Giải thích câu tục ngữ học đi đôi với hành: Dàn ý & văn mẫu hay

Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài giải thích câu tục ngữ học đi đôi với hành. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.

Bài viết liên quan

Dàn bài giải thích câu tục ngữ học đi đôi với hành

Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài giải thích câu tục ngữ học đi đôi với hành. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.

Dàn ý giải thích câu tục ngữ học đi đôi với hành – Mẫu 1

Mở bài

  • Giới thiệu vấn đề cần nghị luận qua câu câu châm ngôn của Bác Hồ kính yêu

“Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Phương châm đó sống mãi và giữ nguyên giá trị trong mọi thời đại.

  • Học tập tiếp thu kiến thức đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của mỗi người. Học tập những kiến thức vô tận trong sách vở, bài giảng lý thuyết trên học đường và vận dụng vào cuộc sống thực tế đúng như câu Bác Hồ đã chia sẽ.

Thân bài

#1. Giải thích ý nghĩa câu “Học đi đôi với hành”
  • Học là sự tiếp thu kiến thức đã được đúc kết, đã được chứng minh tính đúng đắn. Học  để mở mang tầm hiểu biết.

  • Hành là hành động, biết vận dụng tất cả những vốn kiến thức mà minh đã học tập, tích lũy được vận dụng vào thực tế.

  • Học phải đi đôi với hành vì không chỉ học lý thuyết suông mà không vận dụng, áp dụng chúng vào thực tế thì cũng vô ích.

#2. Mối quan hệ giữa học và hành 
  • Học đi đôi với hành: Qua cụm từ này đủ hiểu được mối quan hệ mật thiết, gắn bó và bổ sung cho nhau giữa học và hành.

  • Học tập giúp ta có sự chuẩn bị vững chắc, có nền tảng chắc chắn kiến thức lý thuyết và được tích lũy theo thời gian.

  • Thực hành là vận dụng những vốn kiến thức đó để tạo ra những giá trị cụ thể, thực tế trong công cuộc nghiên cứu. Hành được xem là sự đánh giá là kết quả của việc học tập mang lại có thực sự hiểu quả hay không.

  • Muốn thực hành tốt đạt kết quả cao thì trước tiên phải có vốn kiến thức cơ bản, kiến thức nền chắc chắn. Chỉ biết học lý thuyết mà không biết áp dụng vào công việc thực tế thì trở nên vô nghĩa mà thôi.

  • Con đường dẫn đến sự thành công nhanh nhất đến với ai khi biết vận dụng những kiến thức lý thuyết được học trên sách vở hoặc trên giảng đường vào công việc thực tế hằng ngày.

  • Khẳng định sự đúng đắn của câu nói “Học đi đôi với hành”, có thể nêu lên sự phản diện đi ngược lại với vấn đề nghị luận trên

#2. Khẳng định sự đúng đắn học đi đôi với hành
  • Học đi đôi với hành luôn đúng trong mọi thời đại, được xem là nguyên lý giáo dục và phương pháp học tập hiệu quả.

  • Là bài học ý nghĩa giúp người học cân bằng được việc học lý thuyết và thực tiễn phải hài hòa.

#3. Phê phán những thái độ học tập sai lệch
  • Học lệch, học tủ và học vẹt, chỉ giỏi lý thuyết suông

  • Học theo xu hướng, học nhu cầu danh lợi, học đối phó. Học như vậy lãng phí thời gian tiền bạc mà không có sinh ra giá trị cho bản thân, không vận dụng vào thực tiễn, khó có thể thành công với  những suy nghĩ học lệch như vậy.

#4. Liên hệ, mở rộng.
  • Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương học đi đôi với hành như Bác Hồ, thời gian xuất ngoại Bác tự kiếm sống, tự học nhiều ngôn ngữ và thông thạo nhiều thứ tiếng khác nhau.

  • Học đi đôi với hành không chỉ trong trường lớp mà còn trong cuộc sống. Những kiến thức tự học trong cuộc sống hãy vận dụng thuần thục để đạt được thành công. Dẫn chứng anh chàng kỹ sư của một trường đại học thời năm 1973 được nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng chia sẽ về tầm quan trọng việc học đi đôi với hành của sinh viên. Bác kỹ sư đã kể ra những thành công và thành tựu mình đạt được khi áp dụng việc học tập và thực hành hiệu quả trong thực tế

#5. Bài học nhận thức
  • Mỗi người phải xác định cho mình mục đích học tập đúng đắn, hiệu quả nhất.

