Giải Oscar lần thứ 92: “Ký sinh trùng” thắng ngoạn mục

Việt Văn

  –  

Thứ ba, 11/02/2020 07:44 (GMT+7)

Lần đầu tiên, một phim không nói tiếng Anh lại thắng giải phim hay nhất Oscar: “Parasite” (Ký sinh trùng) của Bong Joon-ho (Hàn quốc) đã đăng quang ngoạn mục tại lễ trao giải Oscar lần thứ 92. Ngoài ra, phim còn đoạt Oscar giải phim quốc tế, giải đạo diễn và giải kịch bản gốc xuất sắc nhất…

Giải Oscar lần thứ 92: “Ký sinh trùng” thắng ngoạn mục
Cảnh phim “Ký sinh trùng”. Nguồn ảnh: CGV

Bộ phim được tôn vinh nhất là một tác phẩm giàu chất triết lý và tính nhân văn, nhưng cũng làm “hại não” người xem nhất.

Bất ngờ xứng đáng

Hai ứng viên sáng giá nhất trên đường đua Oscar đều là những phim “hại não” khán giả với đầy rẫy những ẩn ý mà các nhà làm phim gửi gắm. “Joker” của đạo diễn Todd Phillips và “Ký sinh trùng” (Parasite) của đạo diễn Bong Joon-ho.

Và bất ngờ đã xảy ra khi “Parasite” của Bong Joon-ho (Hàn Quốc) đánh bại “Joker” của Todd Phillips, vốn từng đoạt “Sư tử Vàng” Venice danh giá và phá kỷ lục về doanh thu, với hơn 1 tỉ đô la toàn cầu để đăng quang phim hay nhất, cùng với giải đạo diễn, kịch bản gốc và phim quốc tế.

“Ký sinh trùng” là một phim “hại não” đúng nghĩa, với nhiều cảnh huống mang tính ẩn dụ cao, đặc biệt là phần cuối phim. Đó là chuyện một gia đình nghèo tìm cách “ký sinh” vào một gia đình giàu và tất cả những mặt tốt, xấu của những lớp người đại diện cho các giai tầng khác nhau của xã hội được khắc họa sống động.

Mối quan hệ giữa người giàu và người nghèo, và giữa người nghèo với người nghèo. Ai thực sự là “ký sinh trùng”? Tiếng nói của nữ quyền ở đâu trong xã hội Hàn quốc…? Hàng loạt vấn đề, câu hỏi cứ xoắn xuýt nhau trong một bộ phim hấp dẫn từ đầu đến cuối, để rồi kết phim đầy bất ngờ với cả máu và nước mắt.

Những hình ảnh giàu biểu cảm, nhiều ý tứ từ cầu thang, cửa sổ 2 nhà, trận mưa…, màu sắc âm u dịu nhẹ của phim, cùng với âm thanh tiếng mưa rơi và âm nhạc với những bản giao hưởng được xử lý rất hợp lý đã tạo kịch tính cho phim. Và giải đạo diễn xuất sắc nhất cho Bong Joon-ho là ghi nhận những nỗ lực tuyệt vời của vị đao diễn xứ Hàn khi kết hợp chất hiện thực, chất hài hước và chất trừu tượng để tạo nên một “Ký sinh trùng” với nhiều tầng ý nghĩa và giải mã cấu trúc xã hội của Hàn Quốc.

Bong Joon-ho có lẽ là người thích đạo Phật nên đã đưa chất triết lý của nhà Phật với nhân quả, vô thường… vào phim rất ngọt, nhuyễn. Và sự nhũn nhặn, khiêm tốn của đạo diễn xứ Hàn khi lên nhận giải cho rằng mình học được nhiều từ đạo diễn gạo cội Martin Scorsese càng khiến người xem nể vì.

Giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất Oscar cho Joaquin Phoenix trong phim “Joker” quá xứng đáng. Diễn xuất hóa thân tuyệt vời của Joaquin Phoenix từ sắc diện, động tác, cử chỉ, dáng đi đặc biệt là điệu cười điên loạn của Joke khiến nhân vật của anh có một tạo hình đầy ấn tượng. Đây là sự tưởng thưởng xứng đáng cho một diễn viên 44 tuổi hàng đầu Hollywood sau 3 lần được đề cử Oscar với “Gladiator”, “Walk the Line”, “The Master” và vừa đoạt giải nam chính tại lễ trao giải Bafta (Anh) danh giá năm nay.

