Cây rừng nhiệt đới tiến hoá nhanh gấp đôi so với anh em họ của chúng ở vùng ôn đới. Điều này có thể giải thích tại sao các vùng nhiệt đới lại có số lượng loài nhiều hơn hẳn những vùng khác.
Một nghiên cứu của New Zealand đã đo đạc tốc độ thay đổi ADN trong hàng triệu năm qua của 45 cặp loài cây thân gỗ có họ hàng gần gũi.
“Với mỗi cặp chúng tôi sử dụng hai loài có họ gần nhau, một từ vùng nhiệt đới và một từ vùng ôn đới”, đồng tác giả của nghiên cứu – tiến sĩ Len Gillman từ Đại học Công nghệ Auckland cho biết.
Nghiên cứu so sánh các loài như cây có quả hình nón, thông kauri, cây keo ở các vùng nhiệt đới tại Australia, Papua New Guinea và vùng Amazon với họ hàng của chúng ở những vùng ôn đới tại các nước như New Zealand, Mỹ, và đảo Tasmania của Australia.
Bằng việc so sánh một đoạn ADN đặc biệt trong mỗi cặp và với tổ tiên chung của chúng, nhóm nghiên cứu có thể tính ra tốc độ biến đổi tiến hoá.
“Chúng tôi phát hiện thấy số thay đổi trong các loài nhiệt đới nhiều gấp đôi”, Gillman nói. “Nếu bạn có tốc độ tiến hoá nhanh gấp đôi, nghĩa là bạn có nhiều hơn 2 lần cơ hội phát sinh và tích luỹ loài mới”.
Nhóm nghiên cứu phỏng đoán tốc độ tiến hoá nhanh hơn ở thực vật nhiệt đới là do tốc độ tăng trưởng và trao đổi chất nhanh hơn. Sự trao đổi chất nhanh hơn sẽ khiến tế bào phân chia nhiều lần hơn và gia tăng cơ hội đột biến.
T. An