  • Học trở thành nhu cầu tự thân và chúng ta sẽ tìm mọi cách, mọi biện pháp, mọi cơ hội để vận dụng vào cuộc sống thực tế.

  • Mục đích học tập đúng đắn, chúng ta mới có thể say mê học tập, nghiêm túc, chăm chỉ để tiếp thu hết những nội dung, làm bài tập để củng cố, mở rộng bài học. Trên cơ sở nắm chắc bài học, những kiến thức lý thuyết cơ bản chúng ta sẽ có nền tảng chắc chắn vận dụng vào thực tiễn.

Kết bài

  • Kiến thức bao la,vô tận mỗi người phải tự xây dựng cho mình những phương pháp học tập sao cho hiệu quả nhất. Con người phải luôn tìm tòi học hỏi, học liên tục và học suốt đời để hướng tới sự thành công.

  • Và sự nghiệp học của con người chưa bao giờ dừng lại để tìm tòi những thứ mới, biến cuộc sống của mình trở nên tốt hơn. Thế nhưng, nếu chỉ để kiến thức nằm trên những trang giấy, đó sẽ chỉ là kiến thức chết. Chính vì thế, Học phải đi đôi với hành.

Dàn ý giải thích câu tục ngữ học đi đôi với hành – Mẫu 2

Mở bài

  • Giới thiệu về câu tục ngữ “Học đi đôi với hành”.

Thân bài

#1. Giải thích câu tục ngữ
  • “Học”: là học tập, học hỏi tiếp thu những cái mới, nhận thức và lĩnh hội được các kiến thức từ thầy, cô trường học, bạn bè và mọi người xung quanh nữa. Học hỏi không chỉ ở con người mà đối với một số loài động vật thì học hỏi cũng là một khả năng có sẵn.

  • “Hành”: là thực hành những lý thuyết đã được học, được tiếp thu để đưa vào cuộc sống thực tế. Hành là một sự bổ trợ lớn cho việc học, hành có thể giúp ta chứng minh được những lý thuyết được học là đúng đắn, giúp việc học không bị gò bó nhàm chán. Hành còn chính là một phương pháp để việc học được hoàn thiện một cách trọn vẹn.

  • “Học đi đôi với hành”: cái gì “đi đôi với” cái gì có nghĩa là luôn luôn cùng nhau, song song song với nhau trong mọi hoàn cảnh và không được tách rời nhau. Đúng vậy, học và hành giống như những mảnh ghép trong một bức tranh lớn vậy, nếu thiếu một mảnh thì bức tranh sẽ không hoàn thiện hay đầy đủ được. 

#2. Tại sao nên kết hợp giữa “học” và “hành”
  • Nếu chỉ có học thì kiến thức sẽ rất nhanh bị lãng quên, có nắm vững đến đâu mà không thực hành thì kiến thức cũng trở nên vô nghĩa, trở thành lý thuyết suông, không thuyết phục được mọi người và lãng phí thời gian, còn gây nhàm chán cho người học nữa. (Đưa ra ví dụ)

  • Còn muốn hành mà không có kiến thức thì không biết phải bắt đầu từ đâu, và muốn tự tìm tòi thì chắc chắn mất không ít thời gian, mà việc thực hành cũng sẽ có lỗ hổng, không được thuận lợi trôi chảy vì thiếu hụt kiến thức. (Đưa ra ví dụ)

  • Cho nên, vừa học vừa hành có thể giúp cho chúng ta nhớ lâu hơn, có hứng thú hơn với số lượng kiến thức khổng lồ của con người, và còn có thể giúp ích được cho cuộc sống. Học và hành giúp chúng ta thành thạo hơn trong mọi việc, làm gì cũng lưu loát và tiến bộ nhanh hơn. (Đưa ra ví dụ).

