– À, họ đi để giải phóng nỗi sợ hãi. (Thành thủng thẳng đáp)
– Sợ hãi, họ sợ cái gì?
– Sợ mất và muốn được? Thay vì họ cần tu tập cho tâm lành, hành thiện, tránh tối tìm sáng thì họ lại đến các ông thày, bà cốt và các vị đội lốt sư trong một số chùa chiền để chuốc họa. Nào là phải trả nợ Tứ phủ, Tam phủ, nào là năm xung, tháng hạn, nào là sao Thái bạch, Thủy diệu chiếu… cát ít, hung nhiều, không cẩn thận mất mạng, mất chức, gia tài khánh kiệt, tai nạn rình rập…
– Ông có thấy ranh giới mong manh giữa tín ngưỡng và mê tín? (Trung hỏi)
– Thì quá rõ còn gì. Tín ngưỡng thờ Mẫu, khởi nguồn là rất tốt đẹp. Là sự tri ân đối với các bậc sinh thành, các bậc có nhiều công đức, các đấng sinh sôi, che chở. Lợi dụng sự tôn vinh của UNESCO và sự mê muội của một số người dân. Nhiều đối tượng tà tâm liên kết với nhau để lừa đảo xem bói, sắm lễ và dẫn dụ những đối tượng u mê đến các chùa, điện, phủ trả nghiệp, giải hạn. Một số chùa đi ngược lại chính đạo và giáo lý Nhà Phật, thương mại hóa việc dâng sao giải hạn, biến cửa chùa, điện, phủ thành nơi buôn thần, bán thánh, trục lợi tín ngưỡng, hù dọa quan chức mê muội và những người dân sẵn có niềm tin mù quáng.
– Nhiều năm nay, năm nào cũng vậy một số đền, chùa người dân đổ xô, đè đầu cưỡi cổ thi nhau cướp lộc, tranh nhau giải hạn… như thế có phải là niềm tin tín ngưỡng hay khủng hoảng niềm tin? (Trung hỏi)
– Ông vào mạng thấy cô đồng Sinh gọi hồn thế nào? Có người phải chờ đến cả tuần mới “gọi” được hồn đấy. Hồn về khi giọng đàn ông, khi thì cô đỏ, khi lại bà già. Người nào giọng ấy, người xem thi nhau vái lạy, đổ tiền, đổ quà cho “người thân”. Nếu theo dõi kỹ thì “diễn viên” này chỉ có 3 loại giọng (đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ) lặp đi lặp lại rất giống nhau. Đúng là “linh tại ngã” trò bịp bợm thế mà họ cũng tin được.
– Chả cứ cô đồng Sinh, trên mạng, các phủ, điện, thầy bói, xem tử vi… mọc lên như nấm, tranh nhau quảng bá, bôi nhọ lẫn nhau giành ảnh hưởng. Ở các làng quê cũng vậy, hình như họ cứ thỏa sức hành nghề, có nơi mọc lên cả các dịch vụ ăn theo như nhà trọ, quán ăn để phục vụ gọi hồn, giải hạn…
– Không phải đâu cũng thế, nhiều nơi họ quản lý, giáo dục, định hướng tín ngưỡng rất tốt. Tuy nhiên có nơi, hình như họ cũng buông xuôi, thả lỏng… đôi khi như là “đồng thuận”, chả thấy chính quyền, nhà quản lý lên tiếng, chả thấy các thầy cúng, thầy bói hay các hoạt động phi tín ngưỡng được chấn chỉnh dẹp bỏ, lên án, cải tạo…
Nghe Thành nhận xét, Trung thở dài nói: Khủng hoảng niềm tin tâm linh, tín ngưỡng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong đời sống tinh thần và vật chất. Bước vào một năm mới mỗi người rất cần có một tâm bình, khí hòa, một năng lượng tích cực. Rất tiếc không ít người đã “tự nguyện” hoặc bị hù dọa mà đón năm mới với tâm trạng đầy âu lo, sợ sệt “tiền mất, tật mang” vì sự u mê, cầu mong giải thoát khỏi sự sợ hãi phi lý và mù quáng.
Nhuận Thổ
Nhuận Thổ