Chó săn Pharaoh (tên tiếng Anh: Pharaoh Hound hay Fair-o Hound) có nguồn gốc cổ xưa nhất trên trái đất (khoảng từ 3 – 4 nghìn năm trước Công nguyên). Chúng sinh sống ở Ai Cập cổ đại, phục vụ các vị vua Pharaoh và được sử dụng chủ yếu trong việc săn bắn và canh giữ nhà cửa. Đây là giống chó rất mạnh khoẻ và cứng cáp. Và chúng rất nhanh nhẹn và thích săn đuổi. Chúng luôn cảnh giác đối với người lạ. Khi bị kích động, tai và mũi chuyển sang màu đỏ hồng sẫm.
Giống chó Pharaoh Hound. Ảnh: internet.
Đầu chúng hình chữ V, trán phẳng, mõm dài và thanh thoát. Mắt nhỏ có màu hổ phách hoặc nâu sáng. Tai rất to và luôn dựng đứng. Mũi nâu hơi ngả sang hồng. Răng chắc khỏe và rất sắc bén. Hàm rất khỏe. Cổ dài và hơi uốn cong. Ức sâu và nở. Đuôi có hình dáng giống chiếc roi, nhỏ dần đều đến chóp, luôn buông thõng. Hai chân trước thẳng. Bộ lông ngắn bóng mượt có màu đỏ hoặc nâu sẫm. Chó đực cao khoảng từ 55 – 63cm và cân nặng từ 18–27kg. Chó cái cao từ 53 – 61cm, nặng 18–27kg. Chúng sống lâu khoảng 11 -14 năm.
Trong 2000 năm tiếp theo, đảo Malta là nơi có công gìn giữ và phát triển loài chó quý này. Pharaoh Hound trở thành “quốc khuyển” của đảo Malta. Sau đó chúng được du nhập vào Anh và Mỹ vào những năm 60 của thế kỷ XX. Chúng có giá thành cao trên thị trường với giá từ 1.000-7.000 USD cho mỗi con.
“Người canh giữ linh hồn” và “Người giám hộ cân tim”
Thần Anubis là con của Nephthys và Set theo Thần thoại Ai Cập cổ. Trong ngôn ngữ Ai Cập cổ đại, thần Anubis được gọi là Anpu hay Inpu. Cái tên này có cùng gốc với một từ có nghĩa là “đứa trẻ hoàng gia”. Thần Anubis được miêu tả đưới hình dạng nửa người nửa chó, hoặc ở dạng một con chó rừng. Cánh tay thần Anubis đeo một dải ruy băng, một tay cầm móc, tay kia cầm néo.
Thần Anubis. Ảnh: Internet
Anubis là vị thần liên quan đến quá trình ướp xác và cuộc sống sau cái chết trong văn hóa Ai Cập cổ đại. Thần được biết đến là “Imy-ut” (Người có mặt tại nơi ướp xác) và “nub-tA-djser” (Chúa tể của vùng đất linh thiêng). Do đó, từ thời Cựu Vương quốc, Anubis có danh hiệu “Quan tư tế ướp xác” và “Người canh giữ linh hồn”. Màu đen của thần Anubis không phải do có mối liên hệ với màu lông của chó, mà là sự liên tưởng với màu sắc của thịt thối rữa và với đất đen của thung lũng sông Nile, tượng trưng cho sự tái sinh.
Do đó, những thầy tư tế làm việc trong quá trình ướp xác thời Ai Cập cổ phải đeo mặt nạ mặt theo gương mặt của thần Anubis. Người ta tin rằng những kẻ cướp mộ sẽ bị trừng phạt bởi thần Anubis. Và vợ của thần Anubis là nữ thần tang lễ Anput, con gái của thần Anubis là thần thanh lọc xác ướp Kebechet.
Sự tham dự của thần Anubis trong quá trình ướp xác Pharaoh. Ảnh: Internet
Là “Người giám hộ cân tim”, thần Anubis tham gia quyết định mức độ tốt xấu của một linh hồn nhờ vào quá trình cân quả tim của người đấy với một cộng lông đà điểu là Ma’at. Trong quá trình cân, nếu một linh hồn có trái tim nhẹ hơn Ma’at thì đó là một linh hồn tốt, và ngược lại. Trong “Cuốn sách của người chết” (Book of the Dead), thần Anubis là vị thần đảm trách việc quyết định xem người đó có xứng đáng được sống bất tử hay không.
Thần Anubis cân quả tim để biết tốt xấu. Ảnh: Internet
Cho đến nay, các nhà khảo cổ chưa từng khai quật được đền thờ to lớn nào dành riêng cho thần Anubis. “Đền thờ” của thần Anubis là các hầm mộ và nghĩa trang. Tên của thần Anubis xuất hiện trong những lăng mộ mastaba (ngôi mộ bằng gạch bùn) đồ sộ và cổ kính trong Triều đại đầu tiên của người Ai Cập cổ. Cho đến nay, “điện thờ” nổi tiếng nhất của thần Anubis từng được tìm thấy là trong ngôi mộ của Pharaoh Tutankhamun.
Dưới thời Triều đại đầu tiên của người Ai cập cổ, thần Anubis còn quan trọng hơn cả Osiris, thần của thế giới bên kia, người cai quản âm phủ. Điều này đã thay đổi trong giai đoạn Trung Vương quốc, nhưng Anubis vẫn là một trong những vị thần quan trọng nhất.
Tượng thần Anubis trong lăng mộ Tutankhamun. Ảnh: Internet
Trong thời kỳ Hy Lạp cổ đại, thần Anubis gắn liền với thần Hermes. Người Hy Lạp đã tạo ra một vị thần hỗn hợp gọi là thần Hermanubis. Họ quyết định kết hợp Hermes như một sứ giả của các vị thần với Anubis, người chỉ lối cho người chết đến với thế giới các vị thần.
Nguyễn Văn Toàn
Bí mật kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập cổ đại
Hình ảnh tái hiện một cách chính xác người Ai Cập tiến hành xử lý thi thể người đã khuất và thực hiện các công đoạn ướp xác như thế nào.
Pharaoh bị căm ghét nhất lịch sử Ai Cập
Pharaoh Akhenaten là vị vua mà lịch sử Ai Cập cổ đại muốn xóa bỏ.