#3. Phê phán những người có lối học sai lầm và tác hại

Học vì bị ép buộc, học theo xu hướng, học cầu danh lợi,…. Những lối học sai lầm này dễ gây ảnh hưởng đến tương lai của bản thân, tệ hơn là ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

#4. Bài học rút ra

Nên áp dụng câu tục ngữ trong học tập và cả trong đời sống. Và để có thể áp dụng trọn vẹn tục ngữ, chúng ta nên biết sở thích, đam mê và định hướng hợp lý cho tương lai.

Kết bài

  • Nhấn mạnh về mối liên kết giữa học và hành một lần nữa, từ đó gián tiếp thúc đẩy bản thân và xã hội phát triển.

Văn mẫu giải thích câu tục ngữ học đi đôi với hành

Giải thích câu tục ngữ học đi đôi với hành – Mẫu 1

Kiến thức là vô tận, không bao giờ có thể nói ta đã biết hết, ta đã biết rồi…Hôm nay ta làm được cái này, thì ngày mai ta đã lạc hậu với cái mới hơn. Kiến thức của nhân loại là một đại dương mênh mông không đáy, không ngừng thay đổi, biến động theo thời gian. Học tập tiếp thu kiến thức đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của mỗi người. Học tập những kiến thức vô tận trong sách vở, bài giảng lý thuyết trên học đường và vận dụng vào cuộc sống thực tế đúng như câu Bác Hồ đã chia sẻ. “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Phương châm đó sống mãi và giữ nguyên giá trị trong mọi thời đại.

Học tập luôn là chặng đường đầy khó khăn thử thách đối với các bạn học sinh nói riêng và tất cả chúng ta nói chung, khi xã hội ngày càng hiện đại nhu cầu ngày càng tăng cao, việc học tập lý thuyết trên trường chưa thể đáp ứng đầy đủ để phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực. Học thôi chưa thể hoàn thiện, học phải đi đôi với thực hành, vận dụng lý thuyết để áp dụng vào mọi tình huống mọi vấn đề diễn ra trong thực tế. Nhưng ngày nay có một số bạn vẫn chưa hiểu hết ý nghĩ của việc học là gì ? hành là gì? để có ý thức rèn luyện trau dồi kiến thức bản thân.

Học là học, trau dồi kiến thức từ sách vở, học về kỹ năng mềm trong cuộc sống, hiểu biết và tự nhận thức được tầm quan trọng của việc học trong giới trẻ đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Luôn nêu cao tinh thần tự giác trong tiếp thu lĩnh hội những kiến thức nền tảng được học tập từ nhà trường. Học tập là vô hạn và không có điểm dừng học liên tục xuyên suốt trong cuộc đời đúng như câu “học nữa học mãi”, học diễn ra mọi lúc mọi nơi, áp dụng kiến thức vào mọi vấn đề mọi hoàn cảnh trong cuộc sống, học để mở mang tầm hiểu biết.

Các bạn biết đó chỉ học thôi là chưa đủ, học nhưng phải biết áp dụng cái được học, những vốn kiến thức mình tích lũy được vận dụng vào thực tế, và có thể chủ động giải quyết mọi tình huống, mọi vấn đề một cách hiệu quả nhất. Việc vận dụng cũng không dễ dàng nếu không được học về kiến thức nền tảng đó. Tất cả những điều đó khái quát lên khái niệm từ hành trong câu học đi đôi với hành. Hành là hành động thực hành là quá trình vận dụng, áp dụng mọi kiến thức bản thân có sẵn hay học hỏi, tiếp thu, kinh nghiệm quá trình các bạn làm đi làm lại, thực hành lại những gì đã cũ bằng những hành động cụ thể và đem lại kết quả thực tế. Hành còn hiểu là đưa lý thuyết thực tế vào thực hành, thí nghiệm một cách khoa học nhằm đưa ra những kết luận chính xác nhất. Thực hành là quan trọng và cần thiết trong bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống, hành là hoạt động giúp kiểm chứng lại kiến thức thực tế có đúng không, thực hành theo những gì lý thuyết ghi, vận dụng lý thuyết vào thực hành để đánh giá kết quả có giống như lý thuyết khẳng định không. Học phải đi đôi với hành vì không chỉ học lý thuyết suông mà không biết cách vận dụng, áp dụng chúng vào thực tế thì cũng vô ích.

