắt được con cóc trong vườn nhà, vợ chồng chị làm thịt cho hai con ăn. Khi thịt cóc hai vợ chồng đã lột sạch da, bỏ hết nội tạng nhưng có để lại bộ trứng cóc nướng lên cho con ăn.
Sau khi ăn chừng 30 phút, bé Nguyễn N.M có dấu hiệu mệt lả, nôn liên tục, gia đình cũng nghĩ ngay đến ngộ độc cóc và đưa đến bệnh viện. Được biết bố của cháu bé cũng nhập viện với triệu chứng tương tự.
Khoa Cấp Cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã điều trị cho bé Nguyễn Tường V., 11 tháng tuổi từ BV Đồng Xoài chuyển lên với chẩn đoán: Ngộ độc trứng cóc/Rối loạn nhịp chậm, trong tình trạng gồng người, tím môi, ói và tiêu lỏng nhiều lần.
Theo lời kể của mẹ, tối trước ngày nhập viên, ba của bé bắt được một con cóc lớn, lột da, để nguyên trứng và nội tạng, chiên lên rồi 2 cha con cùng ăn. Sau khi ăn được 30 phút, bé nôn ói dữ dội kèm tiêu lỏng nên người nhà lập tức đưa đến BV Đồng Xoài. Được biết bố của cháu Tường V. cũng nhập viện trong tình trạng tương tự.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé được rửa dạ dày và cho uống than hoạt để loại bỏ độc chất, được đo điện tim và theo dõi nhịp tim liên tục trên monitor để phát hiện sớm rối loạn nhịp chậm nhằm xử trí kịp thời. Sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện, bé đã được xuất viện trong tình trạng ổn định.
Bác sĩ Dũng, khuyến cáo người dân không nên mạo hiểm ăn thịt cóc vì nghĩ bổ. Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định nhưng ăn lại nguy hiểm hơn.
Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Thịt, mỡ cóc không có độc nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể bị độc tố từ gan, mủ, da cóc dính vào thịt.
Thành phần gây độc của cóc là độc tố bufotoxine – một chất cực độc, bền với nhiệt – có trong gan, trứng, da, mủ (dịch tiết màu trắng đục từ các tuyến dưới da và mang tai, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc), mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn.
Triệu chứng ngộ độc: 1 – 2 giờ sau khi ăn cóc, trẻ thường có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau và chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, sốc, ảo giác, đau đầu, có thể hưng phấn, tổn thương gan, thận và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.