Không có bất ngờ khi ngôi sao Renée Zellwenger đoạt giải nữ chính bằng vai diễn danh ca trong phim “Judy”.  Bất ngờ tái xuất màn bạc cũng đột ngột như khi chia tay 6 năm trước giữa đỉnh vinh quang, Renée sau khi “làm nóng” bởi một vài dự án phim đã dồn sức vào vai diễn Judy Garland, một ca sỹ nổi tiếng của Mỹ có số phận bi kịch. Cô đã thể hiện sâu sắc nỗi cô đơn của Judy Garland khi đối mặt với áp lực khủng khiếp của ngành công nghiệp giải trí Hollywood.

Giải nam diễn viên phụ cho  Brad Pitt với vai một diễn viên đóng thế trong “Once Upon a Time in Hollywood” là phần thưởng ngọt ngào, Oscar đầu tiên trong đời cho một ngôi sao Hollwood. Cùng sánh đôi với anh cũng rất xứng đáng là diễn viên Laura Dern lần đầu đoạt Oscar nữ phụ với vai nữ luật sư trong “Marriage Story”.

Chút tiếc nuối

Đó là phim “Joker”, câu chuyện về anh hề Joker từ con người đáng thương nuôi giấc mơ trở thành danh hài, bị xã hội ruồng bỏ và trở thành một tên tội phạm khét tiếng ở thành phố Gotham.

Dữ dội và đầy bạo lực, bộ phim khiến người xem phải gai người và đặt ra hàng loạt câu hỏi về tình yêu thương và sự tàn bạo trong xã hội hôm nay. Có phải chăng con người đáng thương trở thành kẻ tội phạm “hợp lý” và nên được đồng cảm phần nào?

Không hiểu sao khi xem bộ phim này, tôi lại nhớ đến nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm của Nam Cao với câu nói “bất hủ” với Bá Kiến: “Tao muốn làm người lương thiện. Nhưng ai cho tao làm người lương thiện?”.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng phim cổ súy cho bạo lực, và đẩy một số kẻ cực đoan đi theo con đường  của Joker, xử lý xung đột bằng súng để rồi đam mê thói hành xử tàn bạo như sự cần thiết để khẳng định bản thân.

Không học một trường lớp điện ảnh chuyên nghiệp nào nhưng trở thành huyền thoại, đạo diễn Quentin Tarantino đã phá bỏ phong cách thường thấy cho một thể nghiệm mới mẻ cho phim “Once Upon a Time in Hollywood” (Ngày xửa ngày xưa ở Hollywood) mô tả sống động bức tranh hiện thực của kinh đô điện ảnh thế giới vào những năm 60. Tuy nhiên, bộ phim khá dài của ông so với các ứng viên khác, dù có vị riêng rõ nét nhưng lại không thật đậm đà.

Cũng có tiếng tặc lưỡi cho “1917” phim về chiến tranh thế giới lần thứ nhất của đạo diễn Sam Mendes, thể hiện xúc động tình đồng đội trong chiến tranh, sau chiến thắng bất ngờ tại Quả cầu vàng lại xuất sắc giành được 7 giải thưởng tại lễ trao Giải thưởng Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh quốc năm nay (Bafta Awards). Tuy nhiên, tại Oscar 2020, phim chỉ giành được các giải cá nhân về hòa âm, quay phim, kỹ xảo.

Các giải thưởng Oscar 92

Phim: Parasite

Đạo diễn: Bong Joon-ho

Nam diễn viên chính: Joaquin Phoenix

Nữ diễn viên chính: Renée Zellweger

Phim quốc tế: Parasite

Phim hoạt hình: Toy Story 4

Phim hoạt hình ngắn: Hair Love

Nam diễn viên phụ: Brad Pitt (Once Upon a Time in Hollywood)

Nữ diễn viên phụ: Laura Dern (Marriage Story)

Kịch bản gốc: Parasite

Kịch bản chuyển thể: Jojo Rabbit

Phim ngắn: The Neighbor’s Window

Thiết kế sản xuất: Once Upon a Time in Hollywood

Thiết kế phục trang: Little Women

Phim tài liệu: American Factory

Phim tài liệu ngắn: Learning to Skateboard in a Warzone (If You’re a Girl)

Dựng âm: Ford v Ferrari

Hòa âm: 1917 (Mark Taylor và Stuart Wilson)

Quay phim: 1917 (Roger Deakins)

Dựng phim: Ford v Ferrari

Kỹ xảo hình ảnh: 1917

Hóa trang và làm tóc: Bombshell

Kỹ xảo hình ảnh: Cats

Nhạc nền: Joker (Nhà soạn nhạc Hildur Guðnadóttir)

Ca khúc chủ đề: Roketman (I’m Gonna – Love Me Again)

Rate this post

Viết một bình luận