Học đi đôi với hành qua từ “đi đôi” chúng ta cũng đủ hiểu được mối quan hệ gắn bó mật thiết và có sự bổ sung cho nhau. Học tập giúp ta có sự chuẩn bị vững chắc, có nền tảng kiến thức lý thuyết chắc chắn và được tích lũy theo thời gian. Thực hành là vận dụng những vốn kiến thức đó để tạo ra những giá trị cụ thể, thực tế trong công cuộc nghiên cứu. Hành được xem là sự đánh giá là kết quả của việc học tập mang lại có thực sự hiệu quả hay không. Muốn thực hành tốt đạt kết quả cao thì trước tiên phải có vốn kiến thức cơ bản, kiến thức nền vững chắc. Khi con người chỉ biết học lý thuyết mà không biết áp dụng vào công việc thực tế thì trở nên vô nghĩa mà thôi. Con đường dẫn đến sự thành công nhanh nhất đến với ai khi biết vận dụng những kiến thức lý thuyết được học trên sách vở hoặc trên giảng đường vào công việc thực tế hằng ngày.

Đúng vậy, người xưa có câu “học đi đôi với hành” đã được xem là phương pháp học vô cùng hiệu quả và được giữ gìn và lưu truyền từ xưa cho đến hôm nay. Điển hình là việc áp những tấm biển đồ địa lý trong việc tìm ranh giới địa bàn căn cứ mà quân địch phục kích, ta biết lựa chọn điểm căn cứ an toàn cho dân tộc để hỗ trợ công cuộc kháng chiến. Học và hành không thể tách riêng ra được. Bởi lẽ nếu tách riêng ra thì giữa học và hành sẽ rời rạc, không liên quan với nhau. Học hành phải đi đôi để hỗ trợ bổ sung cho nhau và không thể tách rời.

Liên hệ với thực tế ngày nay nếu giả sử các em học sinh chỉ biết học và học làm sao để có thể học và tiếp thu hết kiến thức mà thầy cô giảng và học tủ học lệch, học đối phó để đạt điểm cao, học bởi sự ép buộc bởi thầy cô phụ huynh, thực sự không hiểu bản chất và không biết học để nhằm mục đích gì, áp dụng gì cho cuộc sống sau này. Các em chỉ biết học lý thuyết suông trên sách vở mà quên đi cái tầm quan trọng của việc thực hành và vận dụng những kiến thức nền tảng đó để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Khi chúng ta tiếp thu, lĩnh hội kiến thức nền từ lý thuyết tốt, am hiểu chuyên sâu, đứng trước mọi vấn đề lý thuyết là thực hiện tốt nhưng khi thực hành có những tình huống phát sinh khó hơn, chúng ta sẽ dễ bị lúng túng thụ động và không đủ tự tin để đưa ra giải pháp hiệu quả. Vì vậy, khẳng định một lần nữa học phải đi đôi với hành động, học mà không hành là vô ích.

Ngược lại, nếu chúng ta biết vận dụng thực hành tốt nhưng kiến thức lý thuyết nền tảng không có, bạn học tập qua loa, không nghiêm túc thì đem lại hiệu quả sẽ không cao được. Chẳng hạn khi đứng trước tình huống khó mà muốn hành động ngay thì khi đó kiến thức về vấn đề mông lung, thiếu tự tin và việc bạn thực hành không tốt sẽ khiến người khác đánh giá không cao về năng lực của bản thân bạn. Chính vì vậy ngay từ bây giờ hãy tự tạo cho mình thói quen không ngừng tìm tòi, học hỏi từ mọi người xung quanh để học và hành luông bổ sung hỗ trợ cho nhau.

Đặc biệt, trong xã hội không ngừng phát triển, đòi hỏi về kiến thức và kỹ năng phải được nâng cao nên học đi đôi với hành là cần thiết để rèn luyện những kỹ năng mà học sinh nói riêng và toàn thế hệ trẻ cần có để hoàn thiện năng lực bản thân tốt hơn.

Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương học đi đôi với hành như Bác Hồ, thời gian xuất ngoại Bác tự kiếm sống, tự học nhiều ngôn ngữ và thông thạo nhiều thứ tiếng khác nhau. Học đi đôi với hành không chỉ trong trường lớp mà còn trong cuộc sống. Những kiến thức tự học trong cuộc sống hãy vận dụng thuần thục để đạt được thành công. Câu chuyện sau đây là một tấm gương tiêu biểu về bác kỹ sư kể lại thời chiến. Năm 1973 sau Ký kết Hiệp định Pari, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa, có gặp sinh viên ở trường và nói răng: “trường đại học dạy các cháu kiến thức và phương pháp tiếp cận công việc, còn để ra trường, muốn trở thành người kỹ sư giỏi các cháu phải học nhiều ở thực tế, học ở những người đi trước”

Thủ Tướng nói rất đúng, các bạn sinh viên ra trường hỏi giỏi đến đâu cũng phải mất một vài năm mới có thể vào việc được, những kiến thức học trong trường không hoàn toàn như sự việc diễn ra trong cuộc sống, trong trường không dạy các bạn cách viết công văn, không dạy các bạn bóc tách tiên lượng, không dạy các bạn cách vận dụng quy phạm…Chưa nói là kiến thức nhà trường của ta dạy chạy nhiều, thiếu giáo trình, giáo trình cổ, thiếu thiết bị thí nghiệm, tốn quá nhiều vào những môn không liên quan đến nghề nghiệp. ở các trường đại học nước ngoài người ta không dạy lịch sử, không dạy chủ nghĩa này nọ… không dạy ngoại ngữ không dạy tin học văn phòng, những thứ đó sinh viên phải tự học để có kiến thức mà học chuyên môn. Cho nên chất lượng của sinh viên ra trường rất cao.

Năm 1975 khi bác kỹ sư năm đó ra trường về công tác ở ngành điện, gặp ca quá khó: lắp đặt máy biến áp 110 kv của Liên Xô ở Ba Vì Sơn Tây, khi thí nghiệm thân máy xác định là các cuộn dây không đạt điện trở cách điện theo yêu cầu. Tất cả lãnh đạo trông chờ những kỹ sư trẻ như bác, sinh viên lục tung các sách vở đã học, không có lấy trang nào dạy cách xử lý. Rất may bác tìm gặp 2 anh kỹ sư Như và Hiển khóa I và khóa 3 Bách Khoa HN làm ở Công ty Điện Lực I để cầu cứu, các anh cho tôi mượn 1 tài liệu cẩm nang lắp đặt vận hành thiết bị điện, trong đó hướng dẫn tỷ mỷ cách lắp máy biến áp, cách sấy máy biến áp bị ẩm bằng phương pháp cảm ứng, hay ngắn mạch. Và các sinh viên đã đã thành công.

Vậy đấy, câu chuyện anh kỹ sư năm ấy muốn kể để nói lên rằng,kiến thức là mênh mông, chớ ai vỗ ngực nói ta biết hết, ta giỏi ta tài. muốn thành kỹ sư giỏi, con người phải không ngừng học hỏi, đọc nhiều tài liệu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để tránh vấp phải những trường hợp như chúng tôi. Nếu các bạn làm được như vậy, khi đặt bạn vào những vị trí mà không có ai giúp bạn cũng có thể vượt qua được. 

Qua các dẫn chứng tiêu biểu và những thành tựu mà người đi trước đã làm tốt vai trò của việc học và vận dụng thuần thục những kiến thức lý thuyết nền tảng được học từ thầy cô, trong sách vở và sự tìm tòi học hỏi từ mọi người. Vì thế, mỗi chúng ta phải xác định cho mình mục đích học tập đúng đắn, hiệu quả nhất. Học trở thành nhu cầu tự thân và chúng ta sẽ tìm mọi cách, mọi biện pháp, mọi cơ hội để vận dụng vào cuộc sống thực tế. Mục đích học tập đúng đắn, chúng ta mới có thể say mê học tập, học tập nghiêm túc, chăm chỉ để tiếp thu, lĩnh hội hết những nội dung kiến thức lý thuyết nền tảng, tự ý thức, tự giác hoàn thành các bài tập để củng cố, mở rộng bài học, mở rộng vốn hiểu biết. Trên cơ sở nắm chắc bài học, những kiến thức lý thuyết cơ bản chúng ta đã tích lũy từ trước rồi vận dụng vào thực tiễn cuộc sống để đạt hiệu quả công việc tốt nhất.

