Nếu cảm thấy bản thân có đam mê kinh doanh, bạn nên chú ý đến những ngành học trong khối ngành kinh tế. Bạn có thể căn cứ vào năng lực bản thân để có được sự lựa chọn phù hợp nhất. Sau đây là một số ngành học phổ biến của khối ngành kinh tế có thể trang bị kiến thức để chuẩn bị cho công việc kinh doanh trong tương lai.
* Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? Xem ngay bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất Việt Nam!
Ngành Quản trị kinh doanh
Đúng như tên gọi, ngành Quản trị kinh doanh là ngành học liên quan đến công việc quản lý hoạt động kinh doanh của một tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Bên cạnh việc quản lý, kiểm tra, phân tích tình hình hoạt động kinh doanh, công việc của nhà quản trị kinh doanh còn là đưa ra được giải pháp và ý tưởng từ những phân tích đã nghiên cứu từ trước, từ đó tối đa hóa hiệu quả của doanh nghiệp.
Trang bị cho tương lai với ngành Quản trị kinh doanh (Nguồn: Goteso)
Đây là công việc phải sử dụng nhiều chất xám và bạn cần phải tư duy liên tục, logic mới tạo ra được một hệ thống quản lý trơn tru, mang lại hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp. Khả năng quản lý và đam mê kinh doanh là những yếu tố giúp bạn xác định được đúng hướng cho mình, nhưng cũng đừng chủ quan cho rằng nhiêu đó là đủ cho một nhà quản lý trong tương lai.
Một nhà quản lý xuất sắc phải hội tụ rất nhiều yếu tố nổi bật và bạn phải học tập rất nhiều mới đạt được nhiều kỹ năng cần thiết. Ngành này có thể coi là bước đệm để bạn bắt đầu công việc kinh doanh trong tương lai.
Ngành Marketing
Marketing là một trong những kỹ năng rất cần thiết với việc kinh doanh, bao gồm tất cả các hoạt động hướng tới khách hàng nhằm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của khách hàng, thông qua quá trình tiếp thị sản phẩm, phát triển thương hiệu. Đây sẽ là yếu tố giúp bạn thu hút và thuyết phục khách hàng chọn lựa sản phẩm của mình nhằm mang lại doanh số bán hàng cao, ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công trong việc kinh doanh.
Ngành Marketing giúp bạn đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng (Nguồn: cokhach)
Theo học ngành Marketing, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng về kinh doanh, marketing như: nghiên cứu thị trường, xây dựng và phát triển các mối quan hệ khách hàng, tổ chức phân phối sản phẩm, định giá sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện…
Nên nếu bạn thật sự đam mê kinh doanh thì có thể bắt đầu với ngành Marketing và sau đó thử sức với một số sản phẩm. Bạn có thể thử kinh doanh online những lúc rảnh rỗi và áp dụng những kỹ năng đã học trên giảng đường để tạo bước đệm cho công việc tương lai.
Ngành Kinh doanh thương mại
Kinh doanh thương mại là ngành học trang bị các kiến thức về hoạt động bán hàng, xuất – nhập kho, quản trị bán lẻ… Đây là ngành học thiên về kỹ năng thực tiễn nhiều hơn phân tích, tính toán vì vậy người học có thể được làm quen với công việc kinh doanh ngay từ trên ghế nhà trường.
Đến gần hơn với ước mơ với ngành Kinh doanh thương mại (Nguồn: 029kuai)
Ngành Kinh doanh thương mại chú trọng và hoạt động bán hàng, nên sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ những kỹ năng như: quản trị bán hàng, quản trị bán lẻ, các phương pháp bán hàng hiệu quả… Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội tiếp nhận những kiến thức về nghiên cứu thị trường, hoạt động tiếp thị, marketing, lập kế hoạch kinh doanh, nghiệp vụ bán hàng, phân tích tài chính… Đây là những kiến thức, kỹ năng quan trọng để bạn chuẩn bị cho công việc kinh doanh.
Không những thế, sinh viên còn được tiếp cận những kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp như giải quyết các vấn đề thực tế của các doanh nghiệp thương mại, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc online, sàng lọc thông tin, kỹ năng điều hành và quản lý các dự án thương mại…
Trên đây là một số ngành nổi bật dành cho những người yêu thích, đam mê kinh doanh. Bên cạnh việc lựa chọn ngành nghề theo sở thích, bạn cũng cần kết hợp các yếu tố quan trọng khác như tính cách, trình độ, năng lực để đưa ra quyết định đúng đắn và phù hợp nhất.
Thường Lạc (Tổng hợp)