Hiện tượng phong long có từ lâu rồi, dựa trên một niềm tin cho rằng ai cũng gặp xui xẻo gì đó và người ta muốn tống khứ nó đi, lấy về sự may mắn. Trong dân gian bán đi xui xẻo đó là may mắn. Nó cũng giống như việc ta gặp nhau và thường chúc nhau may mắn nhé vậy đó. Tất nhiên, rất khó để chứng minh nó là cái gì nhưng theo tôi, rõ ràng đây là ước mong, là niềm tin của người ta để không gặp rủi ro, khôn g may, bệnh tật trong cuộc sống, bà đẻ thì khỏe mạnh. Và bán đi sự rủi ro của mình, tống khứ đi sự không may của mình, không có nghĩa là làm hại người khác, gây điều xấu cho người khác. Không phải đâu. Ở đời mua may bán đắt, có thể bán đi thì tốt cho chị, nhưng không có nghĩa tôi mua là tôi nhận phần xấu xa.
Có người nói “phong long” là chiết tự lóng của hai chữ “gió rồng” – “rò giống”, ám chỉ luồng khí xấu, không tốt, được coi là uế khí của những người phụ nữ bị hư thai, nạo phá thai hoặc phụ nữ mới sinh con và đang trong thời gian ở cữ. Có thể bắt nguồn từ câu “sinh dữ tử lành” nên nhiều người cho rằng những người phụ nữ này mang lại đen đủi, xúi quẩy, không may mắn cho người khác.
Theo quan điểm của người xưa, đốt phong long mới tránh được rủi ro. Vì thế trong dân gian mới có việc “đổ phong long”, “đốt phong long”; thậm chí trên mạng hiện nay, nhiều loại bột trừ uế khí, bột trừ tà, thuốc xông xuất hiện tràn lan chẳng biết đâu mà lần. Vậy thực hư câu chuyện này như thế nào ?
Từ một quan điểm cũ rích, ấu trĩ: Theo quan niệm của người xưa, phong long, hay còn có những tên gọi khác là phông long, cung long, bong long… là những gì ô uế, đen đủi của sản phụ mới sinh, chưa hết thời gian ở cữ hoặc những người phụ nữ bị hư thai, nạo phá thai. Vì thế khi nhà có người sinh, người ta thường treo trước cửa những loại cây có gai góc như nhánh xương rồng hoặc nắm lá dứa để đuổi phong long, phần nữa báo cho những người lạ biết để tránh vào nhà.
Người ta vẫn nói “mua may bán rủi”, vì thế trước khi làm lễ đầy tháng của trẻ, bà mẹ vừa sinh (kể cả những người phụ nữ hư thai, phá thai) đi bán một thứ gì đó gọi là “đổ phong long”. Mục đích để mình được “sạch sẽ” và mọi việc trong gia đình được thuận lợi.
Tuy nhiên, về sau, quan niệm này “biến tướng” và dị dạng đi nhiều; hễ mọi việc đầu không xuôi đuôi không lọt, kinh doanh trì trệ thì người ta lại suy diễn rằng do mình bán cho người mới phá thai, hoặc sinh non. Có nhiều người cũng cho rằng nếu người nào đến thăm sản phụ hoặc gặp sản phụ ngoài đường mà người đó chưa “đổ phong long” thì cũng coi như họ đã đã vướng phong long. Thậm chí, một số trò game trên mạng còn có một tính năng gọi là “đốt phong long” cho phép người chơi giải xui (tăng điểm may mắn) bằng cách ngẫu nhiên đưa ra một số điểm may mắn cho người chơi. Và theo tâm lý thông thường, rất nhiều người hễ có chuyện gì xui thì miệng lại lẩm nhẩm “đúng là gặp phong long”, hoặc “đốt phong long thôi”. Cách dùng rất tùy tiện và vô tội vạ.
Để hóa giải, người đó cũng phải mua bán hoặc cho đi một thứ gì đó để tống khứ sự xui xẻo đi; nếu không, nhiều tai họa ập xuống, làm cái gì cũng đổ vỡ, buôn bán ế ẩm, công danh, tình duyên lận đận… Ngoài việc mua bán trên, ông bà ta còn có nhiều cách để “giải phong long” như lấy muối và gạo rắc quanh bốn góc nhà rồi khấn; hoặc đốt giấy cầm đi quanh hang hóa buôn bán rồi vừa bước qua bước lại 9 lần trên miếng giấy cháy đỏ, miệng vừa lẩm nhẩm đọc “3 hồn 9 vía, 3 hồn 7 vía, vía lành thì ở vía dữ thì đi”. Về mặt tâm linh, rắc gạo muối bốn góc nhà nhằm mục đích cúng cho cô hồn ở bốn góc nhà no đủ để không quấy phá việc buôn bán, làm ăn của gia chủ. Còn việc đốt giấy cháy thành lửa, về mặt tâm linh, cho rằng cô hồn nói riêng và yêu quái nói chung rất sợ lửa, cho nên đốt như vậy để tống khứ cô hồn và ydêu quái đi, để công việc mua bán được thuận lợi…