Kiến thức bao la, vô tận mỗi người phải tự xây dựng cho mình những phương pháp học tập sao cho hiệu quả nhất. Con người phải luôn tìm tòi học hỏi, học liên tục và học suốt đời để hướng tới sự thành công nhất định cho riêng mình. Và sự nghiệp học của con người chưa bao giờ dừng lại để tìm tòi những thứ mới, biến cuộc sống của mình trở nên tốt hơn. Thế nhưng, nếu chỉ để kiến thức nằm trên những trang giấy, đó sẽ chỉ là kiến thức chết. Chính vì thế, học phải đi đôi với hành, phải đi liền với thực tế để có thể đem hết những gì đã học cống hiến phục vụ cho đất nước.

Nguồn: VerbaLearn.com

Giải thích câu tục ngữ học đi đôi với hành – Mẫu 2

Trong xã hội, có những người cho rằng học tập để tích lũy thêm nhiều kiến thức mới là quan trọng nhất và cũng dễ dàng đi đến thành công hơn so với những con đường khác, cho nên ngày ngày họ ngoài học cũng chỉ có học và chỉ biết chăm chăm vào các điểm số trên trường hoặc bằng cấp loại gì mà thôi. Ngược lại, cũng có những người cho rằng học tập là vô ích, tốn thời gian và tiền bạc, điểm số cũng chỉ đánh giá được một mặt là ai học thuộc được nhiều nội dung hơn mà thôi và chỉ có đi làm, đi thực hành ngay và luôn thì mới có kinh nghiệm, mới có thể kiếm được tiền để trang trải cuộc sống. Vậy, trong vấn đề này thì bên nào sai, bên nào đúng? Thực ra bên nào cũng có lý lẽ đúng, nhưng đồng thời cũng có suy nghĩ sai lệch. Để có được thành công, chúng ta không thể chỉ áp dụng duy nhất một phương pháp được. Cho nên ông bà ta có đúc kết ra câu tục ngữ: “Học đi đôi với hành” để nhắc nhở mọi người rằng đây chính là phương châm chân lý vẹn toàn trong công cuộc học hành của mỗi người. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu xem câu tục ngữ này có nghĩa là gì.

“Học đi đôi với hành” mang những ý nghĩa riêng biệt khi đứng riêng và khi hòa vào một câu thì ý nghĩa của chúng được nâng lên một tầm cao mới. “Học” là học tập, học hỏi những điều mới mẻ từ cha mẹ, ông bà, mọi người xung quanh chúng ta, và tiếp thu, lĩnh hội thêm các kiến thức mới từ nhà trường, thầy cô, bạn bè. Có thể nói học tập là bản năng và là bước đầu tiên để hiểu biết về các vấn đề cần thiết hay những vấn đề xung quanh chúng ta. Học hỏi không chỉ có ở con người, mà đối với một số loài động vật thì học hỏi cũng là một khả năng có sẵn. “Hành” là thực hành, vận dụng những lý thuyết đã được học để đưa vào đời sống và lao động sản xuất, giúp chứng minh được các kiến thức và lý thuyết được học là đúng đắn. “Hành” còn là một phương pháp, một sự bổ trợ lớn cho các kiến thức được tiếp thu trở nên có ý nghĩa và trọn vẹn. Cái gì “đi đôi với” cái gì có nghĩa là luôn luôn cùng nhau, bổ trợ cho nhau, song hành với nhau trong mọi hoàn cảnh và không tách rời nhau. Đúng vậy, “học” và “hành” là hai khái niệm song song và bổ sung cho nhau, thiếu cái này không được, thiếu cái kia cũng không được và học với hành khiến cho những kiến thức ta học được càng trở nên vững chắc, giúp cho hành động của chúng ta có cơ sở khoa học hơn, sáng tạo hơn, lời nói có logic hơn, từ đó kết quả được đánh giá cũng sẽ cao hơn và cũng sẽ được mọi người công nhận. Học và hành giống như những mảnh ghép trong một bức tranh lớn vậy, nếu thiếu mất một mảnh thì bức tranh sẽ không hoàn thiện hay đầy đủ được. Nhất là trong thời đại mà công nghệ đang phát triển vượt bậc như hiện nay, chúng ta càng cần phải áp dụng câu tục ngữ này thật tốt để có thể phát triển chính mình cũng như góp thêm phần giúp cho xã hội phát triển.

