Giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp là bài toán nan giải! – Giáo dục Việt Nam

(GDVN) – Nhu cầu tuyển dụng ít, trong khi sinh viên tốt nghiệp rất nhiều là bài toán chưa có lời giải với ngành Giáo dục hiện nay.

Cung vượt rất nhiều lần cầu

Năm học 2019-2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan tuyển dụng nhiều viên chức nhất trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, bậc mầm non tuyển dụng 67 giáo viên, bậc tiểu học 194 giáo viên và bậc trung học cơ sở là 76 giáo viên. [1]

Và giáo viên đăng kí thi tuyển với số lượng rất đông, cụ thể: bậc tiểu học 283 giáo viên và bậc trung học cơ sở là 219 giáo viên. Chỉ có bậc mầm non thì chỉ tiêu đăng kí dự thi ít hơn so với nhu cầu tuyển dụng. [2]

Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi ở tỉnh Quảng Trị cho biết, hơn mười năm nay ngành Giáo dục tỉnh nhà hầu như không tuyển giáo viên bậc tiểu học và trung học cơ sở. Riêng bậc trung học phổ thông thì tuyển nhỏ giọt để thay thế cho những giáo viên nghỉ hưu theo chế độ.

Chính vì vậy, sinh viên ngành sư phạm ra trường thất nghiệp hàng loạt, có người thất nghiệp đã 15 năm.

Thầy T., dạy môn Vật lí ở huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) trong 5 năm qua bị điều chuyển đến 2 trường trên địa bàn vì dôi dư giáo viên. Nhiều thầy cô khác cũng nói rằng, họ dạy không đủ tiết theo nghĩa vụ nên phải làm kiêm nhiệm một số công việc khác.

Với những tỉnh thành khác, nhu cầu tuyển giáo viên các môn như Mỹ Thuật, Âm nhạc, Thể dục, tiếng Anh… còn có nhu cầu thì tỉnh Quảng Trị đã bão hòa hơn 10 năm về trước.

Lí do, tỉnh Quảng Trị đã sáp nhập bậc Tiểu học và Trung học cơ sở bởi số lượng học sinh giảm mạnh và ngành Giáo dục tinh giản biên chế giáo viên/nhân viên.

Giáo viên không trúng tuyển viên chức sống lay lắt với nghề

Những năm gần đây, ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tuyển dụng viên chức không cần người thi tuyển phải có hộ khẩu.

Vì vậy, số lượng giáo viên từ nhiều tỉnh thành khắp cả nước ồ ạt đến dự tuyển khiến tỉ lệ “chọi” hàng năm cao ngất.

Số giáo viên trúng tuyển nhìn chung có thể yên tâm công tác với nghề, vì ngoài đồng lương theo hệ số, ngạch bậc thì thầy cô tại Thành phố Hồ Chí Minh được hưởng thu nhập tăng thêm từng quý (3 tháng) theo Nghị quyết 03 của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Số giáo viên không trúng tuyển, một số trở về quê xin dạy hợp đồng hoặc làm trái ngành để chờ cơ hội mới.

Số còn lại vẫn quyết tâm bám trụ Thành phố Hồ Chí Minh đi dạy hợp đồng ở các trường tư thục, trung tâm văn hóa hoặc dạy kèm gia sư.

Qua trò chuyện, nhiều giáo viên cho biết, sau khi rớt viên chức thầy cô vì nặng lòng với nghề nên cố gắng bám trụ lại Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù được làm nghề nhưng cuộc sống của thầy cô cũng rất khó khăn vì mức sống nơi này quá đắt đỏ.

Cùng với đó, việc dạy ở trường tư thục, trung tâm văn hóa hay dạy kèm gia sư thì công việc cũng không ổn định và thù lao cho việc dạy cũng chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Nhiều trường tư thục (cấp 2, 3) và trung tâm văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh trả tiền cho giáo viên theo tiết dạy dao động từ 90-130 ngàn đồng (trung bình khoảng 110 ngàn/tiết). Còn việc dạy kèm gia sư cũng chỉ từ 2-3 triệu đồng/tháng (cho 8 buổi dạy, mỗi buổi 2 tiết – 90 phút).

Chúng tôi gặp cô T., tốt nghiệp ngành sư phạm Vật lí, Trường đại học Sư phạm Huế thì được biết cô đã thất nghiệp 15 năm.

15 năm qua, cô T. đã 2 lần nộp đơn thi tuyển viên chức ở tỉnh Quảng Trị nhưng không trúng tuyển vì chỉ tiêu rất ít.

“Từ khi ra trường, tôi có hợp đồng dạy cấp hai 3 năm. Năm thứ nhất, tôi dạy đủ 9 tháng thì bị cắt. Vài năm sau đó tôi được hợp đồng dạy 5 tháng cho một giáo viên nghỉ thai sản.

Năm nay (2019-2020), tôi mới dạy được 3 tháng thì cũng bị cắt hợp đồng vì huyện sáp nhập trường, chưa biết sắp tới sẽ thế nào”, cô T. chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, cô L., tốt nghiệp cử nhân Sinh – Hóa, Trường cao đẳng sư phạm Quảng Trị cũng thất nghiệp 12 năm nay vì rất nhiều năm bậc trung học cơ sở ở tỉnh này không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên.

Cô L., đi dạy kèm gia sư và bán hàng online trên Facebook để trang trải cuộc sống nhưng “cũng chỉ qua ngày” – lời cô nói.

Cay đắng hơn là trường hợp thầy Phan Thanh H., tốt nghiệp ngành Giáo dục thể chất, Trường đại học sư phạm Huế từng đậu hụt viên chức sau 6 năm thất nghiệp.

“Năm 2017, tôi thi tuyển viên chức một trường trung học phổ thông ở tỉnh Quảng Trị. Trường này cần 2 chỉ tiêu môn Giáo dục thể chất, điểm thi tôi đứng thứ hai. Nhưng sau khi có người khác phúc khảo thì tôi bị rớt xuống thứ 3”, thầy H. buồn bã nói.

Nhìn chung, nhu cầu tuyển dụng giáo viên hạn chế, trong khi sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm rất nhiều là bài toán nan giải với ngành Giáo dục hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] //pgdquan12.hcm.edu.vn/tim-kiem/thong-bao-tuyen-dung-vien-chuc-nganh-giao-duc-va-dao-tao-quan-12-nam-hoc-2016-2-c8057-132205.aspx

[2] //pgdquan12.hcm.edu.vn/tim-kiem/thong-bao-ve-danh-sach-phong-thi-va-so-bao-danh-hoi-dong-tuyen-dung-vien-chuc-n-c8057-134523.aspx

Cao Nguyên

Rate this post

Viết một bình luận