Nếu chỉ có học thôi thì kiến thức sẽ rất nhanh bị lãng quên, không thể hiểu vấn đề một cách trọn vẹn hoàn chỉnh được, có nắm vững kiến thức đến đâu mà không bắt đầu thực hành thì kiến thức cũng sẽ trở nên vô nghĩa, lãng phí và nó cũng chỉ là lý thuyết suông, không thuyết phục được sự tin tưởng từ mọi người và còn có thể gây nhàm chán cho người học. Ví dụ về một kiến trúc sư xem việc học hỏi thêm kiến thức mới là quan trọng hơn việc đưa lý thuyết vào thực tiễn để thực hiện. Anh ấy có kết quả học tập khá tốt, có thể coi là có nền kiến thức vững chắc và thâm hậu, nhưng vì không áp dụng vào thực tiễn nên những lý thuyết mà anh tự mày mò, những bản thiết kế mà anh tự sáng tạo ra đều không thể thực hiện được vì nó quá thiếu thực tế. Từ đó, trừ phi anh có thể chứng minh cho mọi người thấy được kết quả hoặc bổ sung thêm kinh nghiệm trong thực tiễn, nếu không thì cũng sẽ không ai dám nhận bản thiết kế của anh ấy hết.

Còn muốn “hành” mà không có kiến thức thì sẽ không biết nên bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ giai đoạn nào và dễ khiến cho người thực hành trở nên rối loạn và việc thực hành vội vàng đó sẽ có lỗ hổng, không được thuận lợi, trôi chảy hay là có được một kết quả tốt vì thiếu hụt kiến thức. Một người làm vườn, vì không học tập thêm nhiều kiến thức nên khi trồng cây đã khiến cho một hạt giống tốt không thể phát triển tốt, chữa một chậu cây sống thành chậu cây chết, không biết cây nào cần ánh nắng mặt trời nhiều, cây nào cần bóng râm, không biết lượng nước cần thiết của từng cây. Cuối cùng anh ta bị đuổi việc vì không thể làm tròn trách nhiệm chăm sóc cây và làm cho cả khu vườn trở nên lộn xộn.

Cho nên, vừa học vừa hành có thể giúp cho chúng ta nhớ lâu hơn, có hứng thú hơn với những gì đang làm, không quá thấy áp lực vì số lượng kiến thức khổng lồ của con người, và còn có thể giúp ích được cho cuộc sống. Học và hành giúp chúng ta thành thạo hơn trong mọi việc, làm gì cũng lưu loát và tiến bộ nhanh hơn. Tuy nhiên, ai ai rồi cũng sẽ bước chân ra xã hội để làm việc, làm ăn. Cho nên chúng ta không chỉ học kiến thức từ nhà trường mà khi ra ngoài cũng nên học những điều hay, điều tốt trong cuộc sống nữa, ví dụ như học được sự cảm thông, học được cách chia sẻ, học được những điều hay từ một người tử tế, dũng cảm,… như vậy khi đưa vào thực tiễn thì chúng ta sẽ ngày càng hoàn thiện được nhân cách của bản thân hơn. Nếu việc học được coi như là nền móng, thì có lẽ thực hành chính là một căn nhà rồi, nó sẽ là căn nhà vững chắc, kiên cố hay là căn nhà lung lay có một nền móng yếu kém tất cả đều là do bạn quyết định. Và chúng ta có thể thấy được rất nhiều người thành công khi biết cân bằng cả hai khái niệm này trong học hành, đời sống hay là trong sản xuất. Chúng ta có thể kể đến những nhà khoa học hay tiến sĩ như Alfred Nobel, ông đã bắt đầu nghiên cứu thuốc nổ từ năm 17 tuổi và sau mỗi lần nghiên cứu ông vẫn sẽ tự mình thử nghiệm dù nó có nguy hiểm tới mức nào, cốt yếu chính là muốn chứng minh lý thuyết mà ông đã làm ra và nếu có sai sót hay thất bại thì đó cũng sẽ là một bài học, một kinh nghiệm cho ông. Hay Thomas Edison, ông có hiếu kỳ đối với mọi thứ xung quanh từ khi còn bé, ông luôn tìm tòi và học hỏi để có thể tìm được câu trả lời cho mọi thứ xảy ra xung quanh mình và với sự suy nghĩ, tìm tòi, thực hiện và không chú trọng lý thuyết suông đó, từng bước Edison đã chinh phục những phát minh, những thiết bị có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của loài người như máy điện báo (phát minh đầu tiên), bóng đèn, máy quay phim, máy ghi âm, máy hát quay đĩa,…. và trước khi qua đời ông đã để lại cho nhân loại hơn 1300 phát minh tiên tiến, hữu ích, tiện lợi.

Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều người có một lối học sai lầm. Có người học vì bị gia đình ép buộc, bị áp lực từ cái nhìn của xã hội, và học tập với một trạng thái không cam tâm tình nguyện đó sẽ khiến cho người học dễ chán nản, không có được kết quả tốt hay là làm việc hiệu quả, tuy nhiên vẫn có người có thể thành công nhưng có lẽ họ sẽ không cảm thấy hạnh phúc vì lối đi sai lầm này. Hay là có người học vì xu hướng, vì ngành nghề này đang rất “hot” nên cho dù không thích, không có năng khiếu họ vẫn sẽ đi học, và khi một ngành nghề khác làm thay đổi xu hướng, không biết là họ có bỏ ngành trước và đi học ngành mới này không nhỉ? Học như vậy rất dễ gây gián đoạn, không thật sự “rành” hay hiểu biết về một nghề nào cả và cũng không có lối đi vững chắc cho tương lai. Còn có những người học vì hòng cầu danh lợi, chỉ có học không có hành, biết lý thuyết nhưng không biết áp dụng, và với mục tiêu, định hướng tầm thường ấy, có lẽ họ chỉ có thể đem bằng loại giỏi trưng trong lồng kính từ ngày này qua tháng nọ thôi. Các lối học sai này không những không giúp ta chân chính học tập mà còn ảnh hưởng đến tương lai của bản thân, tệ hơn là còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Do đó, chúng ta không nên học như vậy và nên phê phán lối học sai lầm này.

Và qua đó có thể thấy, khi chúng ta biết áp dụng câu tục ngữ này trong học tập hay đời sống, chúng ta không những nắm chắc vấn đề mà còn có thể hiểu sâu hơn từ những kiến thức đã học được. Cân bằng được giữa việc học và hành còn có thể giúp cho lối đi của chúng ta trở nên sinh động hơn và rõ ràng, cụ thể hơn. Tuy nhiên để có thể áp dụng trọn vẹn tục ngữ này, chúng ta nên biết định hướng hợp lý cho tương lai, và nhận biết được sở thích hay đam mê của bản thân. Từ đó sẽ càng có hứng thú, say mê với việc học tập, tìm tòi và càng mong muốn được thử thách bản thân khi áp dụng những gì được học vào thực tiễn và trải nghiệm thực tế. Được học về ngành nghề mơ ước, yêu thích sẽ giúp chúng ta có được sự kiên trì hơn khi gặp khó khăn, không dễ dàng bỏ cuộc, và biết phát triển khả năng, điểm mạnh của bản thân còn có thể giúp ích cho xã hội nữa.

“Học đi đôi với hành” là hai khái niệm không nên tách rời, chúng chỉ có ý nghĩa lớn khi đứng cạnh nhau và đây cũng là phương châm mà ông bà ta muốn nhắc nhở chúng ta dù là ở thế hệ nào đi chăng nữa, thì cũng nên áp dụng tốt phương pháp này trong học tập và cả trong cuộc sống. Từ đó việc học sẽ trở nên có ý nghĩa hơn. Qua đó cũng gián tiếp thúc đẩy cho sự phát triển của bản thân chúng ta nói riêng và xã hội nói chung.

Nguồn: VerbaLearn.com

Rate this post

Viết một bình luận